“Bullshit! Em ngốc vậy? Em phải như thế này, em nên làm thế kia mới đúng!”. Sau vài lần phản ứng như thế từ người cũ, mình quen dần với việc im lặng, giấu hết mọi việc vào trong, không chia sẻ nữa. Để rồi có lần bạn phát quạu và hỏi mình: “Sao em cứ phải giấu mọi chuyện như mèo giấu *** vậy?”. Những ký ức đó ám ảnh mình đến nỗi, khi bước vào các mối quan hệ sau này, trước khi quyết định kể một câu chuyện nào đó, mình đều khựng lại 1 nhịp. Vẫn là cảm giác sợ. Sợ rằng nói ra rồi, thứ mình nhận lại sẽ là sự cảm thông hay những phán xét và chỉ trích?
Hôm qua, bạn người yêu hỏi mình có chuyện gì muốn kể với bạn ấy à? Sau khi nghe mình huyên thuyên hồi lâu, thay cho việc “em nên thế này, em phải thế kia”, bạn ấy hỏi mình “Nếu biết vậy rồi thì phải làm sao để không như thế nữa nhỉ?”. Sau câu hỏi của bạn, mình thấy dễ chịu. Vì điều mình cần, là một người nghe mình nói, chỉ đơn thuần là thế mà thôi. Mình hoàn toàn không hỏi xin ý kiến hay tìm kiếm lời khuyên.
Thật ra, ai cũng đều có những vấn đề của riêng mình. Và phần lớn, họ đều biết bản thân cần phải làm gì để giải quyết. Khi đã chọn chia sẻ, thứ người ta mong muốn là cảm giác được lắng nghe, được cảm thông. Không phải những phán xét, chỉ trích hay nhận lời khuyên, trừ khi họ chủ động hỏi điều đó.
“Người lạ ơi” hay “Tâm sự cùng người lạ” đều là kết quả của việc cả 2 không thể chia sẻ cùng nhau trong một mối quan hệ. Nhưng trước khi trách móc người ta vì sao không tâm sự cùng mình mà phải tìm đến một kẻ lạ mặt khác để giãi bày thì mấy ai tự đặt câu hỏi, liệu chính mình đã thật sự lắng nghe nửa kia chưa? Lắng nghe bằng tất cả sự nhẫn nại, bằng mong muốn được sẻ chia, để đồng cảm và thấu hiểu. Lắng nghe mà không buộc tội, không phán xét, không chỉ trích, không cắt ngang.
Yêu một người, đôi khi chẳng phải điều gì quá lớn lao. Chỉ cần bạn cạnh bên và lắng nghe họ nói. Cũng có khi họ chẳng muốn nói gì vì trong lòng còn nhiều mỏi mệt. Những lúc như thế, đừng thúc giục hay ép buộc. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn và cạnh bên, thật yên mà thôi. “Ôm tớ đi, ôm thật chặt và thật lâu nhé. Và không cần phải nói gì cả”. Những ngày nhiều giông bão, đó là tất cả những gì chiếc người yêu cần ở mình.
Bên cạnh vai trò của một lover, mình còn muốn được là soulmate của bạn ấy. Một soulmate có thể mang lại cho người mình yêu cảm giác được đồng loã trong mọi điều, chia sẻ cùng nhau về mọi thứ. Một soulmate luôn đứng phía sau, âm thầm ủng hộ và mang lại cảm giác an toàn. Không phán xét, không chỉ trích. Để ngoài kia bao nhiêu sóng gió, bạn sẽ luôn nhớ rằng, bạn có nơi để trở về và đó chắc chắn sẽ là bình yên. Để mỗi khi gặp chuyện không vui, người mà bạn muốn chia sẻ đầu tiên, sẽ là mình mà không phải một kẻ xa lạ nào khác.
Để làm được điều đó, chẳng có cách nào khác ngoài việc học cách lắng nghe. Lắng nghe để thấu hiểu. Thấu hiểu để yêu thương.
Trong tình yêu, được lắng nghe nửa kia, với mình, đó là một đặc quyền.
st