Thanh khoản giảm sút trong bối cảnh thông tin tích cực được đưa ra, cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong hướng giải quyết “bài toán” thanh khoản thị trường. Trong khi đó, thị trường giao dịch sôi động được coi là yếu tố chính để hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, tăng tính thanh khoản cho thị trường đang là vấn đề cấp bách hiện nay.
VN-Index đánh dấu tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp với chốt tuần (26/8) đứng ở mức 1.282,57 điểm, tương ứng tăng 13,39 điểm (+1,06%) so với tuần trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó với tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 17.974 tỷ đồng/phiên, giảm 1,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 2% và đạt 16.044 tỷ đồng.
Trước những thông tin tích cực hỗ trợ, thanh khoản thị trường lại có chiều hướng diễn biến không được như kỳ vọng (Ảnh: Int)
Thanh khoản chưa như kỳ vọng
Đáng chú ý, thanh khoản thị trường giảm trong bối cảnh Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam vừa ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, có hiệu lực từ 29/8/2022. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được giao dịch cổ phiếu với chu kỳ T+2 thay vì T+3 như trước.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã báo cáo với UBCKNN về việc chốt thời hạn ngày 12/9 để thực hiện giao dịch lô lẻ.
Những thông tin trên được cho là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung, cũng như nhà đầu tư nói riêng. Bởi rủi ro biến động giá trong thời gian chờ chứng khoán về tài khoản sẽ giảm.
Bên cạnh đó, việc giao dịch lô lẻ trở lại sẽ giúp nhà đầu tư giải quyết được một số bất tiện trong giao dịch như bán cổ phiếu lẻ nhận từ các đợt chia cổ tức cổ phiếu và phát hành thêm…
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược thị trường và vĩ mô, Chứng khoán KB Việt Nam, việc giảm thời gian thanh toán có tác động tích cực đến thị trường về mặt thanh khoản.
Về dài hạn, việc rút ngắn thời gian thanh toán sẽ giúp cải thiện kết quả đánh giá của FTSE về TTCK Việt Nam (tính đến tháng 7/2022, Việt Nam chưa đạt 2/9 tiêu chí là chu kỳ thanh toán và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài), góp phần đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.
“Hiệu ứng từ việc giảm thời gian thanh toán T+2 sẽ khiến thanh khoản thị trường có sự cải thiện, có thể tăng 10 - 20% nếu các điều kiện khác không thay đổi”, ông Đức Anh kỳ vọng.
Tương tự, Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính, thời gian thanh toán được rút ngắn có thể giúp thanh khoản thị trường tăng 10 - 15%.
Có thể thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường đang ghi nhận đà hồi phục trở lại với thanh khoản được cải thiện. Cụ thể, giá trị giao dịch khớp lệnh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ mức bình quân hơn 10.000 tỷ đồng/phiên (tháng 7) đã tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng/phiên (tháng 8), trong đó, không ít phiên đạt trên 15.000 tỷ đồng.
Như vậy, trước những thông tin tích cực hỗ trợ, thanh khoản thị trường lại có chiều hướng diễn biến không được như kỳ vọng. Điều này cho thấy phần lớn tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được “cởi trói” hoàn toàn.
Cần đưa ra nhiều biện pháp mang tính căn cơ
Thực tế cho thấy, tính thanh khoản cao, thị trường giao dịch sôi động được coi là yếu tố chính hấp dẫn nhà đầu tư. Vì vậy, trong dài hạn, cần có nhiều biện pháp mang tính căn cơ hơn. Đó là tăng số lượng và chất lượng hàng hoá, tính minh bạch của thị trường và đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường cũng như công tác thoái vốn nhà nước…
Việc giảm thời gian giao dịch về T+2 được đánh giá là hướng đi mới của TTCK, song về bản chất là cải thiện khâu thanh toán, còn khâu giao dịch vẫn chưa được cải thiện.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều đang áp dụng mô hình thanh toán T+2 như Mỹ, châu Âu. Trong đó, Mỹ chuyển sang thanh toán T+2 từ năm 2017. Tại châu Á, Nhật Bản áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 từ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều TTCK cho phép bán khống, đặc biệt là giao dịch trong ngày (T+0).
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thời gian giao dịch về T+0 chắc chắn sẽ làm cho giao dịch sẽ rất sôi động. Để làm được điều này, cần có hệ thống giao dịch và hệ thống bù trừ phù hợp. Trong khi đó, cơ chế giao dịch T+0 đã được tích hợp trong gói thầu công nghệ KRX mà HoSE, HNX và UBCKNN đang triển khai.
Bên cạnh đó, nên giảm tỷ lệ ký quỹ trước khi mua chứng khoán từ mức 100% bằng tiền mặt hiện nay. Đây cũng là yêu cầu của các tổ chức nâng hạng thị trường.
Không chỉ vậy, nên đẩy mạnh quá trình phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết các cổ phiếu mới, nhằm thu hút thêm sự tham gia của các nhà đầu tư.
Hơn nữa, việc nới hạn mức sở hữu nước ngoài (room) tại các doanh nghiệp cũng cần được xem xét, để thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại.
Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể giảm thuế, phí giao dịch để hỗ trợ thanh khoản thị trường.
Ngoài ra, việc tăng tính minh bạch cho thị trường cũng là vấn đề nổi cộm, khi mà đây cũng là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng lớn đến thanh khoản gần đây của thị trường.
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt các vụ thao túng giá cổ phiếu đã được phơi bày. Đáng buồn, 2 vụ việc lớn gây chấn động gần đây, để lại nhiều hậu quả lớn cho toàn bộ thị trường là vụ việc liên quan tới FLC và Louis Holdings đều có “bóng dáng” của các công ty chứng khoán (CTCK) - nơi nhà đầu tư gửi trọn niềm tin và tài sản của mình.
Xu hướng ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản sở hữu, góp vốn vào CTCK ngày càng phổ biến và trở nên rõ nét hơn trong bối cảnh tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao chịu kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, những vụ việc xảy ra cho thấy, việc doanh nghiệp niêm yết sở hữu CTCK đang lộ dần nhiều rủi ro với những bất cập lớn liên quan tới tính minh bạch của thị trường.
“CTCK nên hoạt động độc lập, bởi nếu nằm trong hệ sinh thái của các doanh nghiệp khác, có thể chịu sự chi phối”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề lớn nhất của việc lành mạnh hóa thị trường nằm ở thông tin, đặc biệt là thông tin mang tính chất nội gián, làm giá, thổi giá,… Đây là điểm mạnh nhưng nếu không kiểm soát được sẽ thành điểm xấu, không chỉ làm thị trường chao đảo mà còn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy cần phải kiểm soát giúp minh bạch hoá thị trường.
Bên cạnh đó, cần phải tách bạch hoạt động tư vấn phân tích và tự doanh của các CTCK để hai bên không gây ảnh hưởng đến nhau.
Nguồn: | Thời báo kinh doanh |