Mối mâu thuẫn là một khâu quan trọng trong đường truyền của dòng suy nghĩ và là hậu kiện của tư duy, là kết quả của quá trình thể nghiệm và lắng nghe chính những tiếng nói của mình đang cất tiếng sâu thẳm trong tim. Một lần “bày trò” để chơi khó đôi chút cho vui, cũng là cách khiến não bộ được tập Pilates một chút. Oh well, tiêu đề không hề lạ, thậm chí đã được mổ xẻ khá nhiều. Biện luận cũng là một phi vụ nguy hiểm, và mình thì lại “trót” bày vẽ cái khó để nghịch. Không phải vì khó hiểu, mà khó là…cất tiếng quan điểm sao cho chuẩn.
Hiểu một cách đơn giản thì lạc quan là trạng thái nhìn mọi việc theo hướng tích cực, là cách để ta tìm kiếm sự giải thoát khỏi những ràng buộc và bủa vây của áp lực. Well, thật tốt, hẳn ta sẽ nghĩ vậy. Dĩ nhiên nó đúng, “cuộc sống có nhiều lựa chọn nên hãy chọn niềm vui”, phải vậy không nhỉ? Không đi dài dòng nữa, nhìn lên tiêu đề, chúng ta biết rằng bản thân phải bắt đầu chấp nhận một mặt trái của lạc quan. Nó tốt mà lại không tốt, nôm na như vậy, tức là lạc quan có mặt tiêu cực, và trong bối cảnh hiện tại, CHƯA CHẮC đã tốt bằng bi quan đâu.
Bối cảnh đó là gì…về vị trí xã hội, về con đường ta đang đi, là thời điểm, dấu mốc cuộc đời, là nơi ta đang đứng. Bản chất của cuộc sống là luôn vận động, luôn thay đổi, luôn phát triển ( theo chiều hướng tiêu cực hoặc tích cực, chứ không đứng im), là sự biến đổi về hình thái, tư duy, thế giới quan. Đó là nền tảng để ta xem xét rằng, lạc quan tốt hay bi quan tốt? Vậy làm sao để biết lạc quan tốt hay không? Đó là ta nhận thấy rằng, lạc quan có thể tạo cho ta cảm giác giải thoát nhất thời, nhưng nó không đem lại cho ta sự định hình tư duy và trạng thái phục hồi về mặt tinh thần, nó chỉ đơn giản là khiến ta trốn tránh thực tế, bao biện cho sự thất bại, cố ý lạc hướng bằng sự thoái thác. Lúc ấy, cái ta cần là một điều gì đó rất khác, bi quan khi ấy là trạng thái thúc đẩy ta phát triển theo chiều hướng tích cực và tiến bộ, bắt ta nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận, thấu đáo, phục hồi và thậm chí là reset mau chóng.
LẠC QUAN TỐT HAY KHÔNG? PHỤ THUỘC VÀO GIÁ TRỊ VÀ HẬU KIỆN CỦA NÓ.
Tiếc thay, trạng thái lạc quan đi liền với cái tâm cần nhàn hạ, là sự thoả hiệp, là sự bằng lòng. Tuổi trẻ vội thoả hiệp, đó là cái đáng lo. Không phải đáng lo suông đâu, nó đang dần tạo nên những nếp sống-hệ quả vô cùng xấu, đó là ngừng phát triển. Tuổi trẻ phải phát triển, nhưng khi ngừng lại thì không đơn giản vậy, nó kéo theo hệ lụy là gánh nặng cho thế hệ sau. Đừng đánh đồng “nếp sống nhàn, trân quý và bằng lòng những gì mình sở hữu” với cái “lạc quan tếu táo”, với sự chấp nhận sống một màu, sống bằng sự buông xuôi và để cuộc đời trôi dạt hết tuổi trẻ. Thời gian là một thứ đáng tiền lắm. Nó là cổ phiếu mà, chỉ khác số dư biến động qua tay người chứ không qua thị trường.
Nhấn mạnh ở đây là lạc quan thường đi liền với nếp sống nhàn. Những trường hợp khác thì sao? Những trường hợp"không thường" ấy, nó cho ta cảm giác an toàn nhất thời, vậy cảm xúc đó thay bằng một liều bi quan thì sao? Hoặc là ta sớm reset, hoặc là ta cứ lạc quan một chút để hồi sức. Hồi sức quan trọng mà, vậy tại sao lạc quan không quan trọng? Vì nó chỉ xảy đến MỘT CHỐC LÁT, và chỉ là CẢM XÚC NHẤT THỜI. Cái ta có là cả cuộc đời dài rộng, vịn bám vào lạc quan là điều dễ khiến ta nhìn sự việc phiến diện, cảm xúc bị phụ thuộc sự lạc quan sẽ dễ bị tổn thương.
VÌ SAO LẠC QUAN ĐỘC HẠI?
Nó quá dễ gây nhầm lẫn, quá dễ khiến con người phụ thuộc và vịn bám. Nó dễ chi phối cảm xúc, do đó chi phối cả cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ.
P/s: Hãy cứ lạc quan, và đừng quên chừng mực, chớ có dõi theo quầng sáng rực rỡ mà quên rằng, nơi ta đang đứng là đường ray tàu hỏa.