Thursday, June 23, 2022

4 quy tắc vàng dạy con thành doanh nhân


Nhiều bậc cha mẹ hy vọng rằng con cái của họ lớn lên sẽ trở thành những doanh nhân được ngưỡng mộ, hoặc thậm chí là nổi tiếng thế giới giống như ông trùm xe điện Elon Musk. Trên thực tế, vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy những đứa trẻ thông minh, tự tin và thành đạt.

Chuyên gia nuôi dạy con nổi tiếng tại Mỹ, bà mẹ tận tụy Margot Machol Bisnow có 2 cậu con trai là doanh nhân hạnh phúc và có năng lực. Bà đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách “Nuôi dạy doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ.” 

Bà Bisnow đã viết trên tờ báo CNBC vào ngày 11/6 rằng các doanh nhân không chỉ là người sáng lập các doanh nghiệp vì lợi nhuận, họ còn là những người bền gan vững chí, làm việc chăm chỉ. Họ bắt đầu một cái gì đó, lên ý tưởng và áp dụng chúng vào thực tế, biến đam mê thành dự án.

Trước khi viết cuốn sách “Nuôi dạy doanh nhân”, bà Bisnow đã phỏng vấn 70 bậc cha mẹ đã nuôi dạy con cái thành công, để có được các ý tưởng từ các ví dụ thực tế. Dưới đây là 4 “quy tắc vàng” nuôi dạy con thành công mà bà Bisnow đã tổng hợp cho các bậc cha mẹ: 

1. Tạo cho trẻ tính cách độc lập cao

Cô Susan và cô Anne Wojcicki là một cặp chị em thành đạt. Cô Susan từng là giám đốc tiếp thị đầu tiên của Google và sau đó trở thành Giám đốc điều hành của Google vào năm 2014. Còn cô Anne là người đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học và gen cá nhân 23andMe. 

Nói chuyện với mẹ của hai chị em là bà Esther, bà Bisnow biết được rằng các cô gái đã lớn lên trong sự tin tưởng của mẹ rằng họ sẽ cư xử có trách nhiệm. 

“Tôi đã cho bọn trẻ một số cơ hội làm việc tự lập từ rất sớm”, bà Esther cho biết.

“Tôi đã có 3 đứa con trong 4 năm, hơn nữa tôi không có ai để giúp đỡ, vì vậy tôi đã để chúng làm việc trong trường hợp cần thiết”, bà Esther nói. 

Bà Esther chia sẻ thêm: “Bạn có thể để bọn trẻ đóng góp cho gia đình bằng cách yêu cầu chúng làm các việc, như giao cho chúng phụ trách công việc nhà và xây dựng sự tự tin cho chúng.” 

2. Tích cực nuôi dưỡng lòng nhân ái cho trẻ





Những đứa trẻ được cha mẹ cho chúng thấy cảm giác của việc giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn, dù ở khắp nơi trên thế giới hay trên bàn bếp, sẽ có bước khởi đầu trong việc phát triển một tấm lòng nhân ái.

Ông Scott Harrison là người sáng lập Tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Water với sứ mệnh khôi phục và bảo vệ các giếng nước tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận bền vững với nước sạch. Chỉ trong 15 năm, Tổ chức từ thiện Water đã giúp đỡ cho 60.000 dự án tại 29 quốc gia đang phát triển, mang lại nguồn nước sạch cho 12 triệu người và quyên góp được gần 500 triệu USD cho mục đích này. 

Trước khi mẹ của ông Scott Harrison là bà Joan qua đời, bà đã nói với bà Bisnow rằng thành công của con trai bà là do nền tảng nuôi dạy con cái mà bà đã thiết lập từ rất sớm, được xây dựng dựa trên việc nuôi dưỡng tinh thần cộng đồng, kỷ luật và làm việc chăm chỉ. 

Khi Scott Harrison học tiểu học và trung học cơ sở, bà Joan sẽ giúp cậu ấy phân loại quần áo, sách vở và đồ chơi, đồng thời họ sẽ tặng một số thứ cho những đứa trẻ cần nó.

Nhận thức sớm về những vấn đề mà người khác gặp phải cũng có thể khuyến khích trẻ bắt đầu đặt những câu hỏi kinh doanh như: “Mọi thứ có thực sự phải theo cách này không?” “Làm thế nào tôi có thể làm cho chúng tốt hơn?” 

3. Chào đón thất bại đến sớm và thường xuyên 

Cô Nia Batts là người đồng sáng lập công ty dịch vụ làm đẹp và chăm sóc tóc Detroit Blows. Bà Bisnow gặp cô Nia Batts khoảng 10 năm trước khi cô còn đang làm việc cho Viacom, một tập đoàn giải trí và truyền thông đa quốc gia của Mỹ. 

Khi được hỏi làm thế nào có đủ can đảm để rời bỏ công việc an toàn của mình và bắt đầu lại từ đầu, Nia Batts cho biết đó là bởi vì cô đã được học các giá trị từ những thất bại sớm và thường xuyên.

“Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, khi chở tôi đi học hoặc đón tôi về, bố sẽ thường hỏi: ‘Hôm nay con thất bại những phương diện nào?’. Ông đã hỏi câu này khi tôi đi học đại học. Khi tôi bắt đầu đi làm, ông ấy còn hỏi thường xuyên hơn.” cô Nia Batts nói. 

Nhiều bậc cha mẹ thường cố gắng giúp con cái tránh thất bại, nhưng cha mẹ của cô Nia Batts muốn đảm bảo rằng họ tạo ra một môi trường để con cái có thể chấp nhận thất bại. “Cha tôi đã dạy tôi rằng trong vết thương lòng có món quà của con, và trong thất bại là cơ hội của con.” cô Nia Batts nói chia sẻ.

4. Từ bỏ quyền kiểm soát 

Trẻ em cần thời gian để khám phá con đường phía trước của chúng. Nhiều đứa trẻ đã phải trải qua những khoảng thời gian mà chúng không biết mình sẽ đi về đâu. Trong trường hợp này, một số cha mẹ có thể nghĩ rằng con họ mất phương hướng. Nhưng cha mẹ của những đứa trẻ trở thành doanh nhân có nhiều khả năng xem giai đoạn này như một thời gian cho đứa trẻ khám phá. 

Đối với nhiều bậc cha mẹ, đây mới là phần khó khăn: Nếu bạn muốn bồi dưỡng một doanh nhân, bạn cần phải đi theo và dẫn hướng cho chúng, bất cứ nơi nào con bạn muốn đến.

Bác sĩ Kenneth Ginsburg là tác giả của cuốn sách “Xây dựng khả năng phục hồi ở trẻ em và thanh thiếu niên”, khuyên rằng khi cha mẹ muốn giúp đỡ và hướng dẫn con cái, họ phải tự nhắc nhở bản thân rằng: “Khi chúng ta để bọn trẻ tự tìm hiểu một điều gì, chúng ta cần truyền đạt thông điệp rằng ‘Bố/mẹ nghĩ con có năng lực và trí tuệ’.” 


Nói cách khác, hãy xem con bạn muốn gì, đam mê của trẻ là gì, sở trường của trẻ là gì và điều gì khiến trẻ hạnh phúc. Cho phép tài năng của trẻ được thể hiện ra. Sau đó, đưa ra sự hỗ trợ. Nói với trẻ rằng bạn tự hào như thế nào về thành công của trẻ trên con đường mà chúng đã lựa chọn. Sau đó nói đi nói lại với trẻ cho đến khi bạn chắc chắn rằng trẻ tin vào điều đó.


Trẻ cuối cùng có thể không làm tốt việc giống với suy nghĩ của bạn. Nhưng nếu trẻ có thể theo đuổi sở thích của mình, trẻ  sẽ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Đây không phải là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều hy vọng ở con cái của mình sao?  

Bà Maye Musk là mẹ của người đàn ông giàu nhất thế giới Elon Musk, đồng thời là tác giả cuốn sách “Kế hoạch của người phụ nữ” (A woman makes a plan). Trong cuốn sách, bà mô tả cách sống hòa thuận với 3 đứa con và cách nuôi dưỡng sở thích của chúng. Theo quan điểm của bà, cha mẹ có thể dạy con những thói quen tốt, nhưng không nên giúp con quyết định những gì mà chúng sẽ làm trong tương lai.  

Cả ba người con của bà Maye Musk đều có sự nghiệp thành công. Bà để bọn trẻ giúp chia sẻ công việc với mình ngay từ khi còn nhỏ; để chúng tự quyết định những gì chúng muốn làm và giữ cho chúng có trách nhiệm với tương lai của mình thông qua các quyết định mà chúng đưa ra khi chúng lớn hơn. 

Bà Maye Musk nói: “Tôi cũng dạy các con của tôi tính độc lập, lương thiện, thành thật, ân cần và lễ phép. Tôi dạy chúng tầm quan trọng của sự chăm chỉ làm việc và ý nghĩa của việc làm điều tốt. Tôi không bao giờ đối xử với chúng như những đứa “trẻ con” hay la mắng chúng. Tôi không bao giờ nói với chúng rằng chúng phải học gì. Tôi không bao giờ kiểm tra bài tập về nhà của chúng, vì đó là việc riêng của chúng.”


“Là cha mẹ, bạn chỉ cần dạy con mình lễ phép, nhưng hãy để chúng quyết định những gì chúng muốn,” bà chia sẻ.


Lâm Nghiên/ Theo Epoch Times

Nguồn trithucvn.org.