Friday, June 10, 2022

Khi quyết định khởi nghiệp...

 Lev Tolstoy từng viết: “Mọi gia đình hạnh phúc đều trông giống nhau, nhưng những gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo những cách khác nhau”. Đây ko hẳn là câu chuyện về hạnh phúc gia đình, mà gần như là 1 triết lý nhìn nhận sự việc trong cuộc sống, trong đó có công việc kinh doanh. Các doanh nghiệp khởi sự theo nhiều cách khác nhau, vận động khác nhau, và thành bại cũng khác nhau. Và nhìn vào các doanh nghiệp thành công bền vững lâu dài, đâu đó ta thấy rất nhiều ĐIỂM CHUNG. 

Bài viết này dành cho 1 trong các điểm chung đó.



“HÃY MÚA VÕ Ở GIỮA VÕ ĐÀI”

Quyết định khởi nghiệp đã khó, đưa doanh nghiệp từ 0 đến 1 còn khó gấp bội. Trong quá trình đi từ 0 đến 1, bạn hãy quên nội dung bài viết này đi, bởi khi ấy một “nhân tố mới” (chính là DN của chúng ta) để khách hàng, thị trường đón nhận và ủng hộ thì cần rất nhiều sự độc đáo, sự gắng sức, sự hồi hộp lo lắng, sự đánh liều,… không chỉ của riêng bạn (CEO) mà của cả đội ngũ đi cùng nữa (Đấy chính là lý do vì sao những người founder hay tham gia từ những ngày đầu là những ng được trọng thưởng nhiều nhất!). Nhưng sau khi đã lên 1 rồi, bạn sẽ đứng trước 2 sự lựa chọn: dẫn dắt DN đi tới mục tiêu 10 hay 100. Nghe thì hơi kỳ, bởi nếu chỉ có 2 số mục tiêu ấy thì đương nhiên là chọn 100 rồi??! Nhưng thực tế ko dễ như vậy, vì thực ra ko có ai xuất hiện đặt câu hỏi để bạn chọn cả, mà chẳng qua đây là lúc bạn phải chọn để rẽ vào 1 trong 2 con đường liên quan tới cách vận hành doanh nghiệp: tiếp tục đi trên dây hay hướng dần về phía giữa võ đài.

Đi trên dây, hay chính là chính bạn và DN của bạn trong giai đoạn đi từ 0 tới 1 đó, là all-in mọi thứ và đánh liều với tất cả. Còn đi về giữa võ đài là sao? Đây là hình ảnh ẩn dụ mượn lời từ huyền thoại kinh doanh Nhật Bản Inamori Kazuo: “Hãy múa võ ở giữa võ đài!” (“võ đài” ở đây là sàn đấu môn Sumo nhé, nó không có dây chăng như ở võ đài quyền anh đâu, rất dễ ngã!) Hiểu đơn giản là hãy chiến đấu ở nơi rộng rãi, nhiều đất, tránh khỏi rủi ro “trượt chân” bất chợt.

Liên hệ trực tiếp tới hoạt động kinh doanh, thì áp dụng đầu tiên đó là việc tránh đặt mình vào các tình thế đặt cược all-in có thể nguy hại tới sự tồn vong của doanh nghiệp trong nháy mắt, kể cả khi rủi ro đánh giá là “thấp”. Giả dụ khi ta đi vay nợ số tiền quá lớn để đầu tư vào 1 dự án với kỳ vọng đem lại bước tiến đột phá về lợi thế cạnh tranh. Hay như câu chuyện của ngài Arakawa - cựu CEO Bridge Stone toàn cầu, khi ông thấy nhiều doanh nghiệp thả nổi các khoản vay ngoại tệ (ko bảo hiểm tỷ giá) khi đầu tư nhà máy tại nước ngoài… Những cuộc “tất tay” này có thể thoát 1 lần, 2 lần, nhưng những rủi ro Thiên Nga Đen thì thường nhiều hơn những gì bạn nghĩ (thế mới gọi là Thiên Nga Đen!). Bạn hãy có những tầm nhìn và quyết định đột phá, nhưng hãy kiểm soát, chế ngự rủi ro bằng cách khống chế tổn thất nếu chẳng may bạn trượt chân trên dây.
Nhưng quan điểm này có thể hiểu rộng ra hơn nữa.

“HÃY COI NÓ NHƯ PHẦN THƯỞNG THÊM”

Mở ra và vận hành các DN nhỏ, chúng ta thường dễ bị rơi vào cảnh “mong manh”. Cái đó là điều dễ hiểu. Nhưng kể cả khi đã đưa DN đi lên bước “tương đối ổn định” rồi, cái tâm lý Kinh doanh Mong manh đó vẫn cứ đeo bám, chi phối hành động của chúng ta. Đây chính là lý do khi nhiều doanh nghiệp đi từ 0 lên 1 rồi xong mãi cũng chỉ dừng ở 2,3, cùng lắm là 5x. Con đường lên 10x, rồi 100x sao mãi cứ thấy “như là giấc mơ” vậy. Bạn đâu biết rằng 1 trong những yếu tố cản trở chính là tư duy Kinh doanh Mong manh kia.

Hãy tưởng tượng, khi DN còn mới, thì để huy động sỹ khí, bạn phải dựa (gần như hoàn toàn) vào yếu tố uy tín cá nhân, hô hào tinh thần, và những lời hứa hẹn… Rất may là đa phần anh em cùng nghe mình và đồng cam cộng khổ. Nhưng vẫn cứ bài ấy, bạn khó lòng tập hợp được đủ những người tài cần thiết. Chưa kể ae thời kỳ đầu cũng ko thể nào cam chịu mãi được.

Hoặc về sức làm việc. Hồi đầu thì mọi người đều máu lửa, làm việc quên ngày đêm, coi đó là bình thường và chẳng ai đòi quyền lợi. Nhưng sau này bạn thấy chỉ có 1 số ít cán bộ còn tinh thần đó, trong khi rất nhiều người làm ở mức (bạn cho là) “vừa phải”. Bạn thấy như thế này thì công ty “làm sao mà sống được!”

Về hạch toán tài chính cũng vậy. Giai đoạn đầu sản phẩm chưa được đón nhận, doanh số chưa nhiều, dẫn tới lợi nhuận rất hạn chế. Phản xạ chung của DN nhỏ VN (thậm chí cả DN trung, rồi lớn) là chơi bài 2 sổ, nôm na là khai man để đỡ nộp thuế. Thậm chí có nơi ko chơi bài này thì cũng ko còn gì (!)…

Bạn đã từng “nhờ vào” những điều này để công ty tồn tại tới ngày hôm nay, nhưng liệu đây có phải là những Điều kiện để vận hành 1 DN hay ko?

Nếu nó vẫn là Điều kiện cần, dù trong thực tế hay trong Tư duy, thì có lẽ con đường Trưởng thành của DN bạn vẫn còn xa đó..

Tokyo, T2/2022.