Trái ngược với nhiều người chỉ mong ngóng, tranh thủ từng cơ hội hoặc tìm mọi cách để đạt được “ghế sếp”, cuộc sống còn có những nhân vật thực sự sợ “ghế nóng”. Lý do đưa ra không hẳn vì người đó thiếu tài, thiếu năng lực
Làm sếp thiệt sung sướng. Này ăn trên nói trước. Này thét một tiếng ra lửa. Sếp càng “bự”, lương càng cao. Quyền hành, bổng lộc theo đó cũng càng nhiều, “level” của sếp cũng càng lớn. Sếp đi về có kẻ đón, người đưa. Nhân viên kính sợ, đối tác nể phục, gia đình tự hào, xã hội ngưỡng mộ. Lẽ tự nhiên, trong những cố gắng nỗ lực phấn đấu hàng ngày, có bao nhiều người muốn “được như sếp” hay cụ thể hơn “được làm sếp”. Thế nhưng, nhiều chuyện chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu, ngồi ở trên “ghế sếp” mới biết làm sếp không hề đơn giản chút nào. Và, những gì người ta thấy được, chỉ là một phần trong muôn vàn khó khăn mà sếp phải gánh vác mỗi ngày.
SƯỚNG NHƯ NHÂN VIÊN
Lê Phương, chuyên viên cao cấp tại một công ty chuyên kinh doanh thiết bị công nghiệp, chia sẻ hết sức thật lòng: “Làm sếp khổ lắm! Cứ nhìn sếp tôi mà hãi. Nhân viên như mình, chỉ cần làm hết công việc được giao là xong, lương bổng cũng không đến nỗi xoàng. Còn lên chức ư, bao nhiêu việc phải lo. Lo việc, lo giành hợp đồng, lo lương nhân viên, rồi tuyển dụng, sa thải, thăng giáng chức, lại còn lo ứng phó với thị trường, với đối thủ. Bao nhiêu việc lớn nhỏ phải lo lắng. Ngay cả chuyện mua cái bàn, cái ghế, bút bi, văn phòng phẩm cũng phải để mắt nhìn”. Lê Phương lại bảo: “Sếp lớn thế nhé! Sếp nhỏ cỡ như trưởng phòng hay trưởng nhóm thì áp lực cứ gọi là trên đe dưới búa. Luôn phải ngước nhìn lên trên rồi lại nhìn xuống dưới, vừa phải làm chuyên môn vừa phải làm quản lý. Thế nên, tôi thà làm nhân viên như vầy sướng hơn”. Phương đã từ chối cơ hội được bổ nhiệm làm trưởng phòng, một “bàn đạp” tốt để tiến đến các vị trí cao hơn. Việc này làm người nhà cô bức xúc một thời gian dài. Mọi người bảo cô gàn, dở, không chí tiến thủ, không biết nắm lấy cơ hội để vươn lên. Thế nhưng, sau quyết định từ chối ấy, Lê Phương vẫn đi làm, kiếm tiền đủ chi tiêu, sau công việc vẫn thoải mái vui vẻ. Nghĩa là, cô vẫn hạnh phúc ngay cả khi đã từ chối làm sếp.
“LÀM GƯƠNG”… KHÓ LẮM!
“Tôi không làm lãnh đạo được đâu!”, Hạnh nói trong tiếng cười vui vẻ. Nhân vật “dở người” này từng đảm nhiệm vị trí trưởng ban dự án, đứng đầu nhóm quản lý các dự án với khoảng hơn hai chục nhân viên trẻ dưới quyền. Đánh giá công bằng, Hạnh có tài, làm việc tốt, năng động, tháo vát và nhiều ý tưởng. Cô cũng được đánh giá cao trong các kỹ năng quản lý, thuyết trình, thuyết phục khách hàng và khéo léo trong giao tiếp. “Tội lỗi” duy nhất của cô là tính kỷ luật không cao. Cô làm việc kiểu nghệ sĩ, tùy hứng với thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch, “chuyên trị” đi làm muộn. Nhân viên khi muốn tìm cô để xin ý kiến, ký giấy tờ phải săn tìm, gọi điện khắp nơi. Mặc dù, Hạnh quản lý dựa trên hiệu quả công việc, không gò ép thời gian nhưng với cấp dưới cô vẫn là sếp. Cô phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc của ban dự án, lại phải luôn làm “tấm gương sáng” để mọi người noi theo. Nếu không, tùy hứng kiểu như cô thì công ty “dột từ nóc dột xuống”! Thế nên, cô sợ ghế sếp, sợ nhất là phải gương mẫu cho người khác noi theo.
—————–
“Người Việt Nam mình dường như không muốn làm mất lòng sếp. Họ luôn khen nịnh, tỏ ra kính trọng, song chỉ dừng ở thế thôi. Gần sếp quá, ai biết lỡ mình thất thố thì hậu quả sẽ thế nào”
—————–
CÔ ĐƠN NHƯ… SẾP
Thoạt nhìn, việc đảm nhiệm vị trí giám đốc chuyên môn ngay khi còn rất trẻ của Thy khiến bạn bè ngưỡng mộ. Cô đi công tác nhiều, cả trong và ngoài nước. Hôm nay, thấy cô ở phi trường HongKong, vài ngày sau lại đã thấy có mặt ở Singapore, rồi Úc, rồi Mỹ hay châu Âu. Cô tài giỏi, năng động, thông thạo ngoại ngữ, ứng xử linh hoạt và lúc nào trông cũng bặt thiệp, ngời ngời sức sống với nụ cười tươi. Chẳng ai nghĩ, mỗi ngày cô đều nếm trải sự cô đơn trong chính sự nghiệp thành công của mình.
Cô bảo: “Chẳng bao giời tôi biết các nhân viên của mình thực sự nghĩ gì. Họ vui vẻ với nhau, đứng trước tôi lại lặng lẽ phục tùng, bảo gì làm nấy. Ai cũng cố tỏ ra là nhân viên mẫn cán, chăm chỉ, trung thực. Tôi tổ chức các buổi gặp gỡ, ăn uống, team building để gắn kết với mọi người. Ai cũng tỏ ra thích vô cùng, thích thật hay không thì tôi chịu. Người Việt Nam mình dường như không muốn làm mất lòng sếp. Họ luôn khen nịnh, tỏ ra kính trọng, song chỉ dừng ở thế thôi. Gần sếp quá, ai biết lỡ mình thất thố thì hậu quả sẽ thế nào. Công ty đi chơi về, mọi người nhộn nhạo post hình và comment lẫn nhau. Facebook của sếp dù cũng post hình mà vắng như chùa Bà Đanh”. Điều đáng buồn cười là đôi khi chính cô cũng… sợ va chạm với nhân viên, sợ ai đó mất lòng, sợ nhân viên “chơi lại” sếp. Thành ra, chuyện sếp muốn có một người bạn, một đồng nghiệp gần gũi trong công ty đôi khi khó vô cùng. Giữa hàng trăm nhân viên, sếp khó nhận ra ai thực lòng, ai giả dối. Thế nên, ngồi giữa biết bao nhiêu gương mặt tươi cười mà thấy cô độc kinh khủng, nhất là khi sếp cũng là một người trẻ như mọi người trẻ.
KHÔNG HẸN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG
Trong thời buổi bon chen đến ngột nhạt này, từ chối “ghế sếp” có phải chuyện ngược đời? Đó chưa hẳn là một lựa chọn khôn ngoan nếu bạn thực sự có năng lực, có kinh nghiệm, kỹ năng và thật sự muốn cống hiến, cũng như thật sự có tốt chất của một “leader”. Khi bạn có tham vọng, khát vọng hay hoài bão vươn đến đỉnh cao nhất của thành công, thì sao lại không cố hết sức mình cho điều ấy?!
Khi không cố nhắm mắt trước hiện thực cuộc sống, ta phải thừa nhận rằng “ghế sếp” và quyền lực sau những chiếc ghế ấy có ma lực lắm. Tình trạng tham quyền cố vị, đua chen chức tước, bổng lộc rồi chạy chọt, tranh giành, đấu đá đã được xem như chuyện bình thường. Xã hội ấy rất cần những người sếp chân chính, thực tài, thực tâm và đủ thực lực để ngồi ghế sếp. Mặt khác, so với những kẻ tham quyền cố vị, những người biết mình, biết ta, biết từ chối sau khi cân nhắc và suy xét hợp lý các “giá trị” mong đợi của bản thân hay sự phù hợp với “ghế sếp” cũng là điều nên đánh giá cao. Trong cuộc sống, không phải ai cũng mong muốn đạt đến giá trị, các vị rí được tạm gọi là chuẩn của số đông. Không hẹn nhau trên đỉnh cao nhất của thành công cũng chỉ là câu chuyện bình thường, như bao chuyện khác.
st