Friday, September 30, 2022

Toyota, Mazda, Mitsubishi... Khi các ông lớn Nhật Bản quyết tâm dứt áo ra đi khỏi Nga

 Các ông lớn trong ngành ô tô đã và đang lên kế hoạch rút lui khỏi Nga. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang định hình lại hoạt động sản xuất ô tô tại Nga và thúc đẩy các nhà sản xuất dịch chuyển sang châu Âu.

Toyota Motor mới đây đã đưa ra thông báo rút lui khỏi hoạt động sản xuất và kinh doanh ô tô ở Nga, với lý do khó khăn trong việc cung cấp các nguyên liệu và phụ tùng quan trọng tại nước này trong bối cảnh xung đột chưa có hồi kết giữa Nga và Ukraine.

Toyota là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đầu tiên tuyên bố rút khỏi Nga. Hiện tại, nhà sản xuất ô tô sẽ tiếp tục sửa chữa và bảo hành cho những chiếc xe mà họ đã bán ra ở Nga. Trước đó khi xung đột bắt đầu diễn ra, họ đã đình chỉ hoạt động nhà máy của mình ở St.Petersburg vào ngày 4/3.

Đại diện hãng cho biết: “Sau 6 tháng, chúng tôi không thể tiếp tục các hoạt động sản xuất bình thường và chúng tôi cũng không nhìn thấy tiềm năng có thể tái hoạt động lại trong tương lai.”

Sự gián đoạn sản xuất đã kéo dài trong một thời gian dài, điều này khiến hãng buộc phải chấm dứt hoạt động. Toyota là nhà sản xuất đến từ Nhật Bản có thị phần lớn nhất tại Nga. Hãng đã sản xuất 80.000 chiếc xe và bán được 110.000 chiếc trong năm 2021 tại thị trường này. Công ty bắt đầu sản xuất xe vào năm 2007 tại St.Petersburg với sản phẩm chủ yếu gồm dòng xe thể thao đa dụng RAV4 và Camry vào năm 2021.

Theo khảo sát từ Đại học Yale, hơn 1.000 công ty đã công bố kế hoạch cắt giảm hoạt động ở Nga. Renault đã bán lại khoảng 68% cổ phần họ đang nắm giữ tại nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga AvtoVAZ cho một viện nghiên cứu trực thuộc nhà nước Nga với giá chỉ 1 rúp vào hồi tháng 5 vừa qua. Trong ngành công nghiệp thực phẩm, McDonald's và Starbucks là một trong số những công ty đã rời khỏi Nga.

Nối gót Toyota, Mazda đang cân nhắc việc chấm dứt hoạt động sản xuất tại Nga do gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột ở Ukraine khiến việc nối lại hoạt động ngày càng khó khăn. Mazda hiện đang sản xuất xe tại một liên doanh với nhà sản xuất ô tô địa phương Sollers ở phía đông Vladivostok, trong đó các bộ phận được gửi đến để lắp ráp trong nước.



Hiện nay hoạt động sản xuất đã phải tạm dừng và Mazda hiện đang xem xét việc rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này. Việc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang dịch chuyển khỏi Nga và sự chuyển đổi sang xe điện có thể thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển hướng sang sản xuất phụ tùng ô tô ở châu Âu.

Nissan Motor cũng quyết định gia hạn thời gian khởi động lại nhà máy lắp ráp xe thành phẩm tại St.Petersburg từ tháng 9 sang tháng 12. Mitsubishi Motors cũng đang tạm ngừng hoạt động tại một nhà máy liên doanh với Stellantis Europe ở tỉnh Kaluga, Tây Nam nước này.

Toyota viện dẫn thêm khó khăn trong việc mua sắm phụ tùng và đền bù thất nghiệp cho người lao động khi các nhà máy phải đóng cửa trước đó. Không có triển vọng để sớm tiếp tục sản xuất, không có nhập khẩu ô tô mới, họ đã sử dụng ngân sách dự trữ của mình để trả lương cho nhân viên. Do nhu cầu về trợ cấp thôi việc và hỗ trợ cho những kế hoạch phát triển tiếp theo là quá lớn, Toyota quyết định rút lui khỏi đây trước khi cạn kiệt nguồn vốn.

Nhà sản xuất ô tô cũng đã xem xét tác động đến hình ảnh thương hiệu của mình. Kể từ khi Moscow xảy ra xung đột với Ukraine, một số nhà phân tích chiến lược đã nêu quan ngại rằng việc tiếp tục kinh doanh ở Nga sẽ không được các bên liên quan chấp nhận. Các bộ phận của nhà máy Toyota tại Nga cũng được nhập khẩu từ châu Âu. "Chúng tôi sẽ phải suy nghĩ lại về hệ thống sản xuất của mình, việc tổ chức lại toàn bộ hoạt động sản xuất của Toyota Motor ở châu Âu cũng sẽ được xem xét lại."

Việc chuyển đổi sang xe điện đã thúc đẩy Nissan Motor, Honda và các nhà sản xuất ô tô khác mở rộng quy mô sản xuất tại châu Âu. Hơn bao giờ hết, xung đột giữa Nga và Ukraine đang có thể trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho việc hiệu chuẩn lại mạng lưới sản xuất ô tô của Nhật Bản ở châu Âu.

Theo Reuters, Nikkei Asia

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường