Tuesday, February 4, 2025

NHÌN CÁCH ĂN, MẶC, ÁNH MẮT CÓ THỂ NHÌN THẤU ĐƯỢC NỘI TÂM



Cổ nhân thường nói: “Tướng mạo một người sẽ thay đổi theo tâm thiện ác của họ”, điều này hoàn toàn hợp lý. Vậy nên, đôi khi chỉ cần nhìn qua cách ăn uống, trang phục hay ánh mắt là có thể thấy được nội tâm của một người là như thế nào.


1. Tính cách thể hiện trên gương mặt

Người khoan dung rộng lượng đa phần là mày thanh mắt tú, vẻ mặt phúc hậu; người hẹp hòi hay ghen tị thường trông xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt với nhau; người dịu dàng ôn hòa thì tướng mạo điềm đạm; người tính cách thô bạo, cảm xúc bất ổn luôn có vẻ mặt hung dữ.

Tiểu nhân lòng dạ bất chính thường đa nghi, thần sắc hoảng hốt; còn người lương thiện đơn thuần trên mặt luôn mỉm cười trìu mến, khiến cho người khác yêu quý, càng nhìn càng thích.


2. Nhân phẩm khắc trong đôi mắt.

Nhân phẩm tốt hay xấu đều khắc trong đôi mắt. Con mắt là cửa sổ tâm hồn, trong mắt người lòng dạ nhỏ nhen thì đầy khuyết điểm của người khác; trong mắt người tham tài háo sắc chỉ chăm chăm vào sắc đẹp và túi tiền; trong mắt người thích gây sự luôn chú ý đến lỗi nhỏ của người khác mà rêu rao.

Trái lại, trong mắt người quang minh lỗi lạc nhìn thấy công bằng và chính nghĩa; trong mắt người khoan dung rộng lượng nhìn thấy là tương lai của chính mình; trong mắt người nói là làm nhìn thấy sự thành thật và giữ chữ tín.


3. Cách ăn cơm thể hiện gia giáo

Người xưa đa phần thích trên bàn ăn dạy dỗ con cái, bởi cách ăn uống của một người cũng phản ánh sự giáo dưỡng của gia đình.

Người đi ăn tiệc đứng hay gắp một đống đồ ăn, rồi lại ăn không hết, trong cuộc sống chắc hẳn cũng hay lãng phí, không biết tiết kiệm; người trong lúc đợi đồ ăn thường la hét nhân viên phục vụ, nhất định là một người cực kì vô văn hóa…


4. Quần áo cho thấy khiếu thẩm mỹ.

Người có gu thẩm mỹ cao nhìn chung biết tốt khoe xấu che, ăn mặc phù hợp với bản thân và với hoàn cảnh: Bụng có mỡ thừa thì không mặc quần hở rốn, chân thô mặc váy dài đẹp hơn váy ngắn.

Ra ngoài đi du lịch chọn đồ thể thao nhẹ nhàng tiện dụng; khi đi làm công sở mặc trang phục sạch sẽ gọn gàng; lúc ở nhà nghỉ ngơi mặc quần áo rộng rãi thoải mái.


5. Dáng người nói lên cách sống.

Những người tuổi còn trẻ mà bụng đã phệ là do không chăm chỉ luyện tập thể thao, hoặc lúc nào cũng ăn uống thả ga, đối với họ thức đêm là chuyện bình thường.

Có những người tuy lớn tuổi, nhưng vẫn giữ được vóc dáng cân đối khỏe mạnh, bọn họ cũng không phải trời sinh ăn không mập, mà họ tự biết kiềm chế, luyện tập thể thao, chọn thực phẩm lành mạnh, nghỉ ngơi đúng mức, kiên trì vận động.


Sưu tầm


Hãy sống sao để khi nhìn lại...




“Một con gà mái bị rắn cắn, nọc độc nóng bỏng len lỏi vào cơ thể nó. Tìm kiếm một nơi trú ẩn, nó lê lết về chuồng gà của mình.

Nhưng những con gà khác, vì sợ rằng chất độc sẽ lây lan, đã quyết định xua đuổi nó.

Tập tễnh rời đi, trái tim nặng trĩu, nó rời khỏi nơi từng là mái nhà của mình. Nó khóc, không phải vì vết cắn đau đớn, mà vì sự bỏ rơi và ruồng rẫy của chính gia đình, ngay vào lúc nó cần họ nhất.

Và thế là nó rời đi… Sốt cao, loạng choạng, lê bước với một chân bị thương, dễ bị tổn thương trước cái lạnh tê tái của màn đêm.

Mỗi bước đi, một giọt nước mắt rơi xuống.

Từ trong chuồng, những người chị em cũ dõi theo nó rời xa dần, cho đến khi nó chỉ còn là một cái bóng nhạt nhoà nơi chân trời. Một vài con thì thầm:

— Để nó đi… Nó sẽ chết xa khỏi chúng ta.

Và khi bóng dáng của con gà mái biến mất nơi chân trời, tất cả đều tin rằng nó đã chết.

Một số con thậm chí còn ngẩng đầu lên, chờ đợi lũ kền kền xuất hiện trên bầu trời.

Thời gian trôi qua.

Lâu sau đó, một con chim ruồi đến gõ cửa chuồng, mang theo một tin bất ngờ:

— Chị của các cô vẫn còn sống! Cô ấy đã trú ẩn trong một cái hang, xa nơi này.

Cô ấy sống sót, nhưng vết cắn khiến cô ấy bị tàn phế. Cô ấy mất một chân và rất khó khăn để tìm thức ăn. Cô ấy cần sự giúp đỡ của các cô.

Một sự im lặng bao trùm. Rồi những lời thoái thác lần lượt vang lên:

— Tôi không thể, tôi phải ấp trứng…

— Tôi không thể, tôi đang tìm ngô…

— Tôi không thể, tôi phải trông chừng đàn con…

Và thế là từng con một từ chối. Chim ruồi rời đi, đôi cánh nặng trĩu, trở lại cái hang.

Thời gian lại trôi qua.

Chim ruồi quay lại lần cuối, nhưng lần này mang theo một tin buồn:

— Chị của các cô đã chết… Cô ấy qua đời một mình, trong cái hang. Không ai chôn cất, không ai khóc thương cô ấy.

Một sự im lặng nặng nề bao trùm lên chuồng gà, rồi nhanh chóng bị thay thế bởi tiếng khóc than và tiếc nuối.

Những con đang ấp trứng bỏ dở công việc.

Những con đang tìm ngô buông rơi hạt xuống đất.

Những con đang chăm đàn con cũng dừng lại, tâm trí dằn vặt.

LỜI BÀN

Có những câu chuyện, chỉ cần đọc qua thôi, cũng đủ khiến ta lặng người, như thể từng lời kể khắc sâu vào tâm trí, để rồi ám ảnh mãi không nguôi. Câu chuyện về con gà mái bị rắn cắn, bị ruồng rẫy, và cuối cùng chết đi trong cô độc, không chỉ là một hình ảnh đau thương, mà còn là tấm gương soi chiếu lòng người, khiến ta giật mình tự hỏi: Ta đã bao lần vô tình lạnh lùng trước nỗi đau của kẻ khác?

Cái chết của con gà mái không chỉ là nỗi đau thể xác, mà là sự kết thúc bi thương của một trái tim bị tổn thương, không bởi nọc độc của rắn, mà bởi sự vô cảm của chính những người thân thuộc. Nó không chết vì vết thương, mà chết vì sự bỏ rơi và ruồng rẫy.

Càng đọc, càng thấm. Cái đáng buồn nhất không phải là cái chết, mà là khoảnh khắc khi những người còn lại, trong cơn hối hận, quyết định lên đường đi tìm nó… nhưng đã quá muộn. Họ có thể đã cứu nó, nếu chỉ cần một chút can đảm, một chút sẻ chia. Nhưng không, họ chần chừ, họ viện lý do, họ chọn sự an toàn của bản thân, để rồi khi mọi thứ đã không còn cứu vãn được, họ khóc. Những giọt nước mắt muộn màng ấy không làm sống lại một cuộc đời đã mất, chỉ làm nặng thêm trái tim họ bằng sự dằn vặt.

Có bao nhiêu người trong chúng ta đã từng sống như những con gà ấy? Lặng lẽ quay lưng, mặc kệ nỗi đau của kẻ khác, chỉ vì nghĩ rằng đó không phải trách nhiệm của mình? Và rồi, khi cơ hội qua đi, ta lại khóc trong muộn màng, tự hỏi vì sao không thể hành động sớm hơn?

Câu chuyện là lời cảnh tỉnh.

Chúng ta không thể chờ đợi đến lúc “quá muộn” để yêu thương, để giúp đỡ. Một lời nói, một hành động nhỏ, đôi khi đủ để cứu rỗi một tâm hồn. Nhưng chỉ cần một chút chậm trễ, sự thờ ơ, cũng đủ để biến những giọt nước mắt đau thương thành nước mắt của sự hối tiếc và ăn năn.

Thế giới này không thiếu nỗi đau, không thiếu những con gà mái đang cần một bàn tay chìa ra, một chút hơi ấm. Thứ thế gian cần, là những trái tim biết cảm thông, là những bàn tay không ngần ngại nắm lấy, dù có thể mang theo rủi ro hay sự bất tiện.

Hãy sống để khi nhìn lại, ta không cần phải rơi nước mắt vì những điều chưa làm, vì những người ta đã bỏ rơi. Bởi lẽ, có những giọt nước mắt không bao giờ lau khô được.

st