Người xưa nói: “Thiên hạ ồn ào, đều vì lợi mà lại; thiên hạ rối rít, đều vì lợi mà đi(1)”. Theo đuổi lợi ích dường như là bản năng của mỗi con người. Lợi ích ở đây bao gồm những thứ xuất hiện trên đường đời như tiền bạc, sắc đẹp, danh dự, địa vị... Để có được những thứ này, con người thường bỏ qua quá trình theo đuổi, mà chỉ chăm chăm nhắm vào mục tiêu, dường như muốn ôm cả thế giới về mình. Trước sự thôi thúc của dục vọng, con người thường để mình bị lạc lối trong mê cung của những ham muốn vật chất mà không thể nào thoát ra được. Người Do Thái – những người kiếm tiền giỏi nhất thế giới có một câu rằng: “Kiếm tiền không khó, tiêu tiền không dễ!” Trong một tiểu phẩm cũng có lời thoại kinh điển: “Chuyện đáng buồn trên đời này là, người đã chết rồi mà vẫn chưa tiêu hết tiền”. Cố sống cố chết tích cóp tiền bạc, khổ cực cả đời, vẫn chưa kịp hưởng thụ niềm vui mà những vật chất này mang lại cho mình thì đã phải rời xa, đây chẳng phải là bi kịch lớn nhất cuộc đời sao!
Về mặt vật chất, chúng ta thực sự có nhu cầu lớn đến vậy sao? Hãy đặt tay lên ngực tự hỏi: Trong cuộc đời này, lượng vật chất mà chúng ta cần dùng đến là bao nhiêu? Thực ra không nhiều. Hàng ngày con người chỉ ăn vài ba bát cơm, và cần một vị trí trên giường để ngủ. Sở dĩ con người bị cuốn vào vòng xoáy theo đuổi vật chất, chẳng qua là vì chịu sự chi phối của ham muốn được chinh phục mà thôi. Khi chưa có thì muốn có được, khi đã có được rồi thì lại muốn có nhiều hơn, thế là gây ra đủ các sự mệt mỏi, thất vọng, đau khổ, cuộc đời cũng từ đó mà trở nên tăm tối.
Bạn đã vui vẻ chưa?
Truyền thuyết kể rằng, vua Midas rất say mê vàng. Mặc dù trong cung điện của ông ta đã chất đầy vàng, nhưng ông ta vẫn chưa thỏa mãn, suốt ngày buồn bực không vui, luôn suy nghĩ, tìm cách để có được nhiều vàng hơn nữa. Hàng ngày ông ta đều vào kho vàng để nhìn ngắm và đếm đi đếm lại những cục vàng yêu quý của mình. Một hôm, trong lúc đang ngồi đếm vàng trong kho, ông ta chợt nghe thấy một giọng nói vô hình vang lên: “Nhà vua có nhiều vàng quá!”
Tuy sợ hãi, nhưng Midas vẫn tỏ ra tham lam: “Nhưng… thế này vẫn còn quá ít ỏi so với số vàng trên khắp thế gian.”
“Nhà vua vẫn còn chưa vừa lòng ư?” - Giọng nói ngạc nhiên.
Vua Midas thở dài: “Đêm đêm ta vẫn thường mất ngủ nằm suy tính xem làm thế nào để có thêm thật nhiều vàng. Ước gì ngón tay ta đụng vào thứ gì thì thứ ấy sẽ lập tức biến thành vàng, có như vậy ta mới mãn nguyện.”
“Được thôi. Sáng mai, ước muốn này của nhà vua sẽ thành hiện thực.”
Vua Midas dụi mắt, ngỡ như mình vừa nằm mơ. Nhưng khi những tia nắng ban mai đầu tiên xuyên qua cửa sổ, ngón tay vua Midas khẽ chạm vào rèm cửa thì bức rèm đã thực sự biến thành vàng ròng. Midas vui sướng quá, mừng rỡ chạy quanh phòng và chạm tay vào mọi đồ vật xung quanh, biến chúng thành vàng lấp lánh.
Vua Midas có một cô con gái yêu. Khác với cha, nàng không thích thú gì với vàng, mà chỉ yêu cỏ cây, hoa lá. Vua Midas muốn làm cho con được vui lòng, nên đã ra vườn, chạm tay vào tất thảy hoa cỏ để biến chúng thành vàng, vì ông không muốn những bông hoa mong manh ấy sẽ nhanh chóng héo tàn, khiến con gái ông buồn.
Việc chạm tay vào đủ thứ khiến vua Midas thấm mệt. Khi người hầu mang đồ ăn, thức uống đến, ông ta nhanh chóng lấy đồ ăn, nhưng vừa đưa lên miệng thì những thứ đồ ngon lành ấy đều tức khắc biến thành vàng, khiến ông ta không thể nào ăn uống được. Đang lúc bối rối và hoang mang thì nàng công chúa đáng yêu – con gái vua Midas chạy đến, òa khóc: “Cha ơi, tất cả vườn hoa hồng đã biến thành vàng cứng đơ rồi, không thể tỏa hương được nữa! Con muốn hoa hồng tỏa hương được cơ!”
Vua Midas giang tay định ôm con gái bé bỏng vào lòng an ủi, ngờ đâu, vừa chạm vào con thì cô bé lập tức cũng biến thành vàng.
Vua Midas gục đầu khóc thổn thức.
“Nhà vua không vui sướng ư?” - Giọng nói bí ẩn lại vang lên.
“Ta… ta là người bất hạnh nhất thế gian…”
“Ngài đã có ngón tay vàng mà vẫn còn thấy chưa đủ à?”
Vua Midas xấu hổ im lặng.
“Nhà vua thích ăn uống hay thích cầm vàng?”
Vua Midas không thể trả lời được.
“Ôi vua Midas! Vậy ngài muốn chọn bức tượng vàng kia, hay muốn chọn cô con gái xinh xắn, biết chạy nhảy, reo cười và biết yêu mến cha?”
Vua Midas gào khóc: “Hãy trả lại con cho ta! Ta chịu mất tất cả kho vàng!”
“Vậy là nhà vua đã sáng suốt hơn hôm qua rồi. Bây giờ ngài hãy ra sau vườn thượng uyển, nhảy xuống sông tắm rửa, rồi lấy nước vẩy lên tất cả những vật đã hóa thành vàng, để chúng trở lại như cũ.”
Vua Midas lập tức làm theo lời mách bảo, và lấy nước vẩy lên những vật đã bị mình biến thành vàng. Công chúa mở choàng đôi mắt, kinh ngạc reo lên vui mừng: “Cha xem kìa, vườn hoa hồng đã sống lại rồi!”
Vua Midas sung sướng ôm chặt lấy con, và cảm thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất thế gian.
Hạnh phúc không liên quan tới ngoại vật
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai trẻ thông minh, anh ta muốn học hết mọi nghề trong thiên hạ, vì thế đã đi khắp nơi tầm sư học đạo. Anh học may quần áo và nhanh chóng trở thành thợ may nổi tiếng; anh học cách nấu nướng, trở thành đầu bếp danh tiếng; anh học xây nhà và trở thành thợ xây nổi tiếng gần xa… Các kĩ năng khéo léo đều mang lại của cải và danh vọng cho anh, nhưng anh lại không hề cảm thấy thỏa mãn, vui vẻ.
Vì muốn để người đời biết đến mình, đồng thời cũng là để làm thỏa mãn bản thân, anh đã đi khắp nơi dán cáo thị mời người tới thi đấu. Kết quả đúng như dự tính, không người thợ nào trong thiên hạ có thể vượt qua được anh, anh dần dần nảy sinh sự kiêu ngạo, bắt đầu huênh hoang. Anh trở nên như vậy nhưng cũng không ai khuyên răn hay ngăn cản.
Sau khi biết được chuyện này, Đức Phật bèn tới chỗ ở của chàng trai. Nhìn thấy Phật từ xa, trong lòng anh bất giác nảy sinh lòng thành kính. Thấy Phật đi về phía mình, anh lại càng ngạc nhiên vui sướng, lập tức tiến lên trước hành lễ và hỏi: “Xin hỏi Người từ đâu tới? Người là ai? Tới để thi đấu với con sao?”
Đức Phật bình thản nói: “Ta biết trong tay con có rất nhiều nghề. Con cũng biết đấy, trong thiên hạ này, nơi gần tre trúc tự nhiên sẽ có nghề làm cung tên, săn bắn; nơi gần rừng, tự nhiên sẽ nổi lên nghề mộc, điêu khắc; nơi gần biển thì có nghề đóng thuyền. Những nghề này tuy con đều có, nhưng người khác cũng có. Còn ta có nghề tu thân sửa tâm, khác với những nghề mà con đang có trong tay”.
Chàng trai trẻ nghe xong càng cảm thấy tò mò: “Con không hiểu ý của Người lắm. Cá nhân con tự thấy bản thân mình tinh thông đủ thiên văn địa lí, cầm kì thi họa, nhưng con lại chưa từng nghe nói tới thế nào là tu thân sửa tâm. Con muốn hỏi một chút, tu thân sửa tâm có mấy phương pháp, học như thế nào?”
Phật không trả lời câu hỏi đó của anh ta, chỉ hỏi: “Nếu con đã học nhiều thứ như thế, vậy thì ta hỏi con, bây giờ con có thấy vui không? Đừng vội vàng trả lời mà hãy tự hỏi lòng mình, con có vui không?”
Chàng trai nghĩ một lúc rồi nói: “Con không vui! Tuy con học được rất nhiều thứ, hơn nữa học rất xuất sắc, nhưng con không hề thấy vui! Con luôn cảm thấy mình vẫn chưa học đủ, con muốn học hết tất cả các nghề trong thiên hạ.”
“Chàng trai, con hãy dừng lại lắng nghe tiếng lòng mình! Ta đến đây chỉ là muốn nói với con rằng, gạo trong thiên hạ một người không thể ăn hết, việc trong thiên hạ một người cũng không thể làm hết được. Con nên học cách biết ĐỦ, đồng thời lúc nào cũng phải tâm niệm cần có lòng biết ơn, báo đáp chúng sinh”.
Nghe lời Phật nói, chàng trai trẻ thốt nhiên giác ngộ, cõi lòng sáng tỏ thông suốt, trong lòng có được sự bình tĩnh trước nay chưa từng có, cảm giác đó khiến anh ta cảm thấy vui vẻ hơn nhiều so với khi học được bất cứ kĩ năng nào.
Hạnh phúc, vui vẻ là gì? Đây không phải là một cảm giác bắt nguồn từ ngoại vật mà nó được bắt nguồn từ nội tâm. Theo quan niệm của Phật giáo đối với hạnh phúc: “Con người phải bình tâm suy nghĩ, niềm vui không nằm ở thế giới bên ngoài, hạnh phúc xuất phát từ trong tim, chỉ có thông qua suy nghĩ thấu đáo, kiềm chế dục vọng, biết đủ thì bản thân mới có thể vui vẻ, dập tắt được tất cả khổ não”.
Một người mà vui vẻ hạnh phúc thì cho dù tay trắng cũng vẫn có thể vui với cuộc sống của mình, hơn nữa còn khiến người khác cũng cảm nhận được sự lạc quan của bản thân. Còn nếu như người ấy không vui vẻ, hạnh phúc thì cho dù vật chất đầy đủ thế nào, mọi chuyện có suôn sẻ ra sao, anh ta cũng sẽ không cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc, bởi vì nội tâm của anh ta chẳng khác nào một cái hố đen, chỉ có thể hút vào đó dục vọng và phiền não mà không có cách nào đến gần được niềm vui và hạnh phúc.
Chỉ khi không để ngoại vật làm ảnh hưởng, không bị ham muốn chinh phục thôi thúc thì chúng ta mới có thể sống tự do tự tại. Chỉ khi để trái tim làm chủ, để linh hồn giải thoát khỏi sự trói buộc của ngoại vật thì cuộc đời mới trở nên rực rỡ.
("Sức mạnh của Tĩnh tâm")