Tôi tin cuộc đời này rất đẹp. Tôi cũng tin cuộc đời đầy những mảnh vỡ... Tôi chỉ muốn, mỗi buổi sáng có thể ngồi đối diện cùng một người, uống trà. Ko cần nói chuyện, ko cần âm thanh ồn ả, chỉ cần ánh mắt, bàn tay ấm áp trong nhau là đủ. Là đủ bình an...
Một người đàn ông và con chó của anh ta đang đi bộ dọc theo một con đường. Người đàn ông đang tận hưởng khung cảnh thì đột nhiên anh ta chợt nhận ra rằng anh ta và con chó trung thành của anh đã chết nhiều năm rồi.
Anh tự hỏi con đường đang đi sẽ dẫn họ đến đâu.?
Một lúc sau, họ đến một bức tường đá trắng, cao, dọc theo một bên đường. Nó trông giống như đá cẩm thạch loại tốt nhất. Khi đến gần, anh nhìn thấy một cánh cổng tráng lệ hình vòm và con đường dẫn đến nó được làm từ vàng nguyên chất. Anh và con chó tiến lại, và khi anh đến sát hơn, anh nhìn thấy một người đàn ông ngồi ở chiếc bàn làm việc bên cạnh.
Khi anh ấy đã đủ gần, anh ấy gọi:
- Xin lỗi, cho hỏi chúng tôi đang ở đâu?
- Đây là thiên đường, thưa ngài!
người đàn ông trả lời.
- Ồ! Ngài có thể cho chúng tôi một ít nước không? Chúng tôi đã đi rất xa.
Anh ta nói.
- Tất nhiên, thưa ngài. Vào ngay đi, tôi sẽ mang ngay một ít nước đá lên.
Người đàn ông ra hiệu, và cánh cổng bắt đầu mở.
- Bạn của tôi có thể không?
Anh ta ra hiệu về phía chú chó của mình.
- Tôi xin lỗi, thưa ông!! nhưng chúng tôi không chấp nhận vật nuôi!!
Người đàn ông suy nghĩ một lúc, nhớ lại suốt bao năm con chó này vẫn trung thành với anh ta rồi quay lại con đường cũ và dắt con chó đi tiếp, chứ ko nhận nước uống.
Sau một đoạn đường rất dài, anh đến một con đường đất đơn sơ, dẫn qua một cánh cổng nông trại, trông như thể nó chưa bao giờ được đóng lại.
Không có hàng rào. Cũng không có chiếc cổng vàng mái vòm nguyên chất tráng lệ.
Khi đến gần lối vào, anh nhìn thấy một người đàn ông ở trong đó, đang dựa vào gốc cây và đọc sách.
"Xin lỗi!" anh ta gọi:
- Ông có thể cho chúng tôi xin 1 chút nước không? Chúng tôi đã đi rất xa.
- Vâng, chắc chắn rồi. có một vòi ở đó!
Người đàn ông chỉ vào một nơi không thể nhìn thấy từ ngoài cổng nói với anh
- Hãy vào và tự giúp mình!
- Thế còn bạn của tôi? Bạn tôi có thể được dùng nước chứ?
Anh chỉ vào con chó của mình.
- Bên cạnh chiếc vòi có 1 cái bát cho anh bạn nhỏ đó. ở đây, chúng tôi luôn hoan nghênh sự sẻ chia.
Anh đổ đầy bát và tự mình uống một hơi dài; sau đó anh ta đưa cho con chó. Khi họ đã uống no, anh ta và con chó đi về phía người đàn ông đang đứng bên cây đợi họ.
- Đây là đâu ạ? Anh ta hỏi
- Đây là thiên đường!
Người đàn ông mỉm cười.
- Thật sao? Người đàn ông chúng tôi từng gặp trên đường đi bên cánh cổng mái vòm nói đó là thiên đường.
- Ồ, ý anh là nơi có con phố vàng với những cánh cổng bằng ngọc? Không. Đó là địa ngục.! Chúng tôi rất vui khi sàng lọc được những người bỏ rơi bạn thân để đổi lấy những thứ vật chất.
Loài người luôn đầy rẫy tội lỗi, họ có thể phản bội nhau, tàn ác với nhau nhưng thú nuôi đã đi theo họ thì không bao giờ phản bội họ. Loài chó không biết thù ghét con người, chúng được sinh ra với sứ mệnh trung thành, yêu thương và làm bạn.
Tiếc rằng 1 số người lại không hiểu được điều đó...
Nguyên lý này thật đơn giản. Nó ứng dụng hữu hiệu cho mọi lớp người không phân biệt tuổi tác, màu da, chủng tộc hay tôn giáo. Đó là … nếu con phải đi một dặm đường, hãy cố gắng đi hai dặm. Luôn luôn bước thêm một bước nữa.
Cách duy nhất để thành công trong bất cứ một hoàn cảnh nào, một công việc nào … là luôn luôn cố gắng vượt quá chỉ tiêu đòi hỏi nơi mình, luôn luôn dâng hiến nhiều hơn, từ sản phẩm đến dịch vụ, từ công việc đến xử thế, bất cứ trong hoàn cảnh nào. Đây là thói quen số một của mọi người thành công. Cách chắc nhất khiến con người trở thành hèn mọn là chỉ làm đủ việc mà con đã được trả lương để làm.
Đừng nghĩ rằng nếu con cho đi nhiều hơn con nhận là con bị lừa gạt. Giống như một quả lắc, con càng kéo về một phía thật xa, quả lắc sẽ dao động qua chiều đối diện gấp chục lần lực đẩy. Nếu ngày nay, con không nhận được phần mình, để càng lâu, phần của con sẽ sinh sôi nảy nở gấp trăm lần.
Nếu con không chịu bước đi một bước nữa, chỉ làm vừa đủ, là con đã tuyên án cho đời con một kiếp sống hèn mọn. Luật nhân quả và thừa trừ luôn luôn tuyệt đối. Trái chín mà ngày nay con hưởng thụ đã hiện diện trong cái nhân con vừa gieo trồng ngày hôm qua. Không bao giờ sai trật.
Luôn luôn bước thêm một bước nữa.
Nếu con nghĩ rằng con đang phục vụ một tên chủ không biết điều, hãy tiếp tục phục vụ hắn. Hãy để ta làm người mang nợ của con. Và ta hứa là ta sẽ trả cho con đầy đủ … nợ càng lâu, lãi xuất càng tích lũy và con sẽ thụ hưởng toàn vẹn cái tích lũy cấp số của món nợ này.
Ta không thể ban cho con sự thành công… chỉ có con là xứng đáng với trái quả mà con đã gieo trồng.
Hãy bước thêm một bước nữa.
🎯Blog Thứ Tư của Og Mandino - cố TS.Alan Phan dịch
Trong Lạc quan tàn nhẫn (cruel optimism), lạc quan không phải là một thái độ tích cực như thông thường mà là một dạng tự lừa dối. Người ta hy vọng vào một điều gì đó mà sâu thẳm bên trong họ biết rằng nó không thể đạt được hoặc nó sẽ không mang lại kết quả như họ mong đợi. Ví dụ, một người có thể hy vọng vào sự thành công của một mối quan hệ yêu đương, dù biết rằng mối quan hệ đó không lành mạnh hoặc không thực sự làm họ hạnh phúc.
Chủ nghĩa lạc quan tàn nhẫn phản ánh một sự mâu thuẫn giữa mong muốn và hiện thực, giữa hy vọng và kết quả thực tế, tạo ra một tình trạng căng thẳng và thất vọng liên tục. Khái niệm này thường được sử dụng trong phân tích xã hội học, tâm lý học, và nghiên cứu văn hóa để giải thích cách mà các hệ thống giá trị và quan hệ xã hội ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng.
Chủ nghĩa lạc quan tàn nhẫn, hay "cruel optimism", là một khái niệm được đề xuất bởi nhà lý thuyết văn hóa Lauren Berlant. Nó mô tả một tình trạng mà trong đó một người hoặc một cộng đồng duy trì hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn thông qua một mối quan hệ, mục tiêu, hoặc hệ thống giá trị nào đó, ngay cả khi mối quan hệ hoặc hệ thống đó thực sự đang gây hại cho họ hoặc ngăn cản họ đạt được hạnh phúc thực sự.
Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa lạc quan tàn nhẫn có thể được thấy trong bối cảnh nghề nghiệp. Hãy tưởng tượng một người làm việc trong một công ty với niềm tin rằng nếu họ làm việc chăm chỉ, họ sẽ được thăng chức và có được sự công nhận xứng đáng. Tuy nhiên, môi trường làm việc của họ thực sự độc hại, và không có cơ hội thực sự cho sự thăng tiến. Họ tiếp tục đầu tư thời gian, năng lượng, và cảm xúc vào công việc của mình với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, dù sâu thẳm bên trong họ biết rằng điều đó có thể không bao giờ xảy ra.
Trong tình huống này, lạc quan của họ trở thành “tàn nhẫn” vì nó giữ họ lại trong một tình trạng không mang lại hạnh phúc hay sự thỏa mãn nghề nghiệp. Họ bị mắc kẹt trong một vòng lặp của hy vọng và thất vọng, không thể rời bỏ công việc vì niềm tin rằng mọi thứ cuối cùng sẽ tốt đẹp lên, dù rõ ràng là điều đó không xảy ra. Điều này thể hiện sự mâu thuẫn giữa mong muốn và hiện thực, giữa hy vọng và kết quả thực tế, tạo nên cảm giác bất lực và thất vọng.
Và sự trỗi dậy của chủ nghĩa lạc quan tàn nhẫn cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến ta đánh mất sự tập trung của mình trong thời đại bão công nghệ này.
10 công việc chưa khi nào hết “khát nhân lực” dù giữa bão sa thải, mức lương lên tới 6,8 tỷ đồng/năm và không yêu cầu đến văn phòng.
Dưới đây sẽ là 10 công việc phát triển nhanh nhất trong năm 2024 và là trọng tâm nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp.
Người tìm việc có thể thấy thị trường lao động năm 2024 cạnh tranh hơn, vì các công ty thực hiện sa thải để cắt giảm chi phí, chậm tuyển dụng và đề nghị mức lương thấp. Nhưng một số vị trí việc làm vẫn có những triển vọng sáng hơn.
LinkedIn đã công bố danh sách Jobs on the Rise hàng năm, nêu bật 25 ngành nghề phát triển nhanh nhất trong 5 năm qua.
Andrew Seaman, biên tập viên quản lý cấp cao về việc làm và phát triển nghề nghiệp của LinkedIn News cho biết, đây rõ ràng là những cơ hội việc làm mà các công ty thể hiện sự quan tâm. “Đây là những công việc bền vững, chứ không chỉ là những công việc chớp nhoáng”, ông nói.
Theo dữ liệu từ LinkedIn và ZipRecruiter, dưới đây sẽ là 10 công việc phát triển nhanh nhất trong năm 2024, với mức lương dao động từ 25.000 USD (hơn 600 triệu VNĐ) đến 277.500 USD (khoảng 6,8 tỷ VNĐ).
1. Giám đốc tăng trưởng (CGO)
Giám đốc tăng trưởng phát triển và thực hiện các chiến lược của tổ chức nhằm thúc đẩy doanh thu, mở rộng sự hiện diện của công ty trên thị trường và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Mức lương: 41.500 USD – 269.500 USD
2. Nhà phân tích chương trình chính phủ
Các nhà phân tích chương trình của chính phủ đánh giá hiệu quả các chương trình công thông qua phân tích dữ liệu, giám sát ngân sách…
Mức lương: 37.000 USD – 131.500 USD
3. Quản lý HSE
Quản lý an toàn lao động, đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường tại các doanh nghiệp để xây dựng một nơi làm việc bền vững cho nhân viên.
Mức lương: 32.000 USD – 156.000 USD
4. Giám đốc điều hành doanh thu
Giám đốc điều hành doanh thu giúp giám sát các hoạt động tạo doanh thu của doanh nghiệp, hợp tác chặt chẽ với các nhóm bán hàng và tiếp thị để tối ưu hóa tăng trưởng kinh doanh và đảm bảo hiệu quả tổng thể.
Mức lương: 34.000 USD – 179.500 USD
5. Nhà phân tích bền vững
Các nhà phân tích bền vững đánh giá các nỗ lực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của tổ chức.
Mức lương: 42.500 USD – 138.500 USD
6. Điều dưỡng chuyên sâu
Điều dưỡng chuyên sâu sẽ cung cấp các dịch vụ y tế được cấp phép, thực hiện chăm sóc ban đầu cho bệnh nhân như đánh giá kết quả xét nghiệm, đưa ra chẩn đoán và quản lý kế hoạch điều trị.
Mức lương: 39.000 USD – 166.000 USD
7. Quản lý đa dạng và hòa nhập
Quản lý cao cấp trong một tổ chức, có trách nhiệm thiết lập và thực hiện chiến lược đa dạng và hòa nhập (D&I) cho toàn bộ nhân sự. Mục tiêu của vị trí này là tạo ra một môi trường làm việc đa dạng, công bằng và thân thiện, nơi mọi người đều được tôn trọng và có cơ hội phát triển.
Mức lương 43.500 USD – 277.500 USD
8. Tư vấn trí tuệ nhân tạo
Chuyên gia tư vấn trí tuệ nhân tạo tư vấn cho các công ty về việc triển khai công nghệ AI trong hoạt động kinh doanh và cung cấp sản phẩm.
Mức lương: 60.500 USD – 151.000 USD
9. Nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng tìm kiếm, đánh giá và giúp tuyển dụng những ứng viên đủ tiêu chuẩn cho các vị trí còn trống trong công ty.
Mức lương: 25.000 USD – 93.500 USD
10. Kỹ sư trí tuệ nhân tạo
Kỹ sư trí tuệ nhân tạo phát triển, triển khai và đào tạo các mô hình và thuật toán AI, sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra các hệ thống thông minh có thể thực hiện các nhiệm vụ vốn đòi hỏi trí thông minh của con người.
Mức lương: 44.000 USD – 173.500 USD
Gần như mọi công việc trong danh sách của LinkedIn đều có thể làm việc từ xa hoặc kết hợp. Điều này cho thấy rằng các nhà tuyển dụng đang tiếp tục chú ý đến nhu cầu làm việc linh hoạt của người lao động.
Vì một số công ty vẫn đang quay cuồng thoát khỏi đại dịch, đồng thời tìm cách tự bảo vệ mình khỏi những gián đoạn trong tương lai, nên các công việc trên ngày càng cần thiết. Từ đó, các công ty sẽ đạt được mức tăng trưởng bền vững.
Việc làm bền vững cũng đang có nhu cầu cao khi ngày càng có nhiều quốc gia cam kết giảm lượng khí thải carbon và thắt chặt các quy định về môi trường.
Có câu nói rằng, nếu 30 tuổi mà công việc vẫn chưa được như ý, bạn còn có thể đổ lỗi cho việc gia thế không đủ tốt; nhưng đến 40 tuổi mà sự nghiệp vẫn chưa có gì, thì chỉ có thể trách bản thân không có năng lực.
Trên đời kỳ thực không hề có chuyện cứ theo đuổi đam mê rồi bạn sẽ thành công. Câu nói ấy giống như một phiên bản giản lược đến lệch lạc của những gì mà một người phải đánh đổi vài chục năm mới học được. Trong thực tế, chẳng ai mở mắt ra mỗi sáng là biết được còn bao nhiêu ngày nữa thì mình sẽ thành công cả. Khả dĩ nhất, bạn chỉ biết được bao nhiêu ngày nữa thì nhận lương thôi.
Chuyện theo đuổi thành công có chín phần là nỗ lực, một phần là đặt cược. Tất cả những gì bạn có thể kiểm soát trong toàn bộ hành trình ấy là tu dưỡng bản thân. Dùng vận động để đầu tư sức khoẻ, dùng kỷ luật để cải thiện ngoại hình, dùng chân thành để bồi đắp quan hệ, dùng học tập để phát triển năng lực, dùng thiện lương để rèn dũa nhân cách.
Nếu bạn mới nghe tới mấy việc đó mà đã nản thì… thật ra cho dù làm hết được tất cả những việc đó cùng lắm bạn mới chỉ tiệm cận được với thành công. Cứ mỗi lần cố gắng, thất bại rồi làm lại, bạn sẽ càng tiệm cận được gần hơn một chút.
Đời người, trước khi tới được ngưỡng mà một sáng thức dậy, thấy trời mưa tầm tã, muốn đi làm vẫn có thể đến công ty khô ráo, muốn ở nhà cũng không phải nơm nớp lo sợ chuyện bị đuổi việc thì một năm nữa mình sống thế nào… bạn nhất định sẽ phải trả giá trước bằng những năm tháng lao động miệt mài, liên tục vượt qua chính mình.
Cuộc đời giống một cuộc marathon rất dài mà ở đó, sự khác biệt lớn nhất giữa người này với người khác nằm ở độ bền, sự gan lỳ và ý chí không bao giờ từ bỏ. Cho dù kết quả của mỗi lần cố gắng chỉ là một thứ rất nhỏ như giọt nước, thì sau cả quá trình của 10 năm, 20 năm, chỗ nước đó cũng có thể lấp đầy cả một cái bể bơi.
Tôi không tin là trên đời có người nào mới lập nghiệp đã nhìn thấy cả lộ trình thành công của mình cả. Trong cuộc hành trình đó, có những lúc bạn liều lĩnh vì một cơ hội, có những ngày bạn dặn lòng vững tin để vượt qua được khoảng lặng này, có những thời điểm khác, bạn vô định cố gắng lao lên, hy vọng là đi được xa hơn rồi thì mục tiêu tiếp theo cũng sẽ vô tình hiện ra.
Nhận xét một cách chính xác nhất thì toàn bộ quá trình đó không phải là đường tới thành công, đó là khoảng thời gian mà bạn phải rất cố gắng vì một cơ hội để có được thành công. Đúng là cơ hội ở trên đời có rất nhiều, nhưng những cơ hội tốt nhất thì không hề dành cho tất cả mọi người. Nếu không có đủ năng lực để đón được cơ hội ấy thì đó cũng không phải là cơ hội của bạn.
Còn nếu bạn đã có được tâm thế kiên trì, thì cứ thế mà cố gắng, nhất định sẽ có một ngày thức dậy thấy bên kia cửa sổ là trời mưa, bạn vẫn có thể an nhiên mỉm cười.
Lúc ấy, không phải vì bạn đã thành công hay tài giỏi rồi mà không cần cố gắng nữa. Chỉ là, khối tài sản mà bạn tích luỹ suốt những tháng năm trước giờ đã đủ lớn rồi. Nó giống như đứa con hiếu thuận đến tuổi biết báo hiếu cha mẹ. Nhờ có nó, bạn sẽ không còn phải vất vả làm việc để kiếm sống nữa.
Từ giờ, bạn được quyền làm việc vì niềm vui và khát vọng của bản thân.
Công viên nhỏ nhất thế giới, chỉ đủ chỗ trồng một cái cây
Cái cây này còn bị trộm mất cả trăm lần trong hơn 40 năm qua 😁
- Công viên nhỏ nhất thế giới “Mill Ends Park” nằm tại thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ.
Với đường kính khoảng 0.61m và diện tích chỉ vỏn vẹn 0.292m2, công viên Mill Ends ghi tên mình vào Sách Kỷ lục Guinness với danh hiệu công viên nhỏ nhất thế giới.
Câu chuyện về công viên thú vị này bắt đầu vào năm 1946, khi bang Oregon của Mỹ khởi xướng kế hoạch cải tạo đèn đường đô thị. Trong khi dự án thi công, các công nhân đã vô tình làm hỏng đèn đường ở ngã tư của con phố Naito Parkway. Hậu quả để lại là một chiếc hố cột đèn nằm trơ trọi giữa con đường nhộn nhịp.
Chiếc hố đó cứ lặng lẽ nằm như vậy mãi cho đến năm 1948, một phóng viên của tờ Oregon Journal tên là Dick Fangen tới thành phố Portland để phụ trách chuyên mục chuyện cổ tích. Ông tình cờ nhìn thấy hố cột đèn đó và nghĩ rằng thay vì để nó nằm đó một cách lãng phí, sao không thử trồng vài bông hoa vào để nó trở nên đẹp đẽ hơn.
Nghĩ là làm ngay. Sau khi loay hoay bận rộn trồng cây, ông chợt nảy ra ý tưởng lấy hố cột đèn này làm bối cảnh cho một câu chuyện cổ tích. Vào thời điểm đó, những câu chuyện cổ tích như “Aladin và cây đèn thần” rất được ưa chuộng tại Mỹ. Dick đã dựa vào nó và viết nên một câu chuyện cổ tích về những chú yêu tinh tinh nghịch.
Trong chuyện, Dick tình cờ bắt được một con yêu tinh nghịch ngợm. Con yêu tinh đó đáp ứng cho Dick một điều ước để ông có thể thả nó đi. Sau khi suy nghĩ một lúc, Dick ước muốn có một công viên thuộc về riêng mình.
Con yêu tinh ranh mãnh bắt lấy được sơ hở trong lời nói của Dick và hóa phép cho ông một công viên chỉ có kích thước bằng cái hố cột đèn điện. Sau đó yêu tinh hóa phép thu nhỏ Dick lại và dẫn ông đi thăm thú “công viên” này. Khi Dick bị biến thành bé xíu, những cây cối bé nhỏ trong hố cột đèn bỗng trở nên khổng lồ và rậm rạp vô cùng. Ông đặt tên cho vùng đất đó là “Mill Ends”.
Câu chuyện cổ tích thú vị này nhận được sự quan tâm và hâm mộ cuồng nhiệt của nhiều người, đặc biệt là của các khán giả nhỏ. Trong 20 năm sau đó, Dick liên tục viết tiếp những câu chuyện về yêu tinh xung quanh công viên đặc biệt này. Ông từng phát biểu bản thân ông là người duy nhất có thể nhìn thấy được con yêu tinh tinh nghịch kia và gọi nó là Patrick O’Toole.
Dần dần công viên “Mill Ends” ngày càng trở nên nổi tiếng, ai cũng muốn đến tận mắt chứng kiến vùng đất kỳ diệu này và nó trở thành địa điểm nhất định phải đến khi tới thành phố Portland.
Tới năm 1969, tác giả Dick Fangen qua đời vì căn bệnh ung thư, câu truyện thần tiên không còn được viết tiếp nữa nhưng nó vẫn ảnh hưởng tới vô số người hâm mộ trung thành của câu truyện. Họ vẫn tiếp tục tưới cây, làm cỏ và bắt côn trùng cho Mill Ends.
Năm 1976, chính quyền thành phố Portland chính thức công nhận Mill Ends là một công viên thuộc quyền quản lý của thành phố. Tổ chức Sách kỷ lục Guinness nhanh chóng công nhận nó là công viên nhỏ nhất thế giới và ngày càng có nhiều người biết đến nó.
Năm 1976, Mill Ends được công nhận là một công viên chính thức thuộc quyền quản lý của thành phố Portland.
Vào năm 2013, các quan chức của thị trấn Burnwood (Anh) đã lên tiếng phàn nàn với tổ chức Sách kỷ lục Guinness rằng Mill Ends không đủ điều kiện để trở thành một công viên, cùng lắm nó chỉ có thể là một vườn hoa mà thôi.
Những quan chức này cho rằng công viên nhỏ nhất nước Anh là “Prince’s Park” mới xứng đáng giữ kỷ lục vì nó “có hàng rào bao quanh”, còn Mill Ends thì không có. Để đáp lại sự việc này, những tình nguyện viên ở Mỹ đã lập tức cho dựng lên một hàng rào cao khoảng vài inch và đặt một “đội quân” bằng nhựa xung quanh để bảo vệ công viên.
Tuy rằng công viên này chỉ trồng được duy nhất một cái cây nhưng mỗi lần bạn đến có thể sẽ được nhìn thấy được những cái cây khác nhau. Lý do là bởi vì có quá nhiều người, đặc biệt là trẻ em hâm mộ câu chuyện thần tiên về Mill Ends và những yêu tinh.
Đọc xong nhiều em muốn thử bắt yêu tinh nên liền đến công viên để tìm. Tất nhiên là chẳng có chú yêu tinh nào hiện ra cả nên những cô cậu bé đành “ăn trộm” cây về để làm kỷ niệm.
Theo thống kê của một bảo tàng địa phương, trong hơn 40 năm qua có hàng trăm vụ trộm cây đã xảy ra ở công viên Mill Ends và thủ phạm hầu hết đều là trẻ em dưới 10 tuổi.
Chỉ có duy nhất một cái cây nhưng công viên Mill Ends từng bị trộm vô số lần.
Tuy không có cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ như những công viên khác nhưng giá trị của công viên Mill Ends nằm ở ý nghĩa văn hóa và tầm ảnh hưởng của nó đến với cộng đồng. Tại nơi đây ai cũng có thể xây dựng cho mình một thế giới cổ tích nhiệm màu với yêu tinh và phép thuật huyền ảo.
Ngày nay, khi đến với thành phố Portland, du khách vẫn không quên đến con phố Naito Parkway để ghé thăm công viên bé nhất thế giới Mill Ends và đắm mình trong thế giới thần tiên.
Đàn ông giống ngôi nhà, dù bán lại nhưng giá vẫn cứ cao, đàn bà giống chiếc xe khi bán lại rất khó bán.
Đàn ông chưa vợ giống ngôi nhà chưa có đồ đạc: ngoại hình là hình dáng của ngôi nhà, điều kiện kinh tế chính là diện tích ngôi nhà. Đàn bà chưa chồng giống cỗ xe mới: đẹp long lanh, động cơ máy móc tốt và mới, xuất thân chính là thương hiệu của xe, tính cách là hình dáng xe, chất lượng là sức mạnh của động cơ.
Đàn ông yêu xe, đàn bà yêu nhà.
Khi đàn ông mua chiếc xe mới không bao giờ nghĩ sẽ dùng nó cả đời, nhưng đàn bà khi mua một ngôi nhà sẽ muốn gắn bó với nó suốt đời.
Cỗ xe mang đến cho đàn ông sự hãnh diện, ngôi nhà tốt mang tới cho đàn bà cảm giác yên tâm.
Đàn ông khi xài chiếc xe mới luôn cảm thấy thích thú và luôn cẩn thận. Đàn bà khi ở ngôi nhà mới phải bắt tay vào sửa sang, dọn dẹp, trang trí.
Khi một chiếc xe mới vừa ra khỏi cửa hàng thì đã bị sụt giá trầm trọng và nhanh chóng bị lu mờ bởi những chiếc xe đời mới hơn. Ngôi nhà càng lâu, càng cũ càng cổ kính, thậm chí có giá trị cao.
Đàn ông đã kết hôn giống như ngôi nhà được phụ nữ sửa sang, và trang trí luôn mới mẻ, gọn gàng và có giá trị. Đàn bà đã kết hôn giống như chiếc xe đã đi được hàng mấy chục ngàn km, bề ngoài cũng xấu đi, máy móc cũng không còn tốt nữa.
Ngôi nhà được trang trí đẹp luôn hấp dẫn những phụ nữ chưa có nhà và muốn chiếm hữu. Nhưng chiếc xe cũ dù được trang trí lại thì vẫn không còn hấp dẫn nữa.
Đàn ông đã ly dị giống như ngôi nhà đã qua tay sử dụng, dù qua tay bao nhiêu lần thì khi chuyển nhượng vẫn được giá. Phụ nữ ly dị giống chiếc xe sẽ đã bị chuyển nhượng vừa mất giá vừa phải sữa chữa lại từ đầu.
Tóm lại: Đối với đàn ông mà nói, thì tìm được người phụ nữ làm ngôi nhà thêm đẹp và bền vững là lựa chọn tốt nhất. Đối với phụ nữ, thì tìm người đàn ông biết giữ gìn, và thường xuyên bảo dưỡng chiếc xe của mình vẫn là lựa chọn đáng tin cậy.
22 tuổi, bạn tốt nghiệp đại học, vì chuyên ngành của bạn không dễ tìm việc, mấy năm đầu bạn phải chạy xe ôm, giao hàng nhanh.
24 tuổi, bạn tìm được việc làm, công việc tiền lương cũng không cao, còn thường xuyên phải tăng ca đến tận đêm khuya.
30 tuổi, bạn kết hôn, đối tượng do bà mối giới thiệu, cha mẹ hỏi bạn có thích cô gái ấy không, bạn gật đại: "thích ạ."
33 tuổi, sức khỏe bạn càng ngày càng kém đi, tăng ca càng ngày càng ít, tốc độ thăng tiến cũng càng ngày càng chậm. Cô vợ được thiên hạ ban cho kia nói với bạn: "con gái mình sắp lên mẫu giáo, song ngữ một tháng 6 triệu." Bạn nhíu mày, cô ấy không chịu được nữa, "con anh Lộc, một tháng 12 triệu kìa!" "anh đã như vậy, anh muốn con anh cũng thất bại sao?!" bạn im lặng, trở về phòng đưa vợ 12 triệu, tiền ấy bạn tính sinh nhật tự thưởng cho mình bộ máy tính chơi game mới.
36 tuổi, con vào lớp 1. Thầy nói năm lớp một rất quan trọng, bạn cười nói, “Vâng vâng, xin thầy quan tâm cháu giùm em”, thầy thấy bạn chưa hiểu, chỉ cho bạn đường sáng: "Phụ đạo một tháng khoảng 4 triệu nhá." Bạn mệt mỏi nhưng đành đóng cho xong, bạn ghét người đàn bà của bạn so sánh bạn với người đàn ông khác.
41 tuổi, con lên lớp sáu, cô nói cấp hai rất quan trọng, bạn cười nói: “Vâng vâng, em đang tính lên đóng tiền học thêm cho cháu đây.” Lần này cô giáo mỉm cười, thầm khen bạn hiểu sự đời. Bạn thì thấy chán ghét hệ thống giáo dục.
Có một ngày về đến nhà, con bé nói với bạn: "Ba, con muốn học piano". Dù bạn không còn phân vân nữa, câu "Ba hiện tại mua không nổi" những tháng năm này bạn đã nói nhiều, nhưng lần này vẫn không thể nói nên lời.
Cũng may con gái tương đối hiểu chuyện, bé nói: "Không sao đâu ba, không được thì con học guitar cũng tốt." Bạn tự đắc mình có một đứa con gái thật ngoan, vậy thì cần gì phải lo nghĩ về nó nữa.
46 tuổi, con gái học phổ thông ở một trường không tồi. Một ngày nọ, bạn đang họp, nhận được điện thoại của giáo viên, trong điện thoại nói con bạn đánh nhau ở trường, mời phụ huynh lên trường giải quyết. Bạn rụt rè xin cấp trên kém hơn bạn 5 tuổi cho nghỉ, tới trường lại bị thầy dạy dỗ một trận, "anh làm phụ huynh mà không biết dạy con", bạn cười cười, vâng vâng. Bạn thầm nhủ chẳng hiểu tụi trẻ thời nay chúng nó ra làm sao nữa, mà ra sao thì ra, kệ thôi.
49 tuổi, con gái lên đại học. Chuyên môn con học, bạn nhìn vào chẳng hiểu gì. Bạn chỉ biết là công việc chắc chắn không dễ tìm, mà học phí lại cực cao.
Một đêm nọ, bạn say khướt, về nói chuyện với con. Đã lâu lắm rồi bạn mới thật lòng mình như thế, vậy mà con gái bạn giờ đây hình như không còn muốn lắng nghe bạn nữa, nó lớn đến thế này rồi kia à, bạn giật mình nhìn lại. Bạn nói những lời mà bạn từng rất ghét, "Phải vì tương lai sau này mà nghĩ, chọn nghề phải nghiêm túc và tâm huyết, tuyệt đối không được dễ dãi."
Bạn và con từ nói chuyện thành cãi lộn. Bạn phát hiện bạn già rồi, không cãi lại con gái nữa. Bạn nói không lại con bé, chỉ có thể hét: "Tao là ba của mày đó!"
Con bé chẳng thèm nhìn bạn, nó chẳng lắng nghe mà chỉ một mực đòi tiền để học theo ý nó. “Con muốn học trường đó, bạn con đứa nào cũng học.” Khi con bé về phòng, bạn nghe vọng lại một câu: "Con không muốn sống giống như ba."
Bạn không biết sao lại ngồi khóc, 50 tuổi đầu ngồi khóc.
Chắc là do rượu cay quá, có phải không?
Chắc là do rượu cay quá rồi.
Bạn 55 tuổi, con gái đi làm, công việc không như nó mong đợi, dường như đã cảm thông với bạn một chút. Nhìn nó loay hoay với sự nghiệp mà bạn thầm trách mình sao bất lực như vậy.
60 tuổi, vất vả cả một đời, bạn muốn đi du lịch. Nửa kia đã bên bạn 30 năm qua, nhưng bạn vẫn thế thích cô ấy hay không cũng không rõ.
Bạn và cô ấy bắt đầu tính đường đi du lịch. Đã nhiều năm như vậy, cả hai vẫn bất đồng, vẫn cãi nhau. Rồi đâu cũng vào đấy, tất cả đã chuẩn bị xong, thì con gái nói: "Ba má, chúng con bận rộn quá, giúp chúng con trông con nha?". Bạn rút vé máy bay, lại về như 30 năm trước.
70 tuổi, con của con gái cũng đã khá lớn, không cần mỗi ngày trông nom nữa. Bạn quyết định nói: “Nhất định phải đi chơi một chuyến." Thế nhưng cây gậy trong tay chỉ có thể giúp bạn đi xuống vườn hoa dưới lầu mà thôi.
73 tuổi, bạn nằm trên giường bệnh viện, tỉnh lại sau hôn mê, xung quanh rất vắng người, bạn mơ mơ màng màng trông thấy bác sĩ lắc đầu, người chung quanh trang nghiêm nhưng không ai khóc.
Bạn nhận ra, bạn sắp chết rồi.
Và bạn tự hỏi,
ta thực ra đã chết từ lúc nào?
Bạn nhớ đến hôn lễ năm 30 tuổi.
Hoá ra, lúc đó, bạn đã chết rồi.
Rồi, bạn đột nhiên cười.
Đó là năm 15 tuổi, bạn trông thấy một cậu bé đang ngậm một ổ bánh mì, đeo cặp đi theo một đám học sinh khác. Cậu bé ấy đi qua ban công cô bé nhà bên, hướng mắt nhìn về phía cửa sổ.
Đó là cô bé mà bạn thầm thương năm 15 tuổi. Bạn chưa bao giờ đủ dũng khí để đến làm quen với cô ấy, ngay cả họ tên cô ấy là gì bạn cũng chưa từng dám hỏi.
Bạn nghĩ không ra nàng trông như thế nào, bạn cố gắng nhớ lại.
Mùa Hè năm 2018, khi Yahoo tuyên bố chính thức đóng cửa ứng dụng trò chuyện Yahoo Messenger, người dùng Việt Nam đổ xô vào tải về toàn bộ dữ liệu chat của họ, dù chắc cả chục năm rồi chẳng có lấy một lần online. Đến lúc chúng sắp mất đi, người ta mới giật mình nhận ra hình như hàng nghìn dòng chat chit những hôm “sáng nick” thâu đêm ấy quan trọng hơn mình tưởng. Hình như chúng là cả vùng trời ký ức của một “thuở hàn vi”.
KÝ ỨC: ANALOG VS. DIGITAL
Tôi lớn lên trong tình trạng “chân đạp hai thuyền”: một cuộc sống truyền thống, đậm chất analog và một cuộc sống trực tuyến, kỹ thuật số thời đại mới. Là một thiếu niên đặc biệt… hoang tưởng, tôi tin rằng mọi thứ mình tải lên Internet đều có thể đột ngột bị một quản trị viên web bí ẩn, quyền lực hơn người xóa sạch tùy ý. Tôi sợ nếu quá phụ thuộc vào công nghệ, toàn bộ ký ức quan trọng có thể mất hết lúc nào chẳng hay.
Những năm 1990, đầu 2000, lưu giữ các loại đồ lưu niệm vật lý, cầm nắm được là chuyện bình thường. Tôi viết nhật ký vào sổ tay, rửa ảnh để cài vào album và thu thập hàng đống các loại vé, giấy tờ, hóa đơn. Khi những ký ức muốn lưu giữ dần xuất hiện trên nền tảng trực tuyến, tôi sẽ chụp màn hình các bình luận của chàng trai mình thích, nhiều đoạn chat thú vị và trang web mình thiết kế. Giữ bên người một phiên bản “offline” giúp tôi thấy yên tâm và chân thực hơn, dù còn hàng triệu kỷ niệm khác đành chịu cảnh biến mất vào không gian ảo.
Có một thời những quyển nhật ký viết tay thế này là cách duy nhất để lưu dấu, gợi nhớ những kỷ niệm. Ảnh: Unsplash.
Những người trẻ mới trưởng thành là thế hệ đầu tiên sở hữu phần lớn ký ức tập thể (collective memory) được lưu trữ dưới dạng trực tuyến. Ký ức tập thể là khối kiến thức, thông tin được chia sẻ chung giữa các thành viên trong một cộng đồng. Chúng ta may mắn vì những điều mình muốn nhớ, cần nhớ được ghi lại dưới cả dạng số lẫn dạng vật lý. Tuy nhiên, với đặc điểm hành vi ngày càng dựa dẫm vào điện thoại thông minh, lưu trữ vật lý đang dần biến mất, thay vào đó là những “dấu vết” được để lại khắp nơi trên Internet.
NGUY CƠ “MẤT TRÍ NHỚ” THƯỜNG TRỰC
Hết lần này đến lần khác, sau khi đổ dồn công sức và tâm huyết vào những trang web, blog cá nhân, sản xuất nội dung liên tục trên tài khoản mạng xã hội, ta vẫn phải đối diện với nguy cơ đánh mất toàn bộ thành quả và ký ức quý giá do website đóng cửa, chuyển máy chủ, đánh cắp dữ liệu, hay đơn giản là sự bất cẩn của bản thân. Những tài khoản lập ra từ thời đi học rồi bị bỏ quên đâu đó trong góc sâu tâm trí, quên sạch từ tên đăng nhập đến email, mật khẩu.
Các trang web có nghĩa vụ lưu trữ kỷ niệm của bạn không? Năm 2012, DailyBooth – trang cho phép người dùng tạo blog ảnh kỷ niệm, với slogan “Your life in pictures” (cuộc đời của bạn qua ảnh) – đã đóng cửa vĩnh viễn. Trước khi biến mất, DailyBooth đã thông báo sòng phẳng với người dùng và cho họ cơ hội tải xuống các dữ liệu cần thiết. Không nhiều trang web tử tế được như vậy, dù Ian Mulligan – nhà sử học chuyên về lưu trữ web – tin rằng đó là trách nhiệm của họ, đặc biệt với những trang “tồn tại và kiếm lợi nhuận dựa trên dữ liệu người dùng đăng tải”.
Nhiều người trong chúng ta đang xem các mạng xã hội như Facebook, Instagram… là một dạng album, nhật ký số. Chúng thay ta “ghi nhớ” lượng dữ liệu cuộc sống khổng lồ. Ảnh: Unsplash.
Mạng xã hội Instagram có cho người dùng lựa chọn trích xuất dữ liệu nếu cần. Bạn chỉ cần nhấp vào lựa chọn “Tải dữ liệu xuống” (Request download) trong mục cài đặt “Bảo mật và quyền riêng tư” (Privacy and security settings). Bạn sẽ phải sàng lọc qua kha khá, nhưng ít ra vẫn còn dữ liệu để mà sàng lọc. Twitter và Facebook cũng cung cấp dịch vụ tương tự, dù kết quả tải xuống không được thẩm mỹ và trực quan cho lắm.
Ngoài ra, cách quan trọng nhất để lưu trữ ký ức có lẽ là sao lưu toàn bộ ảnh, video trong điện thoại vào máy tính hay ổ cứng và sắp xếp chúng thành hệ thống đàng hoàng. Bạn cũng có thể chụp màn hình lại các tin nhắn, email quan trọng để đỡ tốn công ngồi “lội” lịch sử nhắn tin dài bất tận về sau.
LƯU ĐI, TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN!
Hãy bắt đầu suy nghĩ về viễn cảnh một ngày đột nhiên mất điện thoại, hay Instagram bỗng dưng biến mất. Chừng nào chúng vẫn còn, chừng đó chúng ta còn cơ hội “bảo tồn” những ký ức trực tuyến của mình.
Elizabeth Minkel – cây bút chuyên viết về hệ thống lưu trữ và cộng đồng trực tuyến – gợi ý bạn nên bắt đầu từ việc xem xét kỹ càng toàn bộ dữ liệu trên điện thoại, máy tính, iPad… của mình và tiến hành sàng lọc. Đâu là những thứ thực sự quan trọng? Mình có cần giữ tất cả các đoạn hội thoại hay không? Có cần thiết phải nhớ tất cả các lượt like, share trên mạng xã hội? Thói tiếc rẻ cùng suy nghĩ “tất cả mọi thứ đều đáng lưu giữ” sẽ chỉ khiến bạn mắc kẹt với một núi thông tin khổng lồ, nặng nề trong tương lai.
Chúng ta nên tránh thói quen tích trữ tất tần tật các loại tệp tin, dữ liệu một cách vô tội vạ. Thay vào đó, hãy đảm bảo việc lưu trữ của mình là hành động có tính toán, có chủ đích. Hiểu mình thực sự cần lưu gì và tại sao là việc khó nhưng cần thiết. Nó không chỉ khiến số ít kỷ niệm được bạn chọn lưu giữ trở nên quý giá hơn mà còn giúp công việc tổ chức, sắp xếp trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.
Chúng ta viết, chụp, quay rất nhiều sự kiện quan trọng, đáng nhớ bằng chiếc điện thoại. Đừng để kỷ niệm mất đi vĩnh viễn vì mình quên sao lưu, “back up” dữ liệu nhé! Ảnh: Unsplash.
Khi bạn đã quyết định xong những gì muốn giữ, vấn đề kế tiếp là bạn nên lưu trữ chúng ở đâu để đảm bảo an toàn. Có lẽ ai cũng đoán được câu trả lời: cách tốt nhất để lưu trữ dữ liệu là lưu chúng ở tất-cả-mọi-nơi-có-thể, từ USB, ổ cứng cho đến các dịch vụ lưu trữ đám mây như Drive, Dropbox, iCloud… Bằng cách đó, nếu xui xẻo dữ liệu lưu chỗ này bị mất thì bạn vẫn còn bản dự phòng lưu ở chỗ khác. Tuy nhiên, gửi gắm ký ức nơi những “ông lớn” công nghệ như Apple hay Google vẫn an tâm hơn phần nào so với các ổ cứng có nguy cơ đánh mất, hay bị quét sạch bong một ngày đẹp trời vì nhiễm virus.
Riêng lượng thông tin, kỷ niệm chúng ta tích lũy trên mạng Internet trong một năm cũng đã đủ vượt xa – theo cấp số nhân – lượng thông tin của một người sống hồi vài thập kỷ trước. Ngày nay, đôi lúc những ký ức, dấu vết ta để lại trên nền tảng trực tuyến lại là minh chứng duy nhất cho hành trình sống ta đã đi qua. Món “quà lưu niệm trực tuyến” ấy quan trọng không kém gì những kỷ niệm trong đời thực, nên bỏ công sức lưu trữ, sắp xếp dữ liệu số cá nhân sẽ luôn là một nỗ lực đáng giá.
“Thành công không phải là phép màu nhiệm hay sự lừa gạt, nó chỉ đơn giản là học cách tập trung” – Jack Canfield.
Nhiều người tin rằng trạng thái làm việc sâu (Deep work) là kỹ năng cần thiết để đưa bạn chạm tới đỉnh cao của thành công. Nhưng để giữ vững sự tập trung cao độ trong thời đại ngày nay rất khó, nhất là khi chúng ta đang bị bủa vây bởi hàng ngàn thông tin từ các phương tiện và công cụ làm việc khác nhau.
Vậy Deep work là gì? Và bạn nên làm gì để đạt được trạng thái Deep work khi làm việc? Bài viết sau đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin hữu ích giúp bạn hiểu rõ về chủ đề này.
1. Deep work là gì?
Deep work hay còn gọi là “làm việc sâu” được định nghĩa là “khả năng tập trung cao độ vào một nhiệm vụ đòi hỏi sự suy nghĩ trong một khoảng thời gian dài, bị gián đoạn tối thiểu”.
Deep work không chỉ yêu cầu não bộ dồn mức tập trung cao vào một nhiệm vụ hoặc công việc duy nhất mà còn đặt bản thân vào trạng thái làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài. Trong dòng chảy công việc, Deep work khiến bạn sử dụng 200% sức lực để đạt kết quả tốt nhất.
Trong cuốn sách Deep Work: Rules for Focused Success in a Distracted World (bản tiếng Việt: Deep Work: Làm ra làm, chơi ra chơi), tác giả Cal Newport – Phó Giáo sư tại Đại học Georgetown, Mỹ – cho rằng Deep work là một trong những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21, khi con người thường xuyên phải đa nhiệm (multitasking) và làm việc trong môi trường tràn ngập những yếu tố gây phân tâm.
2. Nguồn gốc và sự phát triển của Deep work
Từ thế kỷ XX, Deep work đã được Carl Jung – một bác sĩ tâm thần học, “người khổng lồ” đặt nhiều nền móng quan trọng cho tâm lý học hiện đại – ứng dụng trong đời sống công việc hàng ngày để nâng cao hiệu suất làm việc và tạo ra nhiều kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, khi đó khái niệm Deep work vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng, cho đến khi lần đầu được Cal Newport giới thiệu trong cuốn sách cùng tên của mình, xuất bản vào năm 2016.
2.1. Người sáng tạo khái niệm: Cal Newport
Deep work xuất phát từ nhận thức về đời thường của Cal Newport. Ông đặc biệt chú ý đến sự phân tán và quá tải thông tin trong thời đại công nghệ số. Khi môi trường làm việc hiện nay chứa đầy các yếu tố gây xao nhãng như: email, tin nhắn, mạng xã hội và nhiều công cụ kỹ thuật số khác, khả năng tập trung và sản xuất công việc chất lượng cao của bạn tự động bị thụt giảm.
Dựa trên những điều đó, Cal Newport đã phân tích và nghiên cứu những nguyên tắc và phương pháp để đạt được Deep work, một trạng thái tập trung cao độ. Trong cuốn sách của mình, ông thiết lập một dãy các quy tắc và chiến lược phù hợp để Deep work hoạt động trong điều kiện tốt nhất.
Một số quy tắc cơ bản có thể kể đến:
Lập kế hoạch phân bổ thời gian
Tạo ra một môi trường làm việc tập trung
Phân chia thứ tự ưu tiên công việc
Hiện nay, Deep work không chỉ là một khái niệm đơn thuần trong sách của Cal Newport, mà nó còn trở thành một xu hướng và phong cách làm việc được áp dụng rộng rãi trong môi trường kinh doanh nói chung và công việc cá nhân nói riêng.
2.2. Các yếu tố và nguồn cảm hứng cho sự phát triển của Deep Work
Deep work được phát triển dựa trên sự quan sát và phân tích sự việc hàng ngày xung quanh mỗi chúng ta. Tuy nhiên, có 4 yếu tố chính tạo tiền đề cho Deep work trở thành kỹ năng cần thiết hiện nay:
a. Sự phân tán thông tin trong thời đại công nghệ
Chúng ta phải thừa nhận chính sự phát triển của công nghệ đã khiến mọi thứ trong đời sống trở nên đơn giản và tiện lợi hơn trước. Chỉ cần trong 1 vài cú chạm, những thông báo quan trọng đều hiện hữu nhanh chóng. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích đó chính là sự phân tán thông tin trong môi trường làm việc.
Đặc biệt, khi công việc yêu cầu tính đa nhiệm cao, ai cũng phải đối mặt với email, tin nhắn, thông báo từ điện thoại di động và mạng xã hội 24/7 khiến việc tập trung trở nên khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Deep work được coi là một phương pháp cứu cánh nhằm đối phó với sự phân tâm trong suy nghĩ.
b. Công việc đòi hỏi yêu cầu cao hơn
Cuộc cách mạng thông tin đã mở ra cánh cửa mới cho kinh doanh và công việc phát triển, trong đó, sự cạnh tranh và yêu cầu về mặt tập trung và sáng tạo đều tăng cao.
Để đạt chất lượng trong môi trường này, người làm việc cần phải có khả năng tạo ra công việc chất lượng cao, phân tích chi tiết vấn đề, đưa hướng giải quyết sâu các nhiệm vụ quan trọng. Deep work đã trở thành một phương pháp quan trọng để đáp ứng các yếu tố trên.
c. Cân bằng và tập trung trở thành xu hướng sống và làm việc
Trong một môi trường quá tải thông tin và cần đa nhiệm, xu hướng tìm kiếm sự tập trung trở thành giải pháp phù hợp để đem đến sự cân bằng cho guồng quay công việc.
Hàng ngày, bạn chỉ cần dồn sức Deep work 2 tiếng để xử lý 20% các nhiệm vụ chuyên sâu và quan trọng, chiếm 80% giá trị; còn lại sẽ phân bổ thời gian để hoàn thành các tác vụ kém quan trọng hơn. Khi đó, phương pháp này giúp bạn hoàn thành mục tiêu đề ra và cân bằng hoạt động trong ngày.
3. Tầm quan trọng của Deep work trong công việc
Dựa trên nghiên cứu của Cal Newport, trạng thái Deep work góp phần tăng cường giá trị công việc, giảm thiểu stress và kích thích sự hưng phấn trong tinh thần người lao động, cụ thể như:
3.1. Nâng cao hiệu suất làm việc
Deep work góp phần tạo ra một không gian làm việc tập trung nhằm giúp bạn tiếp cận và hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn. Deep work loại bỏ sự phân tán và hạn chế tiếp xúc thụ động với các yếu tố gây nhiễu loạn thông tin. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng tập trung cao độ xử lý việc chuyên sâu.
3.2. Tăng cường sự sáng tạo trong công việc
Với một môi trường thuận lợi, Deep work còn là trạng thái tuyệt vời để bạn khám phá ý tưởng mới, sáng tạo và đổi mới liên tục. Giống như trong ngành Marketing, để lên chiến lược truyền thông thương hiệu, bạn sẽ cần ít nhất 3 tiếng thật sự tập trung để lên ý tưởng, phác thảo và triển khai chi tiết các bước.
3.3. Tạo sự thoải mái tâm trí và giảm thiểu stress
Deep work giúp bạn tận hưởng sự tập trung cao độ và hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Khi ấy, sự tiến bộ trong công việc do Deep work mang lại sẽ là động lực để bạn duy trì kỹ năng này. Bên cạnh đó, Deep work còn làm giảm bớt cảm giác căng thẳng và lo lắng khi tiếp nhận lượng lớn thông tin hàng ngày.
4. Cách để đạt được Deep work trong công việc
Quá trình thực hiện Deep work thường gặp phải rất nhiều khó khăn.
Đó là bởi tâm trí bạn thường bị phân tán tập trung bởi hàng loạt tác động từ môi trường xung quanh, bao gồm cả các công cụ làm việc. Sự cản trở cũng đến từ nhiều yếu tố nội tại của cá nhân như áp lực công việc, thiếu động lực làm việc, tâm trạng xấu,…
Quản lý thời gian cũng là một thách thức lớn, vì Deep work đòi hỏi khoảng thời gian tập trung dài mà không bị gián đoạn. Ngoài ra, việc chuyển đổi giữa công việc hàng ngày sang Deep work cũng đòi hỏi một sự khéo léo và có chuẩn bị.
Đối với những người đã quen trong trạng thái Shallow work – làm việc hời hợt, thì càng khó để Deep work. Nếu không có tinh thần quyết tâm với ý thức duy trì đều đặn, bạn sẽ không thể thực hiện thành công.
Như Cal Newport đã đề cập đến trong cuốn sách của mình, bạn có thể tham khảo các một số quy tắc cơ bản dưới đây để tiến tới quá trình làm việc sâu nhanh hơn.
4.1. Lập kế hoạch phân bổ thời gian và công việc hiệu quả
Xác định rõ trọng tâm cần thực hiện: Để cân đối quỹ thời gian mà đảm bảo chất lượng công việc, bạn cần xác định rõ đâu là nhiệm vụ quan trọng với độ ưu tiên cao nhất. Mục tiêu này nên được chi tiết hóa thành đầu việc cụ thể để bạn biết chắc chắn mình cần làm những gì. Từ đó, hãy phân chia thời gian và xếp thứ tự ưu tiên cho công việc Top 1 để đảm bảo bạn dành đúng thời gian và tài nguyên cho những công việc quan trọng nhất.
Học cách nói “không”: Từ chối những việc lặt vặt sẽ giúp bạn bảo vệ quỹ thời gian, giữ gìn năng lượng quý giá và duy trì quy trình Deep work một cách suôn sẻ.
Kỹ thuật Pomodoro time hoặc chia nhỏ thời gian (time blocking): Các kỹ thuật này sẽ giúp bạn làm quen dần với việc duy trì sự tập trung. Ví dụ, bạn chọn làm việc trong các khung thời gian ngắn là 25 phút, và sau đó có một khoảng nghỉ ngắn 5 phút. Cứ vậy lặp lại 3 đến 4 lần. Vậy là bạn đã có 2 tiếng thật sự Deep work. Khi đó, duy trì sự tập trung trở nên đơn giản và không gây mệt mỏi.
Tự tạo ra “nghi thức khởi động” của riêng mình: Hãy ứng dụng “chu trình Deep work” bằng việc tạo ra một quy trình trước lúc bắt đầu Deep work, để khi vào việc bạn chỉ cần làm mà thôi.
4.2. Có quy tắc khi dung nạp thông tin
Như bạn đã biết, số lượng thông tin nạp vào sẽ ảnh hướng đến khả năng tập trung suy nghĩ. Nếu bạn đang thụ động dung nạp quá nhiều thông tin không kiểm soát thì Deep work khó lòng mà áp dụng được. Bạn hãy điều chỉnh số lượng thông tin mà bạn cần tiếp xúc trong quá trình làm việc.
Bật chế độ tập trung (focus mode) trên điện thoại để tránh bị phân tâm. Và nếu bạn vẫn muốn kiểm tra thông báo, hãy định những khoảng thời gian cụ thể để xử lý tất cả mọi thứ bên lề.
Và hãy đặt mục tiêu và tuân thủ các quy tắc rõ ràng về việc sử dụng công nghệ. Ví dụ:
Đâu là thời điểm cụ thể để kiểm tra email và mạng xã hội?
Ngoài thời gian đó, chọn tắt thông báo và để điện thoại di động xa tầm tay
Sử dụng các công cụ hỗ trợ như ứng dụng chặn website để hạn chế truy cập không cần thiết.
4.3. Lựa chọn môi trường làm việc tập trung
Không gian cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến khả năng thành công của Deep work. Bạn chỉ sẵn sàng vào trạng thái làm việc sâu khi đó nơi giúp bạn tận hưởng công việc một cách thoải mái nhất.
Đây có thể là một văn phòng riêng tư, một không gian yên tĩnh ở thư viện hoặc một quán cafe yên tĩnh mà không có quá nhiều sự giao tiếp,… tuỳ vào nơi bạn thấy phù hợp.
Hoặc trong kỷ nguyên số như hiện nay, khi công việc và giao tiếp dần được chuyển lên môi trường số, bạn có thể thiết kế một không gian làm việc số cho riêng cá nhân bạn – nơi dữ liệu được sắp xếp gọn gàng, hỗ trợ xử lý nhiều tác vụ trên cùng một không gian.
4.4. Chọn nhịp độ Deep work phù hợp
Mỗi cá nhân sẽ có một nhịp độ Deep work khác nhau và không có một công thức chung dùng cho tất cả. Có người sẽ đặt ra riêng thời gian deep work trong ngày, có người cần “bế quan” cả tuần, có người lại tranh thủ lúc nào thì sẽ deep work lúc đó.
Dựa trên việc quan sát hiệu suất bao gồm: thời gian, lượng công việc hoàn thành, mức độ tập trung và cảm giác sau khi hoàn thành công việc, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh trạng thái Deep work của mình sao cho tối ưu nhất.
Ngoài ra, môi trường làm việc và lịch trình cá nhân luôn có thể bị thay đổi. Thay vì cứng nhắc áp vào một khung thời gian nhất định, bạn hãy linh hoạt thay đổi nhịp độ Deep work để phù hợp với tình hình và yêu cầu của công việc hiện tại. Và chẳng may nếu bạn thấy mệt mỏi hoặc khó tập trung, hãy nghỉ ngơi một chút rồi sau đó quay lại trạng thái làm việc sâu sau.
Điều quan trọng nhất trong việc lựa chọn nhịp độ là bạn phải thử nghiệm, quan sát kết quả và liên tục điều chỉnh cho đến khi tìm ra mô hình làm việc tối ưu nhất cho mình.