Tuesday, January 9, 2024

QUYẾT ĐỊNH ĐI PHƯỢT CỦA BÀ NỘI TRỢ



Mệt mỏi sau nhiều năm sống "vì người khác", [cô] Tô Mẫn dứt khoát bỏ đi, khởi động hành trình truyền cảm hứng cho hàng triệu bà nội trợ Trung Quốc.


Tô Mẫn, 56 tuổi, chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ cảm nhận được tự do như thế này. Bà cuối cùng cũng lấy lại được chiếc ô tô màu trắng Volkswagen Polo mua bằng tiền dành dụm làm việc trong siêu thị suốt hai năm.


Không cần lo lắng bị chồng giật chìa khóa xe, hay không còn ai lải nhải bên tai chỉ đi đường này đường kia, thậm chí có thể thoải mái ăn bất kỳ thứ gì mình thích chứ không phải ăn uống theo khẩu vị nhạt nhẽo của chồng, Tô Mẫn thoải mái bỏ thêm ớt vào nồi lẩu, vừa ăn vừa toát mồ hôi.


Sáng 23/9/2020, Tô Mẫn lái xe khỏi gara, nhìn bóng con gái khuất dần trong gương chiếu hậu. Bà rời khỏi cổng chung cư, hòa vào dòng xe cộ tấp nập trên phố, rồi lên đường cao tốc, tăng tốc rời khỏi thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Không còn bận tâm với vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con, hay làm bà ngoại nữa, giờ đây, bà chỉ là một người du hành.


Đi tới đâu Tô Mẫn cũng quay video và đưa lên mạng, trở thành niềm cảm hứng cho những người phụ nữ đang bế tắc trong hôn nhân khắp Trung Quốc. Người khác nhận ra hoàn cảnh của chính mẹ mình, người đang lặng lẽ gánh vác vô số nghĩa vụ mà xã hội Trung Quốc gán lên người, hoặc có người chỉ ngạc nhiên khi một phụ nữ trung niên là biểu tượng cho một gia đình ổn định lại kiên quyết ra đi, lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình.


Cuộc đời Tô Mẫn luôn sống trong sự kiềm chế. Khi còn nhỏ, bà phải kiềm chế sự thôi thúc làm theo khi nhìn hai em trai vui vẻ chơi đùa, trượt xuống sườn núi Qamdo ở Khu tự trị Tây Tạng, rồi lặng lẽ đi giặt quần áo bẩn cho hai em. Tới tuổi lập gia đình, bà âm thầm chịu đựng sự thờ ơ và bạo lực của chồng để con gái được lớn lên trong một gia đình đầy đủ bố mẹ. Khi con gái tốt nghiệp và tìm bạn trai, bà cũng không dám ra đi vì sợ con xấu hổ. Tới lúc hai cháu ngoại sinh ra, bà lại tiếp tục gánh nặng chăm sóc cháu.


Một chiều mùa đông năm 2019, bà vô tình kích vào một liên kết trên mạng, đọc được bài viết chia sẻ chuyến đi phượt một mình của ai đó. Cánh cửa vào thế giới nội tâm của Tô Mẫn như được mở ra. Bà chưa từng nghĩ rằng một điều như vậy có tồn tại.


"Mình cũng làm được", Tô Mẫn tự nhủ và lập tức nói với con gái, nhưng cô chỉ nghĩ mẹ đang đùa.


Con gái bà có hai con trai sinh đôi và cần mẹ giúp chăm sóc. Nhưng lúc này, Tô Mẫn kiên quyết đặt điều kiện chỉ chăm sóc cháu tới năm sau, khi tới tuổi đi mẫu giáo.


Bà âm thầm chuẩn bị cho chuyển đi cả năm, trong lúc vẫn đảm đương việc nhà. Tô Mẫn lên mạng tìm kiếm những món đồ cần thiết để đi phượt một mình và khi tìm thấy món hữu ích, bà thêm vào giỏ hàng trên trang thương mại điện tử Taobao.


Tô Mẫn chưa bao giờ mong ngóng mùa xuân đến thế trong đời. Nhưng đại dịch Covid-19 khiến ai cũng bất ngờ. Hai cháu không thể đi mẫu giáo, còn chồng thì mỉa mai: "Để xem bà định đi thế nào!". Bà không tranh luận với chồng, chỉ tiếp tục mua thêm nhiều món trong giỏ hàng.


Tới tháng 9/2020, trường mẫu giáo toàn quốc mở cửa lại. Tô Mẫn cảm thấy nghĩa vụ làm mẹ, làm bà của mình đã xong. Bà nhấn nút thanh toán mọi món đồ đã lưu trong giỏ hàng.


Khi shipper chuyển hết món này tới món khác về nhà, chồng bà hơi bối rối. Không có vợ, ông biết mình không thể ở cùng con gái, người quá bận bịu với việc chăm sóc hai đứa trẻ, không thể chăm sóc bố.


"Ông ấy nhận ra nếu tôi rời đi, ông ấy cũng phải chuyển khỏi nhà con gái và không ai nấu nướng cho", Tô Mẫn nói.


Chồng bà tìm mọi cách ngăn cản vợ, chủ yếu bằng lời lẽ khiêu khích. Ông thậm chí còn cố lấy thẻ ETC, thứ giúp thanh toán phí cao tốc, và chỉ bỏ cuộc khi con rể can ngăn.


"Mình không thể tiếp tục sống thế này nữa", Tô Mẫn tự nhủ.


Cuối cùng xe cũng chất đầy đồ dùng cần thiết. Trong thùng xe có thức ăn, bình gas nhỏ, nước, xoong nồi. Ghế sau là vali chứa áo khoác len, quần dài, bởi bà không định quay lại trước khi mùa đông kết thúc. Bà cũng mang theo một tủ lạnh nhỏ chạy bằng năng lượng mặt trời, thậm chí là máy GPS không dây đã trả sẵn 6 tháng tiền dữ liệu.


Từ Trịnh Châu, bà lái xe về phía tây, tới Tam Môn Hiệp, thành phố dọc sông Hoàng Hà, rồi đến Tây An, cố đô nổi tiếng Trung Quốc để ngắm tượng binh mã bằng đất nung dưới lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Bà ngủ đêm ở bãi đỗ xe, khu cắm trại miễn phí, thậm chí ngủ tại trạm dịch vụ dọc đường cao tốc. Ban đầu, Tô Mẫn vẫn e ngại người qua đường nhìn mình, nên thường trốn đi mỗi khi tới giờ ăn. Nhưng sau đó thì bà không để ý tới người khác nữa.


Bà lấy đầy nước uống miễn phí tại các trạm dịch vụ. Tự nấu nướng để tiết kiệm, tìm ưu đãi nhà tắm công cộng trên ứng dụng, đặt phiếu tắm rửa giá khoảng 1,5 USD/lần.


Trên đường đi qua nhiều đoạn dốc nguy hiểm, bà không thấy sợ hãi, chỉ thấy tự do. Trong tháng đầu tiên, Tô Mẫn đã lái xe hơn 1.000 km, đổ xăng 5 lần và bị trừ 9 điểm trên bằng lái vì vi phạm quy định giao thông, nhưng từ khi lấy chồng tới nay, đây là quãng thời gian bà cười nhiều nhất.


30 năm chung sống với chồng, bà biết ông không ăn cay, biết chồng thích câu cá, thích ăn cá. Bà biết ông luôn chuyển qua chuyển lại giữa kênh thể thao và tin tức mỗi khi xem tivi, thích xem tin tức đánh nhau. Bà hiểu tiền sử bệnh tim và huyết áp của chồng, biết ông thắng bao nhiêu giải bóng bàn, nhưng chưa bao giờ hiểu chồng thực sự nghĩ gì.


Phần lớn thời gian hai người sống trong thế giới song song. Khi con còn nhỏ, bà thường nắm tay con đi ở phía trước, còn chồng nán lại phía sau. Khi con gái vào học nội trú năm cuối cấp hai, hai người ngủ riêng. Mỗi lần nghe thấy tiếng chồng đóng cửa ra ngoài, bà biết mình cuối cùng cũng có thể ngồi ghế sô pha xem chương trình tivi ưa thích.


Sau khi con gái lấy chồng và sinh con, hai người lại ở chung phòng. Họ mua một chiếc giường tầng. Bà ngủ trên còn ông ngủ dưới. Ban đêm, người nào người nấy đeo tai nghe, tự chơi di động. Ở nhà, bà không thường bộc bạch suy nghĩ, bởi niềm vui lớn nhất của chồng bà là vạch lỗi mọi người, kể cả cách bà chăm cháu. Một lần, khi bà thơm cháu, ông nói nước bọt của bà sẽ làm cháu ốm.


"Không thể nói cái này, không thể nói cái kia", Tô Mẫn kể. Bà thấy mình như chiếc lò xo bị dồn nén quá lâu. "Không thể tự do nói chuyện trong nhà của mình".


Bà từng bị chồng đánh, đau lưng nhiều ngày. Để tránh lặp lại, bà học cách nói càng ít càng tốt trước mặt chồng. "Sống với ông ấy lúc nào cũng căng như dây đàn", bà tâm sự.


Có lần khi đang ăn tối cùng bạn học, chồng bà xông vào nhà hàng, nói với mọi người "vợ tôi có vấn đề tâm thần", đề nghị họ đừng mời bà đi ăn uống nữa.


"Ông ta chỉ muốn tôi cảm thấy xấu hổ", Tô Mẫn nói. Sau khi chồng bỏ đi, một số bạn học cũ của bà không thể chấp nhận. Họ nói với bà "hãy thoát khỏi cuộc hôn nhân ấy, tớ sẽ giúp cậu tìm người tốt hơn". Bà chỉ cười và không đáp lời.


Người Trung Quốc thường thích con trai hơn con gái. Người phụ nữ không sinh được con trai sẽ bị chồng và gia đình nhà chồng coi thường. Vì vậy Tô Mẫn luôn tự hỏi phải chăng quan hệ giữa hai vợ chồng đến nước này chỉ vì bà sinh con gái?


Hai năm đầu sau khi kết hôn, bà nghỉ việc vì nhà máy đóng cửa. Có một khoảng thời gian Tô Mẫn ở nhà. Hàng tháng, chồng đưa bà tiền lương và kiểm tra kỹ từng xu vợ tiêu. Bà tự ái và sau đó tự kiếm tiền chi tiêu. Tô Mẫn luôn ghen tị với bạn thân là hàng xóm 10 năm nay, khi chồng của bạn luôn không hề đắn đo đưa vợ tiền mua sắm.


"Cô ấy thật sự có rất nhiều quần áo", bà nói.


Bác sĩ chẩn đoán bà mắc chứng trầm cảm năm 2019. Khi ở trong tình trạng tồi tệ nhất, bà thường xuyên khóc một mình và phải dùng thuốc. Tô Mẫn nhận ra sẽ không bao giờ giải đáp được nghi vấn của mình. Bà từ bỏ việc tìm kiếm nguyên nhân, không còn ảo tưởng vào chồng nữa.


Chỉ sau khi lái xe hàng trăm km, bà mới gọi điện về cho mẹ lần đầu tiên. Bà nói rằng mình cần phải đi để thanh lọc tâm trí, không hề nói cụ thể hơn. Thế giới quan của mẹ đẻ bà luôn tuân theo quan niệm truyền thống "gia hòa vạn sự hưng".


Tô Mẫn biết rằng trong suy nghĩ của mẹ, không có lý do gì để làm tan vỡ một gia đình chừng nào ông không phản bội bà hay không đề nghị ly hôn. Bà cũng sẽ không bao giờ kể với mẹ rằng từ khi 30 tuổi, bà và chồng về cơ bản đã sống ly thân.


Mỗi lần Tô Mẫn suy sụp, bà gọi điện cho mẹ để phàn nàn và chỉ nhận được câu trả lời lạnh lùng rằng "Tự làm tự chịu". Tô Mẫn luôn cảm thấy mình không đáp ứng được kỳ vọng của mẹ là "tìm một người chồng tốt", một người đàn ông có tiền, có quyền, có thể giúp đỡ gia đình.


Bà lớn lên trong sự nghiêm khắc của mẹ và để thoát khỏi nó, Tô Mẫn lấy chồng theo giới thiệu của nhà máy nơi bà làm việc. Bà nhận ra mình chỉ rời đi từ sự giám sát của mẹ tới một cuộc hôn nhân không tình yêu. Nên tới đời con gái, bà luôn để con tự do, không hề gây áp lực, chỉ cần con tìm được người tử tế và đối xử tốt với cô.


Sau khi sinh đôi, con gái bà ở nhà và trầm cảm sau sinh, thường xuyên trách móc chồng không chăm sóc con gái mỗi khi đi làm về. Con gái cáu giận khiến bà lo lắng, đồng thời cảm thấy con rể bắt đầu nhìn vợ giống cách chồng bà nhìn bà.


"Tôi rất sợ đàn ông khi họ cáu giận, lo lắng con rể sẽ coi thường con gái tôi vì không kiếm được tiền", bà nói.


Chính vì thế, bà giúp con trông cháu để cô có thời gian đi tìm việc làm, sớm độc lập tài chính. Vì con, bà luôn cố gắng duy trì vẻ hòa thuận trước mặt con rể, thường hỏi các cháu hoặc con gái xem con rể muốn ăn gì hôm nay.


"Thực sự là tôi không quan tâm chút nào", Tô Mẫn nói.


Trong suốt thời gian đi phượt, chồng bà không hỏi han vợ. Hai người tránh nói chuyện trực tiếp. Nếu có chuyện cần bàn, họ sẽ nhắn tin vào nhóm chat của gia đình.


Trong suốt 30 năm hôn nhân cô đơn và buồn chán, Tô Mẫn chưa từng nghĩ tới ly hôn. Bà có quá nhiều thứ cần cân nhắc. Ở một khía cạnh nào đó, bà cảm thấy mình không có tài sản riêng. Ngôi nhà đứng tên chồng, còn xe ô tô đứng tên con gái.


"Hãy nghĩ thử xem, nếu ly hôn và tôi dọn đi, sẽ tốn bao nhiêu tiền để mua nhà mới? Còn con gái tôi thì sao? Ngày lễ tết nó biết đến nhà ai? Việc này cũng khiến con tôi phải bận tâm. Còn tìm chồng khác ư? Để làm gì?" bà nói.


Điều quan trọng nhất là bà đã vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất, khi vừa chăm con vừa tìm việc làm. Giờ con đã lớn, có cuộc sống tốt hơn bà thời trẻ. Bà thì có xe và có thể đi du lịch một mình.


Tô Mẫn cho rằng việc chồng quyết định ở lại cùng mình cũng tương tự. Ông đầy bệnh tật, sẽ chẳng ai sẵn sàng chịu đựng ông khi luôn tính toán chi phí từng xu từng hào.


Trước khi đi phượt một mình, bà thường đọc tiểu thuyết du hành ngược thời gian. Bà thích đọc truyện liên quan tới nghề y. Ở hiện tại, họ không gây chú ý nhưng khi ngược về quá khứ, họ được coi là thiên tài y học. Du hành ngược thời gian giúp họ kiểm soát hoàn toàn số phận của mình. Bà cũng ước được du hành ngược thời gian và nếu được, bà sẽ kết hôn lần nữa với người mình thực sự yêu.


Trong chuyến đi, bà cũng thay đổi suy nghĩ về chồng và cảm thấy thương hại ông. Bà có thể đi chơi thoải mái, nhưng ông thì không vì bệnh tật đầy người. Bà rất thân thiết với con gái, còn con lại xa lạ với bố vì nhìn thấy bố đánh mẹ lúc còn bé.


Nhưng giờ thì những mâu thuẫn với chồng không còn quan trọng nữa. Tô Mẫn chỉ muốn "sống cho bản thân". Bả cảm thấy tự do khi được giải phóng khỏi gánh nặng làm mẹ, khỏi sự thân thiết giả tạo, khỏi nghĩa vụ phải làm người khác vui vẻ.


Sau khi chia sẻ video về chuyến đi phượt của mình trên mạng, có người đã đăng lại và Tô Mẫn lập tức có hàng nghìn người theo dõi chỉ sau một đêm. Họ viết tin gửi bà, chia sẻ cảm thấy ghen tị thế nào bởi "cô thật may mắn khi biết lái xe, còn tôi muốn đi nhưng không thể".


Bà dự định đi Côn Minh, sau đó tới Lệ Giang và Đại Lý, cắm trại bên hồ và chìm vào giấc ngủ trong tiếng chim hót. Cuối cùng, bà sẽ tới Hải Nam vào Tết nguyên đán. Con rể muốn mẹ quay lại trước Tết nhưng Tô Mẫn "không muốn làm việc cho người khác nữa".


Bà chưa nghĩ sẽ về nhà lúc nào, cũng không hề nghĩ gì về kế hoạch tương lai. Điều duy nhất Tô Mẫn chắc chắn là mình đang lái chiếc xe nhỏ về miền nam ấm áp.


Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone)


https://vnexpress.net/ba-noi-tro-truyen-cam-hung-vi-dut-ao-di-phuot-khap-trung-quoc-4232058.html