Tuesday, January 9, 2024

SỰ TĨNH LẶNG ĐÍCH THỰC

 (thực hành tĩnh lặng hông?!... Làm theo vầy coi sao!... Tui thì tui đơn giản hơn, tui chỉ nhắm mắt lại và A di đà Phật...) 

----------



Trong sự tĩnh lặng thì nguồn năng lượng bên trong của chúng ta sẽ tự động được thức dậy và mang lại sự biến đổi thích hợp ra thế giới bên ngoài.
Đó là một khoảng lặng cần thiết cho mỗi chúng ta khi có quá nhiều áp lực bên ngoài khiến tâm trí chạy nhanh như sóc. Do đó, chúng ta luôn phải kiểm tra lại tất cả mọi suy nghĩ hàng ngày để điều hướng chúng phù hợp với trải nghiệm cuộc sống mà chúng ta lựa chọn. Chúng ta cần một sự nghỉ ngơi có ý thức để có khoảng không gian neo lại chính xác những gì hỗ trợ cho hành trình hiện thực hóa của mình, chẳng hạn như ta biết rõ suy nghĩ nào có lợi cho hiệu quả hiện thực hóa thay vì bị tâm trí cuốn đi theo nhiều hướng.
Một tư duy logic khiến cho mọi so sánh, phân tích, phản biện là công cụ bóp méo sự thật đích thực về chúng ta. Thay vì chúng ta có sự bình an, vui vẻ thật sự chúng ta lại đi vật lộn với những làn sóng tổn thương ở bên ngoài. Vì vậy, chúng ta nên học cách lắng nghe và hành động theo con người đích thực bên trong thay vì hành động theo diễn biến bên ngoài, tự làm mình mệt mỏi. Đây chính là thời gian để Tâm trí thư giãn, nghỉ ngơi và tái tạo lại sức khỏe tinh thần thì tự nhiên chúng ta thấy mọi thứ xung quanh vô cùng nhẹ nhàng, hoặc phát sáng và rạng rỡ.
Tâm của chúng ta sẽ phản ánh ra thế giới bên ngoài.
Thực hành Tĩnh lặng giúp ta tăng khả năng sáng tạo và năng suất hoạt động cao hơn rất nhiều, chứ không phải sự sáng tạo đến khi chúng ta cố gắng suy nghĩ về nó. Khi chúng ta càng tĩnh lặng thì mọi thứ trong cuộc sống càng suôn sẻ và trôi chảy.
Làm thế nào để buông xã những áp lực và quay về tĩnh lặng?
Dừng lại và lắng nghe những cuộc trò chuyện đang diễn ra trong đầu. Cuộc đối thoại nội bộ của chúng ta bao gồm rất nhiều giọng nói khác nhau như: giọng nói phán xét của thẩm phán, giọng nói sợ hãi, đổ lỗi cho hoàn cảnh của một người nạn nhân hoặc giọng nói của một người giải quyết vấn đề thậm chí không phải vấn đề của mình hay giọng nói của người anh hùng muốn đi giúp người này người kia hoặc giọng nói bên trong rằng mình phải làm cái này, mình phải làm cái kia. Những giọng nói này luôn luôn diễn ra vì chúng ta vô thức không hề biết mình đang suy nghĩ cái gì.
Trong thời gian này, chúng ta chỉ cần lắng đọng lại và nghe kỹ cuộc trò chuyện trong đầu chúng ta thì sẽ thấy rõ rằng và phát hiện: chính bản thân mình cũng có rất nhiều giọng nói mà nó tượng trưng cho rất nhiều nhân cách, rất nhiều khía cạnh trong con người chúng ta (thiện/ác, ánh sáng/bóng tối).
Ví dụ: Một số đóng vai là người truyền cảm hứng cho chúng ta, bằng những giọng nói khôn ngoan, uyên bác. Một số khác lại làm nhụt ý chí của chúng ta, bằng những sự trừng phạt bởi giọng nói phán xét, đe dọa khiến cho chúng ta sợ hãi. Một số khía cạnh khác nữa có thể ở bất kỳ vị trí nào trong tâm chúng ta, chỉ chờ cơ hội nổi lên mà thôi.
Những giọng nói (hoặc nhân cách) này đều có một điểm chung là: đều đưa chúng ta ra khỏi HIỆN TẠI, khiến chúng ta bị xoay vòng và chúng ta bị bám theo những suy nghĩ đó (ký ức cũ về quá khứ) và sau đó hình thành “một chiến lược” để đối phó với tình huống tương lai có thể xảy đến, trong khi tất cả những suy nghĩ tương lai đều do chúng ta TƯỞNG TƯỢNG (dự cảm của cơ chế phòng vệ). Thay vì hiện diện với những gì thực sự đang ở trước mắt của chúng ta, thì chúng ta lại hiện diện với các cuộc đối thoại hỗn độn tổng hợp từ các câu chuyện trong quá khứ kết hợp những nỗi sợ hãi trong tương lai. Do đó, chúng ta cần có phương pháp để mình bình tĩnh lại.
Có một phương pháp đã tồn tại hàng nghìn năm: THIỀN.
Thiền chỉ đơn giản là chúng ta bước vào giây phút hiện tại và ở lại với hiện tại. Chúng ta hiện diện trong hiện tại trong từng khoảnh khắc, trong từng giây phút. Thực hành thiền thúc đẩy sự tĩnh lặng bên trong. Đơn giản là chúng ta ngồi im lặng hoặc di chuyển trong tâm trí của mình, ngồi quan sát những gì mình đang có mà không phán xét hay không thay đổi bất cứ điều gì. Khi quan sát thấy mình đang bị cuốn theo những dòng suy nghĩ đi khắp nơi và vượt ra ngoài thì chúng ta chỉ cần kéo ý thức của tâm trí về thời điểm hiện tại: tại khoảnh khắc này, tại nơi đây và ngay lúc này.
Một trong những lợi ích lớn nhất của thiền là chúng ta không bị “đồng hóa” với các cuộc đối thoại nội tâm của chúng ta. Thường chúng ta nghĩ rằng những suy nghĩ bên trong đầu của chúng ta là chúng ta, khi thiền chúng ta tách mình ra khỏi suy nghĩ đó và trở thành nhân chứng quan sát suy nghĩ đó để nhận ra rằng: suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, chúng tồn tại ở trong đầu chúng ta nhưng không phải là chúng ta mà con người là SỰ HIỆN DIỆN CÓ Ý THỨC làm cho suy nghĩ của chúng ta trở thành HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC ra bên ngoài. Thiền chính là giúp chúng ta trải nghiệm SỰ THẬT này.
Nếu chúng ta ghi nhớ điều này suốt cả ngày thì chúng ta dễ dàng buông tất cả mọi suy nghĩ đang gây ra đau khổ, phiền não, lo lắng, sợ hãi vì chúng đơn giản diễn ra trong đầu chúng ta mà thôi, nó không phải là hiện thực, nó không phải là chúng ta. Trên con đường sống cùng Nữ thần, chúng ta phải khám phá ra những gì là HIỆU QUẢ NHẤT đối với mình cũng như thực hành thiền tĩnh lặng. Thiền không chỉ là ngồi xuống, nhắm mắt lại và quan sát hơi thở của mình mà: Thiền chính là chúng ta tập trung vào bất kỳ việc gì chúng ta đang làm tại một thời điểm và chúng ta biết rằng chúng ta đang làm việc đó. Thiền là sự tập trung hoàn toàn vào Tất cả hành động chúng ta đang làm với một Ý THỨC có nhận thức 100% biết mình đang làm gì.
Ví dụ: chúng ta đang ngồi chia sẻ với nhau, chúng ta hiện diện với nhau và tập trung hoàn toàn vào buổi chia sẻ, tập trung năng lượng hoàn toàn với nhau thì đó chính là đang thiền chứ không phải là ngồi nhắm mắt lại quan sát hơi thở hay ngồi nhắm mắt lại nghe nhạc thì mới là thiền. Thiền là tất cả những gì chúng ta làm với sự tập trung và tỉnh thức có ý thức. Vì vậy, chúng ta có thể thiền 24/24 giờ một ngày, không nhất thiết phải tuân theo các nguyên tắc cứng nhắc. Như chúng ta đang hít thở thì chúng ta biết mình đang hít thở, chúng ta đang nấu cơm thì chúng ta biết mình đang nấu cơm. Hãy kết nối với cơ thể vật lý của mình, cơ thể cảm xúc của mình để tất cả đều được thăng hoa, thỏa mãn và hài lòng.
Thiền phải diễn ra với sự đón nhận thoải mái, dễ chịu của chúng ta. Đừng bao giờ thiền với “vị Thẩm phán” trong đầu cố làm cho đúng mà hãy mở lòng ra để khám phá nhiều cách khác nhau mà chúng ta có thể thiền.
4 cách để mang lại sự tĩnh lặng cho cuộc sống của chúng ta
1/ THIỀN TĨNH LẶNG
Tìm một không gian yên tĩnh, nơi mà chúng ta cảm thấy vô cùng thoải mái từ trong ra ngoài. Sau đó, chúng ta ngồi xuống hoặc nằm xuống, không quan trọng tư thế của bạn ra sao. Với người mới thực hành hãy tự đặt đồng hồ báo thức và tập trong 5-10 phút để không bị sa đà quá vào sự háo hức tìm kiếm bên trong của tâm trí. Khi đã trong tư thế ngồi im hoặc nằm im, bạn hãy tự hỏi bản thân: “Ở đây đang có sự tĩnh lặng nào?” và hít thở tự nhiên, bắt đầu đi tìm ở bên trong bạn những nơi đang diễn ra sự tĩnh lặng. Đây chính là sự tĩnh lặng ở bên trong.
Đơn giãn hãy thoải mái, thư giãn và để Tâm trí đi khám phá tất cả những nơi nào tĩnh lặng nhất ở bên trong, nơi nào chúng ta cảm thấy yêu thương nhất, bình an nhất thì đấy chính là nơi tĩnh lặng nhất ở bên trong chúng ta.
Lúc này, cơ thể chúng ta có thể lắc lư hoặc muốn cử động thì hãy để chúng diễn ra tự nhiên. Lúc này, tâm trí của chúng ta có thể nổi lên và kéo chúng ta đi ra khỏi hiện tại thì hãy tiếp tục tỉnh táo neo bản thân mình vào nơi mà chúng ta đã khám phá ra được sự bình an, yêu thương ở bên trong của chúng ta. Thông qua đó, chúng ta học được cách làm người nhân chứng để quan sát, chứng kiến tất cả những suy nghĩ của mình trong lúc chúng ta đang tĩnh lặng.
2/ THIỀN LẮNG NGHE SỰ TĨNH LẶNG Ở BÊN TRONG
Ở trong một nơi hoàn toàn yên lặng, bất kỳ yếu tố nào có thể làm phiền chúng ta như điện thoại, tivi… hãy tắt chúng. Sau đó, cũng đặt đồng hồ báo thức trong 5-10 phút cho đến khi quen dần chúng ta có thể đặt đồng hồ trong 20 – 30 phút hoặc 60 phút. Tiếp theo chúng ta có tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái, cử động tự nhiên và nhắm mắt lại.
Khi chúng ta đã định vị cơ thể của mình xong, chúng ta bắt đầu đi dần vào bên trong và tìm kiếm những khoảng lặng bên trong tâm trí của mình: đó là những khoảng lặng tồn tại giữa những dòng suy nghĩ của chúng ta, nơi mà dòng suy nghĩ này vừa kết thúc thì có một khoảng lặng vô cùng ngắn ngủi để chuyển sang suy nghĩ tiếp theo. Chúng ta hãy tìm kiếm khoảng lặng giữa 2 luồng suy nghĩ như vậy, rất nhiều suy nghĩ khác tiếp tục nảy sinh nhưng chúng ta không cần làm gì cả, cứ để chúng diễn ra đến và đi, đến và đi...
Bạn có thể tưởng tượng bản thân đang ở một địa điểm tuyệt đẹp, vô cùng thơ mộng khiến bạn cảm giác vô cùng bình an, vô cùng rạng rỡ và những suy nghĩ của chúng ta giống như những đám mây đang trôi lơ lửng trên bầu trời. Sau đó, chúng ta đưa nhận thức của mình đến không gian tĩnh lặng ở giữa hai đám mây đó trong tưởng tưởng của chúng ta để dễ dàng hình dung hơn suy nghĩ của chúng ta như các cụm mây và tìm ra khoảng trống giữa các cụm mây.
Việc tìm ra khoảng trống này phải diễn ra bình thường, đừng ép buộc bản thân phải cố gắng tìm ra chúng hoặc nản lòng phán xét bản thân mình khi chưa tìm được. Hãy để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên cho đến khi nào chúng ta chợt nhận ra được khoảng không giữa hai dòng suy nghĩ.
Hãy đặt 2 tay bạn: Tay trái đặt lên bụng (luân xa 3) và tay phải đặt lên trái tim (luân xa 4) và trải nghiệm sức mạnh của khoảnh khắc hiện tại khi chúng ta đặt tay như vậy. Chúng ta cảm giác như thế nào? Những suy nghĩ của chúng ta luôn luôn đến và đi, luôn luôn có 2 luồng suy nghĩ cạnh nhau, nên khi chúng ta nhận ra được những khoảng lặng giữa chúng thì chúng ta đã tìm được sự tĩnh lặng ở bên trong của chúng ta. Việc đặt tay sẽ giúp chúng ta tập trung hơn và cảm nhận hơi ấm từ lòng bàn tay tỏa ra toàn bộ cơ thể và giúp chúng ta đi vào sự tĩnh lặng nhanh hơn, khiến chúng ta cảm thấy bình an hơn.
Hãy luyện tập thường xuyên để khi chúng ta làm bất kỳ việc gì, chúng ta luôn đảm bảo khả năng cảm nhận sự tĩnh lặng ở bên trong. Nghĩa là chúng ta đang sống song song giữa 2 thế giới, một là thế giới tĩnh lặng bên trong và một thế giới vô cùng náo nhiệt ở bên ngoài.
3/ THIỀN LẤP KHOẢNG TRỐNG
Thay vì ngồi/nằm để tìm kiếm sự tĩnh lặng thì chúng ta sẽ chọn một câu khẳng định hoặc là một âm tụng để nói đi nói lại trong đầu của mình. Khi chúng ta tập trung cho tâm trí của mình vào một thứ gì đó nghĩa là chúng ta đang sử dụng không gian trong bộ não của mình. Cho nên những suy nghĩ ngẫu nhiên vẩn vơ đến nó sẽ chiếm không gian của bộ não, thì khi chúng ta sử dụng câu khẳng định hoặc là một âm tụng giữ cho chúng ta tập trung bộ não vào MỘT MỤC TIÊU DUY NHẤT. Nếu chúng ta có thể tập trung hoàn toàn vào câu nói hoặc câu khẳng định đó thì bắt đầu ta sẽ cảm nhận được sự im lặng giữa mỗi một từ lặp đi lặp lại như vậy và để sự tĩnh lặng giữa các từ đó thấm vào trong cơ thể của chúng ta.
Khi thức dậy mỗi buổi sáng, chúng ta hãy thực hành việc nhắc đi nhắc lại âm tụng hoặc câu khẳng định mang theo bên mình cả một ngày như vậy. Một lời khẳng định chỉ là một từ hoặc một câu nói (hoặc bất kỳ điều gì tương tự như vậy).
Ví dụ như: Bình an! Bình an! Bình an! Hoặc là “Tôi có thể mở tất cả khả năng của mình” Hoặc là “Tôi tập trung cả ngày hôm nay của tôi cho một điều gì đó…”. Hãy ghi nhớ từ đó hoặc câu nói đó ở trong đầu của mình.
Chúng ta có thể chọn một nơi tĩnh lặng khi vừa thức dậy, đặt đồng hồ 5 phút và bắt đầu lặp đi lặp lại câu khẳng định trong đầu của mình hoặc là chúng ta nói to lên để khẳng định thêm một lần nữa cái quyết tâm mà chúng ta tập trung vào mục tiêu gì đó trong ngày. Lưu ý chúng ta phải nói từ ngữ, câu khẳng định trong trạng thái tỉnh thức và chúng ta biết là chúng ta đang nói gì, hiện diện toàn bộ tất cả sự tập trung, sự chú ý của chúng ta vào từng từ, từng từ một. Khi chúng ta tập trung như vậy thì tâm trí của chúng ta không còn bị lạc hướng.
Ví dụ: chúng ta có thể khẳng định trong lúc đang đánh răng, đang rửa mặt, đang đi bộ trên đường hay tập thể dục hoặc là bất kỳ lúc nào mà ta cảm thấy mình đang bị mất tập trung.
Chìa khóa ở đây là chúng ta hiện diện trong từng khoảnh khắc và mang sự tĩnh lặng, sự bình tĩnh vào trong từng từ ngữ, vào trong từng câu khẳng định để nó thấm vào cơ thể của mình và chúng ta trải nghiệm điều đó hơn là nghĩ về nó.
4/ THIỀN TRONG KHI ĐI NGOÀI ĐƯỜNG
Mỗi một khi chúng ta di chuyển, hãy tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào việc di chuyển, tập trung mọi giác quan để cảm nhận được bất kỳ cái gì diễn ra ở trên đường: không khí trong trẻo, tươi mới, bụi bặm hay nó nóng nực, ồn ào hay vội vã; hình ảnh trên đường hỗn loạn hay trật tự. Trong từng bước đi hãy mở các giác quan của mình ra để theo dõi điều đó và quan sát chúng, để 5 giác quan hoạt động hết công suất và để những sự vật hiện tượng diễn ra tự nhiên. Vì vậy ta phải mở hết các giác quan để nhận tất cả thông tin đó để hòa với sự náo nhiệt trên đường.
Thực hành này giúp chúng ta dễ dàng nhận ra sự phân tách giữa hai trạng thái đối lập nhau: giữa sự tĩnh lặng bên trong và sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Giống như chúng ta quan sát hai thế giới đối lập hoàn toàn với nhau.
Người thầy vĩ đại nhất của chúng ta là Tĩnh lặng.
Dù có tiếng chim hót líu lo, tiếng xe cộ ồn ào nhưng chúng ta có thể quan sát được sự im lặng trong trật tự của thiên nhiên, nó là hữu hình và chúng ta có thể quan sát được.
Khi thực hành quen phương pháp này, chúng ta là một người quan sát và thấy ngay sự rõ ràng đối lập: sự tĩnh lặng bên trong và sự náo nhiệt của thế giới bên ngoài. Chúng ta có thể đạt đến trạng thái nhận diện sự phân biệt này ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ tình huống nào.
Sống cùng Nữ thần trong bạn (Phần 2: Đích Danh)
Xem thêm tại : https://youtu.be/uvVvdxV7ZUs
Mai Thuần Khiết ghi lại.