Tuesday, January 9, 2024

SINH MỆNH ĐỜI NGƯỜI RỐT CUỘC DÀI BAO LÂU?



Có câu nói rằng: “Sinh có hạn, tử bất kỳ”. Thế gian ai biết được chính xác cuộc sống trên nhân thế của mình còn lại bao lâu? Dài hay ngắn? Về vấn đề sinh mệnh đời người này, cổ nhân cũng lưu lại rất nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm ở cả phương Đông và phương Tây.


Chuyện kể rắng một ngày nọ, một vị cao tăng cùng các đệ tử của mình đàm luận về sinh mệnh đời người. Ông hỏi các đệ tử: “Các con hãy cho ta biết, sinh mệnh của con người dài được bao lâu?”


Một vị đệ tử nhanh nhảu trả lời trước: “Thưa sư phụ, sinh mệnh của một người kéo dài mấy chục năm là kết thúc.”


Vị cao tăng lắc đầu và nói: “Con chưa hiểu được đạo lý này rồi!”


Một vị đệ tử khác liền trả lời: “Thưa sư phụ, sinh mệnh con người cũng giống như cỏ cây, mùa xuân nảy lộc đâm chồi, mùa đông khô héo, hoá thành cát bụi.”


Vị cao tăng nói: “Con đã có thể xét đến sự ngắn ngủi của sinh mệnh, nhưng vẫn chưa minh tỏ.”


Lát sau, một đệ tử khác lên tiếng: “Thưa sư phụ, thời gian của sinh mệnh con người cũng giống như loài phù du, sớm sinh tối diệt.”


Vị cao tăng hơi mỉm cười nhưng vẫn im lặng.


Chúng đệ tử ngày càng đưa ra nhiều câu trả lời. Bỗng một đệ tử nói: “Thưa sư phụ, con cho rằng sinh mệnh của con người chỉ dài bằng thời gian của một hơi thở mà thôi!”


Vị đệ tử ấy vừa dứt lời, mọi người đều kinh ngạc và im lặng chờ khai thị. Vị cao tăng trả lời:


“Con nói đúng rồi. Các đệ tử, các con chớ nên thảnh thơi lười biếng, cho rằng đời người còn dài. Tuổi thọ của con người thực ra chỉ dài bằng thời gian một hơi thở mà thôi, vậy nên phải trân trọng mỗi phút giây của sinh mệnh.”


Câu chuyện này có hàm ý gì? Quá khứ có câu rằng: “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”. Trong các truyện cổ Nhật Bản, truyện cổ Andersen, truyện cổ Trung Hoa và cả truyện cổ Việt Nam đều có đề cập tới vấn đề này. Từ Thức vào động tiên vài năm, trở lại đã ra người thiên cổ. Taro xuống thủy cung một ngày, trên mặt đất đã là mấy trăm năm. Nàng công chúa Helga chỉ liếc nhìn thiên đường của Chúa mà khi trở lại thì chuyện về nàng đã trở thành truyền thuyết của bao đời trước.


Vậy nên với cõi khác mà nói, sinh mệnh con người đúng là chỉ như một hơi thở, một cái chớp mắt mà thôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã mất rồi. Cho nên người tu hành thời xưa cho rằng không nên lãng phí sinh mệnh của mình ở những việc mà mình nhất định sẽ hối hận.


Xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh chóng và bận rộn, nhiều người cho rằng đời người là một chặng đường rất dài, khi còn trẻ phải biết hưởng thụ để về già không hối tiếc. Chẳng phải quan niệm này đã khiến bao người phải hối hận mãi trước khi lìa đời sao?


Người ta khi chỉ biết hưởng thụ, sống hết mình với những trò tiêu khiển thì sẽ phóng túng, sẽ buông thả bản thân. Điều ấy có thể khiến cho sinh mệnh sa đọa, biến chất. Cử chỉ, hành vi của một người một khi không khống chế được nữa thì tự nhiên sẽ gây ra hậu quả, khiến bản thân bất lương, lý trí trở nên yếu kém, không còn kiêng nể điều gì, đánh mất nguyên tắc làm người, khiến người ấy cả đời hối hận.


Trong cuộc sống ngày nay, ai ai cũng bận rộn với việc mưu cầu của mình nhưng đừng cho rằng ngày hôm nay đã qua đi thì còn có ngày mai, bởi vì mọi chuyện đều là không thể nói trước được. Có một số việc ngày hôm nay không làm sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội, có những dục vọng đạt được rồi nhưng lại nhận ra đó không phải là mục đích của cuộc đời mình.


“Sinh mệnh đời người sẽ đi về đâu?”, đây là một câu hỏi lớn mà nền văn minh vật chất không thể và sẽ không bao giờ trả lời được. Nhưng câu trả lời chẳng phải hiện hữu bên trong nền văn minh tinh thần của nhân loại hay sao?


Phật gia giảng giải thoát, Đạo gia giảng tu thành Chân Nhân, Chúa Giê-su lại giảng cứu rỗi. Các danh từ “Phật”, “Đạo”, “Thần” hay “Chúa” ấy đều dùng để chỉ những cá nhân đặc biệt mang rất nhiều điểm tương đồng. Họ đều bắt đầu từ hình hài của con người, thông qua việc tu hành, thông qua các hình thức, các con đường tìm kiếm giác ngộ khác nhau mà đạt tới những cảnh giới siêu nhiên. Họ đều triển hiện ra những năng lực phi phàm vượt qua người thường: chữa bệnh, siêu cảm, dịch chuyển tức thời, phi thăng, v.v.. Họ đều giảng xuất ra những chân lý mà con người trong vô thức hay hữu ý vẫn luôn tìm kiếm. Tất nhiên, bởi vì thế giới này không chỉ có một con đường, nên chân lý mà họ chứng ngộ được cũng muôn hình muôn vẻ.


Bởi vậy điều các bậc tu hành xa xưa đã để lại cho nhân thế chính là câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời, thông qua các hình thức khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v., các “Giác giả” đã định hình nên khái niệm về “tu luyện” trong văn hóa nhân loại.


Người xưa nói: “Triêu văn Đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe Đạo, tối chết cũng an lòng. Nhân thế không có gì là trường cửu, nhưng sự giác ngộ về sinh mệnh lại là hành trang vĩnh hằng để chúng ta mang theo bên mình đi đến một chốn khác.


ST