Trong xã hội, không ít người dùng năng lực làm tiêu chí để phán đoán một người có thành công hay không. Quả thực, năng lực là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của một người, nhưng còn một yếu tố quan trọng hơn chính là thái độ, cách đối nhân xử thế của người ấy. Nói cách khác, nếu một người có năng lực nhưng không hiểu đối nhân xử thế, thái độ làm người làm việc không tốt, thì cũng rất khó để đạt được thành công.
Dưới đây là 4 phép tắc về đối nhân xử thế, nếu một người không hiểu thì cho dù năng lực lớn đến mấy cũng khó đạt được thành công:
1. Tĩnh tâm sinh trí tuệ
Trong sách “Đạo Đức Kinh” của Lão tử có câu: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc”, nghĩa là hãy giữ cho tâm hồn trống rỗng và tĩnh tại, không bị ảnh hưởng bởi ngoại vật, để có thể suy ngẫm và quan sát những quy luật vận hành của thế giới tự nhiên. “Trọng vi thanh cân, tĩnh vi thao quân”, trong mối quan hệ giữa nặng và nhẹ, động và tĩnh, Lão Tử cho rằng thận trọng là cái gốc ức chế sự bất cẩn, tĩnh tại có thể khống chế sự nông nổi.
Con người một khi bị kích động thì sẽ rất dễ dàng ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của bản thân, từ đó ảnh hưởng đến sự thành công của một việc. Rất nhiều người không thành công không phải vì thiếu năng lực mà vì dễ dàng nổi nóng, khó chịu, tức giận. Cho nên, một người muốn thành công thì phải học cách khiến cho bản thân bình tĩnh, an tĩnh trở lại.
Khi tâm một người ở vào trạng thái tĩnh thì suy nghĩ sẽ thông suốt, linh hoạt, sáng suốt hơn, có thể khiến bản thân từ trong cảnh nguy khốn mà thoát ra được. Bởi vậy, học được cách kiểm soát cảm xúc của bản thân có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong đời của một người.
2. Dục tốc bất đạt
Xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, khi làm bất kỳ một việc gì người ta cũng thường chú trọng đến tính hiệu suất, tốc độ. Hiệu suất tuy rằng là một điều kiện quan trọng, nhưng nếu đối với một sự tình chỉ theo đuổi tính mau lẹ mà bỏ qua tính ổn định, thận trọng, thì xác xuất thành công cũng không cao.
Rất nhiều sự tình để đi đến thành công cần phải trải qua một tuần tự nhất định, càng nóng vội muốn nhanh thì càng thất bại nặng nề. Cho nên, một người muốn đạt được sự thành công thực sự thì phải hiểu được “hợp thời chậm lại”, đừng mải mê theo đuổi tốc độ mà quên những tiểu tiết có thể dẫn đến thất bại.
Cổ nhân nói: “Dục tốc bất đạt”, trong thế gian hầu như không có việc nôn nóng vội vã nào mà không xảy ra sai lầm cả. Đứng trước mọi việc, cần phải tĩnh hạ tâm xuống, xem xét kỹ lưỡng tỉ mỉ, cẩn thận tìm cách thì mới có thể hành động hợp thời mà đạt được thành công.
Trong sách “Luận Ngữ“, Khổng Tử cũng giảng: “Đừng muốn nhanh chóng, đừng ham lợi nhỏ, muốn nhanh chóng thì không thành công, ham lợi nhỏ thì việc lớn không thành”. Phàm là việc gì cũng không nên mù quáng theo đuổi sự nhanh chóng, không thể vì cái lợi trước mắt, chỉ có tích lũy, kiên trì trả giá, lấy ít làm nhiều, lấy chậm làm mau mới có thể thành công bền vững lâu dài.
3. Giúp người là giúp mình
Hồ Tuyết Nham, thương gia giàu có nhất Hàng Châu vào cuối thế kỷ 19 đã kể lại một trải nhiệm hồi còn trẻ của mình như sau:
“Khi tôi vẫn là một cậu bé, có một ngày khi tôi đang vội đi trên đường thì gặp mưa và nhìn thấy có một người đi cùng đường với tôi. Ngày hôm đó cũng may là tôi mang theo dù, tôi liền cho người đó đi cùng. Sau này, khi trời mưa, tôi thường cho một số người không có dù đi nhờ. Cứ như vậy một thời gian lâu, những người trên đường ngày càng có nhiều người biết tôi. Vì thế lúc tôi quên không mang theo dù cũng không lo, bởi vì sẽ có rất nhiều người mà tôi từng giúp sẽ cho tôi đi cùng.”
Khi trở thành doanh nhân thành đạt, Hồ Tuyết Nham cũng đúc kết lại rằng: “Thành công của một người, là không chỉ dựa vào sự nỗ lực của chính mình.” Con người là một quần thể hỗ trợ lẫn nhau, cũng chỉ có thành tựu lẫn nhau mới có thể khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp.
Trong cuộc sống ngày nay, người ta phần lớn thường chỉ chú ý đến cái lợi của cá nhân mình, so đo tính toán được mất từng chút một, con đường của họ cũng vì thế mà càng ngày càng trở nên chật hẹp. Ngược lại, người thông tuệ biết nhìn xa trông rộng, không vì cái lợi trước mắt mà làm hỏng việc lớn lâu dài. Họ biết hợp tác với người khác để cùng đạt được thành công, khi có thể thì sẵn sàng giúp người khác bởi vì “giúp người là giúp mình”.
4. Làm người, làm việc quang minh chính đại
Tục ngữ nói: “Công đạo đến từ nhân tâm”. Dù ở phương diện làm người hay làm việc cũng đều phải quang minh chính đại, không nên dùng đường ngang ngõ tắt, dùng một chút khôn vặt để đạt được mục đích. Một số người dùng những thủ đoạn ấy và cho đó là thông minh hơn người. Người khác ngoài miệng không nói ra nhưng mắt họ nhìn thấy cả. Những việc mờ ám mà bản thân làm, thường sẽ chẳng dấu được, cuối cùng người khác đều nhìn thấy hết.
Một người, trong làm người hay làm việc, chỉ có đường đường chính chính, quang minh chính đại mới có thể được người khác tín nhiệm và tôn trọng. Đây là tiền đề để đạt được thành công. Hơn nữa, một người quang minh chính đại thì lòng không có tư tâm, không mưu lợi cá nhân, luôn giữ chữ tín. Cho nên, họ nhất định là người có phẩm đức, làm việc có nguyên tắc. Người như vậy thẳng thắn vô tư, chân thành đáng tin cậy, tự nhiên cũng khiến người khác nguyện ý kết giao, nguyện ý hợp tác mà đạt được thành công.
ST