Monday, March 18, 2024

Bếp núc cho ai?


Đối với tôi, nấu ăn là kỹ năng đứng thứ nhì trong danh sách những việc làm thể hiện tình yêu thương bản thân. 



Bình thường, bạn có thể cần kỹ năng thuyết trình một tháng hai lần, kỹ năng làm việc nhóm tuần hai ba lần, kỹ năng vẽ chân mày (vụ này tôi thua. Bà cha cái chân mày!) ngày một lần, nhưng kỹ năng nấu ăn thì tối thiểu hai lần một ngày nếu bạn ngủ nướng quá giờ ăn sáng và tối đa bốn lần nếu bạn là đứa thích bánh trái ăn vặt lia chia. Việc quan trọng như vậy, tôi không muốn giao vào tay người khác. Tôi chưa thể tự chủ lương thực, tức tự trồng ra thực phẩm, nhưng ít nhất tôi muốn tự chủ cách nấu, nguyên liệu và gia vị, cái nào đưa vào người, cái nào không.


Khi còn ở cùng gia đình, tôi chưa từng và cũng không hề quan tâm tới bếp núc. Nấu ăn như một cơ bắp tiêu giảm lặn vào trong đám mỡ. Khi ở riêng rồi, tôi quan tâm tới dinh dưỡng trước khi tới nấu ăn. Kiến thức dinh dưỡng của tôi đủ vững để không bị bịp bởi các “siêu chất", rồi lại tăng cường calcium và gấp đôi protein. Tôi cũng khá biết kết hợp thực phẩm để yên tâm ăn một bữa có lượng thịt nhỏ xinh mà không hoang mang mình thiếu chất. Thế nhưng mà, tôi tiếp cận bữa ăn như công thức hoá học, chất này chất kia, củ này rau nọ, đủ rồi thì ăn không cần phải ngon. Bạn tôi từng nói “mày chỉ làm chín thức ăn chứ nấu cái gì". Cũng đúng, lúc đó tôi chủ yếu luộc các thứ lên với muối, ăn một cách khổ hạnh và tin rằng mình đang khoẻ lắm. Sau một thời gian tôi muốn bỏ chạy khỏi chính mình, đến bữa thì chỉ kiếm cớ ra ngoài ăn, và chợt cảm thông sâu sắc với những gia đình có người nấu ăn dở. Không thể để gạo mốc rau héo trong tủ lạnh mãi, tôi quyết định quan tâm tới nấu ăn. 


Tôi không biết nấu, nhưng biết ăn ngon và hay được ăn ngon. Vì vậy tôi học những cách xử lý và chế biến thực phẩm căn bản, rồi vừa nấu vừa nếm đến khi nào đạt được vị mà mình nhắm sẵn trong đầu. Dĩ nhiên chỉ được bảy, tám phần giống tưởng tượng thôi, nhưng đủ cho tôi thấy ngon miệng và vui bụng. Kỹ năng nấu ăn của tôi từ cháo heo lên thành cháo người, rồi cơm người, và đến bây giờ chỉ có món kho là tôi chưa đạt yêu cầu của mình thôi. 


Biết nấu ăn rồi, những khi thèm gì tôi quá tay nấu một bữa tràn trề. Những khi người trở bệnh cần ăn canh rau với miso nâu, không biết tìm đâu thì tôi tự nấu. Lúc ở nhà thì nhà tôi quan niệm bệnh là lúc cần ăn cho sướng miệng, mua hủ tiếu cơm sườn đây ăn đi con. Tôi buồn cười lắm, bởi vì bệnh là lúc cơ thể cần ăn những thứ lành sạch nhất, giảm hết mức bột ngọt bột nêm và hoá chất lọt vào người. Biết nấu ăn rồi, tôi tiếc những kiến thức nấu ăn rất thông minh của ông bà ngày xưa, xử lý nguyên liệu này thế nào, kết hợp rau thịt ra sao, vì sao phải làm thế…có khi chỉ là những bước tủn mủn như luộc rau củ với một chút nước tráng nồi và xíu muối thôi là đã khiến rau siêu thị ngọt như rau xịn. Bà ngoại tôi ngày xưa nấu ăn một tháng không lặp lại món nào hai lần. Thế nhưng các con gái của ngoại giờ không nhớ nổi đến một phần ba các công thức ấy, dì thì thích cho đường, dì thì phải có bột ngọt, riêng má tôi là fan bột nêm. Nhưng nếu không cho dùng bột nêm má tôi nấu vẫn rất ngon. Bụt chùa nhà không thiêng, lỗi lầm lịch sử tái diễn, tôi lại leo lẻo ăn chứ không học kỹ năng nấu ăn của má. 


Tôi xếp kỹ năng nấu ăn thứ nhì chứ không phải thứ nhất trong các cách thể hiện tình yêu bản thân, là bởi tôi nhớ đến một người bạn gái thân thời trung học. Mẹ bạn nấu ăn rất ngon, nhưng không muốn bạn biết nấu. Mẹ bạn bảo “Con muốn nấu ngon thì đi học một khoá là nấu như thợ luôn. Nhưng biết nấu rồi mắc công cứ phải nấu cho người khác ăn!” Tôi thấy bác phần nào có lý, bởi khi đã là phái nữ mà lại biết nấu ăn, thì bếp núc rất dễ trở thành bắt buộc hơn là lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ bởi vì nỗi sợ đó mà phải từ chối kỹ năng quan trọng để chăm sóc mình và sống tự chủ thì tiếc quá. Thế nên tôi xếp nấu ăn thứ nhì, còn thứ nhất sẽ là kỹ năng từ chối bếp núc khi tôi không muốn nấu, hoặc kỹ năng cho phép bản thân mình mặc kệ nguyên liệu tươi ngon ở nhà để đi ra ngoài ăn, khi tôi thật sự cần điều đó. 

(chuyencuabeo)