Monday, March 18, 2024

TÔ PHỞ 

 



Truyện: Ngô Đình Hải


Vậy là hắn được tha về. Thứ gì của hắn còn xài được, hắn để lại hết cho anh em. Trong này quý. Chỉ giữ lại bộ đồ duy nhất mặc trên người.


 Miếng giấy ra trại xếp làm bốn, nhét mấy chục ngàn vô giữa, hắn cắm đầu đi thẳng. Không ngó lại. Tuyệt đối không ngó lại. Là mấy tay ở tù nhiều lần dặn vậy. Lưu luyến gì? Tiếc rẻ gì? Nhìn lại lỡ có huôn. Mình không nhớ nó, nhưng nó nhớ mình, nó khiến cho có chuyện vô lại thì sao? 


Chưa có một dự tính nào trong đầu, nhưng hắn tự hứa với mình. Sẽ không bao giờ! Không bao giờ, trở lại nơi này lần nữa. Về đã! Về rồi tính tiếp.


 Chỉ cần nhảy lên hai chuyến xe đò là hắn tới quê. Là thấy được con mương trước nhà. Thấy hàng so đũa và cái mái lá xác xơ. Không biết má hắn giờ ra sao? Lâu lắm rồi không thấy bà lên thăm. Hắn đã nghĩ tới tình huống xấu nhứt. Hay bà chết rồi không chừng. Mấy năm trước, lúc mới vô tù, bà có lên thăm nuôi hắn đâu được một, hai lần rồi thôi. Thấy yếu lắm. Nói chuyện với hắn như trối! Câu nào cũng đầy nước mắt. Lớp già, lớp nghèo, sống lủi thủi một mình, thêm lớp nhớ con, bà như cây đèn chông lắc lư trước gió hằng đêm, tắt hồi nào không hay! Hắn đã sợ hãi khi nghĩ tới điều này. Sợ còn hơn lúc người ta tuyên án 3 năm tù ở với hắn. Hắn ăn năn, hắn hối hận, hắn tự nguyền rủa con người mình, ngày này qua ngày khác. 


Ngày tháng ở tù thì kéo dài tưởng chừng như vô tận. Hắn chai lỳ với mọi cảm xúc, chịu đựng vượt mức mọi thứ, để chờ ngày hôm nay. Ruột hắn nóng như lửa đốt, mà cái xe đò cứ rề rề, chạy rồi ngừng, ngừng rồi chạy liên tục. Tới thành phố thì đã quá trưa.


Chỉ cần thêm 2 chuyến xe nữa là hắn đã có mặt ở nhà. Hắn hối hả tìm trạm xe buýt ra bến xe miền Tây. Miệng khô khốc, bụng đói cồn cào. Hắn dừng lại ở thùng bánh mì từ thiện, may mắn không chào đón hắn, thùng bánh mì trống trơn. Hắn uống liền 2 ca trà đá ở cái bình nước miễn phí đặt gần đó. Đầu hắn quay cuồng, cái đói ở đâu kéo tới thiệt lẹ. 

Hai chân hắn bắt đầu run. Con đường trước mặt như quen như lạ. 


Đã có một thời hắn kiếm miếng ăn trên những con đường. Hắn khéo tay. Không có cái khoá xe nào mà hắn cần quá 1 phút để mở. Hắn mở khoá xe điệu nghệ như một nhà ảo thuật. Cái điệu nghệ đưa tới một án tù! Với hắn, trộm cắp cũng phải có nghệ thuật và nguyên tắc riêng của nó. 


Thứ nhứt, không chôm...xe cùi bắp! Bán chẳng được bao nhiêu, phí một lần ra tay. Lại nữa, chủ nhân thường là những người nghèo. Chiếc xe là cái cần câu cơm, là cả một gia tài. Mất đi, lập tức...đời là bể khổ! Chôm không đành.


 Thứ nhì, có lựa xe dữ, thì cũng không chơi ở mấy cửa hàng, trường học. Ở đó có người coi, có bảo vệ. Khó chơi đã đành. Chơi được, thì nạn nhân không phải người mất xe, mà là chính họ. Những người đi làm cái nghề giữ xe được mấy đồng bạc. Đền một chiếc xe là mạt, là ăn mày. Kẹt mấy cũng đừng chơi! Tội...


Ngon nhứt là canh me chôm trước cửa nhà, chôm của mấy tay có tiền, chạy xe xịn đi ăn chơi, mua sắm. Ăn hàng xong là nhẹ nhỏm, là khỏi băn khoăn, thắc mắc...


Hắn lắc lắc đầu, cố thoát ra khỏi cái ám ảnh ngứa nghề để đi tiếp. Ngẩng lên, thấy ngay tấm bảng đập vô mắt:


“Phở bình dân. Tái Nạm Gàu Gân. 35k 1 tô”. 


Xe phở đặt phía trước tiệm. Thùng nước lèo kế bên. Mấy tảng thịt bò treo lủng lẳng bắt mắt.


 Không nhớ đã bao lâu hắn không được ăn phở. Thèm và đói. Cái đói réo gọi. Đói dữ dội. Đói chảy nước mắt. Đói leo qua sức chịu đựng của hắn. Hắn lôi tiền ra đếm. Còn vỏn vẹn 30 ngàn về xe. Hắn cay đắng. Hắn bực tức. Tô phở bốc khói nhảy vô đầu hắn ngồi. Tô phở vực cái thói quen cũ trồi dậy. Hắn bắt đầu quan sát. Phố xá đông đúc, hàng quán san sát, xe gắn máy đậu dài hai bên lề đường.


 Hắn tản bộ thêm một đoạn, ngó mấy cái ngã tư, tính toán đường thoát. Hắn nhìn quanh quất, phải kiếm đồ nghề trước. Cái này thì dễ. Gần đèn xanh, đèn đỏ, có một tiệm sửa xe. Hắn lượm một cây căm xe cũ. Lượm thêm một cục đá xanh làm búa.


 Hắn ngồi ngay xuống lề đường, lo việc của mình, mặc kệ thiên hạ. Người qua lại đông, xe cộ chen nhau, không ai thèm để ý tới hắn. Thân ai nấy lo, hồn ai nấy giữ, biết càng thêm rắc rối chứ ích gì. Hắn bẻ gập cây căm cho ngắn lại, lấy cục đá đập dẹp cái đầu, rồi uốn, rồi mài dưới mặt đường, cẩn thận từng chút. Một bài học trong tù. Ở trong đó hắn còn làm ra nhiều thứ vật dụng quái chiêu hơn nhiều. Không có gì là không thể nếu chịu khó và kiên nhẫn. Xong, hắn đưa lên trước mặt ngắm nghía. Không ngon lắm, nhưng cũng tạm được. Dân trong nghề kêu bằng đoản, trong tay hắn là cái chìa khoá vạn năng. Hắn đút cây đoản vô túi áo. Tay hắn chạm tờ giấy ra trại. Chạm vào thực tại. Tờ giấy nhắc cho hắn cái lý do hắn ở đây. Hắn hơi chựng lại. Hắn xoè tay ra trước mặt, hai bàn tay nhạy bén như của một nghệ sĩ ngày nào, giờ xám xịt, chai sần và thô kệch. Những ngón tay cứng đơ nằm gần nhau mệt mỏi.


 Hắn hoang mang, hắn không còn đủ tin tưởng vô chúng. Hắn co duỗi, hắn nhấp thử vài lần trong không khí. Chậm và thô quá. Hắn đốt mẩu thuốc còn sót lại, hy vọng xoa dịu cơn đói. Khói thuốc làm người hắn nhộn nhạo. Hắn nhớ tới má hắn dưới quê, không biết sống chết ra sao. Một phần trong hắn lên tiếng:


- Thôi bỏ đi. Đã thề bỏ rồi mà. Làm khổ bà già nhiêu đó chưa đủ sao, thằng bất hiếu! Về! Về gấp như đã hứa. Về! Đói no gì cũng kệ, miễn là có mẹ có con. Cái nghề này đâu có bền. Sớm muộn gì cũng trở vô trỏng thôi!...


Hắn cúi xuống nhìn bộ quần áo mình đang mặc. Nhìn cái  con người thân tàn ma dại của mình. Một phần khác trong hắn lên tiếng:


- Về! Dĩ nhiên là phải về. Nhưng về trong tình cảnh này sao? Chơi đại một chiếc kiếm vốn, đua về trốn luôn ở dưới mà làm lại cuộc đời! Chơi đi, đâu có khó gì...


Hắn đứng bật dậy. Người hắn loạng choạng. Từ sáng tới giờ hắn có miếng nào trong bụng đâu! Đói chịu hết xiết. Muốn làm gì thì cũng phải ăn cái đã. Mọi chuyện tính sau.


 Tiệm phở đông nghẹt. Hắn bước vô, đứng ngay xe. Mùi phở bốc lên nồng nực, thơm phức. Cái mùi đủ làm cho người chết sống dậy. Hắn ấp úng gọi:


- Bà chủ...


Người đàn bà đứng nấu, đang tất bật với múc, chan. Mồ hôi nhể nhại. Nghe hắn gọi, không thèm ngó, sẳng giọng:


- Tui không phải chủ. Chủ ngồi trong kia kìa...


Hắn nuốt nước miếng ừng ực, nói tiếp:


- Bán cho tui tô 30 ngàn nhiều bánh được không? 


Chị ngừng tay, ngước lên nhìn hắn:


- Vô bàn ngồi đi!


Hắn tìm cho mình một chỗ trống, ngồi xuống. Tô phở đầy ắp, thịt cả đống, được thằng nhỏ bưng ra. Ngó chừng có phần còn nhiều hơn những tô khác. Hắn cắm cúi ăn, nghe từng miếng trôi qua miệng xuống bụng, nghe cái ngọt ngào của từng muổng nước lèo thấm ra da thịt. Tới lúc hắn buông đũa, thì cái tô sạch nhách, một miếng hành cũng không còn. Mắt hắn sáng lên. Người hắn phấn chấn. Hắn kêu tính tiền. Thằng nhỏ chạy lại, hắn đưa tiền. Thằng nhỏ đếm:


- Thưa, mới 30, 35 ngàn một tô...


Hắn sượng ngắt, chỉ tay về phía người đàn bà:


- Tui kêu tô 30...


Thằng nhỏ day qua ngó chị như hỏi. Vài người ngồi quanh ngó qua hắn, nghi nghi, ngờ ngờ.


 Không lẽ cái bộ dạng của hắn tệ dữ vậy sao? 


Chị rời chỗ đứng đi về phía hắn, ngó cái tô phở trống trơn, rồi ngó hắn:


- Ăn được không chú Tư? No chưa?


Hắn gật, rồi nhắc lại:


- Tui kêu tô 30...


Chị gạt ngang, cười:


- Ai chẳng có lúc quên. Cái này là tui quên chứ không phải chú quên, bỏ qua nhe!


Giọng chị nhỏ lại:


- Tui để ý chú tự nảy giờ. Về quê hả? Về đời lâu mau rồi? Mới ra hả?...


Hắn lại gật:


- Sáng nay...


Chị giằng lấy 30 ngàn trong tay thằng nhỏ, nhét sâu vào túi áo hắn, để tay ở đó một chập, rồi nói lớn:


- Đi cho kịp chuyến xe, chú Tư.


Lại Tư! Hắn cu ky một mình, có anh có em gì đâu mà Ba, mà Tư! Người đâu ngộ thiệt! Quen biết hồi nào đâu mà kêu hắn thứ Tư, trật lất.


 Hắn nhìn chị, nghẹn ngang. Lí rí cám ơn, rồi đi thẳng. 


Ngoài cửa, một cặp trai gái vừa tấp chiếc SH, nắm tay nhau đi vô, cùng lúc với hắn đi ra. Tay hắn giựt giựt. Cơ hội ngon ăn hết biết! Hắn vịn tay lên ghi đông chiếc xe, lắc nhẹ như tình cờ đi ngang bị vướng, tay kia rờ lên túi. Thò luôn tay vô trong. Tấm giấy ra trại còn nguyên. Tiền chị nhét vô còn nguyên. Cây đoản mở khoá biến đâu mất. Hắn thở dài, coi như xong! Chắc Trời khiến! 


Hắn đi thật nhanh như chạy. Tiếng chị vang theo sau lưng:


- Dzìa khoẻ nha chú Tư. Có lên chơi nhớ ghé nhe...


Chị nói mà bàn tay nắm lại, hình như có cái gì của hắn trong đó...