Tự ti không phải là khiêm tốn, ngược lại nó lại có quan hệ mật thiết với tính tự phụ.
Thật khó để nói trong hai anh em ‘tự ti’ và ‘tự phụ’ kẻ nào trước kẻ nào sau, gọi chúng là anh em sinh đôi là thích hợp hơn cả.
Người có tính tự phụ là người làm việc không thực tế, tự cho mình là đúng, luôn muốn áp đảo người khác và thể hiện mình ở mọi nơi. Loại người này trông có vẻ kiêu căng ngạo mạn nhưng thực chất bên trong lại rỗng tuếch, vô cùng yếu đuối, một khi gặp phải sóng gió thì càng không dễ tự vực lên, cam lòng chịu thiệt. Khi lòng tự tôn mạnh mẽ không được thỏa mãn, người ta dễ chuyển sang một cực đoan khác – tự ti.
So với những người đại trí nhược ngu (1) khiêm tốn không thích phô trương, người tự ti hễ có được một chút thành tích thì nôn nóng muốn để người khác biết, thích khoe khoang thực lực bản thân, muốn thỏa mãn chút lòng tự tôn của bản thân, khi này thì kẻ tự ti nhanh chóng biến thành kẻ tự phụ.
Bởi vì những người tự ti quá chú ý đến bản thân và quá quan tâm đến đánh giá của người khác về mình, thế nên họ dễ bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài và dễ đưa ra những quyết định thiếu lý trí hoặc cực đoan. Người tự ti thường không chấp nhận được sự thất bại, và một khi gặp khó khăn, họ sẽ bị hãm vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Càng tự ti thì họ càng bị mất lòng tin, mà càng mất lòng tin thì họ càng cảm thấy mình kém cỏi; và một khi cảm giác bản thân kém cỏi càng mạnh mẽ, thì sự tự ti càng quấn lấy họ không buông. Lúc này, thế giới mà họ nhìn thấy ngày càng nhỏ hơn, nhỏ đến mức chỉ còn mỗi mình họ, cuối cùng thì chỉ có thể chọn cách sống nhàn hạ qua ngày một cách tiêu cực. Suy cho cùng, tự ti cũng là do việc chú ý đến bản thân quá mức mà thành.
Lẽ nào con người không cần chú ý đến bản thân mình hay sao? Cần, nhưng phàm việc gì cũng không nên thái quá. Tôi nhớ có một bà mẹ lúc sắp đi dự tiệc, bà tự chọn quần áo ở nhà và hỏi con trai mình bộ nào trông đẹp hơn, ban đầu cậu con trai còn từ tốn trả lời, sau một lúc thì không chịu được nữa bèn nói một câu: “Mẹ, nói thật nhé, mẹ mặc bộ nào cũng như nhau thôi, không có ai để ý mẹ đâu”.
Sự thật là như vậy, mọi người hãy thử nghĩ xem, có ai trên đời này lại đặc biệt chú ý đến người khác mặc gì? Trừ khi những gì bạn làm ảnh hưởng đến người khác, hoặc là làm điều thiện hoặc là làm điều ác, hoặc được cảm thông hoặc làm tổn thương họ, ngoài ra thì còn điều gì khác thực sự có thể khiến mọi người quan tâm đến bạn?
Dẫu là tự phụ hay tự ti thì chúng đều có hại cho khí chất của một người, nếu muốn thay đổi mình thì bạn trước hết hãy buông “bản thân” xuống, quan tâm đến những người xung quanh một chút. Khi bạn thật sự biết nghĩ cho người khác, bạn sẽ được người khác tôn trọng và yêu thương từ tận đáy lòng. Đến lúc ấy bạn sẽ không còn quan tâm đến những gì người khác nói về bạn nữa, bởi bạn đã thoát khỏi cái vòng cá nhân nhỏ bé, bạn đã có thể lý trí rồi, có thể chiểu theo nguyên tắc của mình mà làm các việc rồi.
Mai Vũ_Chánh Kiến Net