Monday, May 30, 2022

Tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai cả, đều mang theo ở sâu bên trong mình, một nỗi buồn vô hạn.

 "... Là những con người bình thường, cũng có lúc chúng ta thích thú gậm nhấm và thưởng thức nỗi buồn. Khi còn trẻ tôi đọc rất nhiều sách triết học, đặc biệt là triết học theo trường phái khắc kỷ (trường phái stoic). 


Trường phái triết học này giúp đào luyện bản thân bạn trở nên rất cứng rắn. Có ai biết triết gia Zeno không? Lời dạy của ông ta là khi bạn không cảm nhận gì, bạn sẽ bình thản, thậm chí bạn cũng không cảm thấy buồn khi đứa con mình chết; chẳng có gì đáng quan trọng cả.


Thời trẻ, tôi đã tự rèn luyện mình để trở thành cứng rắn bằng lối suy nghĩ đó, “Nó không quan trọng, tôi không quan tâm, dù sao thì rồi nó cũng sẽ qua, tôi có thể sống mà không cần nó”. Tôi cố gắng tạo cho mình một tính cách cứng rắn và nghĩ rằng mình là một người đàn ông mạnh mẽ vì chẳng cảm xúc gì hết. Về sau tôi nhận thấy rằng, mỗi khi nghe nhạc, tôi lại thường thích nghe những bản nhạc buồn. Tôi đã đè nén nỗi buồn của mình; tôi không cho phép nỗi buồn khởi lên bởi vì tôi sợ nó. 


Tôi sợ rằng nếu để nỗi buồn khởi lên tôi sẽ bị nó xâm chiếm và gục ngã mất.


Để tự bảo vệ mình, tôi đã đè nén tất cả mọi nỗi buồn và cố sống như một con người mạnh mẽ. Khi hát, tôi hát những bài hát chiến đấu, những bài hát trong quân đội với những lời ca và giọng hát thật hùng hồn, mạnh mẽ. Về sau, dần dần tôi nhận ra rằng mình nghe những bài hát buồn ngày càng nhiều hơn. Có một bản nhạc cổ điển mà tôi nghĩ có lẽ là bản nhạc buồn nhất. Bản nhạc của nhà soạn nhạc Samuel Barber, tên là Adagio For String. Bản nhạc rất hay, nhưng có thể làm cho bạn gục ngã, nó rất buồn. 



Một nhạc sỹ đã bình luận bản nhạc này rằng nó là hành trình tìm kiếm chân lý. Bạn thực sự phải đối mặt với thực tế của mình.


Tất cả chúng ta, không ngoại trừ một ai cả, đều mang theo ở sâu bên trong mình, một nỗi buồn vô hạn. 


Chúng ta cố gắng che đậy nó, cố gắng chạy trốn nó. Chúng ta sợ rằng nếu thực sự phải thú nhận và đối diện với nỗi buồn đó, mình sẽ không thể chịu đựng nổi. Chỉ có mỗi một lần duy nhất tôi có thể nghe được trọn vẹn bản nhạc của Samuel Barber; tất cả những lần khác khi bật bản nhạc này lên là tôi lại đứng dậy tắt nó đi, “không, đừng bật bản nhạc này, tôi không chịu nổi”. Tôi rất thích nó, nhưng không đủ can đảm để nghe. Tôi nhận ra rằng nó thấm rất sâu vào trong tâm tôi, và thực sự làm nỗi buồn trong lòng tôi bộc lộ ra; tôi không thể chạy trốn nó.


Tất cả chúng ta đều mang theo trong mình rất nhiều nỗi buồn và đau khổ, và chừng nào chúng còn nghĩ nó là “nỗi buồn của tôi”, thì còn rất khó để vượt qua nó. Chúng ta cần học cách nhìn nó một cách tách biệt, từ một khoảng cách. Dukkha sukha vedanā – các cảm thọ khổ hay lạc, được gọi là viparināma dukkha – hoại khổ, nó không bao giờ tồn tại lâu, chính vì vậy nó là bất toại nguyện.


Ngoại trừ tham ái hay ái dục (tanhā), tất cả những thứ còn lại đều được bao gồm trong khổ đế. Khi chúng ta xếp thực tại vào trong hai danh mục, một là tham ái và hai là toàn bộ số còn lại là khổ. Lý do bỏ tham ái riêng ra ngoài là bởi vì nó là nhân sanh khổ – dukkha samudaya sacca.


...

Trích Hai thực tại - TS Sayadaw U Jotika