Bằng cách nào để bạn bắt đầu một cuộc đối thoại có ý nghĩa với một người có quan điểm chính trị khác, đến từ một đất nước khác, hoặc có tôn giáo khác? Điều mà kỹ năng giao tiếp của bạn đang cần là có thể tìm được tiếng nói chung của cả hai!
Trong cuộc sống của một “thế giới phẳng” ngày nay, việc bạn có thể gặp gỡ tiếp cận với nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới đã trở nên rất quen thuộc. Không chỉ trong cuộc sống, trong công việc của bạn, đặc biệt ở những công ty đa quốc gia với nhiều đồng nghiệp được phát triển ở những môi trường hoàn toàn khác biệt nhau, bạn sẽ rất cần những kỹ năng giao tiếp chú trọng vào việc khắc phục được những khoảng cách vô hình đó. Giao tiếp chính là chìa khóa dẫn lối mọi thành công, bạn sẽ không thể chạm ngõ được mọi cánh cửa tiến lên nếu bị những “hào chắn” giao tiếp cản lối của mình.
Dưới đây là 5 lời khuyên để bạn có thể bắt đầu mọi cuộc trò chuyện thật hữu ích và có ý nghĩa, giúp bạn tìm được điểm chung với người đối diện và thực hiện bước tiến đầu tiên là xây dựng một thế giới nhân sinh quan rộng mở hơn với cuộc sống xung quanh:
1Thảo luận chứ không tranh luận
Trong mỗi cuộc nói chuyện, hãy xem như bạn đang tham gia đối thoại với tâm thế để trò chuyện, để cùng tìm ra một mục đích chung sau cùng. Cuộc đối thoại đó vốn dĩ không phải là cuộc đối đầu để tìm ra ai là người thắng cuộc. Hãy luôn tự nhắc mình và cả những người khác trong cuộc trao đổi rằng ý nghĩa của việc nói chuyện với nhau là để chia sẻ kiến thức, và đó chính là cách để mỗi người học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Đừng biến cuộc thảo luận thành một cuộc chiến hơn thua và cố gắng giành phần thắng về mình.
2Không bị cảm xúc chi phối
Trong một vài tình huống giao tiếp, phải thừa nhận rằng việc chia sẻ một số quan điểm cá nhân có thể khiến ta cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, thay vì giấu kín sự khác biệt cá nhân và không muốn chia sẻ, cách thức giúp bạn giao tiếp thành công trong trường hợp này là kiểm soát cảm xúc cá nhân khi nghe quan điểm của người khác, đồng thời nên tự tin hơn để chia sẻ cách nghĩ của mình.
3Khai triển những nội dung tích cực
Để giao tiếp thành công với những người khác biệt với mình, điều quan trọng là bạn phải nhạy bén nắm bắt được những nội dung tích cực đang được đề cập trong buổi nói chuyện. Bạn cần biết quan sát thái độ và giọng điệu của người đối diện để biết vấn đề nào đang nhận được sự hào hứng, vấn đề nào nên nói sau. Những ý tưởng trò chuyện có thể đem đến những cảm xúc tốt đẹp của hai bên về nhau sẽ dẫn đến một mối quan hệ cởi mở hơn sau đó, và giúp bạn có thể trao đổi về những điều khó nói hơn trong những lần thảo luận sau.
4Luôn nói rõ thay vì giả định
Bạn đừng bao giờ lắng nghe một vấn đề nhưng lại luôn giả định các khúc mắc thay vì trao đổi và làm rõ quan điểm với đối phương. Hãy tin rằng bạn không thể hiểu được người khác một cách đầy đủ nhất, cũng như họ cũng không thể hiểu bạn được trọn vẹn, vì vậy cách tốt nhất để trò chuyện thoải mái và hiểu nhau là phải rõ ràng với nhau. Hãy hỏi lại người đối diện bất cứ lúc nào bạn chưa hiểu về một nội dung nào đó, cũng như giải thích chân thành với họ những gì họ chưa hiểu về ý kiến của bạn.
5Sẵn sàng thừa nhận sai lầm
Để có những cuộc trò chuyện cởi mở, thì ngoài ưu tiên những điều trên, bạn cũng cần là người dám thừa nhận thiếu sót của bản thân. Bạn cần biết chấp nhận rằng không phải lúc nào bạn cũng nói những điều đúng đắn. Vì thế, giao tiếp trung thực là một kĩ năng quan trọng cần được phát triển trong tất cả mọi mối quan hệ. Việc mỗi người “tự vệ” bằng cách cố chấp thừa nhận các quan điểm của bản thân chỉ sẽ khiến cho các cuộc giao tiếp đi vào ngõ cụt và khoảng cách khác biệt trong tư tưởng, quan điểm của cả hai không tìm được điểm chung nào để dung hòa.