Tuesday, September 26, 2023

NỤ HÔN



Chiếc tàu tôi đang đi ghé vào một ga nhỏ. Lúc ấy đã gần sáng và trời vẫn đầy sao. Không khí lạnh cóng ùa vào toa khi tàu dừng và mở cửa đón khách. Toa tôi có thêm hai người nữa, một người đàn ông và một cậu bé.

Cậu bé trông hơi xanh xao, phải mất một lúc mới ngồi được vào chỗ của mình sau khi len qua nhiều hàng chân người lớn. Trong khi cha cậu bé ngồi cạnh cửa ra vào, cậu bé lại ngồi cạnh cửa sổ, giữa những người trông ngái ngủ, khó tính và mệt mỏi sau một đêm không được ngủ đẫy giấc. Khi tàu bắt đầu vào đường hầm, cậu bé trượt khỏi chỗ và tôi cảm thấy tay cậu chống vào đầu gối lên một chút. Cậu bé rướn người lên, có lẽ muốn nói gì đó với tôi. Tôi cúi xuống để nghe nhưng bất ngờ thay, cậu bé hôn vào má tôi một cái!

Lúc đó tàu ra khỏi đường hầm. Rồi cậu bé ngồi lại vào chỗ của mình và ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ. Trông cậu rất hạnh phúc. Tôi thật sự ngạc nhiên. Sao cậu bé lại hôn một người lớn không hề quen biết trên tàu nhỉ? Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi cứ thỉnh thoảng, cậu bé lại đứng lên, đi lại, hôn vào má những người lớn ngồi cạnh cậu, từng người một.

Bối rối, chúng tôi nhìn về phía người đàn ông. Cha cậu giải thích:

– Cháu nó rất hạnh phúc vì khỏe mạnh trở lại và được sống. Cháu đã ốm thập tử nhất sinh rất lâu rồi!

Chuyến tàu dừng ở ga cuối. Người đàn ông và cậu bé hòa mình vào đám hành khách. Tôi vẫn còn cảm thấy cái hôn của cậu bé trên má, cái hôn làm tôi hạnh phúc và cả băn khoăn nữa. Liệu có bao nhiêu người trưởng thành trao cho nhau những cái hôn để chia sẻ niềm vui được sống? Cậu bé đã không chỉ chia sẻ với tôi một cái hôn ngọt ngào mà còn cả những băn khoăn muốn nhắn gửi: 

Đừng để bản thân mình “chết” trước khi tim ngừng đập.

st

Friday, September 22, 2023

Ngôi nhà không tiếng nói

 


Ngôi nhà không tiếng nói 

🍂🍂🍂

Ngày chị gặp gã, vẻ ngoài bặm trợn lại lầm lì không nói gì của gã làm chị sợ. Chị bụng mang dạ chửa, sắp tới ngày sinh, đường cùng phải bỏ nhà chồng ra đi, lang thang sao lại đến cái xóm nghèo ven sông này rồi ngất vì đói. Khi tỉnh dậy, chỉ thấy trước mặt bóng dáng một người đàn ông to bè đang lay nhẹ chị. Chị nhớ lúc đó mình rất hoảng hốt, dùng hết sức bình sinh mà xô ngã gã, có lẽ vì bất ngờ nên gã ngã chúi, hậm hực phủi tay đứng dậy rồi bế thốc chị lên, đưa về nhà gã. Chị tỉnh dậy lần thứ hai đã thấy mình nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp nhưng được cẩn thận lót phía dưới một miếng đệm mỏng có vẻ cũ. Gã lại tiến đến trước mặt chị, chìa ra cho chị một tô cháo nóng và huơ tay thúc chị ăn, còn mình thì bỏ ra bậu cửa mà ngồi. Kể từ lúc ấy, chị hiểu gã là một người cục mịch nhưng chân thành.

Chị cứ thế mà ở lại nhà gã, định bụng tới ngày sinh rồi lúc đó sẽ cảm ơn và rời đi, chứ lúc đó còn yếu quá. Gã khá tâm lý, cứ sáng gã đi làm, về chỉ loay hoay nấu bữa trưa ăn vội rồi đi, đến tối mịt mới về rồi cứ lăn ra ngáy pho pho. Ban đầu chị nghĩ gã vốn xem chị không tồn tại nhưng sau mới biết gã muốn chị tự nhiên, đừng quan tâm tới gã đang ở đó.

- Đứa trẻ trong bụng tôi là con gái. Tôi và chồng cưới nhau đã lâu mới có mụn con này, nhưng chồng tôi lại là độc đinh…

Gã đang châm dở bình trà chợt dừng lại, nhìn ra phía khoảng sân tối đang phơi mớ khoai lang mới thu chiều nay, rồi vỗ mạnh ngực mình một cái. Căn nhà vẫn như thế, vốn không tiếng nói, thi thoảng chỉ có tiếng chị kể một câu chuyện nào đó hoặc hỏi điều gì đó khuấy động sự tĩnh lặng. Từ bấy, chị để ý mỗi khi gã đi làm về luôn mang về một thứ gì đó, khi thì rau xanh, mớ đậu, khi lại là mớ trái cây có múi… Gã vào chúng rồi lại chỉ vào bụng chị. Chị hiểu gã mang chúng về để tẩm bổ cho chị và đứa trẻ. Chị cũng không hiểu sao mình lại tin tưởng người đàn ông này và cứ tưởng cuộc sống sẽ êm đềm thế cho tới khi chị nghe mấy đứa nhóc hàng xóm ghẹo gã khi thấy gã đi pha nước cam buổi sáng cho chị.

- Anh câm có vợ.

Lúc đó, ánh mắt của gã và chị bắt gặp nhau trong khoảnh khắc và cả hai đều vội quay đi.

Chị ngượng ngùng nghĩ tại chị gã mới bị trêu chọc còn gã lại có ánh mắt của kẻ có lỗi và cả sự mặc cảm gã không nói được, điều mà ban đầu chị nghĩ là do gã vốn lầm lì…

Ba tháng sau, chị sinh bé, do sinh non nên chị ngất lên ngất xuống mấy bận. Những lúc chị tỉnh táo là thấy bộ dạng hớt hải của gã bế thốc chị trên tay, mồ hôi đầm đìa ú ớ với bác sĩ. May mà mẹ tròn con vuông. Ngày chị xuất viện, căn nhà vốn yên tĩnh bắt đầu rộn ràng bởi tiếng trẻ quấy khóc, nhưng gã có vẻ vui, gã bế và chăm bé còn khéo hơn chị dù chỉ là những tiếng ê a không rõ lời. Khi đứa trẻ bắt đầu cứng cáp chị lại thôi ý nghĩ rời xa gã, một phần biết ơn, một phần tự lúc nào cách hai người đối xử với nhau cứ như gia đình khiến chị dù không muốn một danh phận nhất định, nhưng vẫn mong được ở lại đây. Nhưng rồi xóm giềng bắt đầu điều tiếng, ai cũng biết chị từ xa tới, bụng mang dạ chửa… Suy nghĩ mãi chị quyết định rời đi, chị muốn cho gã có một hạnh phúc riêng, cũng không muốn gã vướng bận mình. Khi gã tìm thấy chị, chị đang đụt mưa, cơn mưa ngăn bước chân chị và kéo hai người gần lại. Người gã ướt sũng, đôi mắt đỏ hoe, gã cầm bức thư chị để lại vò nát, hai tay đấm ngực thùm thụp …

Vì chị vốn yếu nên khi gã tìm được chị mang về, chị sinh bệnh cảm rồi cứ thế nằm liệt giường, một mình gã chăm nom bé, lại ẵm đi xin sữa khắp xóm. Lúc đó chị mới hiểu được tấm chân tình mà gã dành cho chị đôi khi không cần phải nói ra.

Từng ấy năm trôi qua hai người vẫn cứ ở vậy với nhau, không một ràng buộc danh phận, chị cũng dần hòa đồng và giúp gã thân thiện hơn với bà con lối xóm.

- Do ảnh không nói được, lại lớn xác nên cục mịch, chứ ảnh tốt lắm...

Đời là vậy, đôi khi người ta ít khi chịu dừng lại để hiểu một con người, việc gì cũng phải chờ nói ra rồi mới ngẫm. Mà gã, vốn có nói được đâu! Cũng có không ít người khuyên chị đi bước nữa, vì chị vốn xinh đẹp, cũng có nhiều người nhòm ngó, sao lại ràng buộc đời mình với một người câm. Nào ngờ những lời đó gã âm thầm nghe được. Gã thức trắng đêm nhìn trăng trên thềm nhà. Gã quyết định bỏ đi, gã xếp đồ, vén màn hôn lên trán con bé lần cuối như cách một người cha từ biệt một đứa con rồi nghe tiếng thở đều đều của chị, gã quay bước đi.

- Mình đi đâu vậy? - Bóng chị mờ bên khe cửa nhìn gã đang rảo bước ra sân vào một đêm sáng trăng. Như biết gã định làm gì, chị cương quyết - Nếu mình định đi, mình cứ đi, rồi tôi sẽ đi tìm mình như những năm trước mình đã đi tìm tôi vậy.

Tự nhiên gã bật khóc nức nở như đứa trẻ chạy đến ôm chị. Nhiều năm trước, chị ra đi vì sợ vướng bận gã, và giờ đến gã cũng như thế với chị. Hai người dành cho nhau một tình cảm không nói thành lời, nhưng cả hai đều nhận ra đó là sợi dây gắn bó nhau cả cuộc đời. Lòng chị đột nhiên ấm nồng khi ôm gã. Đây cũng là cảm giác của gã năm ấy, cảm giác lo lắng khi tưởng như mất đi một người mình lỡ thương.


LÊ HỨA HUYỀN TRÂN.

Tuesday, September 19, 2023

QUA TUỔI TRUNG NIÊN TÔI CÓ NHIỀU THAY ĐỔI...



🌻Trước đây tôi yêu bố mẹ, anh em, ông xã, con cái, bạn bè... giờ tôi bắt đầu biết yêu thêm chính mình. 

🌻Không mặc cả với những người bán rau, bán cá nữa, trả thêm cho họ ít tiền không làm tôi nghèo túng, biết đâu số tiền đó lại góp phần nhỏ bé trong học phí cho con cái của họ. 

🌻Tôi không chờ lấy tiền thối lại khi đi taxi, tiền boa đó tôi được đổi lại một nụ cười, một lời "cảm ơn", dù sao anh ta cũng sống vất vả hơn mình mà. 

🌻Đi ăn hàng quán, dù tiệm có ghi "giữ xe miễn phí", nhưng tôi luôn "hào phóng" gởi tặng anh 5k hay10k , vì lương tháng giữ xe của họ rất ít ỏi. 

🌻Tôi thôi không bận tâm đến những vết bẩn trên áo quần, dù sao nhân cách vẫn quan trọng hơn vẻ bên ngoài. 

🌻Ngày tôi càng xa lánh những kẻ xem thường mình, bởi có họ hay không có họ, giá trị thực của tôi cũng chẳng thay đổi. 

🌻Tôi thôi không bắt lỗi khi người khác sai, bởi vì mình không có trách nhiệm làm cho họ trở nên hoàn hảo. 

🌻Tôi luôn miệng khen tặng người khác, khen để người ta vui, mình cũng được vui lây. 

🌻Không vì bảo vệ quan điểm của mình mà tôi đánh mất tình bạn, hãy để mọi người cùng vui hơn là thoả mãn một mình. 

🌻Tôi sẽ xem mỗi ngày là ngày cuối cùng của đời mình... để tôi luôn sống tốt với mọi người... trước sau gì ngày ấy cũng sẽ đến mà.

🌻Tôi cũng hiểu ra rằng mình không phải là Thượng đế, mình không thể gánh nổi cả thế gian này.

Và 

🌻Tôi luôn nhớ làm những gì mình yêu thích để tận hưởng cuộc sống này, đó là trách nhiệm lớn nhất dành cho chính mình. 

Khi đã biết cuộc sống này là vô thường, chuyến hành trình mà Thượng Đế cho chúng ta đến thế gian này, cuối cùng cũng là để ra đi. Vậy sao chúng ta không học cách cho đi... dù chỉ là sự "tử tế".

Bạn tôi ơi! Chúng ta cùng thay đổi nhé!

 Bài và ảnh: Nhung Nguyen sưu tầm

CỦA CHO




1. Ngày ấy anh chị còn nghèo lắm. Hai vợ chồng với 2 đứa con, nhà rách đến độ chả mua nổi cái khóa cửa. 

Tờ mờ sớm chị chổng mông đạp 1 xe thồ nặng rau muống suốt từ điếm 31 dưới Tứ Hiệp vào phố bán. Anh thì ốm đau suốt, chỉ quanh quẩn ở nhà.

2. Bữa ấy mưa rét, chị lại hâm hấp sốt nên đạp tới ngang cái chùa nhỏ ở Thanh Trì thì sa sẩm mặt mày, đành tựa xe vào tường chùa đứng thở cho đỡ choáng. 

Nghe tiếng kẹt cửa, rồi có bà sư ở trong thò đầu ra xem. Ngó thấy chị ăn vận phong phanh rét run, thương tình mang ra  ly trà đường gừng nóng và mấy bộ quần áo cũ, chắc của khách thập phương bố thí.

Tối về, chị giở ra soạn, bỗng phát hiện ra trong túi 1 cái quần cũ có tờ ... 100 đô la. 

Số tiền không nhiều, nhưng với chị nó là khoản vốn đủ để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu: đó là mở một hàng bún đậu mắm tôm vỉa hè.

3. Chừng tuần sau thì anh chị mò lên phố, chọn tạm đoạn phố vắng ở Hàng Trống làm điểm mở hàng. 

Thiên hạ bán 2.000 đồng một suất bún đậu, thì anh chị chỉ bán 1.200 đồng, lại chăm chút nên chả mấy mà khách đông nườm nượp. Chị ngồi rán đậu mỏi tay, anh tíu tít bưng bê lau dọn, cô con gái nhỏ thì cắm mặt ngồi rửa bát trong cái xô nhựa.

Bán hàng được bao tiền, anh chị tích cóp mua hết đất để trồng rau muống. Tư duy của kẻ bán rau thì chỉ ước có thật nhiều đất để trồng rau, chứ có ai nghĩ đến lúc giá đất lên ào ào, anh chị nghiễm nhiên thành người giàu có. 

Rồi cứ mua đi bán lại, chả mấy mà tài sản đã vào hàng cự phú, lưng vốn phải đến trăm tỉ.

4. Tròn 20 năm thì anh chị tổ chức quay lại báo ơn ngôi chùa nhỏ ngày xưa. 

Theo sau xe Lexus 570 của anh chị là 3 xe tải to chở đầy gạo, thực phẩm chay cùng mâm cúng lợn quay, gà, xôi, trái cây ê hề...làm xôn xao ngôi chùa nhỏ.

Bà sư già năm xưa ra tiếp, ngỡ ngàng. 

Chị kể lại câu chuyện cũ, đồng thời xin phép bà cho chị tổ chức một chương trình từ thiện, chia quà phát lộc cho người nghèo ngay tại chùa trong vòng 1 tháng. Sẽ làm rất hoành tráng, mọi chi phí chị xin trang trải tất.

Nghe đến đó, bà sư già lắc đầu, xua xua tay:

- Cái người đã bỏ tiền vào trong mấy bộ quần áo đó, nhà chùa cũng chẳng biết là ai. Và có lẽ họ cũng không muốn thiên hạ biết mình là ai. Của cho không bằng cách cho. Nhà chùa xin cảm ơn.

Đoạn, bà tiễn khách và kêu người đóng cửa chùa.

5. Chị đứng chết trân trước 2 cánh cửa gỗ nhà chùa đóng chặt, lớp sơn nâu đã bạc phếch. 

Đành gạt nước mắt, quay về. 

Nhưng chị đã hiểu mình phải làm gì rồi.

6. Nhà chùa vẫn đem cho quần áo cũ cho người cần nó. 

Có 1 khách vô danh nào đó vẫn gửi về quần áo đều lắm. Lạ nhất là trong mỗi bọc quần áo ấy, kiểu gì cũng sót 1 tờ 100 đô la trong túi áo hay túi quần cũ ấy

Kẻ nghèo khó vớ được thì mừng húm tạ ơn Trời Phật. 

Ở Chánh điện, có bà sư già vẫn thường ngày chú tâm tụng kinh với khuôn mặt và nụ cười vô thường của Đức Phật.


Bài cũ đăng lại

Friday, September 15, 2023

Số người Nhật chết vì công việc ngày một tăng nhanh


Số lượng những người Nhật chết vì việc tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Theo một thống kê được khảo sát và công bố bởi chính phủ Nhật, cứ 5 người Nhật đang đi làm thì có 1 người đang đối diện với nguy cơ chết vì việc. Người Nhật có một từ riêng để gọi nó là “karoshi”. Karoshi xảy ra ở cả phái nam và phái nữ.

Khi người trẻ chết vì việc ngày một nhiều


Nếu nhìn từ bên ngoài, có vẻ như thị trường lao động Nhật đang ở trong trạng thái rất tốt. Với mỗi người lao động cần việc, hiện đang có đến 1,28 việc làm, như vậy nhìn chung sẽ không ai thiếu việc, chỉ đơn giản người đó muốn làm việc gì.

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe như vậy đã rất thành công khi muốn tạo ra một thị trường việc làm dư thừa để kéo thêm người vào lực lượng lao động trong bối cảnh dân số giảm. Thế nhưng cùng lúc đó, luật lao động chưa chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp đang cố gắng bóc lột nhiều hơn từ người lao động và điều đó dẫn đến nhiều hậu quả bi thảm.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_1 

Tính toán của Bộ Lao động Nhật cho thấy số lượng các hợp đồng đền bù cho trường hợp chết vì việc tăng lên mức kỷ lục 1.456 trong năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng Ba năm 2015. Người lao động trong các ngành y tế, dịch vụ xã hội, vận tải, xây dựng có tỷ lệ chết vì việc cao nhất. Hiện nay cũng chính những ngành này đang thiếu lao động trầm trọng.

Tuy nhiên, theo chủ tịch Tổ chức bảo vệ các nạn nhân chết vì việc tại Nhật, ông Hiroshi Takahashi, con số thực tế có thể cao gấp 10 lần như thế bởi chính phủ Nhật không muốn thừa nhận thực tế. Ông Takahashi chỉ ra xét về bản chất, thời gian làm việc quá dài mỗi ngày khiến người lao động đột quỵ hoặc tự tìm đến cái chết để giải quyết bản thân, thế nhưng chính phủ lại không đưa ra biện pháp đủ mạnh để chấm dứt tình trạng đó.

Làm luật sư đã hơn 30 năm, ông Takahashi có thừa kinh nghiệm và hiểu biết về tình trạng chết vì việc. Ông cho biết ở thập niên 1980, khoảng 95% trường hợp chết vì việc mà ông từng biết là đàn ông trung niên thế nhưng nay tỷ lệ nữ đang tăng lên, hiện đứng ở mức khoảng 20%.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_3

Hiện nay, chính phủ Nhật chưa hề có bất kỳ quy định nào về giới hạn số giờ làm việc. Theo các văn bản của Bộ Lao động Nhật, có hai hình thức chết vì việc bao gồm: bệnh lý xuất phát từ tình trạng làm việc quá mức và những vụ tự tử liên quan đến làm việc quá nhiều.

Theo hình thức thứ nhất, nếu người lao động làm việc quá 100 tiếng thêm giờ trong tháng trước khi chết hoặc 80 giờ mỗi tháng trong hơn 2 tháng liên tục, người đó sẽ có thể đột quỵ vì làm việc quá nhiều.

Còn trong trường hợp tự tử vì việc, cá nhân đó sẽ bị xếp vào diện thứ hai nếu làm việc thêm giờ khoảng 160 tiếng trong tháng trước khi người đó tự tử hoặc làm thêm giờ 100 tiếng/tháng trong hơn 3 tháng liên tục.

Trong 4 năm gần nhất, tỷ lệ người tự tử vì việc tăng đến 45%, phần lớn người chết trong nhóm này thậm chí chưa đến tuổi 29.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_2 

Giới chủ Nhật có đang bóc lột thái quá?


Thị trường lao động Nhật chia ra thành hai nhóm lao động: Nhóm người lao động thường xuyên và nhóm làm việc bán thời gian (chủ yếu bao gồm phụ nữ và người trẻ tuổi).

Theo Bộ Lao động Nhật, ở thời điểm năm 2015, 38% người lao động Nhật đang làm việc theo diện bán thời gian, tỷ lệ này tăng 20% so với thời điểm năm 1990.

Nhiều luật sư và học giả chuyên về thị trường lao động Nhật chỉ ra rằng nhiều ông chủ Nhật đang đưa ra chính sách thu hút lao động không nhất quán. Ban đầu, họ quảng cáo đến các ứng viên rằng họ đang tuyển các vị trí làm việc thường xuyên với giờ giấc làm việc hợp lý đi kèm nhiều chế độ đãi ngộ tốt.

Thế nhưng sau đó khi làm việc trực tiếp với ứng viên, họ lại đưa cho ứng viên hợp đồng lao động bán thời gian với giờ giấc làm việc dài hơn và không được trả tiền làm thêm giờ, vì quá cần việc, nhiều ứng viên đã chấp nhận. Tất nhiên nhiều người sẽ phản bác rằng lẽ ra ứng viên nên từ chối công việc ngay từ ban đầu, nhưng họ đã bị lừa bởi lời hứa sẽ được ký hợp đồng dài hạn sau 6 tháng.NDN_So nguoi Nhat chet vi cong viec ngay mot tang_4

Nhóm người lao động trẻ và phụ nữ thường đối diện với rủi ro bị lừa theo hình thức này bởi phụ nữ cũng thừa hiểu sẽ rất khó để quay lại thị trường lao động sau khi họ đã ở nhà sinh con, nuôi con đã vài năm.

Còn theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu về hiện tượng chết vì việc, không ít công ty còn ép người lao động sau khi đã tuyển dụng được họ bằng lời tuyên bố rằng mức lương trả cho người lao động đã tính cả 80 tiếng làm việc thêm giờ mỗi tháng, chính vì vậy người lao động sẽ phải trả lại tiền cho công ty nếu họ làm việc không đủ số giờ đó. Và theo kiểu bóc lột như vậy, mức lương tính theo giờ của nhiều người lao động còn không đạt đến mức tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Lực lượng lao động Nhật ngày một “teo nhỏ” suốt từ giữa thập niên 1990 khi người Nhật lười sinh đẻ, và theo lẽ thông thường, lẽ ra các công ty phải cải thiện điều kiện lao động để thu hút thêm người. Đáng tiếc điều đó đã không xảy ra, nhiều công ty trong số đó chỉ muốn lách luật được càng nhiều càng tốt, tình trạng đó dẫn đến việc dù việc làm thừa nhưng người kiệt quệ sức khỏe vì việc vẫn cứ tăng lên.

Theo BizLive

Wednesday, September 6, 2023

... ai cũng chọn bắt đầu từ nhớ và kết thúc ở quên

 Suốt nhiều năm liền, bạn thường chỉ trồng một loài cây, nghe một bản nhạc, đọc mãi một cuốn sách cũ và đến một nơi đã quen dấu. Không phải là bạn ngại thay đổi mà bạn có một thói quen cố chấp, ngốc nghếch giữ chặt những thứ mình đang có. Thế giới ngoài kia có thênh thang thế nào, cảnh vật có đẹp ra sao đều không bằng những thứ đã chọn. Thật ra thì mới mẻ nào cũng ngọt ngào nhưng có một vẻ đẹp mà những người như bạn cảm thấy yêu thích, vẻ đẹp của sự vừa mắt. Nhìn nhiều rồi quen, hợp tình rồi thì gắn bó, rời đi mà làm gì?



Loài cây mà bạn trồng kì thực cũng đơn giản giống bạn. Trên ban công dài, những chậu hoa đá cứ ngày một nhiều thêm. Không phải vì nó đẹp, chỉ là vì bạn lười thôi. Vì lười nên nhiều năm rồi, bạn không trồng loài cây khác. Những người trồng hoa đá, ngoài một mộng ước đợi chờ trong cô tịch, thì cơ bản, loài hoa ấy cũng giống như họ - sinh ra từ trong tàn úa và hồi sinh từ những nỗi đau. 


Ngày đi học, bạn cứ đi mãi một con đường đến trường, đến lúc đi làm, bạn cũng chỉ biết một con đường duy nhất đến công ty. Đồng nghiệp hỏi, sao không thử đi đường khác đi nhanh hơn, bạn lắc đầu, sợ lạc. Có những con đường đi mãi và để quên. Có những con đường rất ngắn nhưng ta vẫn để lỡ. Có những con đường đủ dài mà rồi ta vẫn sẽ lạc nhau. Có những con đường chưa đi đã tạc vào tim. Có muôn vàn con đường, dài và ngắn, rộng và hẹp, quanh co và thẳng tắp, chọn một con đường ra sao không quan trọng. Chỉ cần chúng ta có can đảm đi hết một con đường.


Có những con đường chưa đi mà đã nhớ. Có những con đường đi mãi rồi để quên. Cuộc đời giữa nhớ và quên, ai cũng chọn bắt đầu từ nhớ và kết thúc ở quên. Bạn không chọn nhớ, nên suốt đời bạn sẽ chẳng phải cố quên đi gì cả. 


#mocdieptu