Wednesday, May 25, 2022

DƯỠNG CHẤT VÔ HÌNH

 "Mấy đứa con nghĩ, chừng nào má mình còn, thì Tết không bao giờ mất.."

---



DƯỠNG CHẤT VÔ HÌNH

Gió chướng mang về cuộc tranh luận bỏ lửng từ năm trước.

Chị gần như chạm tay vào chiến thắng, khi mấy đứa nhỏ chọn đứng về phe mình, tụi nó không còn nghi ngờ chuyện Tết giờ chán hết nói nổi. Những thứ chỉ Tết mới có, khiến người ta dài cổ đợi, chảy nước miếng khi sực nhớ, giờ hoặc lúc nào cũng sẵn (như dưa hấu, bánh mứt) hoặc như pháo, đã biệt mù. Hệt một huyền thoại bỏ đi, từ hồi nào đã tan sạch cái màn sương thần bí mà Tết khoác lên, khiến đêm giao thừa sâu thẳm không giống với đêm nào còn lại, trẻ con rón rén đến nín thở vào ngày đầu năm mới, chỉ xấp bao lì xì mà đếm không biết chán từ tảng sáng tới nửa đêm. Giờ tết chỉ là một tuần lễ nhịu lẫn vào chuỗi thời gian lún trong xỉn say chúc tụng. Cả nhu cầu sum họp gặp gỡ cũng không còn, bởi lên mạng xã hội là biết ai xước móng tay, ai đang ăn tối. Trò thiêng đã giải, bày ra đó những thứ tầm thường, nguội và trơ.


“Mấy ngày đó đóng cửa, kéo nhau đi nước ngoài du lịch thích hơn”, ai đó kết luận luôn, át luôn tiếng đằng hắng của người đàn ông đang mắc kẹt trong đơn độc. Cả khi hắng giọng mấy lần, thao thao như mọi khi, vẫn chẳng xua được cảm giác yếu thế. Không hoàn toàn bởi anh chỉ có một mình, còn vì cái ý nghĩ rằng Tết là lễ hội khó thể thiếu trong đời sống người Việt, giờ anh không chắc nữa. Sự tẻ nhạt của nó, anh cảm thấy được, khi ngồi trong cuộc họp lớp Tết rồi, cảm thấy những câu nói này, cách bọt bia chảy qua kẽ tay này, sao mà giống như năm trước, năm trước nữa. Mâm cúng, khói nhang ba mươi nào cũng như ba mươi nào. Mình còn chịu được sự nhàm chán này bao lâu, lúc đó anh tự hỏi.


Anh từng tin rằng người xứ mình cần khoảng thời gian đặc biệt ấy như một chặng dừng nghỉ để làm tươi mới mình, một nếp gấp xếp cất đi những vui buồn cũ, một cánh cổng cho người bên kia thế giới đi về. Rằng giá trị tinh thần của Tết không phải là thứ đong được, và tiếng gọi của nó phải vang động lắm nên con người ta có ở tận cùng trái đất cũng đáp lời. Những lý lẽ đanh chắc anh từng dùng đáp trả lại cái ý tưởng dẹp tết cho xong của vợ, ai ngờ có lúc thở nhẹ cũng lay. Tháng Giêng năm rồi anh vào viện bó bột cái chân trái, tai nạn xảy ra sau cuộc chúc tết anh em cột chèo. Giờ chỗ thẹo đó nằm trên người anh, nhưng là bằng chứng thuyết phục nhất để chống lại anh.


Bất giác, anh đưa mắt tìm bà mẹ, lúc này đang quét trứng mọt trên trang thờ. Từ lãng tai, bà đứng ngoài những cuộc tranh luận của đám con. Ngó mấy đứa cãi hăng, bà đoán lại bàn chuyện làm giàu, mấy chuyện hồi bà còn nghe rõ, cũng chẳng hiểu gì. Một đứa kêu má lại làm trọng tài cho tụi con, bà mẹ gật đầu, “ờ, năm nay cây xoài rụng bông quá mạng, có khi tới tết không có trái nào bày lên dĩa cúng ba tụi bây”


Cuộc tranh luận năm ngoái cũng ngưng giữa chừng theo cách gần giống vậy, chưa ngã ngủ thì bị bà mẹ ngắt ngang, hối thằng con chở đi lò ấp hốt hai chục vịt con. “Giờ nuôi ăn tết là vừa”, bà nói, trong lúc xỏ thêm cái áo dài tay.


Bà mẹ chưa bao giờ thôi dành dụm cho cái Tết của nhà mình, dù buổi này những thứ cần thiết đều ê hề ngoài chợ, chỉ cần nửa ngày là sắm đủ. Nhưng kiểu bà là Tết này chưa dứt đã bứt rứt Tết sau, khi bảo năm tới nhớ nhắc má vớt bánh sớm một chút. Đứng trong Giêng, bà đã nhón chân ngó hướng Chạp, lúc này hãy còn là chấm nhỏ mịt mùng. Rồi cái điểm ấy lớn dần, bà mẹ có làm gì thì cùng không quên thăm chừng, lắng nghe tiếng gọi của nó. Có buồng chuối, quày dừa, bà luôn tính coi có kịp làm mứt Tết không. Củi khô mùa nắng, bà dành riêng những gộc lớn nhất cho nồi bánh tét đêm giao thừa. Chắt mót từng ngày dồn hết vào đám giỗ chồng và mỗi lễ hội kia thôi. Như thể chỉ những dịp đó bà mẹ mới thật sự ăn, và thở.


Nó có ý nghĩa gì với má mình, mấy đứa con cũng vài lần hỏi. Bà mẹ xua tay nói “ai biết, tự nhiên vậy, quởn đâu mà ngồi nghĩ tào lao”. Như nước sông lúc chảy ngược khi xuôi, rắn mối có chân, ai thèm thắc mắc tại sao. Sinh ra đã thấy, nghĩ trước giờ vẫn vậy, chỉ tụi nhỏ đi học mới biết giải thích chúng theo khoa học. Hỏi có phải suốt thời trẻ sống trong chiến tranh, chỉ dịp Tết đôi bên ngừng bom đạn được vài ba ngày, người ta tạm quên chuyện loạn lạc nên mới quý Tết không, bà mẹ ờ, nói cũng dám vậy lắm. Hỏi hay bởi đất này quanh năm không hội đền lễ chùa chi hết, nên bao vui dồn góp cho cái Tết không, bà mẹ nói nghĩ vậy cũng có lý. Nhận được câu trả lời, nhưng người ta vẫn mông lung.


Chỉ biết Tết được nuôi bằng thứ dưỡng chất mông lung đó. 


Những đứa con không bao giờ biết bà mẹ tưới tắm Tết bằng gì, mà bao nhiêu năm nó vẫn màu sắc ấy, hương vị ấy. Và bên phía đòi dẹp Tết, dù đã kéo vào đội mình những nhạc sĩ, giáo sư, chuyên gia, biến cuộc tranh luận vượt ra ngoài cổng nhà, đã đưa ra những lý lẽ khó mà bắt bẻ, cũng không sao làm hao hụt thứ dưỡng chất không hình khối, không thể phân chất trong lòng những bà già. Là tình yêu, thói quen, hay bản năng, chính họ cũng không rõ. Chỉ biết mẹ của họ mùa nào cũng dành một công đất cấy nếp, để dành tới Tết quết bánh phồng.


Tết tiếp tục hay dẹp bỏ, không bao giờ bà mẹ nảy ra câu hỏi đó. Có nghe thì cũng lơ đi, như thể nó không dành cho bà. Mấy đứa con nghĩ chừng nào má mình còn, thì Tết không bao giờ mất. Giả sử một ngày nào đó lệnh cấm tết được ban ra, bà mẹ vẫn giấu mấy trái xoài sứt sẹo trong thùng gạo, chờ tới giao thừa bày lên bàn thờ gia tiên, thắp nén nhang rì rầm nói chuyện với hư vô, và cong người che giấu đốm lửa nhỏ bé kia, sẵn sàng nuốt thứ khói bị người đời ruồng bỏ vào lòng, mà không cảm thấy chút nào cay đắng.


(Nguyễn Ngọc Tư)