Thursday, April 15, 2021

ĐỘNG CƠ

 




Trong một chuyến tham quan và làm viêc tại Đan Mạch, Đoàn Việt Nam rất ngạc nhiên khi biết Chính phủ nước này có rất nhiều chính sách tốt hỗ trợ ngành CNTT.
Quân ta hỏi các đồng nghiệp Đan Mạch:
- Phải làm gì để Chính phủ ban hành những chính sách tốt như thế này?
- Phải vận động (lobby) thôi – Đội bạn trả lời.
- Chúng tôi cũng vận động, nhưng không được – Quân ta nói.
Đội bạn hỏi lại:
- Các anh đã vận động như thế nào?
- Chúng tôi xây dựng các đề án phát triển CNTT và thuyết phục Chính phủ rằng, nếu chính sách A, B, C được ban hành, thì các đề án này sẽ tạo ra hàng trăm ngàn công ăn việc làm cho thanh niên và đóng góp cho GDP nhiều tỷ đô la mỗi năm.
Đội bạn nhìn quân ta như nhìn người Sao Hỏa, rồi phán: “Vận động chính sách như thế không được là phải rồi”.
Quân ta rất ngạc nhiên hỏi:
- Vậy phải vận động như thế nào?
Đội bạn hỏi lại:
- Tôi hỏi anh, vậy người ban hành chính sách có lợi gì?
- Họ là quan chức chính phủ, họ có nhiệm vụ phải đưa ra những chính sách tốt nhất cho đất nước – Quân ta trả lời – Chẳng lẽ chúng tôi phải hối lộ họ?
- Không ai bắt các anh hối lộ. Nhưng cần cho họ động cơ để ban hành chính sách này, vì luôn luôn có nhiều chính sách quan trọng khác cũng đang chờ ban hành.
- Các anh có thể nói rõ hơn về động cơ hay không – Quân ta hỏi.
- Có ba loại động cơ chính. Thứ nhất là động cơ chính trị: chúng tôi sẽ dành những lá phiếu của cả ngành để vote cho người ban hành chính sách tốt cho ngành. Thứ hai là động cơ danh dự: người ban hành chính sách sẽ được tôn vinh trên truyền thông cũng như các báo cáo kết quả hoạt động của ngành. Thứ ba là động cơ lợi ích: ngành có thể đóng góp cho quỹ vận động tranh cử nhiệm kỳ tới.

Câu trả lời thật rõ ràng.

Dù bài học lobby chính sách của Đan Mạch không áp dụng được ở Việt Nam, nhưng quân ta học được một bài học khác: ở đâu cũng thế thôi, ô tô muốn chạy được thì phải có động cơ.
.
📖
HOANG MINH CHAU