Friday, April 16, 2021

BÁT NHÃ TÂM KINH


 

( Sư Toại Khanh-Thich Giac Nguyen) 

Trong kinh điển Bắc Truyền có một câu kinh rất là nổi tiếng mà tuyệt đại đa số Phật tử VN đọc suốt mấy chục năm trời cứ tưởng đó là câu thần chú; thật ra đó là nội dung kinh điển, một con đường hành trì, một đạo sống và là tinh hoa tuệ giác của chư Phật; khổ thay đa phần Phật tử VN cứ đọc như két và cứ tưởng lầm là câu thần chú. Đó là câu đại minh chú trong Bát Nhã tâm kinh: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”. Đọc như vậy thì đương nhiên không hiểu gì hết nhưng bản tiếng Phạn thì hay vô cùng “Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā”: Hãy lên đường, hãy ra đi, đừng dậm chân tại chỗ, đừng làm gà què ăn quẩn cối xay.

Gate gate nghĩa là hãy lên đường, hãy dấn thân, chứ đừng dẫm chân tại chỗ. Pāragate pārasaṃgate, hai chữ này đồng nghĩa, hãy sang bờ bên kia, hãy về bên khác, đừng có miệt mài ở lại với lối mòn hôm qua, phải có đủ can đảm từ chối chính mình ngày cũ. Pāra: bờ kia. Toàn bộ Phật pháp đã nằm trong câu đại minh chú đó. Và ngay trong quốc hiệu của nước VN, chữ ‘Việt’ có nghĩa là ‘vượt’. Triết gia F. Nietzsche cũng nói “Con người là cái gì đó cần phải bỏ lại và vượt qua.” Ai đọc Zarathustra Đã Nói Như Thế sẽ thấy câu này. Chúng ta chỉ là con người thật sự khi chúng ta biết bỏ lại con người cũ của mình. Đã là con người thì phải biết chối bỏ cái cũ không được hay lắm của mình ngày hôm qua.

Người ta hay nói “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, chỉ có loài vật mới quen lối mòn, còn con người thì khác. Ngày còn bé ta quen với vòng tay của mẹ, lớn lên thì quen với vòng tay của gia đình, quẩn quanh trong hẻm nhỏ, trong xóm, trong làng, quanh quẩn lũy tre. Lớn lên tí nữa chúng ta có gia đình, đi vào đời lập nghiệp, chúng ta như cánh chim bay về muôn phương, ở đó chúng ta phải làm quen với những môi trường sống khác biệt, với những con người và điều kiện sinh hoạt hoàn toàn mới mẻ, bởi vì là con người chúng ta không thể nào dậm chân tại chỗ và lịch sử cũng như cuộc đời của từng cá nhân hay toàn nhân loại trên hành tinh này cũng đã chứng minh điều đó. Về khoa học, chúng ta không thể tiến bộ nếu chúng ta cứ tiếp tục dậm chân tại chỗ; về nghệ thuật hay đạo học cũng vậy. Hãy chịu khó đọc lại cuộc đời của Đức Phật, chúng ta sẽ thấy đúng là một hành trình Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.

Cuộc đời ngài là một hành trình luôn luôn đi tới và bỏ lại sau lưng mọi thứ. Trong mười hồng danh của Chư Phật có chữ ‘Thiện Thệ’ từ tiếng Phạn là Sugato nghĩa là người một đi không trở lại. Tiếng Hán, “Thệ” nghĩa là ‘thề’ (誓) thuộc bộ Ngôn, và ‘thệ’ (逝) (thuộc bộ Thủy) là đi luôn không trở lại. Trong cổ văn VN có một câu: “Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ. Quán thu phong đứng rũ tà huy”, ‘thệ thủy’ là dòng nước trôi đi không trở lại. Trong Luận Ngữ, một buổi chiều tối, Khổng Tử đứng nhìn con sông chảy mà nói “Thệ như tư phù bất xả trú dạ”, chuyện đời như con nước, trôi đi mãi mà không có quay về, trôi ngày đêm không ngừng nghỉ, không quay lui.

Ngài là người của bộ tộc Sakya, 16 tuổi lấy vợ, nàng Yasodhara cũng 16, hai người sanh cùng ngày cùng tháng cùng năm. Ngài Ānanda cũng sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với Đức Phật. Sanh ra, thành đạo, Niết bàn đều ở ngoài trời không có mái che. Đó là thông lệ của chư Phật ba đời, không có mái che nghĩa là không có gì ngăn ngại nhân cách vĩ đại đó, và con người đó nằm ngoài mái che của cuộc đời; con người này nằm ngoài những chấp hữu, chấp vô, thường, đoạn, khổ hạnh lợi dưỡng. Đời ngài là cuộc hành trình buông bỏ, ngày hôm nay đẹp hơn ngày hôm qua và ngày mai đẹp hơn ngày hôm nay. Cuộc đời Bồ tát Tất Đạt luôn luôn là đi tới, theo sử liệu Nam truyền, ngài lấy vợ năm 16 tuổi, 13 năm sau 29 tuổi đi xuất gia, trong sáu năm. Năm 35 tuổi ngài thành Phật và ngài trụ thế 45 năm sau đó để hoằng pháp độ sinh.

🌹Tổng cộng là 80 năm cuộc đời luôn luôn đi tới, không quay lui. Từ giã tuổi ấu thơ để đi vào tuổi lớn, có gia đình, nhàm chán cuộc đời, bỏ hết cung vàng điện ngọc đi xuất gia. Trong kinh nói ngài chỉ bỏ một ít thời gian đã đắc chứng toàn bộ các tầng thiền định. Nếu là mình thì mình sẽ chìm sâu gắm chặt trong đó, Ngài khác mình một điều, ngài luôn luôn phát hiện ra rằng, còn có cái tốt hơn. Trong đời sống cũng như trong cuộc tu, đừng bao giờ hướng tới the best (tốt nhất) mà phải hướng tới better (tốt hơn). Khi sống với chữ ‘the best’ thì rất nguy hiểm, bởi sẽ có một ngày mình dừng chân với thành tựu không đáng gì vì tưởng nó là the best, còn khi sống bằng chữ better thì suốt đời mình không bao giờ dừng lại.