“Đời người, đôi khi thắng chưa hẳn đã chứng tỏ đó là người có trí tuệ, là bậc cao nhân. Trái lại, thua cũng chưa hẳn là người tầm thường, kém cỏi.
Vào những năm cuối triều đại nhà Thanh, Tả Tông Đường được xưng là người có tài năng kiệt xuất và gan dạ hơn người. Ông là người tỉnh Hồ Nam. Theo sử sách ghi chép, Tả Tông Đường là người thông minh thiên bẩm. Thời thanh niên, ông có tài nhưng không gặp thời, mãi đến tuổi trung niên mới được bạn bè tiến cử làm quan.
Về sau này, qua cách xử thế của Tả Tông Đường trong cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc, thu phục chiến dịch biên cương thì tài năng quân sư và chính trị tuyệt vời của ông mới được hiển lộ rõ ra. Vì vậy mà Tả Tông Đường được người đời xưng là “Gia Cát Lượng tái thế”.
Tả Tông Đường còn rất thích chơi cờ vây, hơn nữa còn là một cao thủ. Kỳ thực gần như không có ai là đối thủ của ông. Trong những câu chuyện kể về thú vui chơi cờ vây của Tả Tông Đường, người ta còn lưu lại một câu chuyện xưa “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” khiến người đời phải suy ngẫm như thế này:
Có một lần Tả Tông Đường dẫn quân xuất chinh. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một ngôi nhà tranh, bên trên treo một tấm biển “Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ”. Tả Tông Đường rất không phục liền tiến vào nhà tranh đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ liền.
Kết quả, chơi cả ba ván cờ, người chủ nhân này đều bị thua. Tả Tông Đường hưng phấn dạt dào, rồi cười lớn và nói: “Ông có thể hạ tấm biển này xuống được rồi!” Nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, vui vẻ dẫn quân đi tiếp.
Không lâu sau khi Tả Tông Đường quay trở lại con đường ấy để về triều. Khi ông đi ngang qua ngôi nhà kia, ông ngạc nhiên vì nhìn thấy tấm biển “Đệ nhất thiên hạ kỳ thủ” vẫn không bị chủ nhân dỡ xuống. Tả Tông Đường có chút suy nghĩ rồi liền bước vào trong nhà và lại đấu với chủ nhân của ngôi nhà ba ván cờ nữa.
Kết quả, lần này, chơi cả ba ván cờ, Tả Tông Đường đều bị thua.
Tả Tông Đường rất kinh ngạc liền hỏi vị chủ nhân xem nguyên nhân là vì sao?
Người chủ nhân của ngôi nhà chậm rãi đáp: “Thưa ngài, lần trước là trên thân ngài còn mang trọng trách lớn, phải dẫn binh đi đánh giặc. Tôi đương nhiên không thể làm giảm nhuệ khí của ngài được. Hôm nay, ngài đã thắng lợi trở về, tôi đương nhiên có thể chơi hết sức mình, không nhân nhượng, việc đáng làm thì phải làm thôi!”
Tả Tông Đường nghe xong những lời này liền bừng tỉnh đại ngộ, hơi một chút xấu hổ nhưng trong lòng lại vô cùng bội phục người chủ nhà này. Tả Tông Đường liền nói: “Ngài không hổ danh là ‘Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ’!”
Trong bất kỳ một lĩnh vực nào đều có người đạt được những thành tựu xuất sắc nổi bật hơn người. Nhưng thông thường họ đều là những người có hàm dưỡng rất cao. Họ chẳng những có kỹ nghệ cao siêu mà khí độ cũng vượt quá người thường. Cũng có thể chính là bởi vì, lòng khoan dung độ lượng của họ lớn lại có đủ mỹ đức giỏi hiểu được ý người khác nên họ mới có thể đạt được thành tựu to lớn như vậy.
Đương nhiên cái “giỏi hiểu ý người khác” mà chúng ta nói đến ở đây cũng không giống như việc mà mọi người thường hay nói là “tinh khôn”. Mà nó chính là thái độ đối nhân xử thế, là có lý tính kết hợp với chân thành, thiện ác phân minh, phải trái rõ ràng. Giống như người xưa từng nói: “Cao nhân thực sự trong thế gian chính là người hiểu được những lúc có thể thắng mà không nhất định cần phải thắng, có tấm lòng khiêm nhường trước người khác, có thể hiểu ý nguyện lòng người.”
Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, chẳng phải cũng như vậy sao? Thông minh thì không nhất định là có trí tuệ nhưng trí tuệ thì bao gồm cả thông minh. Thông minh không nhất định là có mỹ đức, có mỹ đức mà lại thông minh mới giống như “hổ thêm cánh”. Người thông minh thường thường xem trọng được mất, nhưng người có mỹ đức, trí tuệ biết dũng cảm buông bỏ và vượt qua, có thể tiến, có thể lui nên mới có thể ở trong hoàn cảnh hỗn tạp mà bảo trì được ý nghĩ thanh tỉnh, mới có thể nhẫn và ở vào lúc nguy nan, đột ngột mới có thể bình tĩnh tìm được hướng giải quyết.
Người ta nói: “Tai thực sự thính chính là có thể nghe được tiếng lòng, mắt thực sự sáng là có thể nhìn thấu tâm linh.”
Nhìn, không hẳn đã là nhìn thấy.
Nhìn thấy không hẳn đã là nhìn thấy rõ
Nhìn thấy rõ không hẳn đã là nhìn thấy hiểu
Nhìn thấy hiểu không hẳn đã là nhìn thấu.
Nhìn thấu không hẳn đã là thông suốt.”