Một lần trong chiến tranh thế giới thứ hai có hai người tù Do thái trốn khỏi trại tập trung, họ chạy thục mạng và quyết định chia làm hai ngả. Người tù già hơn nắm chặt tay người tù trẻ, đắn đo một lúc rồi nói: “Này cháu, ta chỉ có một mẩu bánh mỳ, cháu hãy cầm lấy, ta già rồi, chịu đói được lâu hơn cháu… Nhưng cháu hãy hứa với ta rằng: chỉ khi nào cháu không còn cách nào, không còn một cách nào khác để có cái ăn thì cháu mới giở miếng bánh này ra. Trong rừng có nhiều thứ ăn được, nếu đến chỗ có dân, cháu có thể làm thuê kiếm miếng ăn. Đường từ đây về nhà còn xa lắm, và nếu trong túi vẫn còn một miếng bánh thì cháu vẫn còn có thể chịu đựng được mọi gian truân…”
Người tù trẻ cảm động, hứa với ông già và nắm chặt lấy mẩu bánh mỳ rồi lao đầu chạy.
Ròng rã bao nhiêu ngày đêm anh nhằm hướng quê nhà chạy tới. Khi thì phải lẩn lút trong rừng, lúc lại băng cánh đồng. Anh hái quả rừng, lội suối tìm cá, khi gặp những người chăn cừu, anh bẻ củi cho họ để nhận một bát sữa, hay một miếng thịt cừu thơm lừng.
Đã có lúc anh tưởng chừng không còn cách nào khác để có một miếng ăn, tránh né bọn Đức, lẩn lút vòng qua đầm lầy trong cái nóng hầm hập, xung quanh chỉ một màu xám xịt của lau sậy… Không biết bao nhiêu lần anh rút mẩu bánh mỳ đã khô cứng như đá ra khỏi túi, ngắm cái gói nhỏ gói bằng một miếng vải thô, quấn thật chặt và buộc bằng một sợi dây gai thắt nút, cái gói chỉ bằng nửa miếng xà phòng, chắc mẩu bánh mỳ còn bé hơn, song anh vẫn nuốt nước miếng, nghĩ đến vị bột ngọt ngào trên đầu lưỡi, chắc là có chút ẩm mốc. Anh nhìn trừng trừng cái gói nhỏ rồi lại đút vào túi, bởi anh kinh hoàng nghĩ đến ngày mai, túi rỗng không mà đường thì còn xa lăng lắc. Cứ thế anh đi ròng rã và cuối cùng cũng đến cái ngày anh ngã nhào vào tay người thân. Sau những phút vui sướng khóc cười, anh vùng dậy, rút ra cái gói nhỏ đã bẩn thỉu hôi hám song vẫn được quấn rất chặt, anh nói: “Mẹ ơi, nhờ mẩu bánh này đây mà con thoát chết trở về”. Anh cảm động gỡ nút dây, mở lần vải bọc và sững sờ: đó chỉ là một miếng gỗ được gọt đẽo vuông vức như một mẩu bánh mỳ!
Lần đầu tiên đọc câu chuyện trên, tôi chỉ biết là nó hay, nhưng tôi chưa tự giải thích được cho chính bản thân mình: nó hay ở điểm nào. Lúc đó tôi chỉ nghĩ nôm na rằng: mẩu bánh mỳ đã giúp cho chàng trai tìm được đường về nhà. Nhưng tôi vẫn băn khoăn: Mẩu bánh mỳ đó muốn nói gì? Câu chuyện còn một ý nghĩa sâu xa mà tôi chưa nhận ra. Và tôi đành gác những suy nghĩ của mình lại.
Một tuần sau đó, khi công việc thường ngày cứ cuốn tôi đi, thỉnh thoảng tôi lại suy nghĩ về câu chuyện mà tôi đã đọc và cố tìm xem thông điệp thực sự mà nó muốn nói. Và cuối cùng tôi đã tìm ra được Mẩu bánh mỳ đó là gì?
Mẩu bánh mỳ đó thực chất chỉ là một sự giả dối, giống như Chiếc lá cuối cùng của ông họa sĩ già trong truyện ngắn cùng tên nổi tiếng của nhà văn O.Henry, mà chúng ta ai cũng biết. Jonhsy, cô gái trong câu chuyện đã được cứu sống nhờ Chiếc lá cuối cùng mà thực chất đó là một chiếc lá không có thật, mà sự thật ở đây chính là niềm tin của Johnsy. Và mẩu bánh mỳ “giả dối” của người bạn già trong câu chuyện mà tôi đã đọc cũng vậy.
Mẩu bành mỳ – đó là niềm tin. Có bao giờ bạn tự hỏi trên đời này có Thượng đế hay không? Tôi tin chắc là không ít một lần bạn băn khoăn về điều đó. Chúng ta vẫn nghe nhiều người nói đến Thượng đế và họ còn nói đã nhìn thấy ngài, nhưng bạn đã gặp ngài chưa? Hay mới chỉ nghe người ta nói là đã nhìn thấy. Tôi nói vậy không phải vì tôi không tin trên đời này có Thượng đế, mà tôi muốn nói tôi tin là tôi có niềm tin vào Thượng đế. Cũng như chàng trai tin mẩu bánh mỳ của ông già không phải là cục gỗ.
Mẩu bánh mỳ – đó là ước mơ. Tôi lại muốn hỏi bạn, bạn đã mơ ước bao nhiêu lần rồi? Tôi tin là rất nhiều lần. Trên đời ai mà chẳng có ước mơ, có những ước mơ nhỏ bé và có những ước mơ lớn lao, có những ước mơ thành hiện thực và rất nhiều ước mơ không thành hiện thực. Nhưng bạn cứ ước mơ đi, bởi ước mơ không mất tiền mua, không ai có thể cấm, bạn có thể không cần nói ra, và những ước mơ có thể không thành hiện thực. Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng chúng ta hãy ngừng mơ ước. Bởi như chàng trai trong câu chuyện phát hiện ra mẩu bánh mỳ ấy chỉ là một cục gỗ thì lúc ấy anh ta đã trở về được đến nhà rồi.
Lúc này bạn có thể cho rằng niềm tin ư, ước mơ ư… nó không chắc chắn, đôi khi nó là những điều không có thật. Tôi đồng ý bởi những điều không có thật vẫn tồn tại trong trí tưởng tượng của chính chúng ta. Như người bạn già đã lừa dối chàng trai nhưng vì đã tin vào một điều không hề có thật, nên chàng trai đã sống sót được cho đến khi tưởng như gục ngã, đã tìm về được với gia đình. Vậy thì tại sao chúng ta lại không dám tin vào những điều không có thật, mà sự thật ở đây không gì khác chính là niềm tin của bạn.
Nếu bạn tin ngày 21/12/2012 là ngày tận thế như một bộ film Hollywood đã làm, thì chỉ còn 500 ngày nữa thôi, hãy tranh thủ tận hưởng cuộc sống này nhé.
Nếu bạn ước mơ trở thành một ngôi sao nổi tiếng, nhưng thực tế bạn thật xấu xí và chỉ là một nhân viên bình thường, thì “vịt già” biệt danh mà nhiều người vẫn gọi cho Susan Boyle ngôi sao ca nhạc của Anh, mãi đến năm 47 tuổi cô ấy mới hóa thành “thiên nga”. Và nếu bạn đợi đến năm 47 tuổi mà vẫn chưa thành ngôi sao thì có “Susan Boyle của Trung Quốc” biệt danh mà mọi người gọi cho một bà giáo về hưu Ngũ Bách Vi đã tỏa sáng khi 78 tuổi.
Còn nếu bạn đang đi đến những quãng đường cuối cùng của cuộc đời mình mà vẫn chưa trở thành một ngôi sao nổi tiếng như bạn từng mơ ước, thì có một điều không thể phủ nhận rằng: không ai khác mà chính bạn đã tỏa sáng trong giấc mơ của chính mình. Điều đó còn tuyệt vời hơn rất nhiều người không có lấy một bầu trời ước mơ để tỏa sáng.
Đến bây giờ thì bạn có tin vào những điều tưởng như hoang đường tôi đã nói ban đầu không: Hãy tin vào những điều không có thật, hãy ước mơ những điều bạn không thực hiện được, hãy hy vọng vào những điều không thể. Bởi vì niềm tin và ước mơ sẽ giúp cho chúng ta vượt qua được mọi khó khăn trong cuộc sống.
Hãy theo đuổi ước mơ và đặt niềm tin vào ước mơ ấy. Và cho dù sự thật nhiều khi không như chúng ta mong đợi, bạn hãy nhớ đừng bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống, và ước mơ của chính bạn.
Ai trong chúng ta đều tôn thờ sự thật, nhưng tôi dám chắc không ai phủ nhận rằng mình đã ít nhất một lần không nói thật. Như người bạn già trong câu chuyện mà tôi đã kể, hay như người họa sĩ trong Chiếc lá cuối cùng của O.Henry.
Và nếu phải nói dối, tôi khuyên bạn hãy nói dối bằng trái tim mình.
=> kinh điển, nhưng còn giá trị thực tiễn…