“Tự nhủ lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen…” (thơ Nguyên Sa)
Mấy hôm nay, Saigon trở lạnh. Vài hôm trước, một trận mưa đêm nhỏ, dai dẳng, làm rụng vài cánh mai nở sớm bên thềm. Hiên nhà ươn ướt, như nước mắt người tình vẫn còn tiếc thương cho những đóa hoa xuân, không kịp nhìn cái Tết đang quanh quẩn đâu đây, chờ đón giao thừa.
Ngày xưa, khi qua tuổi lên 10, mỗi mùa Tết, tôi được cha giao nhiệm vụ đánh bóng lư đồng, các bức tranh, khung hình hay tượng, trẩy lá cây mai, mua trồng thêm cúc, mẫu đơn, vạn thọ… và dọn sạch khu thờ phượng. Dù có ham chơi và hoang đàng, tôi vẫn rất nghiêm túc thi hành phận sự. Vớí tôi, đây là một điều gì to lớn, sâu xa và thiêng liêng hơn cả chuyện học hay chuyện gia đình. Đây là Tết, là khởi đầu của vạn vật, là khai sáng của vận hội mới, là niềm hy vọng của tận cùng tâm linh. Tôi nghĩ 90 triệu người Việt khác, dù đang ở quê nhà hay tha phương chân trời nào, không ít thì nhiều, cũng mang một tâm trạng tương tự.
Ngay cả những người nhập cư đang ở các thành phố lớn, chuyện mua vé và sắp xếp về quê ăn Tết là điều ưu tiên. Bởi vì trong tiềm thức, ai cũng trân trọng những cái Tết khi vừa mới lớn, khi lòng đầy háo hức rộn ràng, chờ những niềm vui, trò chơi cố hữu và nghĩ rằng hạnh phúc là một nhân quyền tự nhiên của kiếp con người.
Dù chỉ là một học sinh khi những biến cố hay vận hên xui của năm này không khác bao nhiêu so với năm ngoái, nhưng giữa đêm Giao Thừa, tôi cũng luôn khai bút viết những lời xin các thần linh về những điều mà tôi cho là tôi và người thân sẽ đáng được hưởng trong năm mới. Sau đó là một bài thơ cầu chúc cho Cha Mẹ những phúc lộc sức khỏe, cho cả những người đẹp mà mình chỉ đang mơ tưởng. Tiếng pháo đì đùng vang khắp mọi ngã đường, các bài ca xuân và những cành hoa lộc tinh khôi giữa hương trầm hòa quyện nhau như một tấu khúc nào trên thiên đường.
Tết của tuổi thơ tôi ấm cúng, đơn giản và ngây thơ như vậy. Sau này, ra ngoài biển lớn, luôn tìm những lần đi chơi xa dịp lễ, đợi Giao Thừa Tây tại khắp vài lục địa. Nhưng khi hò hét cùng bạn bè đếm chiếc cầu pha lê thả xuống ở Times Square hay tại một casino ở Vegas, Macau, Bahamas…, tôi lại thường quay mặt ngáp dài và chỉ muốn về khách sạn ngủ. Không gì có thể thay thế đêm Giao Thừa ngày xưa trong căn nhà chật hẹp cạnh vườn Tao Đàn.
Nhất là khi rời bỏ quê hương một thời gian dài, bấy giờ tôi mới hiểu những hương vị thực sự của ngày Tết. Khoảng năm 1957, một gia đình người Pháp dọn đến thuê căn nhà cạnh nhà tôi. Gia đình chỉ có 2 mẹ con: một bà giáo ngoài 40 của trường Marie Curie và đứa con gái teen trạc 15, 16. Họ sống khá khép kín dù thân thiện với hàng xóm. Bạn bè họ phần lớn là những Pháp Kiều sống quanh thành phố. Tết năm ấy, tôi ngạc nhiên khi chiều 30 Tết vẫn thấy họ ở nhà, không đi nghĩ lễ như các ngoại kiều khác.
Như thường lệ, tôi hay đạp xe đi khắp phố phường Sài Gòn vào chiều 30 Tết. Khoảng sau 5 giờ, ai đã về nhà nấy, đường xá vắng lặng lạ thường. Tôi chạy xe cả tiếng không biết mệt vì khuôn mặt yên tĩnh của không gian mới trong cái nôn nóng đợi Giao Thừa của một đứa bé. Về nhà ra sân sau cất xe, tôi chợt nghe tiếng khóc dù êm nhẹ nhưng khá rõ của bà giáo cạnh nhà. Không dám làm phiền, tôi nhè nhẹ vào nhà trong.
Một tiếng sau, tôi bẻ một cành mai trĩu hoa, vài nhánh cúc, lys, hồng…ăn trộm 2 cái bánh chưng trên bàn thờ, qua gõ cửa nhà bà giáo. Nước mắt đã khô, đứa con gái đã đi chơi đâu mất, bà ngạc nhiên cực độ khi nhận một món quà Tết từ một đứa trẻ bản xứ, không thân thiết gì lắm. Bà ôm tôi vào lòng thật lâu, rồi pha cho tôi một ly cà phê sữa, bắt tôi ngồi nghe bà vi vu đủ mọi chuyện về xứ Pháp xa xôi của bà, trong cái giới hạn lõm bõm về Pháp ngữ của tôi. Khuôn mặt bà ngời sáng, tươi đẹp (tuổi 12 thì đứa con trai nào cũng thế), và tôi thấy hương vị và ý nghĩa của Tết đang cùng về trong 2 tâm hồn già trẻ.
Sáng mồng một, khi đi ngang nhà bà, bà kêu lại và lì xì cho tôi 2 franc. Sau khi ở Mỹ về nước 11 năm sau, tôi lại tìm thấy món tiền lì xì này trong một hộp bánh LU cũ.
Nhiều năm trở lại đây, tôi ít khi ăn Tết quê hương. Không còn người thân ở quê, Sài Gòn thì vắng bóng bạn bè, hàng quán đóng cửa…tôi hay tìm đến những bờ biển êm vắng của Thái Lan hay Indonesia để tâm hồn lắng đọng vào những ngày đầu năm. Năm nay, không biết tại sao, lòng lại rộn ràng lên chút đỉnh. Có lẽ hơi lạnh của buổỉ sáng khi qua công viên, có lẽ hàng hoa cúc nhà hàng xóm vửa nở rộ vàng, có lẽ nụ cười vẫn rất trong sáng của một em học sinh trong tà áo dài trắng vừa đi ngang cổng. Tôi chợt nhớ những cái Tết của ngày xưa và tự nhủ, “thôi năm nay ăn Tết Sài Gòn nhé”.
- TS. Alan Phan - Trích từ sách Những bài chưa xuất bản (http://bit.ly/Goc-nhin-alan-nhung-bai-chua-xuat-ban)
P/s: Nhân mấy mùng tết , lại đọc Góc nhìn Alan.