Monday, February 12, 2024

BẾP LỬA QUÊ NHÀ




Sau khi dời lại chuyến đi về Mỹ cả 10 ngày vì cảm cúm, tôi đến New York vào cuối tháng 11. Một người bạn luật sư vừa thành công trong 2 phi vụ M&A lớn, kiếm được một mớ tiền và tậu cho hắn ta một biệt thự ngay sát bờ biển Long Island. Hắn có chút thì giờ và muốn gặp lại tôi sau bao năm vì cũng có vài chuyện làm ăn thú vị bên Đông Âu. Hắn hứa sẽ đón tôi ở phi trường, về nghỉ ngơi ở cơ dinh mới tại Long Island và hai thằng sẽ cùng “bonding” như hồi còn độc thân vui tính bên Indonesia.


Hắn cho tài xế đón tôi ở Kennedy, cáo lỗi vì vừa “dụ” được một cô siêu mẫu nào đó từ Croatia qua, phải đưa nàng đi ăn chơi ở Manhattan. Tài xế bỏ tôi ở Long Island và tên bạn hứa sẽ qua thăm sáng hôm sau. Đêm đó, gió từ biển thổi vào lạnh buốt. Một mình trong căn nhà rộng gần 1,000 mét vuông, tôi loay hoay tìm các nút điều khiển điện đèn vật dụng, và mất cả tiếng mới vặn được lò sưởi. Vừa ốm dậy, tôi run cầm cập và con vi rút cúm quái ác lại tái xuất hiện. Hôm sau, dù đã Thứ Hai, tên bạn vẫn còn miệt mài biệt tích với cô siêu mẫu và tôi phải kêu xe tự quay lại Mahattan, chui vào một khách sạn mid-town cho tiện việc đi lại.


Hai ngày tiếp đó, tôi có vài cuộc họp nhưng không hiệu quả vì đầu óc còn lâng lâng với thuốc trụ sinh và các cơn ho. Rời New York về lại California, tôi vẫn không gặp lại ông bạn cũ đã long trọng mời mình qua New York. Sau đó, Los Angeles cũng không khả quan hơn. Gió đêm của biển Malibu vẫn lạnh buốt như Long Island và tôi vẫn bị cầm tù trong nhà vì sức đề kháng cơn bệnh của mình càng ngày càng yếu.


Sau chuyến đi cả tháng trời không hiệu quả, tôi quay lại Việt Nam hôm Thứ Sáu vừa rồi. Ra khỏi phi trường Tân Sân Nhất, tôi lại cong người vì cái nóng giữa trưa. Nắng chói chang, nhưng xe cộ vẫn đông, ồn ào và vô trật tự như thường lệ. Có lẽ là bắt đầu tuần lễ Tết Tây? Bụi bặm, rác rười, những cư xử vô văn hóa của mọi người trên đường phố…vẫn tràn ngập. Nhưng lần đầu tiên, tôi không bực bội mà lại nhìn cảnh và người qua một lăng kính thú vị hơn. Cái cười của 3 em bé đong đưa trên chiếc xe máy của cha mẹ tại một ngã tư dường như ngây thơ và an toàn hơn chuẩn mực tôi thường phán xét.


Về đến nhà, tôi đi tắm xong rồi tự vào bếp pha một ly cà phê cho vừa miệng. Tôi nhớ cái bếp ở Long Island. Nó lớn hơn cả nguyên tầng dưới của căn biệt thự Phú Mỹ Hưng. Đủ mọi thứ đồ chơi cho một tay đầu bếp thiện nghệ, nhưng nó lạnh lẽo và xa lạ như cảnh trí dành cho một phim trường. Tôi còn nhớ phải mất 15 phút mới tìm ra cách làm một ly cappuccino trên chiếc máy quá tối tân. Còn chiếc máy làm cà phê ở đây, tôi vẫn lười chưa đi mua bình thủy tinh cô người làm đánh vỡ tháng trước.


Xong ly cà phê, tôi lần ra chiếc ghế bành quen thuộc, mơ màng vặn TV. Đài LA 34 mà tôi chưa hề nghe phát ra một bài vọng cổ buồn. Tôi thấy thanh bình trong cái nóng nhè nhẹ vừa đủ thấm mồ hôi.


Một người bạn từ Đà Lạt nghe tôi về nước gởi tặng một giỏ hoa hồng thật đẹp. Chiếc phone lại bắt đầu kêu, vài chục tin nhắn từ mấy ngày qua hiển thị. Một bữa tiệc tất niên với hơn 15 người bạn được tổ chức vội vã ngày hôm sau. Vừa chuyện nghiêm túc vừa chuyện bá láp nhưng tiếng cười nói không dứt.


Sợi dây ràng buộc với quê hương khá mỏng manh, nhưng tôi nghĩ mình không dễ gì thoát ra được. Mà chắc gì đã cần bay đi cả 20 tiếng để tìm con người đang tự tại qua tháng ngày thân quen?


TS. Alan Phan - Trích từ sách Góc nhìn Alan - Những bài chưa xuất bản