Tuesday, October 5, 2021

Vài điều có thể chúng ta chưa biết về Google

 Google tròn 20 tuổi

Khi Larry gặp Sergey…

Sergey Brin sinh ngày 21 tháng 8 năm 1973 tại Moscow (Nga), cha là một nhà toán học kinh tế Nga đã đưa cả gia đình di cư sang Mỹ vào năm 1979. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Toán và Tin học ở Đại học Maryland và College Park, anh vào Đại học Stanford, chuẩn bị luận án tiến sĩ và gặp người bạn học là Larry Page. Larry Page tên thật là Lawrence Page, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1972 tại East Lansing, bang Michigan, cha là một người đi tiên phong trong ngành Tin học và Trí thông minh nhân tạo, còn mẹ là một người chuyên dạy lập trình. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Đại học Michigan, anh vào học khoa Tin học ở Đại học Stanford.



Nhà báo David A. Vise kể về cuộc gặp gỡ của Sergey Brin và Larry Page: “Khi Larry gặp Sergey vào mùa xuân năm 2005, cả hai thường xuyên trò chuyện với nhau. Sergey nhỏ tuổi hơn Larry, đã học ở Đại học Stanford 2 năm về trước, là một sinh viên rất giỏi toán, cố gắng lấy bằng cử nhân khi mới 19 tuổi và đạt được điểm 10 trong tất cả những kỳ thi khảo sát năng lực để chuẩn bị soạn luận án tiến sĩ. Anh đã dễ dàng hợp tác với các giáo sư để tiến hành việc nghiên cứu. Tự tin, hoạt bát, anh đặc biệt yêu thích thể thao, bơi lội và giao tiếp ở Đại học Stanford dù vẫn dành nhiều thời gian cho máy tính và toán học. Larry đến từ miền Trung Tây, cảm thấy hơi bỡ ngỡ khi trở thành một trong những sinh viên hiếm hoi được chọn để học chương trình tiến sĩ và luôn có những mối hoài nghi về khả năng của mình. Sergey có một người em trai còn sống ở nhà tại vùng ngoại ô Washington D.C., là một người hướng ngoại, nói nhiều và đã quen với việc được mọi người chú ý. Larry có một người anh trai và tính tình trầm lặng hơn và suy tư nhiều hơn. Từ năm học 1995-1996, sự tương đồng về sở thích và sự bổ sung cho nhau kỹ năng đã dần dần đưa tới một tình bạn bền vững. Trong một thế giới có tác động lớn lao của di truyền và công nghệ, Sergey và Larry có một điểm chung: cả hai đều là những người thuộc thế hệ thứ hai rất giỏi tin học. Cả hai đều đã sử dụng máy tính từ khi còn học ở trường tiểu học, dưới sự hướng dẫn của những bậc cha mẹ rất thành thạo về máy tính và toán học. Ông Carl Victor Page, cha của Larry, là một trong những sinh viên đầu tiên nhận bằng cử nhân Tin học ở Đại học Michigan vào năm 1960 và 5 năm sau, ông có bằng tiến sĩ. Bà Gloria Page, mẹ của Larry, là một chuyên gia tư vấn về dữ liệu có bằng master Tin học. Cha mẹ anh đã ly thân khi anh mới 8 tuổi và biến cố này đã để lại tổn thương lớn lao trong tâm hồn anh. Mặc dù vậy, cha mẹ anh vẫn cố gắng nuôi dạy anh và người anh trai như những gia đình êm ấm khác. Anh đã có được tình yêu thương của 2 người mẹ là mẹ ruột của anh và bà Joyce Wildenthal, một nữ giáo sư Đại học Michigan đã chung sống với cha anh từ khi cha anh và mẹ anh ly hôn. Khi Larry đang học học kỳ thứ hai ở Đại học Stanford, cha anh mất vì bệnh viêm phổi khi mới 58 tuổi và ông được các bạn đồng nghiệp và sinh viên ở Đại học Michigan ca ngợi là “người đi tiên phong và là người có thẩm quyền về tin học và trí thông minh nhân tạo”. 

Cha mẹ của Sergey cũng là những người giỏi về khoa học và công nghệ: ông Michael Brn, cha anh, dạy toán ở Đại học Maryland và đã công bố nhiều bài nghiên cứu về những vấn đề toán học trên các tạp chí. Bà Eugenia Brin, mẹ anh, là một nhà khoa học làm việc ở Trung tâm Goddard điều khiển các chuyến bay của Cơ quan Không gian NASA, chuyên nghiên cứu về những điều kiện khí hậu và thời tiết có ảnh hưởng tới những chuyến bay của các phi thuyền không gian. Trước khi sang Mỹ định cư, ông Michael Brin làm việc suốt 10 năm như một chuyên gia kinh tế cho Gosplan, cơ quan lập ra những kế hoạch cho Liên Xô, và ông đã phải sử dụng những số liệu thống kê của Liên Xô để chứng minh rằng cuộc sống ở đất nước Liên Xô ưu việt hơn hẳn cuộc sống tại Mỹ. Mặc dù vậy, ông đã có lần thú nhận: “Tôi biết khá nhiều về những số liệu thống kê. Những con số này thường không chính xác”. Ông đã đưa cả gia đình sang Mỹ định cư đề trốn tránh nạn bức hại những người Do Thái ở Liên Xô…” (The Google story, tr. 20-25).


David A. Vise kể về thời điểm cỗ máy tìm kiếm Google ra đời: “Năm 1996, những tìm tòi theo hai chiều hướng giống nhau của Larry Page và Sergey Brin đã đưa tới sự ra đời của cỗ máy tìm kiếm Google. Nhưng cỗ máy tìm kiếm Google này chỉ có được nhờ một thành tựu rất lớn trước đó là máy chủ đầu tiên và công cụ tìm kiếm đầu tiên mang tên mạng toàn cầu (WorldWideWeb) do Tim Berners-Lee, một kỹ thuật viên ở Phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý CERN tại Thụy Sĩ, phát minh vào năm 1989 dựa trên mạng Internet – một hệ thống khổng lồ cho phép người ta tự do đăng tải và kết nối các tài liệu.

Một trong những đề tài tranh luận ưa thích của Larry Page là thiết kế những phương tiện vận chuyển mới mẻ và hiệu quả hơn. Lớn lên ở thành phố Detroit (thành phố có nền công nghiệp xe hơi ở bang Michigan có biệt danh Motortown), Larry Page mong muốn tìm ra những cách thức đầy sáng tạo để chuyên chở người và hàng hóa từ nơi này đến nơi khác, giảm thiểu tai nạn, giảm thiểu chi phí, ô nhiễm môi trường và mật độ giao thông. Anderson nhớ lại: “Anh ta thích nói đến những hệ thống với những chiếc xe tự động chạy khắp nơi và khi cần đi đến nơi nào đó, bạn chỉ việc leo lên một chiếc và cho biết mình muốn đi tới đâu. Nó giống như một chiếc taxi, nhưng có giá rẻ hơn và chen chúc dễ hơn với những phương tiện vận chuyển khác trên đường cao tốc. Anh ta say mê vấn đề đưa người và hàng hóa đến nơi này hay nơi khác. Anh ta thích giải quyết những vấn đề của xã hội theo những cách thức khác nhau”…

Sergey Brin đang hợp tác chặt chẽ với Rajeev Motwani, một giáo sư đại học 30 tuổi, để tìm những phương cách thu thập thông tin từ những khối lượng dữ liệu khổng lồ. Hai người đã lập ra một nhóm nghiên cứu mang tên MIDAS (viết tắt của Mining Data At Stanford: Kho Dữ liệu ở Đại học Stanford. Trong thần thoại Hy Lạp, Midas là vị vua chạm tay vào đồ vật nào thì nó ngay lập tức biến thành vàng). Brin mời các diễn giả đến nói chuyện và chọn đề tài thảo luận cho MIDAS. Brin và Motwani vận dụng vào mạng Internet mới hình thành còn rất hỗn loạn những kỹ thuật mà các cửa hàng sử dụng để xem khách hàng thường mua những mặt hàng nào. Giữa thập niên 1990, Internet gần giống như miền Viễn Tây hoang dã không có lề luật và phép tắc nào. Hàng triệu người đăng nhập Internet và bắt đầu liên lạc với nhau qua email, nhưng những nhà nghiên cứu lại điên đầu vì có quá nhiều website. Những nỗ lực ban đầu để giúp những người sử dụng máy tính tìm thông tin trên Internet như Webcrawler, Lycos, Magellan, Infoseek, Excite và Hotbot tỏ ra không mấy hiệu quả. Motwani nói: “Tìm kiếm không phải là việc dễ dàng vào thời kỳ này. Bạn tìm ra được một lô một lốc kết quả chẳng có ý nghĩa gì”. Motwani đã từng thử nghiệm một cỗ máy tìm kiếm tên là Inktomi vào năm 1995 sau khi nó ra mắt ở Đại học Berkeley, nơi anh bảo vệ luận án tiến sĩ.

Vào thời gian này, hai tiến sĩ ở Đại học Stanford là Jerry Yang và David Filo thuê một nhóm biên tập viên để lập ra một danh mục website xếp theo mẫu tự và đặt tên công ty của mình là Yahoo!. Cách tiếp cận của hai người đã đơn giản hóa việc tìm kiếm những thông tin có giá trị, nhưng nó không theo kịp bước phát triển của Internet… Brin và Motwani thử nghiệm một số cỗ máy tìm kiếm khác, nhưng chẳng có cái nào thật sự có hiệu quả. Vào lúc này, Page đang dành nhiều thời gian cho dự án Thư viện kỹ thuật số (Digital Libraries Project), cũng bắt đầu thử nghiệm tìm kiếm trên Internet với một cỗ máy tìm kiếm mang tên Alta Vista. Alta Vista mang lại những kết quả nhanh hơn và tốt hơn những cỗ máy tìm kiếm khác, và Page đã ghi nhận rằng ngoài những website tìm được, còn có những thông tin mơ hồ được gọi là “đường link” (đường dẫn). Các đường link đã tạo nên tính năng động của Internet: người sử dụng có thể thấy một chữ hoặc một câu được nhấn mạnh, và nếu muốn tìm thêm thông tin, anh ta có thể nhấp chuột vào đường link ấy và sẽ được đưa sang một trang web khác. Thay vì tập trung nghiên cứu những kết quả thu được với Alta Vista, Page bắt đầu phân tích những đường link… Page đưa ra một giả thuyết: Có thể đếm số đường link đưa về một website để biết được nó có mức độ phổ biến như thế nào. Tất cả các đường link không có tầm quan trọng như nhau. Một số đường link có ý nghĩa quan trọng hơn những đường link khác. Các website có nhiều đường link sẽ quan trọng hơn những website có ít đường link. Page lấy tên mình và các tài liệu trên mạng để đặt tên cho hệ thống xếp hạng các đường links là “PageRank”…


Brin, Page và Motwani bắt đầu thiết kế một cỗ máy tìm kiếm mang tên BackRub để sử dụng nội bộ ở Đại học Stanford: một cỗ máy tìm kiếm dựa trên công nghệ tìm kiếm đã có cộng thêm với PageRank giúp tìm ra trên Internet những kết quả được phân loại và được xếp hạng. Khác với những cỗ máy tìm kiếm khác chỉ tìm kết quả dựa trên những chữ trên các trang web, cỗ máy tìm kiếm mới này sắp xếp các kết quả tìm được theo một trình tự hợp lý. Lần đầu tiên, người ta có được một cách thức tìm kiếm trên Internet và có được những kết quả hữu ích thật nhanh. Mùa thu năm 1997, Brin và Page thấy cần phải đặt một cái tên mới cho cỗ máy tìm kiếm BackRub…” (“The Google story”, chương 3)


Steven Levy kể rõ về việc đổi tên BackRub và thiết kế trang chủ: “Tháng 9 năm 1997, Page và Brin đặt lại tên cho BackRub. Họ muốn có một cái tên phù hợp với việc kinh doanh. Một người bạn cùng phòng ký túc xá với Page gợi ý cho họ gọi nó là “googol”. Đây là một thuật ngữ trong toán học chỉ con số có số 1 đứng trước 100 con số 0. Đôi khi từ “googolplex” cũng được sử dụng để chỉ một con số lớn khủng khiếp. Page đánh vần nhầm từ “googol” và điều này hóa ra lại hay vì địa chỉ Internet của từ đánh vần đúng đã được sử dụng rồi. Còn tên “Google” thì chưa ai dùng. Page nói: “Nó cũng dễ gõ và dễ nhớ..." (Nội soi Google”, tr. 39)


Video clip về lịch sử của Google:   https://youtu.be/Quk88piD8PM

15 điều có thể chúng ta chưa biết về Google:

https://youtu.be/gEhB2t1kTDo

Google tròn 20 tuổi:      https://youtu.be/-I_CIy3Uqx0