Friday, October 22, 2021

MƯỢN- GIÓ- BẺ- MĂNG



Nếu đã từng biết sự tích Thạch Sùng, bạn nghĩ Thạch Sùng thua sạch gia sản là do đâu?



Tôi từng đặt câu hỏi này cho các anh em phòng kinh doanh. Có anh nói do Thạch Sùng kiêu căng ngã mạn. Có bạn cho rằng vì hắn bước vào cuộc chơi sống còn nhưng không quản tốt rủi ro. Tôi đồng ý. Đó đều là những sai lầm chí mạng. Và tôi cũng bổ sung, theo cá nhân tôi, dấu chấm hết cho sự giàu có của hắn – thật ra đã được “gieo nhân” từ lúc hắn manh mún làm giàu bằng thủ đoạn mượn gió bẻ măng. 


Vợ chồng Thạch Sùng vốn làm nghề hành khất. Nhờ chắt bóp, hắn tích luỹ được một khoản tiền. Một hôm, hắn nhìn thấy hai con trâu từ dưới sông lội lên húc nhau chí tử. Đoán điềm trời sẽ mưa lụt to, hắn dùng tất cả tiền dành dụm đầu tư mua gạo, cất trữ nơi khô ráo. 


Quả nhiên, năm ấy giông gió như trút. Nạn đói phủ trùm. Thạch Sùng bèn đem hết số gạo đã tích trữ đong bán với giá cắt cổ. Cho đến khi gạo bán hết, hắn đã thu về số vốn khổng lồ và từng bước trở thành một cự phú.

  

Thạch Sùng biết thức thời mượn gió, đó là cái khôn của hắn. Nhưng hắn bẻ măng trên nước mắt bà con, đó là cái thất đức của hắn. Nhân nào quả nấy. Hắn gieo nhân dành dụm, tích trữ, đầu tư, hắn có được quả ngọt là sự giàu có. Hắn gieo nhân hút máu, trục lợi, nên đến cuối cùng phải nhận quả đắng thua sạch gia tài. Nhân quả công bằng là vậy. Không phải vì trước mắt có quả ngọt mà tránh được quả đắng về sau. 


Câu chuyện Thạch Sùng tôi nhàn đàm với anh em, nhưng cũng là lời nhắc nhở cần tỉnh táo phân rõ ranh giới giữa mượn gió và bẻ măng. Việc lợi cho mình mà hại cho người, tuyệt đối không làm. Thấy người lâm vào cảnh khó, lại càng không thể như đàn kền kền dã tâm sà vào kiếm lợi. Đồng tiền kiếm được từ hành động thất đức, cho đến cuối cùng sẽ như Thạch Sùng, của thiên trả địa. Đó là chưa kể, đẩy người vào đường cùng để kiếm vinh hoa không phải cách hành xử của con người. Chính vì vậy, Thạch Sùng biến thành loài bò sát bé mọn chỉ có thể chực chờ ăn muỗi ăn ruồi và nghìn năm chặc lưỡi hối tiếc. Nhưng đã quá trễ rồi. 


Có lần, một người em gái tôi quen tâm sự về chuyện mình bị lôi tên ra trong câu chuyện tranh chấp vào một ngày đẹp trời. Người ta đăng tin em thế này, thế nọ. Khi cả hàng ngàn con người biết câu chuyện rồi, em gọi cho tôi, kể rằng phóng viên gọi cho em, thông báo bài viết đã lên, muốn phỏng vấn em cho ý kiến về việc đó. Em hỏi có nên trả lời hay không, tôi khuyên em từ chối thẳng thừng. 


Tôi kết bạn với một số anh chị nhà báo đáng kính, được biết rằng theo đúng nghiệp vụ và lương tâm báo chí, trước khi đặt bút viết bài, phóng viên cần lấy thông tin nhiều bên, kiểm chứng nhiều chiều. Còn như anh phóng viên nọ, đã không thực hiện đúng quy trình hành nghề, vừa nghe tin tiêu cực đã lập tức giật tít câu view, đó là mượn gió bẻ măng. Sau đó, anh ta lại tiếp cận em với ý định viết thêm một kỳ báo, đó là lương tâm táng tận. Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp – như rất nhiều anh chị nhà báo chân chính mà tôi biết - sẽ không bẻ đôi sự thật thành hai kỳ để kiếm thêm nhuận bút, câu thêm độc giả. Bởi có ai chắc rằng độc giả sẽ đọc đủ cả hai? Và phân nửa sự thật có bao giờ là sự thật? 


Nói về phân nửa sự thật. Cách đây hơn mười năm, tôi có theo dõi vụ khủng hoảng của một sư thầy. Thời điểm đó, khá nhiều trang tin lan truyền bài viết lên án sư thầy rao giảng “ăn cá có phước”, đi ngược với giáo lý nhà Phật khuyến khích ăn chay. Tôi đi tìm nghe tận nguồn đoạn băng gốc, thì hoá ra, đó là câu bị cắt cúp trong buổi thầy chia sẻ với các ngư dân làng chài. Các ngư dân nghèo này theo Phật, nhưng lòng luôn áy náy ở biển chỉ sẵn có cá, không dồi dào rau củ, họ không thể ăn chay thì có bị tội không. Thầy đã diễn giải rằng, nếu không có điều kiện ăn chay, các ngư dân phải ăn cá để có sức khoẻ, hãy dùng sức khoẻ này để lao động cần cù, siêng năng hành thiện, thì dù ăn cá nhưng vẫn có phước. Từ câu nói gốc, bị cắt cúp, bị tách ra khỏi bối cảnh, đã trở thành một câu chuyện hoàn toàn khác. 


Người viết bài nhân danh bảo vệ giáo lý nhà Phật, nhưng lại dùng thủ đoạn “phân nửa sự thật” dìm một sư thầy xuống bùn nhơ. Bài viết của họ thu về rất nhiều view, nhưng nghiệp họ đã tạo – tôi chắc chắn – vượt số view ấy hàng trăm nghìn lần. Thạch Sùng ngày xưa lợi dụng thời cơ để ăn trên xương máu, đã phải chuốc lấy quả báo không thể vãn hồi. Huống gì, những người ngày nay dùng ngòi bút để đâm nạn nhân đổ máu, từ đó tư lợi, nghiệp gây ra càng sâu dày gấp bội.  


Quay lại lời khuyên của tôi dành cho cô em gái. Tôi biết rằng, từ chối lời mời phỏng vấn của anh ta, em đã mất bớt một cơ hội thanh minh trước độc giả. Nhưng thà như vậy, còn hơn tiếp tay cho hành vi kiếm lợi bất chính. Việc anh ta làm, không khác gì người đã viết bài ném đá sư thầy nọ - chực chờ cơ hội thoá mạ người ngay, kiếm tiền trên vết thương do bản thân chính tay khoét thủng. Ngừng ngòi bút của anh ta lại, tôi cho rằng đó cũng là giúp anh ta. Bởi càng nhiều tiền người phóng viên kiếm được từ tuyến bài này, cái quả về sau anh ta nhận lại càng đắng mà thôi. 


Với riêng cá nhân tôi, mặc dù đã phải tiễn nhiều mụt măng ra đi, nhưng tôi vẫn cảm ơn kẻ ra tay mượn gió. Sau mỗi đòn đau, tôi học được cách rào chắn bụi tre kỹ càng hơn, đan xen cành lá chặt chẽ hơn để bảo vệ các mụt măng. Bản thân mụt măng cũng học được cách cắm rễ chắc chắn, vươn mình cứng cáp để không lung lay trong gió, trở thành miếng ngon trong mắt những kẻ cơ hội. Như ngọc càng mài càng sáng, như người nông dân lấy rác người ta ném vào nhà đem đi ủ phân xanh, chăm bón cây cối trong vườn thêm tươi tốt, tôi cám ơn những bất lợi người khác mang đến. 


Bởi điều đó đã kéo mũi tên của tôi lùi về sau để lấy đà vút thẳng hồng tâm, trúng đích.


Tản mạn một buổi tối cuối tuần. Chúc cả nhà buổi tối vui vẻ!


#ĐỗLiên