Tuesday, October 5, 2021

Tại sao trở thành một người luôn cố gắng làm hài lòng người khác (people-pleaser) lại không tốt vậy?


 

Câu Hỏi: Tại sao trở thành một người luôn cố gắng làm hài lòng người khác (people-pleaser) lại không tốt vậy?

Có một cảnh phim đẹp trong phim Seethamma Vakitlo Sirimalle Chettu,

Nhân vật chính của bộ phim này cũng là một kiểu người mắc hội chứng người tốt đó. (*)

Anh ta luôn mỉm cười với tất cả mọi người, kể cả với những người anh ta ghét. Khôn ngoan và lịch thiệp, anh ta luôn cố gắng xử sự một cách khéo léo trong tất cả mọi tình huống.

Đến cuối phim, người đàn ông ấy đi đến một buổi phỏng vấn.

Người phỏng vấn nói: ‘Mọi thứ đều ổn - anh có vẻ đáp ứng đủ điều kiện, các chứng chỉ của anh cũng rất tốt. Duy chỉ có một điều. Nụ cười của anh không thật.

“Sao ạ…?”

“Cách anh cười trông giả quá. Nụ cười đó không thật sự xuất phát từ nội tâm.”

Vậy nên đó là một nhược điểm của việc làm một người luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người đó.

Có đôi khi cái giá phải trả là chính con người thật của bạn.

Bạn quên mất việc được là chính mình trong khi mải loay hoay chiều ý tất cả mọi người.

Sự trộn lẫn của những thứ giả mạo bạn cố gắng tạo nên để làm hài lòng người khác lén lút len lỏi vào sâu trong những ngõ ngách trong tâm hồn bạn và dần trở thành một nhân cách mới.

Bạn trở thành một con người khác, một người mà bạn không hề quen thuộc.

Việc này y hệt như một cạm bẫy phổ biến trong việc viết kịch bản vậy á.

Lúc mới bắt đầu, tác giả có một ý tưởng rất độc đáo và thú vị nhưng chỉ phù hợp với một phân khúc người xem nhất định mà thôi.

Nhưng không, ông tác giả tham vọng muốn bộ phim phải được rất nhiều người biết đến.

Tác giả muốn tiếp cận được tới giới trẻ. Vậy nên ông thêm vào một số cảnh lãng mạn và hành động gây cấn.

Mà ổng cũng muốn có người xem là mấy hộ gia đình, nên ổng giảm bớt mấy tình tiết căng thẳng đi rồi thêm vào mấy cảnh hài hước vui nhộn.

Vậy đó nên cái ý tưởng độc đáo ban đầu của tác giả cứ tiếp tục bị pha loãng để có thể thu hút được người xem ở nhiều phân khúc hơn, và cuối cùng nó trở thành một bộ phim bình thường như bất kỳ bộ phim nào khác.

Quy tắc tương tự cũng áp dụng cho lối sống của bạn.

Càng nhiều người bạn muốn gây ấn tượng, cá tính riêng của bạn sẽ càng loãng đi.

(*): Xin phép dùng cụm từ “Hội chứng người tốt” để ngắn gọn, dựa theo bài Hội chứng “People Pleaser” - Người tốt hay nô lệ của hình ảnh tử tế? của bạn Mayanvie trên Spiderum.

----

Câu Hỏi: Làm sao tôi có thể dừng việc làm người luôn cố gắng làm hài lòng người khác?

Steve Jobs đã có một câu nói rất hay. Nó như thế này:

“Everything around that you call life was made up by people who were no smarter than you.”

(Tạm dịch: Tất cả mọi thứ xung quanh mà bạn gọi là cuộc sống đều được tạo nên bởi những người không hề thông minh hơn bạn)

Hội chứng người tốt bắt nguồn từ việc nghiện sự hài lòng.

Nó xuất phát từ niềm tin sai lần rằng mọi người thích bạn vì những gì bạn làm cho họ, chứ không phải vì chính bản thân bạn.

Nó dần trở nên độc hại khi bạn bắt đầu thỏa hiệp với giá trị và niềm tin của chính bản thân mình để chiều theo một ai đó và nhận được sự hài lòng của họ. Theo thời gian, bạn sẽ quên mất mình là ai. Con người thật của bạn dần tan rã và bạn không còn giữ lại chút gì cho chính mình.

Đây là một quy trình ba bước thường diễn ra với những người mắc hội chứng người tốt:

Bạn hy sinh các giá trị và niềm tin của riêng mình chỉ để làm vừa lòng ai đó.

Bạn cảm thấy phẫn uất.

Bạn bắt đầu đổ lỗi cho người khác.

Cách để phá vỡ chu trình này là phải hiểu được bạn có thể sống cuộc đời của mình theo cách mình muốn mà không cần có sự hài lòng hay chấp thuận của bất kỳ ai hết và không có gì sai trái với điều đó cả. Một khi bạn quyết định sống cuộc sống của mình thì những con người có cùng tần số sẽ tự động bị thu hút, họ sẽ thích và tôn trọng bạn thôi. Bạn chẳng cần làm bất kỳ điều gì hay hy sinh cái gì cho họ. Chỉ cần LÀ chính mình và họ sẽ thích bạn bởi chính con người thật của bạn đó.

Một khi bạn đã vượt qua được nỗi sợ hãi bị phản đối hay dè bỉu và bắt đầu chậm rãi chấp nhận chính con người của mình, bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng hay băn khoăn dần dần mỗi khi ai đó bị chê bai.

Đó là một quá trình nhận thức bản thân và học cách yêu thương chính mình. Bạn sẽ nhận ra người quan trọng nhất mà bạn phải làm hài lòng không ai khác là chính bản thân bạn. Không có nghĩa là phải trở nên ích kỷ nhé. Nó chỉ là bạn sẽ phải quan tâm đến cảm xúc và giá trị của bản thân nhiều hơn là lo cho người khác thôi. Rằng bạn sẽ sẵn sàng chiến đấu cho chính mình. Rằng bạn sẽ không hy sinh những giá trị của mình để làm hài lòng một ai đó. Rằng bạn vẫn có thể là một người giàu lòng trắc ẩn và luôn quan tâm đến mọi người trong khi vẫn giữ vững được những giá trị và niềm tin của riêng mình.

Thoát khỏi hội chứng người tốt nghĩa là thoát khỏi nỗi sợ hãi bị chê bai, chỉ trích hay bất hòa.

Nó có nghĩa là tạo ra những ranh giới và không để ai vượt qua chúng trong bất kỳ trường hợp nào.

Nó có nghĩa là chịu trách nhiệm cho những cảm xúc và cả cuộc sống của chính bạn.

Nó có nghĩa là chọn lấy hạnh phúc chứ không phải ôm vào sự oán giận.

Nó có nghĩa là chọn cách tôn trọng bản thân hơn là ghê tởm bản thân.

Nó có nghĩa là yêu lấy bản thân mình ngay cả trong những thời điểm mà bạn những tưởng rằng sẽ không ai yêu bạn.

st.