Monday, April 14, 2025

Sau này...cho dù...


Posted :06/11/2013 04:23 pm



Sau này, có lẽ chúng ta sẽ cãi nhau, sẽ làm tổn thương nhau, nhưng em hãy đồng ý với anh, dù có ra sao đi nữa cũng đừng buông tay anh, hãy cùng anh đi tới cuối cùng!
(Trích "Kế hoạch mai mối")
===
cho dù anh không nói, e vẫn sẽ làm, Cọp ah!

Saturday, April 12, 2025

MỘT ĐIỀU NHỎ ĐƯỢC PHÁT HIỆN GIÚP THAY ĐỔI LỚN CUỘC ĐỜI BẠN

(tếu táo 20.10.17)



_____

1. Thoát nghèo quan trọng hơn thoát ế

2. Nhất định phải đối xử với ba mẹ thật tốt

3. Làm sao đề hết buồn? - Chỉ có làm giàu thôi

4. Không yêu đương cũng không chết được

5. Đường vẫn còn dài, cố gắng đừng quá hiền lành, tốt bụng

6. Không nên cùng loại người không có mắt cãi nhau

7. Hãy dùng tiền để giải quyết vấn đề, ngàn lần không được dùng tình nghĩa

8. Bạn muốn cái gì, thì cái đó sẽ dằn vặt bạn

9. Nếu như bạn mất iPhone 6s, mẹ bạn sẽ mua lại cho bạn iPhone 7, lúc đó bạn còn vui hơn. Nếu như bạn cùng người yêu chia tay, nhưng sau đó nam thần của bạn lại tỏ tình với bạn , lúc đó bạn sẽ không kiềm được mà cảm thấy vui vẻ. Mọi người không phải là sợ sẽ mất đi, nhưng lại sợ khi mất đi rồi sẽ không có thứ tốt hơn

10. Thả lỏng cuộc sống đi, bạn không phải thần tượng

11. Không nên mù quáng cho rằng quan hệ giữa người với người là quan trọng, làm cho bản thân mình mạnh mẽ hơn trong cái thế giới nhỏ bé này mới quan trọng

12. Thất tình chính là trả lại hạnh phúc cho người bạn thật sự yêu thương

13. Sư tử hổ báo đều sống đơn độc, dê bò mới sống thành đàn

14. Ý chí đều là do ủy khuất tạo thành

15. Tan hay hợp, mọi thứ đều có quy luật của nó

16. Đừng cảm thấy không tiện khi cự tuyệt người khác, dù gì thì những người đó đối với bạn cũng không phải có ý tốt

17. Tôi luôn tin , thượng đế cho tôi một nhát dao là vì sau lưng người giấu một cái bánh ngọt

18. Yêu lại người trước kia, một lần là đủ rồi

19. Khi bạn nói xấu người khác, đem người khác ra làm đề tài để nghị luận, thì ngay lúc bạn đã thua người ta rồi, bởi vì đối với người ta mà nói , bạn thậm chí còn không đáng để người ta nhắc tới

20. Không nên thời thời khắc khắc để ý đến ánh mắt của người khác, như vậy cuộc sống sẽ thoải mái, vui vẻ hơn nhiều

21. Dáng vẻ của bạn khi cố gắng để hòa đồng thật cô độc

22. Thích thì mua, không thì thôi, uống nhiều nước một chút, lặp lại lần nữa thử xem

23. Nếu như bạn đúng, vậy thì không cần thiết phải tức giận . Nếu như bạn sai, bạn càng không có tư cách gì để tức giận

24. Ở cái độ tuổi này, điều bạn có thể làm là học tập và ước mơ, chứ không phải là quan hệ tình dục

25. Muốn gặp bạn sẽ trực tiếp hỏi bạn đang ở đâu và đi tìm bạn, thật lòng đối xử với bạn sẽ không bao giờ hỏi bạn có muốn hay không

26. Một người không chủ động liên lạc với bạn chính là không cần bạn, cũng không có khả năng đi thích bạn, nói chuyện thì chỉ nói vài ba câu hoặc spam icon, đối với bạn không có hứng thú, nói một tràn dài nhưng không có hành động thực tế, coi bạn như một cái vỏ xe phòng hờ. Vậy nên, không nên vì người ta mà viện lý do, không nên vì người ta mà lãng phí tình cảm, mau đối mặt với nó hoặc buông tha đi

27. Bạn có thể yêu một tên cặn bả 3 năm, nhưng nhất định không được yêu hắn hết lần này đến lần khác

28. Tình yêu quan trọng nhất là tìm được đúng người, chứ không phải một mình bạn nghiêm túc nỗ lực , tình yêu chứ không phải là xã giao

29. Không nên lấy lòng người khác, vì người ta sẽ không tiếp nhận nó

30. Bạn cùng rất nhiều người có thể trở thành bạn bè, nhưng cuối cùng có thể cái gì cũng không thành. Bạn cho là bạn và người ta là bạn bè , nhưng thật ra là không có thân đến vậy. Bọn họ tất cả đều tồn tại cùng nhau, nhưng chỉ có bạn là đơn độc

31. Cầu người không bằng cầu mình, bạn thà là dựa vào bản thân bạn, còn hơn là có cầu người khác cũng không thể nào dựa dẫm được

32. Son có thể tự mua, không cần người khác tặng

33. Nên nhớ: không nên đem sự lịch sự của người khác ngộ nhận là hảo cảm

34. Nếu như bạn sợ một chuyện gì đó, vậy thì hãy đi làm chuyện đó

35. Người đọc nhiều sách và người không đọc sách sẽ có khí chất không giống nhau

36. Nguyên nhân làm quan hệ đã trở nên nhạt nhẽo chính là một người không nói, một người không hỏi, hoặc là một người lúng túng hỏi nhưng lại nhận được câu trả lời có lệ của người kia 
📖


Nguồn: Weibo
Dịch: 小J - Tiểu J - Fb: Ổ nhỏ của Tiểu J

“NGƯỜI SỢ NỔI DANH, HEO SỢ BÉO”




Người xưa có câu: “Người sợ nổi danh, heo sợ béo”, làm người phải luôn khiêm tốn, thận trọng, đừng vì cao ngạo, ham nổi danh mà gặp phải tai họa, như con heo kia, ăn uống không dừng, cuối cùng càng ăn nhiều càng nhanh chóng bị đưa đi làm thịt.


Ngày nay rất nhiều người theo đuổi danh vọng địa vị, cho rằng đó mới là mục đích số một của đời người. Nhưng các bậc hiền tài xưa lại thường khiêm tốn, hiếm khi “xuất đầu lộ diện”, nếu không vì việc đại nghĩa thì ít khi thể hiện mình.


Người càng có danh tiếng, càng có lợi lộc và quyền lực thì càng khó kiểm soát được dục vọng, ham muốn của bản thân, nếu không chú trọng thì sẽ dễ xảy ra sơ suất lớn. Hơn nữa, người khác cũng đặt kỳ vọng vào họ cao hơn bình thường, vì vậy những việc mà họ làm nếu như không đạt được kết quả mong đợi thì sẽ dễ chuốc phải sự oán hận, trách móc, trừng phạt. Bởi vậy “sợ nổi danh” cũng là một loại trí tuệ.


Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện xoay quanh câu thành ngữ “Người sợ nổi danh, heo sợ béo” này.


🌺 Quá khoa trương thì dễ hỏng việc


Phòng Quản là một vị quan vào triều nhà Đường, từng được phong làm Đồng trung thư môn hạ bình chương sự, tương đương với chức quan Tể tướng. Sau khi Đường Túc Tông lên ngôi, Phòng Quản lại được tham dự và quyết định nhiều việc cơ mật quan trọng của triều đình. Ông tuy là người có danh tiếng lớn nhưng lại không cẩn trọng, thường nói phóng đại, khoa trương.


Đến đầu những năm Chí Đức, Phòng Quản tự xin được dẫn quân đánh dẹp loạn. Mặc dù Phòng Quản không giỏi về quân sự nhưng triều đình lại dùng ông vì tin vào những lời khoa trương của ông. Cuối cùng Phòng Quản bị bại trận, quân lính chết rất nhiều. Về sau, bởi vì thường nói những lời hư ngôn, giả dối nên ông bị giáng hạ xuống làm quan Thứ sử Bân Châu.


🌺 Không khoa trương sẽ thành tựu được việc lớn lao hơn


Trong “Kim sử” có chép về một danh gia là Nguyên Hảo Vấn. Nguyên Hảo Vấn 14 tuổi bắt đầu theo học thầy giỏi ở Lăng Châu. Dù có học vấn uyên bác nhưng ông không để tâm vào việc thi cử để ra làm quan. Sau 6 năm học tập, ông bắt đầu đi ngao du Thái Hành, vượt sông Hoàng Hà, bồi bổ kinh nghiệm nhân sinh, sáng tác bài “Ki sơn cầm thai”.


Sau này, có vị quan từng nhận xét về Nguyên Hảo Vấn rằng: “Văn nhân cận đại, không ai có thể sánh bằng ông.” Từ đó về sau, thanh danh của Nguyên Hảo Vấn chấn động kinh thành, trở thành tác gia và sử gia lớn. Đây được coi là thành quả của việc ông vùi đầu khổ học, tích lũy kinh nghiệm, kiên nhẫn và khiêm tốn mà có được.


🌺 Từ bỏ danh tiếng, giữ gìn đức hạnh


Trong “Tống sử” có ghi chép một chuyện về nhà giáo dục thời Tống là Từ Trung Hành. Trong những năm Sùng Ninh, quận thái thú Lý Ngạc vì một lá thư tín mà đề cử Từ Trung Hành. Lúc ấy, việc triều chính đều do các gian thần, nịnh thần như Chương Đôn, Thái Biện… nắm quyền. Từ Trung Hành mỗi khi nhận được lệnh triều đình bổ nhiệm chức vị quan tước cho ông thì nước mắt lại rơi như mưa. Cuối cùng ông thiêu hủy hết thảy các tác phẩm của mình, đi vào trong núi ẩn cư.


Có người thấy ông làm như thế liền trách cứ ông trốn tránh tiến cử vì muốn có danh tiếng là từng được mời làm quan mà không nhận. Từ Trung Hành nói: “Con người nếu không có thiện hạnh thì so với loài cầm thú cũng có khác gì đâu? Nếu ta bởi vì thư tín mà được tiến cử làm quan hơn nữa còn làm việc dưới tay của quan nịnh thần thì những người chưa được tiến cử sẽ nói ta không phải là người. Ta là muốn rời bỏ danh tiếng, chứ không phải là tham muốn có danh tiếng.”


🌺 Có tài cũng cần khiêm tốn


Sách “Thế thuyết” còn ghi chép về một văn nhân thời Đông Tấn là Hứa Tuân. Hứa Tuân thường được mọi người đánh giá cao, so sánh ông với Vương Tu, một tác gia, nhà thư pháp cùng thời. Nhưng Vương Tu là người kiêu ngạo, tự mãn. Ông nghe thấy người khác so sánh mình với Hứa Tuân thì rất không bằng lòng.


Một lần, các danh sĩ trong triều đình đều tụ tập ở Tây Tự đàm đạo. Vương Tu và Hứa Tuân cùng có mặt ở đó và đàm đạo. Bấy giờ Vương Tu mới thấy rằng kỳ thực Hứa Tuân dường như còn giỏi hơn mình. Bởi vậy từ đó trở đi Vương Tu thực sự khâm phục Hứa Tuân và cũng thường chào hỏi ông khi hai người gặp mặt.


🌺 Khiêm tốn là bảo vật


Trong “Tấn thư” có viết chép chuyện bình luận về người tài như vậy.


Thời bấy giờ có một người tài đức nhưng khiêm tốn là Trữ Đào. Trương Hoa sau khi gặp Trữ Đào thì nói với một nhân tài khác là Lục Cơ rằng: “Huynh đệ các ông là Rồng bay nhảy trên mây. Trữ Ngạn Tiên còn là Chim phượng kêu đón ánh mặt trời. Ta cứ tưởng rằng trân bảo ở đất này đã tụ hội hết ở huynh đệ ông mà không còn nữa, không ngờ lại gặp Trữ Ngạn Tiên!”


Lục Cơ lại khiêm tốn nói: “Chỉ là ngài còn chưa gặp được những bảo vật ‘không minh, không dược’ mà thôi.” Bảo vật “không minh không dược” ở đây ý chỉ là những người tài đức nhưng không lộ diện.


Trương Hoa bèn nói: “Cho nên, ta mới biết được: Con người ta có đức thì sẽ không cô độc lẻ loi. Bảo vật trong núi sông sẽ không thiếu thốn.”


ST

"Hiệu ứng tuyết lăn’, giải pháp nào ngăn nguy cơ khủng hoảng thanh khoản trên thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng bán giải chấp tài khoản lãnh đạo của các công ty địa ốc. Mỗi phiên có hàng chục cổ phiếu bất động sản giảm sàn làm gia tăng nguy cơ tạo “hiệu ứng tuyết lăn”.

 Lo ngại hiệu ứng tuyết lăn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: TrueMatter.

Hiệu ứng tuyết lăn khi thị trường bị ảnh hưởng từ tin bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo

Dễ dàng nhận thấy trong thông báo đưa ra từ các công ty chứng khoán, số lượng cổ phiếu bán giải chấp trong tài khoản lãnh đạo như ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch DIC Corp (Mã: DIG) và ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Địa ốc Phát Đạt (Mã: PDR) liên tục gia tăng.

Hai phiên giao dịch gần đây cổ phiếu này ghi nhận lượng cổ phiếu bán giá sàn hàng triệu đơn vị trong khi lực cầu yếu, lệnh bán giải chấp không thể thực hiện. Công ty chứng khoán phải tăng khối lượng bán giải chấp để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Ngoài hai vị lãnh đạo, các đơn vị bán giải chấp tài khoản chứng khoán của các cá nhân và tổ chức liên quan tại DIC Corp và Phát Đạt.

Ngoài DIG và PDR, thị trường còn ghi nhận một số lãnh đạo khác cũng bị bán giải chấp giai đoạn này. Tuy nhiên, khối lượng bán nhỏ và không mang tính hệ thống trên nhiều tài khoản và kéo dài trong một khoảng thời gian dài.

Trước diễn biến có phần tiêu cực của thị trường, để quản trị rủi ro nhiều công ty chứng khoán giảm mức giá chặn vay (mức giá tối đa khi cho vay), thậm chí cắt margin với nhiều mã bất động sản, trong đó có cả những bluechip.

Làn sóng bán giải chấp tài khoản các ông chủ địa ốc cộng hưởng với động thái trên từ các công ty chứng khoán tác động tiêu cực đến tâm lý chung của nhà đầu tư. Ghi nhận trong phiên 7/11 có gần 200 cổ phiếu giảm sàn, trong đó phần đông là nhóm bất động sản.

Việc nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechip giảm sàn, bị cắt margin gia tăng nguy cơ tạo hiệu ứng bán lan tỏa. Với những lãnh đạo, khi không thể giải chấp, các công ty chứng khoán sẽ nâng khối lượng bán trong phiên sau đó để thu hồi margin những phiên kế tiếp.

Còn với nhà đầu tư cá nhân, để đưa tài khoản về tỷ lệ ký quỹ theo quy định, cổ phiếu khác có thể được chọn bán ra khi nhóm bất động sản mất thanh khoản bởi họ thường nắm giữ nhiều mã. Khi đó áp lực bán từ nhóm bất động sản gia lan tỏa sang các nhóm ngành khác trên thị trường.

Làm gì để chặn “hòn tuyết lăn”?

Trở lại với diễn biến nhóm bất động sản, giá cổ phiếu nhóm này đã giảm sâu kể từ đầu tháng 4 sau nhịp tăng nóng. Nhiều mã mất giá 80 – 90% giá trị, những mã vốn hóa lớn, bluechip cũng mất quá nửa từ vùng đỉnh.

Sau nhịp lao dốc với chuỗi hàng chục phiên đỏ lửa, nhóm “cổ đất” bước vào cuộc khủng hoảng thanh khoản và gọi ký quỹ (call margin) dây chuyền do nhà đầu tư lo ngại về câu chuyện phát hành trái phiếu. Đây là khởi nguồn tạo “hiệu ứng tuyết lăn” như phân tích trên.

Theo chia sẻ từ một lãnh đạo công ty chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hầu hết phát hành trái phiếu riêng lẻ bằng tài sản đảm bảo là cổ phiếu. Khi cổ phiếu giảm sâu sẽ tạo ra áp lực bổ sung tài sản đảm bảo bằng cách đưa thêm cổ phiếu để tăng tỷ lệ an toàn lên.

Tuy vậy, trong bối cảnh dòng vốn tín dụng siết lại những tháng vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết thực hiện hai nghiệp vụ trên cổ phiếu của mình là vay margin và dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo.

Trong thời điểm này các cổ phiếu bất động sản sẽ bị hiệu ứng call margin kép, gồm bổ sung tài sản đảm bảo cho hoạt động margin khi thị giá giảm và bổ sung cổ phiếu đảm bảo cho lượng trái phiếu cũng do thị giá giảm.

“Ở điều kiện bình thường họ sẽ dễ dàng xử lý nhờ nguồn tiền dồi dào. Nhưng trong điều kiện thanh khoản như hiện tại việc xoay sở dòng tiền để duy trì margin hay bổ sung tài sản đảm bảo sẽ rất khó khăn. Vì vậy các thị trường bị bán giải chấp (force sell) dây chuyền”, vị lãnh đạo trên nói.

Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là làm thế nào để chặn được “hòn tuyết lăn” ngày càng lớn dần?

Góc nhìn cá nhân, lãnh đạo công ty chứng khoán cho rằng hiện tượng này chỉ dừng lại khi có sự hỗ trợ và thỏa thuận giữa các bên gồm công ty chứng khoán, đơn vị phát hành và cá nhân đầu tư trái phiếu.

Một lãnh đạo cấp cao ngành chứng khoán chia sẻ, chiều qua (7/11), một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP HCM đã tổ chức gặp mặt các công ty chứng khoán cấp margin đồng thời là trái chủ của các lô trái phiếu để bàn về việc bổ sung tài sản đảm bảo. Trước đó, một số đơn vị có quyết định cắt margin cổ phiếu với những nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh phương án “ngồi lại thỏa thuận” như trên, dòng vốn từ bên ngoài đặc biệt là tín dụng có vai trò lớn trong việc đảm bảo thanh khoản giai đoạn này. “Dòng tín dụng cạn kiện làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán, huy động của các ông chủ hay cổ đông lớn doanh nghiệp bất động sản trên sàn. Vì vậy cũng cần thêm sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước về vấn đề “room” tín dụng”.

Nếu như thực trạng này không được giải quyết, vị lãnh đạo công ty chứng khoán đặt khả năng một cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn diện trên thị trường chứng khoán là rất rõ.

(Vietnambiz)

BA CẤP ĐỘ ĐỌC SÁCH QUYẾT ĐỊNH VỊ THẾ CỦA BẠN

 


Kẻ tầm thường "giành" đọc, người thông minh đọc có hiệu quả, người xuất chúng đọc có ý nghĩa.


Bạn có thể đang thắc mắc: Tại sao tôi cũng đọc sách như người khác, thậm chí là số sách tôi đọc có thể gấp đôi người khác nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền so với họ? Không phải ai đọc sách cũng có thể kiếm ra tiền, đó còn tùy vào cách họ đọc nữa. Có ba cấp độ đọc sách và những người thường không "đọc mãi chẳng làm ra được tiền" chỉ đang nằm ở mức đầu tiên.


1. Cấp độ đầu tiên: ĐỌC ĐIÊN CUỒNG

Cách đọc này rất sai lầm. Bạn đọc mọi thứ mà không có sự chọn lọc, cái gì cũng đọc qua nhưng chẳng hiểu rõ nó là cái gì, không hệ thống kiến thức đã đọc và việc đọc này chẳng khác nào bạn đọc tin trên mạng xã hội. Đọc chỉ để chứng minh cho người khác biết rằng mình có đọc nhưng lại chẳng hiểu gì và điều này chẳng chủ động tạo ra giá trị. Kiến thức bạn thu nạp như lí thuyết suông, bạn sẽ quên nó chỉ khác là sớm hay muộn mà thôi.


2. Cấp độ thứ hai: ĐỌC HIỆU QUẢ

Đọc hiệu quả nghĩa là trong quá trình đọc, người ta cũng nhìn thấy rõ bản chất của vấn đề mà tác giả muốn nhắc đến, thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm vào bên trong câu chữ, tận dụng nó để tạo ra giá trị, có thể là tiền bạc.


3. Cấp độ thứ ba: ĐỌC CÓ Ý NGHĨA

Việc đọc có ý nghĩa đề cập đến việc tìm kiếm giá trị và ý nghĩa cuộc sống thông qua việc đọc và giúp nhiều người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.


Nhiều người đã đọc sách ở cấp độ thứ ba, họ đọc sách để nghiên cứu cách thức để giải quyết vấn đề cho mình và người khác. Trong thực tế, nếu bạn giải quyết được vấn đề của người khác thì bạn mới thực sự có "giá trị". Sau khi bạn có được sự công nhận của người khác, bạn có thể biến giá trị thành thu nhập.


Vậy bạn đã biết mình ở cấp nào chưa? Nếu bạn đã nhận ra vị trí của mình nhưng chưa biết làm thế nào để cải thiện kĩ năng đọc của mình, ba cách đọc dưới đây có thể hữu ích với bạn đấy.


Đầu tiên, bạn hãy chia tất cả các cuốn sách của bạn thành 3 loại:

- Những cuốn sách chưa đọc

- Những cuốn sách đang đọc

- Những cuốn sách đã đọc và ghi chú.


Sau đó đặt cuốn sách bạn đang đọc trên bàn, hoặc gần bạn. Những cuốn sách chưa đọc được đặt ở nơi dễ thấy nhất ở một kệ sách khác hoặc một ngăn khác, để bạn nhắc nhở bản thân rằng những cuốn sách này chưa được "bóc tem".


Có 3 cách đọc hiệu quả:


1. Cách thứ nhất: ĐỌC VÀ GHI CHÚ LÊN THẺ


Đọc và ghi chú ngắn gọn trên thẻ cũng giống như bạn đọc từ khóa của bài văn. Nói một cách đơn giản, các từ khóa liên quan đến chủ đề cốt lõi của một cuốn sách sẽ được bạn ghi lại ngắn gọn trong thẻ ghi nhớ. Thẻ bạn sử dụng có thể là danh thiếp trống để bạn ghi chép, viết từ khóa lên danh thiếp và sau đó bạn sẽ phân loại từ khóa thành các danh mục.


Lợi ích của phương pháp đọc này là gì? Nó có thể nhanh chóng giúp bạn nhớ lại nội dung chính của một cuốn sách, bởi vì một cuốn sách sẽ chứa một số từ khóa quan trọng. Nếu bạn nhớ các từ khóa này, bạn gần như nhớ rõ nội dung của cả cuốn sách. Và biết đâu trong tương lai, các từ khóa này sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề thực tế thì sao.


2. Cách thứ hai: ĐỌC VÀ TÓM TẮT KIẾN THỨC


Miễn là bạn đang đọc sách, thì sau khi đọc xong phần nào đó, bạn nên sắp xếp các nội dung quan trọng theo một trật tự hợp lý. Trên thực tế, khi bạn đã hiểu, nắm được kiến thức đã đọc, bạn có thể tóm tắt xem điểm giống và khác nhau của hai sự vật tương tự nhau. Nếu không đọc sách, bạn không biết điểm giống và khác của hai sự việc đặt cạnh nhau, điều đó chỉ khiến bạn ghi nhớ khổ sở hơn.


Đây là cách tốt nhất để một người xây dựng và hệ thống kiến thức tư duy cơ bản.


Việc hệ thống lại kiến thức quan trọng như thế nào? Nhận thức, sự lựa chọn và cách tư duy của bạn đều do kiến thức bạn tiếp thu được quyết định. Ngay cả độ cao trong tư duy của bạn về thế giới cũng được xác định bởi độ rộng của hệ thống kiến thức của bạn.


3. Cách thứ ba: PHƯƠNG PHÁP ĐỌC VÀ VIẾT REVIEW SÁCH


Phương pháp đọc đánh giá sách là một phương pháp khó. Bởi vì để đánh giá được cuốn sách, bạn phải đọc, ghi nhớ, tóm tắt được nội dung của quyển sách, nghĩa là bạn phải đạt từ cấp thứ hai được nêu ở đầu bài.


Bạn có thể nắm bắt nội dung cốt lõi của cuốn sách trước, rồi hệ thống kiến thức bạn tiếp thu và viết dưới dạng đánh giá sách và khi đạt đến một trình độ nhất định để có thể viết đánh giá sách, bạn sẽ tổng hợp kiến thức và khái niệm mới dựa trên hệ thống kiến thức hiện có.


Kỹ năng viết review này giúp bạn:

- Tăng sự tập trung và tư duy phản biện lúc đọc, vì ban đầu đã đặt lệnh cho não là cần viết review sau đó.

- Tăng cường trí nhớ.

- Tăng khả năng liên tưởng đến các đối tượng tương đồng. Viết review cần sự so sánh với các tác phẩm khác hay liên hệ với các ý tưởng tương tự trong cuộc sống.

- Tăng khả năng nhìn nhận, nắm bắt vấn đề một cách tổng quát.

- Rèn luyện được khả năng sắp xếp nội dung ưu tiên.

- Nâng cao trách nhiệm trong việc đọc, vì sau đó bài review là để chia sẻ với mọi người.


Nhiều người hỏi, tại sao người khác có thể đọc một cuốn sách và viết review sách mỗi ngày? Bởi vì họ đã mở và đọc cả cuốn sách và hầu hết kiến thức trong đó đều được họ biết đến, nên họ sẽ đọc rất nhanh. Khả năng hiểu không phải là việc bạn có sức mạnh như thế nào, mà phụ thuộc vào lượng kiến thức của bạn sở hữu.


Nhiều người tự nhận thấy kiến thức của họ còn hạn hẹp và thậm chí không có gì cả, họ mở một cuốn sách và đọc sách cho xong việc. Hầu hết chúng là những khái niệm mà họ không biết và khó hiểu. Vậy làm thế nào bạn có thể hiểu một cuốn sách? Làm thế nào để khiến bản thân đọc nhanh?


Bạn cần chọn riêng cho mình một phương pháp đọc phù hợp với khả năng của mình. Không có phương pháp đọc nào là hoàn toàn tốt hay xấu và tốc độ đọc nhanh hay chậm không hẳn là có lợi hay hại hoàn toàn, mà vì mục tiêu của mỗi người khác nhau, nên phương pháp đọc của họ cũng khác nhau.


ĐỌC CHỈ LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN, THAY ĐỔI MỚI LÀ MỤC ĐÍCH VÀ TRƯỞNG THÀNH CHÍNH LÀ CÁI KẾT.


Một người muốn trở nên xuất sắc thì hãy đọc thật nhiều sách và để trở thành một người xuất sắc thì phải có mục tiêu đọc rõ ràng. Mỗi cuốn sách bạn chọn phải trở thành một nấc thang giúp đạt được mục tiêu, để bạn có thể tiến gần hơn và gần hơn với mục tiêu. 

Tiêu chí duy nhất để đo lường sự phát triển của bạn và đạt được mục tiêu của bạn là liệu thu nhập của bạn có được cải thiện hay không. Nếu không, mọi thứ chỉ là ảo tưởng và việc bạn làm sẽ trở nên vô nghĩa. 

Hãy chọn đúng sách và đọc đúng cách.


Sưu tầm.


#thaydoicuocdoi

#thaydoichinhminh

“Bi kịch tồi tệ nhất không phải là cái chết, mà là một cuộc sống không có mục đích”


Mục đích sống là gì, và làm thế nào để chúng ta có thể “làm giàu” cho chính mình khi tâm hồn đôi lúc cảm thấy kiệt sức?

bài học cuộc sống về mục đích

Sống theo mục đích, có nghĩa là làm những gì thực sự quan trọng và phù hợp với giá trị, niềm tin của chính bạn. Khi bạn không được là chính mình, mọi thứ đều sẽ trở nên mờ mịt và tẻ nhạt. Có những lúc bạn sẽ cảm thấy buồn chán và luôn mệt mỏi, nhưng lại không biết rằng những điều này xuất phát từ việc bạn không hiểu được mục đích của mình là gì. Mọi thứ đôi lúc rất dễ dàng, nhưng tất cả luôn cần phải hoạt động. Bạn không chỉ sống, mà bạn còn phải sống với đam mê và biết cách thắp sáng nó tự bên trong. Dù có lúc, bạn không quan tâm đến việc làm thế nào để đến nơi bạn sẽ đến, nhưng hãy chắc chắn về bản thân mình, ngay cả khi bạn cảm thấy sợ hãi nhất.

mục đích sống

Ngừng tìm kiếm những điều vô nghĩa mà hãy nhìn vào bên trong để tìm thấy câu trả lời, bởi không có cách sống nào đúng hoặc sai, mà chỉ có cách sống để trở thành chính mình. Và câu trả lời chỉ có một, đó là bạn sẽ trở thành người mà bạn sinh ra để “trở thành”. Hãy tin tưởng bản thân và tạm quên đi những gì người khác nghĩ và nói về bạn. Chúng ta tồn tại một cách tự nhiên với trực giác trước khi chúng ta hiểu và học về những quy tắc trong cuộc sống. Nếu bạn không thể lắng nghe và tuân theo trực giác của mình, bạn sẽ phải lệ thuộc vào người khác nhưng chẳng ai trong số họ sẽ cho bạn biết bạn sẽ trở thành người như thế nào.

Đừng lo lắng nếu bạn không có được kết quả như mong muốn trong hôm nay. Thành công cần có lý do, tình cảm cũng cần vun đắp, nhưng đó lại là nguyên cớ tại sao hầu hết mọi người đều từ bỏ giữa chừng. Hãy nhớ, bạn sẽ không bao giờ dừng lại và bạn đang ở đây để tạo ra ngày mai của những giấc mơ mà bạn mơ về. Khi bạn cảm thấy bạn đang đi đúng hướng, điều đó thật đáng giá biết bao. Bởi có những người luôn có thể từ chối hoặc nói đồng ý với sự thất bại của bản thân. 

“Khi bạn cảm thấy bạn đang đi đúng hướng, điều đó thật đáng giá biết bao…”

Trước khi đưa ra quyết định hoặc hành động, hãy tự hỏi: Tôi có muốn làm điều này không? Điều này có đúng không? Nó có liên quan đến mục đích của tôi không? Và trước khi bước ra khỏi giường vào buổi sáng, hãy tự hỏi: Điều gì quan trọng nhất trong ngày hôm nay? Hãy để những câu hỏi này trở thành một thói quen thực hành hàng ngày, nếu không, bạn sẽ dễ dàng trượt vào những vấp ngã và không thể bắt đầu tạo ra thế giới cho riêng mình.

mục đích sống

Luôn có những cách tiếp cận khác nhau cho mọi thứ. Các nhà lãnh đạo có tầm nhìn luôn đặt câu hỏi về tiêu chuẩn để tìm ra những gì phù hợp nhất với họ. Hãy tưởng tượng rằng bạn đã thành công. Sẽ không ai hỏi bạn vì họ cảm thấy bạn đang trên đỉnh của thế giới. Nhưng cũng chỉ có bạn mới luôn không bao giờ ngừng hỏi bạn là ai và bạn sẽ hành động như thế nào tiếp theo sự “thành công” mà mọi người đã công nhận đó. Tự tin là chìa khóa tuyệt vời nhưng nhận thức được rằng đâu là những gì tốt nhất cho bản thân mới chính là cách mở cánh cửa hài lòng với chính mình. Hãy đặt tay lên tim và nói với bản thân rằng bạn tin tưởng vào khả năng của mình để đưa ra quyết định tốt nhất. Và, hãy làm điều này cho mọi lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Sợ hãi luôn là một phần, nhưng nó sẽ không thể cai trị bạn trừ khi bạn cho phép nó. Vì vậy, hãy hướng về mục đích và hành động mà không cần biết phải làm thế nào hoặc cảm thấy phải sẵn sàng và xứng đáng. Bạn có thể lựa chọn “đi bộ”, nhưng bạn cũng có thể lựa chọn “ngồi thuyền”. Dù hiệu suất khác nhau, nhưng để hướng đến một cuộc sống có mục đích, bạn phải luôn chọn một hướng đi nhất định để tiến về phía trước và nỗ lực không ngừng.

mục đích sống trong cuộc đời

Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Gia đình, bạn bè, con cái, công việc, sức khỏe hay thành công và vật chất? Nếu để chọn ba điều quan trọng nhất, thông thường câu trả lời bạn nhận được thường theo thứ tự: gia đình, sức khỏe và bạn bè. Nhưng có một giáo sư nổi tiếng đã nói rằng, cuộc sống chỉ cần ba điều ước. Đó là, ăn một bữa ngon, có một giấc ngủ và được cười phá lên. Ba điều ước này dường như vô cùng đơn giản, nhưng thực sự không dễ để mọi người nhận ra. Có lẽ, đôi khi mục đích chính là như thế. Là được làm theo trái tim và cảm nhận sự tự do một cách chân thật nhất.

Cuộc sống của một người là quyển sách với vô số trang mới. Những gì quyển sách có là một sự lựa chọn liên tục, nó phụ thuộc vào thái độ bạn tận dụng và nhìn vào vô số cơ hội tùy theo quyết định của bạn. Tích cực hay tiêu cực, hạnh phúc hay bất hạnh, trong thực tế, đó là một sự lựa chọn. Hướng đến mục đích nào đó, đôi khi chúng ta cần học cách từ bỏ nhiều lần để đạt được nhiều hơn. Chúng ta phải đào tạo chính mình liên tục, để bản thân không ngừng nhận ra những thiếu sót, khắc phục và vượt qua những điều chưa hoàn thiện đó để bản thân khác biệt với những người xung quanh. Miễn là chúng ta luôn biết mục đích của mình là gì và thực sự muốn thay đổi chính mình, sự thăng hoa của bản thân sẽ được tìm thấy. Quá trình luôn quan trọng hơn kết quả, vì vậy, hãy chọn thái độ sống và phương pháp của riêng bạn, cuộc sống sẽ bớt đi những sự tiếc nuối và nhận được nhiều hơn những sự viên mãn, bình yên.

tìm kiếm mục đích sống

Khi thảo luận về mục đích của cuộc sống là gì, chúng ta cần làm rõ cái gọi là cuộc sống và mục đích. Đó không chỉ là lời giải thích được cung cấp bởi từ điển, mà còn cả ý nghĩa chúng ta dành cho những từ này. Cuộc sống bao gồm hành vi, suy nghĩ và cảm giác hàng ngày. Cuộc sống luôn phải đối mặt với sự đấu tranh, đau đớn, lo lắng, lừa dối và các công việc thường nhật. Cuộc sống là toàn bộ quá trình sinh tồn, mà ở đó, nó sẽ hiện diện cách chúng ta đối xử với mọi người, mọi thứ và đó là tất cả những gì chúng ta gọi là cuộc sống. Cũng như Rick Warren từng nói: “Bi kịch tồi tệ nhất không phải là cái chết, mà là một cuộc sống không có mục đích”. Khi bạn thực sự đam mê những gì bạn làm, thời gian dường như trôi nhanh hơn và bạn sẽ không phải bận tâm nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ. Bởi vì nhiệt huyết, hứng thú có thể cung cấp cho bạn năng lượng lâu dài và khi có đam mê rõ ràng, ranh giới giữa công việc và tận hưởng thường sẽ bắt đầu mờ đi.

Hãy nghĩ nhiều hơn nữa về mục đích. Nếu có bất cứ điều gì khiến trái tim bạn phải hát lên và tâm hồn bạn muốn tỏa sáng, hãy làm điều đó. Đã bao giờ, bạn phải kìm nén cảm xúc của chính mình khi không thể bày tỏ. Hoặc khi bạn muốn nói xin lỗi hay tha thứ cho người khác nhưng vẫn chưa làm? Trong cả hai trường hợp này, hãy mở lòng và để cho sự tổn thương của bạn được thể hiện. Chúng ta phải cảm nhận những cảm xúc chân thật nhất của chính mình, dù rằng điều đó có tồi tệ thế nào đi nữa. Đừng để những điều nhỏ nhặt gây ra phiền não, phá hỏng tâm trạng tốt nhất. Năng lượng quý giá của bạn nên được đặt vào những mục đích giá trị hơn để bạn có can đảm khám phá mọi thứ ở mức độ cao hơn. Khi chúng ta chân thành đánh giá cao và khám phá những điều đơn giản xung quanh, trạng thái tinh thần của chúng ta sẽ thay đổi. Hãy hào phóng và hết lòng yêu thương, lúc đó, cuộc sống chúng ta sẽ không có gì hối tiếc.

Đặt mục tiêu, phát triển kế hoạch và hành động cho phép chúng ta hoàn thành được nhiều điều quan trọng trong cuộc sống. Khi mọi người cảm thấy rằng cuộc sống không có định hướng và mục đích, chỉ vì họ không biết điều gì là quan trọng và giá trị của mình là gì, vậy nên họ chấp nhận những giá trị của người khác. Sống cho người khác nhìn, không hướng đến bản thân và chỉ vì những mối quan hệ giữa các cá nhân không lành mạnh, điều này có thể dẫn đến bi kịch.

Trở thành một người thay đổi thế giới là cách mạnh mẽ nhất để làm phong phú cuộc sống của chính bạn. Khi bạn bước vào một căn phòng, bạn có mỉm cười với người lạ không? Hay nó sẽ ngay lập tức tạo ra những cảm xúc tiêu cực? Năng lượng và mục đích của chúng ta có tác động rất lớn đến cách chúng ta sống, bạn phải có khả năng suy nghĩ nhiều hơn và nhiều hơn nữa để biết cách hào phóng với chính mình và dũng cảm khám phá tương lai. Giai đoạn khi biết mình muốn làm gì, đây là giai đoạn đấu tranh để trưởng thành. Ngay cả khi bạn đã 40, 50 tuổi và đạt nhiều thành tựu trong cuộc sống, cũng sẽ có lúc, bạn không biết thật sự những điều bạn muốn là gì. Trên thực tế, không ai có thể chắc chắn biết mình sẽ ở lại thế giới này trong bao lâu. Trong thời gian sống, chúng ta đã làm những điều quan trọng và cả không quan trọng. Những điều quan trọng mang lại ý nghĩa và hạnh phúc, trong khi những thứ quan trọng về cơ bản được sử dụng để “vượt qua thời gian”. Chìa khóa để xác định liệu chúng ta có thể duy trì lý tưởng của mình hay không là làm thế nào để đối mặt với những khó khăn không thể tránh khỏi. Chắc rằng, tất cả mọi thứ đều phải cần có sự đánh đổi và trả giá, dù đó là những hy sinh mà bạn sẽ phải sẵn sàng chịu đựng để nhìn thấy một đích đến tốt đẹp nhất.

“Sống cho người khác nhìn, không hướng đến bản thân và chỉ vì những mối quan hệ giữa các cá nhân không lành mạnh, điều này có thể dẫn đến bi kịch.”

Có nhiều người và nhiều cuốn sách luôn khuyên chúng ta nên có mục đích trong cuộc sống, nhưng tin rằng, đa số mọi người đều không biết mục đích thực sự là gì. Giống như một công ty cần phải có sứ mệnh hoặc mục đích, cá nhân chúng ta cũng cần phải tìm hiểu tại sao chúng ta tồn tại. Khi tìm ra mục đích thực sự của cuộc sống, mục đích đó sẽ tạo ra ý nghĩa. Đến lúc bạn bắt đầu nghĩ về mục đích thực sự của mình, bạn đã ở trên hành trình khám phá. Tất nhiên, mục đích là để tồn tại trong sâu thẳm trái tim của mỗi người, và phải mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm thấy. Nhưng hãy luôn nhớ rằng, chúng ta chỉ có thể thực sự thành công khi theo đuổi mục tiêu sống và có nhiệt huyết thực sự. Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc, mà hạnh phúc khi biết lắng nghe trạng thái của chính mình mới chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa thành công.

Text: H.D | Graphic Design: Hoàng Khang | Illustration: Folio, Hurca

Ta từ đâu tới? Ta đi về đâu?

 

Trong tu viện của tôi ở nước Pháp, có một bụi cây hoa đào Nhật bổn.

Bụi hoa này thường nở rộ vào mùa Xuân, nhưng một năm, mùa Đông ấm áp hơn nên hoa nở sớm hơn thường lệ. Rồi một đêm trời trở lạnh, nhiệt độ xuống tới điểm băng giá. Sớm hôm sau khi đi thiền hành, tôi nhận thấy những nụ hoa đều bị héo hết. Tôi nghĩ “Vậy là đầu năm nay sẽ không có đủ hoa cúng Bụt.”

Vài tuần sau, trời ấm áp trở lại. Khi tôi đi bộ trong vườn, tôi lại nhìn thấy những nụ hoa đào thuộc thế hệ mới đang biểu hiện ra. Tôi hỏi chúng:

“Các con là những bông hoa đã chết khi trời băng giá hay là những bông hoa khác?”

Hoa trả lời tôi:

“Thầy, chúng con không phải những bông hoa đó, mà cũng không khác những bông đó. Khi nhân duyên đầy đủ chúng con biểu hiện ra, và khi thiếu nhân duyên thì chúng con ẩn tàng. Giản dị vậy thôi!”

Đó là giáo pháp của Bụt. Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự vật biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì chúng rút lui. Chúng đợi tới đúng thời điểm sẽ biểu hiện trở lại.

Trước khi sinh ra tôi, mẹ tôi đã mang thai một em bé khác. Nhưng bà bị xảy thai và em bé đó không ra đời. Khi còn nhỏ, tôi thường hỏi: “Bào thai đó là anh tôi hay chính là tôi? Ai đã muốn biểu hiện ra trong lần mẹ xảy thai đó?” Khi mẹ tôi mất em bé, thì có nghĩa là nhân duyên chưa đủ cho bé ra đời, nên nó quyết định lui lại, chờ điều kiện tốt đẹp hơn: “Con tốt hơn nên rút lui, và sẽ trở lại nay mai nhé mẹ!” Chúng ta phải tôn trọng ý kiến của em bé. Nếu bạn nhìn đời bằng những cái nhìn như thế, bạn sẽ bớt khổ đau nhiều. Mẹ tôi đã mất anh tôi hay chính tôi lúc đó, thấy chưa đúng thời điểm, tôi đã lui lại?

Trở thành Không

Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành không. Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.

Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là những sự thực, chính là nguyên do gây cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.

Tìm lại người thân đã mất

Đối với trường hợp mất người thương cũng thế. Khi nhân duyên không còn đầy đủ thì họ biến đi. Khi mẹ chết, tôi rất đau đớn. Khi chúng ta chỉ mới bảy hay tám tuổi đầu, ta không hề nghĩ sẽ có ngày mất mẹ. Nhưng sự thực là khi lớn lên và tất cả chúng ta, ai cũng sẽ mất mẹ. Nếu bạn biết tu tập, thì tới giờ phút chia lìa, bạn sẽ không quá khổ sở. Bạn sẽ sớm nhận thức được rằng mẹ bạn vẫn đang còn sống trong bạn.

Ngày mẹ chết, tôi viết vào nhật ký: “Tai nạn lớn nhất đời tôi đã xảy ra rồi.” Tôi đau khổ hơn một năm sau khi mẹ qua đời. Nhưng rồi một đêm, khi ngủ trong cái cốc ở vùng cao nguyên Việt nam, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi. Tôi thấy tôi ngồi chơi bên bà và chúng tôi nói chuyện rất vui. Mẹ tôi trông trẻ đẹp, tóc bà thả dài xuống lưng. Thật là sung sướng được truyện trò với mẹ như thể bà chưa chết vậy. Tôi tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng và tôi có cảm giác thực sự là tôi chưa từng mất mẹ. Cảm tưởng mẹ vẫn ở trong tôi nó rất rõ ràng. Tôi hiểu rằng ý tưởng mất mẹ chỉ là một ý tưởng mà thôi. Rõ ràng lúc đó tôi thấy mẹ luôn luôn còn sống trong tôi.

Tôi mở cửa đi ra ngoài. Tất cả sườn đồi được tắm trong ánh trăng. Đó là một đồi trà và thất của tôi ở lưng chừng đồi, phía sau ngôi chùa. Khi đi bộ thong thả giữa các luống trà, tôi vẫn cảm thấy mẹ ở bên tôi. Bà là ánh trăng vuốt ve tôi như bà thường hay làm, thật dịu dàng âu yếm… thật là kỳ diệu! Mỗi khi chân tôi chạm mặt đất, tôi biết mẹ tôi vẫn đang ở cạnh. Tôi biết cái thân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ, cha, của ông bà, của cụ kỵ, của tổ tiên. Những dấu chân tôi tưởng của tôi, thực ra là của cả hai chúng tôi. Tôi và mẹ cùng để lại những dấu chân trên mặt đất ẩm ướt đó.

Từ lúc ấy, ý nghĩ mất mẹ không còn hiện diện trong tôi nữa. Tôi chỉ cần nhìn vào bàn tay tôi, cảm nhận hơi gió mát trên mặt hay đất dưới bàn chân, là tôi nhớ mẹ tôi luôn luôn có mặt với tôi, trong mọi thời điểm.

Khi mất một người mình thương thì ta đau khổ. Nhưng nếu bạn biết nhìn sâu, bạn có cơ hội để nhận ra rằng bản thể của người đó là vô sinh, bất diệt. Chỉ có sự biểu hiện và sự ngừng lại để biểu hiện dưới hình thức khác mà thôi. Bạn phải rất tinh và tỉnh thức để có thể nhận ra sự biểu hiện mới của người thương đó. Nhưng khi thực tập và cố gắng, bạn có thể làm được chuyện này.

Vậy, hãy nắm tay một người bạn tu, cùng nhau đi thiền hành. Hãy để tâm tới từng cái lá, từng bông hoa, từng con chim và từng giọt sương nhỏ. Nếu bạn có thể ngừng lại và nhìn sâu thì bạn có thể nhận diện được người thương ở những biểu hiện khác nhau, dưới nhiều hình thái. Bạn sẽ lại yêu đời.

Không có gì sinh ra, không có gì mất đi

Nhà khoa học người Pháp, ông Lavoisier đã từng tuyên bố: “Không có gì được sinh ra, cũng không có gì mất đi.” Dù ông ta không thực hành đạo Bụt, nhưng nhà khoa học ấy đã tìm ra chân lý giống như Bụt thấy vậy.

Bản chất thực của chúng ta là bản chất không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi mình không hiện hữu, đổi được cái lo trở thành hư không.

Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu. Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không có là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu.

Chúng ta thấy được chuyện này rất dễ dàng khi nhận xét các máy truyền hình và phát thanh. Chúng ta có thể đang ở trong một căn phòng không có máy truyền hình và cũng không có máy phát thanh. Khi ở trong căn phòng đó, chúng ta có thể cho rằng không có chương trình truyền hình hay truyền thanh tại đó. Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu là không gian trong phòng chứa đầy các tin hiệu. Tín hiệu của các chương trình đó có  mặt khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ cần một điều kiện nữa thôi, một chiếc máy thu thanh hay truyền hình, là bao nhiêu hình thái, màu sắc và âm thanh sẽ biểu hiện ra. Vậy khi nói rằng các tín hiệu đó không hiện hữu là sai, vì sự thực chúng ta chỉ thiếu dụng cụ để thâu chúng vô và cho các tín hiệu đó cơ hội biểu hiện ra. Chúng hình như không hiện hữu chỉ vì nhân duyên không đầy đủ để các chương trình xuất hiện. Vậy thì trong căn phòng đó, ở giờ phút đó, nếu chúng ta nói rằng chúng không hiện hữu, thì chỉ vì chúng ta không nhìn hay nghe được chúng, chứ không phải vì chúng không có mặt. Chỉ vì các quan niệm có-không mà chúng ta bị rối trí. Quan niệm hiện hữu và không hiện hữu khiến chúng ta tin là cái này có, cái kia là không. Ý niệm có và không đó không thể áp dụng vào thực tại được.

Không đến không đi

Đối với đa số, chúng ta đau khổ nhiều nhất vì ý niệm đến – đi. Chúng ta nghĩ rằng những người thương của ta đã đến từ một nơi nào đó và nay sẽ đi tới một nơi nào đó. Nhưng bản chất của thực tại là không đến cũng không đi. Chúng ta không từ đâu tới mà cũng không đi tới đâu cả. Khi nhân duyên đầy đủ thì ta biểu hiện, khi nhân duyên không còn đầy đủ thì chúng ta không biểu hiện. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu. Giống như khi làn sóng phát thanh không phát ra âm thanh, thì chúng chỉ không biểu hiện mà thôi.

Không phải chỉ có các ý niệm đến-đi mới không diễn bày được thực tại, mà các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu cũng vậy. Chúng ta học được câu này trong kinh Bát Nhã:

“Xá lợi tử nghe đây

Thể mọi pháp đều không

Không sinh cũng không diệt

Không thêm cũng không bớt…”

Ý nghĩa chữ Không này rất quan trọng. Nó có nghĩa là mọi sự việc đều trống rỗng, không có tự tánh riêng biệtKhông có cái gì có tự tánh độc lập, không có cái gì tự nó hiện hữu. Khi nhìn sâu vào mọi sự, mọi vật ta sẽ thấy rằng tất cả, kể luôn ta trong đó, đều là những hợp thể. Ta được làm bằng các phần tử không phải ta. Ta được là hợp thể của cha mẹ, ông bà, cơ thể, cảm thọ, nhận thức, đất, mặt trời và vô số các yếu tố không phải ta. Tất cả những thứ đó tùy theo nhân duyên. Ta thấy rằng tất cả những thứ đó đã, đang hay sẽ biểu hiện đều có tương quan và liên hệ mật thiết với nhau. Những gì biểu hiện ra mà ta nhìn thấy, chỉ là một phần của bao thứ khác, của các điều kiện đầy đủ khiến cho nó có mặt. Mọi sự mọi vật đều không được sinh ra hay bị mất đi vì chúng luôn luôn ở trong tiến trình liên tục biểu hiện.

Chúng ta có thể thông minh để hiểu được chuyện này. Nhưng hiểu bằng trí óc thôi không đủ. Thực sự hiểu điều này, ta sẽ hết sợ hãi. Ta sẽ được giác ngộ và sống với cái nhìn tương tức (Inter-being).

Chúng ta phải thực tập nhìn thật sâu như thế trong đời sống hàng ngày để nuôi dưỡng sự hiểu biết về không sinh không diệt. Như thế, ta có thể thực chứng được sự mầu nhiệm của sự vô úy, không sợ hãi.

Nếu chúng ta nói tới vấn đề tương tức tương nhập như một lý thuyết thì không ích lợi gì hết. Ta nên đặt câu hỏi: “Tờ giấy này, mi từ đâu tới? Giấy là cái gì? và mi tới đây làm gì? Giấy sẽ đi đâu?” Ta cũng hỏi ngọn lửa (đang dốt tờ giấy): “Lửa ơi, mi từ đâu tới và mi sẽ đi đâu?” Hãy lắng nghe chúng trả lời. Ngọn lửa, tờ giấy đang trả lời bằng sự có mặt của chúng. Chúng ta chỉ cần nhìn sâu thì sẽ nghe được câu trả lời của nó. Ngọn lửa trả lời: “Tôi không tới từ đâu cả.”

Đó cũng là câu trả lời của cây hoa đào Nhật bổn. Chúng tôi (hai đợt hoa) không giống mà cũng không khác nhau. Hoa không tới từ đâu và cũng không đi đâu hết. Khi mất một em bé, chúng ta không nên buồn. Đó chỉ là vì lúc ấy chưa đủ nhân duyên cho nên em chưa biểu hiện ra ở thời điểm đó mà thôi, Em sẽ trở lại.

Buồn phiền vì vô minh

Đức Quan Thế Âm là học trò của Bụt. Một bữa Ngài nhập định và đạt được sự hiểu biết sâu xa, Ngài thấy rằng mọi sự vật đều không có tự tánh. Hiểu như vậy, Ngài vượt qua được màn vô minh, nghĩa là Ngài thoát được hết các khổ não.

Nhìn cho sâu, chúng ta cũng thấy được rằng không có gì sinh ra, không có gì chết đi, không có gì tới, cũng không có gì đi, không có cũng không không, không giống cũng không khác.

Nếu ta không học phép tu tập này thì thật là phí phạm quá sức. Chúng ta có thể thực tập theo nhiều phương pháp để bớt khổ, nhưng trí tuệ lớn nhất là sự giác ngộ về không sinh không diệt. Khi chúng ta giác ngộ được chuyện này thì ta không còn sợ hãi nữa. Chúng ta có thể vui hưởng được gia tài khổng lồ mà tổ tiên ta truyền lại cho. Ta nên thu xếp để có thì giờ thực tập giáo pháp huyền diệu này mỗi ngày.

Kính trọng biểu hiện của mình

Khi nhìn một người bạn mình bằng con mắt thiền quán, ta có thể nhìn thấy trong đó tất cả các thế hệ tổ tiên của bạn mình. Ta sẽ rất kính trọng người đó và kính trọng cả con người mình, vì ta thấy đó là ngôi đền thờ của tất cả các thế hệ tổ tiên.

Bạn cũng nhìn thấy thân thể mình là nền tảng của các thế hệ tương lai. Do đó chúng ta sẽ không làm hại thân mình, vì như thế là không tử tế với các thế hệ con cháu. Ta sẽ không sử dụng ma túy và ăn uống những thứ có độc tố làm hại thân thể. Đó là do cái hiểu về sự biểu hiện, nó đã giúp chúng ta sống một cuộc đời lành mạnh, trong sáng và có trách nhiệm.

Ý niệm trong ngoài cũng như vậy. Khi chúng ta nói Bụt và cha mẹ ở trong ta, hay ở ngoài ta, ý niệm trong ngoài đó không có nghĩa chi cả. Chúng ta bị kẹt vào các ý niệm, nhất là ý niệm đến-đi và hiện hữu hay không hiện hữu. Chỉ khi ta buông bỏ được các ý niệm đó thì sự thật mới hiển lộ, sự thật của Niết bàn. Khi tất cả các ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu đã tắt ngấm thì Chân như thực tại nó sẽ biểu hiện ra.

Không có gì bằng kinh nghiệm

Chúng ta có thể dùng một thí dụ dễ hiểu về trái quít và trái sầu riêng. Nếu có người nào chưa từng nếm quít hay sầu riêng, thì dù cho bạn mô tả các thứ đó bằng bao nhiêu hình tượng, bạn cũng không thể diễn tả được các thứ trái cây đó thực sự chúng ra sao. Bạn chỉ có thể giúp người kia có kinh nghiệm sống, thực chứng về hai trái cây đó. Bạn không thể nói: “Sầu riêng ư, nó giống như mít hay đu đủ.” Bạn không thể nói gì như khi người ta ăn trái sầu riêng. Sầu riêng nó vượt qua tất cả các ý niệm. Trái quít cũng vậy. Khi bạn chưa từng ăn trái quít, thì dù cho người kia thương bạn cách mấy, cố gắng giúp bạn cách mấy cũng không diễn tả được hương vị trái quít ra sao. Thực tại của trái quít vượt lên trên tất cả mọi ý niệm. Niết Bàn cũng vậy. Đó là một thực tại vượt qua các ý niệm. Chỉ vì ta có ý niệm về Niết bàn mà ta đau khổ. Phải thực chứng, phải tự kinh nghiệm, đó là con đường phải đi.


(Trích từ cuốn “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” – Sư Ông Làng Mai)

Cái Đẹp Không Tàn Hoại

 


Nhan sắc cũng chịu luật sinh diệt và cũng sẽ tàn phai như bao nhiêu hiện tượng khác. Của cải và sự giàu sang cũng vậy. Chỉ có niềm an lạc và cái tự do công phu quán chiếu đem tới mới là niềm vui chân thật mà thôi. Này Ambapali, đã đến lúc con phải tập đời sống tỉnh thức an lạc. Phải trân quý từng giây phút còn lại của đời mình, đừng lãng phí chúng trong sự vui chơi quên lãng.


Chỉ có một cái đẹp không bao giờ tàn hoại và không gây khổ đau: đó là lòng từ bi và tâm giải thoát. Từ bi là thứ tình thương không có điều kiện và không cần sự đền trả. Tâm giải thoát cũng là thứ tâm không thối chuyển, như con gà con một khi ra khỏi vỏ trứng rồi thì không còn chui trở lại nằm trong vỏ trứng nữa. Đã không còn lệ thuộc vào điều kiện cho nên cái đẹp của lòng từ bi và tâm giải thoát là cái đẹp chân thực, và niềm an lạc do cái đẹp ấy cống hiến cũng do đó mà là thứ an lạc chân thực.


“ Đường Xưa Mây Trắng “ - Thích Nhất Hạnh.

BÍ MẬT ROLEX

 


Bài: Trọng Đạt


Bí mật của Rolex, thương hiệu kiên cố theo thời gian: Trong thành công ẩn chứa cái lý nhân sinh.


Mọi người đều khao khát sở hữu một chiếc đồng hồ Rolex đắt giá được trưng bày trong những tủ kính sang trọng ngoài kia. Thế nhưng ít ai biết rằng doanh nghiệp chế tác ra những chiếc đồng hồ này lại không có người sở hữu, nó cũng không phải đóng thuế cho quốc gia và đặc biệt là chẳng ai biết được họ kiếm được bao nhiêu tiền từ việc bán đồng hồ.


Tài năng kinh doanh tạo nên một thương hiệu huyền thoại.


Hans Wilsdorf khi đã gây dựng được sự nghiệp cùng chiếc đồng hồ.


Năm 1902, Hans Wilsdorf cùng người họ hàng là Alfred Davis thành lập công ty Wilsdorf and Davis (W and D) tại London, chuyên kinh doanh các loại đồng hồ Thụy Sĩ. Thế nhưng, tên công ty ông dường như quá dài và khó phát âm, vì vậy Wilsdorf muốn chọn một cái tên dễ nhớ hơn với tất cả các quốc gia và ngôn ngữ. “Rolex” đã ra đời với lý do như thế.


Trong thời gian này, chiến tranh thế giới khiến việc kinh doanh ở Anh chẳng mấy khá khẩm, giá các loại kim loại quý tăng mạnh. Vì vậy ông quyết định chuyển hướng hoạt động của công ty sang Geneva, Thụy Sĩ. Kể từ đó, cái tên Rolex trở thành thương hiệu của một loại đồng hồ cao cấp xứ sở Bắc Âu.


Cuộc đời bất hạnh .


Wilsdorf quả thật là người biết làm ăn, ông tận dụng mọi cơ hội quảng bá và liên tục cải tiến sản phẩm, khiến cho việc kinh doanh phát đạt không ngừng. Thế nhưng, niềm vui kéo dài không lâu thì bất hạnh đã ập đến với ông. Năm 1944, người vợ thân yêu của ông qua đời, đáng tiếc hơn nữa là họ chưa kịp có với nhau một người con nào.


Vì tình yêu sâu đậm dành cho vợ, Wilsdorf quyết định không kết hôn thêm lần nào nữa. Từng là một đứa trẻ mồ côi, và giờ đây một lần nữa không có ai để sẻ chia tình cảm, thật khó mà tưởng tượng nổi Wilsdorf đã khó khăn như thế nào để vượt qua.


Kể từ đó ông quyết định xây dựng một quỹ từ thiện mang tên mình. Sử dụng toàn bộ cơ nghiệp mà mình gây dựng được để tài trợ cho những trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn như ông ngày xưa. Tất nhiên, Rolex cũng nằm trong danh sách tài sản được quyên góp.


Dù sao Rolex cũng là đứa con tinh thần đã tốn nhiều tâm sức của Wilsdorf. Ông không thể phó thác nó cho một ai khác, ông muốn cái tên Rolex trường tồn với thời gian. Vì thế, người chủ doanh nghiệp này đã chọn một cách khác để quyên tặng nó.


Trong di chúc của mình, Rolex sẽ được giao cho quỹ từ thiện kể trên. Hơn nữa sẽ có một hội đồng quản trị gồm 5 người sẽ thay ông vận hành công ty, nhưng không có ai là chủ sở hữu của nó cả. 


Hội đồng quản lý Rolex với 2 mục tiêu cơ bản.

 Một là duy trì và phát triển Rolex trở thành doanh nghiệp trường tồn với thời gian. 

Hai là, sử dụng lợi nhuận kiếm được để tài trợ cho các hoạt động từ thiện.


Những thành công của một tổ chức phi lợi nhuận.


Giờ đây Rolex là chiếc đồng hồ đắt giá mà mọi quý ông đều muốn sở hữu.


Cách làm này đem lại một lợi thế cạnh tranh không ngờ tới cho Rolex. Kể từ khi nó được trao cho quỹ từ thiện, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trở thành hoạt động phi lợi nhuận và nghiễm nhiên không phải đóng thuế. Vì mục tiêu tài trợ cho các hoạt động từ thiện và lưu giữ cái tên Rolex như một di sản của Wilsdorf, hoạt động kinh doanh của nó không bị kiểm soát bởi chính phủ. Và gần như chẳng ai biết được doanh thu chính xác của nó là bao nhiêu.


Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán rằng doanh thu hàng năm của Rolex rơi vào khoảng 4 tỷ USD/năm. Vì không phải chia cổ tức cho bất kỳ ai, nhiều người ước tính, dù Rolex không bán ra một chiếc đồng hồ nào, nó vẫn có đủ tiền để duy trì hoạt động trong nhiều năm sau đó. Và dĩ nhiên công ty này trở thành tổ chức phi lợi nhuận tạo ra lợi nhuận lớn nhất thế giới.


Cũng vì thế mà chính sách đãi ngộ của Rolex dành cho nhân viên cũng khiến nhiều người thèm muốn. Bên cạnh khoản lương hậu hĩnh, nhân viên ở đây cũng có nhiều kỳ nghỉ hấp dẫn quanh năm. Do đó tỷ lệ thôi việc ở Rolex chỉ là 1%, mà trong ngành kỹ nghệ đồng hồ thì những nhân viên có tay nghề cao cũng đáng giá cả một gia tài.


Mấy ai hiểu được cái lý nhân sinh, tiền bạc của cải là vật ngoài thân?


Mặc dù Wilsdorf chỉ còn là một cái tên ít người biết đến, nhưng đứa con tinh thần của ông vẫn đang tiếp tục lớn mạnh. Và giờ đây vẫn có biết bao người ao ước được một lần đeo chiếc đồng hồ thời thượng và lịch lãm như thế trên tay.


Có người đến khi chết vẫn cố nắm chặt tất cả, thế nhưng có lẽ cách tốt nhất để mọi thứ được lưu giữ lại chính là thả tay ra. Rolex ngày nay không phải là một doanh nghiệp do ai đó sở hữu, và nó cũng không phục vụ cho bất kỳ cá nhân nào. Nó phục vụ tất cả mọi người!


Ảnh: Wilsdorf người sáng lập ra Rolex

        Siêu sao bóng đá Cristiano Ronaldo chủ sở hữu của chiếc đồng hồ Rolex đắt nhất trong lịch sử - Rolex GMT Master Ice với mức giá 371.000 GBP (tương đương gần 11 tỷ đồng)


Từ fb Vỹ Hoàng

SẢI NHỮNG BƯỚC VUI


Biểu tượng nhan sắc Marilyn Monroe từng cảm thán: “Ngay cả khi giày cao gót làm chân tôi bị thương, tôi cũng yêu nó như yêu một người đàn ông”. Sự thanh lịch từ thứ phục sức quyến rũ cho đôi chân, khiến phái đẹp khó lòng từ chối, đặc biệt là trong các dịp lễ hội cần đến sự chỉn chu và hoàn hảo.

Được mệnh danh là “vũ khí quyến rũ” của phái đẹp, giày cao gót giúp phái đẹp tôn dáng, “ăn gian chiều cao” cũng như những bước đi uyển chuyển, thướt tha hơn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu được đăng tải trên một chuyên san sinh lý học ứng dụng, việc sớm chia tay những đôi giày cao gót sẽ giúp bạn tránh được những tác động tiêu cực lên cơ thể như sau:    

Bảo vệ sức khỏe về lâu dài

Thường xuyên mang giày cao gót sẽ khiến cơ lưng và cơ bắp chân bị rút ngắn, dẫn đến tình trạng co rút và mỏi cơ. Khi đứng trên giày cao gót, cơ thể thường có xu hướng nghiêng về phía trước để bù đắp cho các vị trí chân không tự nhiên. Từ đó cột sống dễ bị tổn thương, cong lệch, ảnh hưởng đến dáng đi, chèn ép các dây thần kinh, thậm chí còn là nguyên nhân gây nên căn bệnh gai cột sống khó chữa. Bên cạnh đó, các cơ bắp ở hai bên mắt cá chân và phía trước có xu hướng ngày càng yếu đi, khiến đôi chân lâu ngày dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng.

NDN_sai nhung buoc vui_3Bảo vệ ngón chân, cổ chân

Việc đôi chân phải theo khuôn hình chật chội của giày cao gót mũi nhọn có thể làm biến dạng ngón chân, móng chân bị quặp, từ đó tạo ra các cục chai trên ngón chân gây khó chịu và đau nhức. Có rất nhiều trường hợp các cấu trúc xương bị biến dạng khiến khớp ngón cái hoặc ngón út bị cong vẹo hoặc dẫn đến hiện tượng chồng ngón. Bên cạnh đó, mang giày cao gót cũng dễ dẫn tới chấn thương như lật cổ chân hay trẹo bàn chân, bong gân. Cũng chính nguy cơ đó khiến việc di chuyển trên giày cao gót trở nên khó khăn hơn nhiều

Bảo vệ đầu gối và bắp chân   

Tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm khớp xương đầu gối mãn tính cao gấp đôi so với nam giới. Khi đi giày cao gót, đầu gối ở tư thế cong, còn xương ống chân lại ở tư thế ngược lại. Tư thế này sẽ tạo áp lực lên phần bên trong đầu gối, là vị trí phổ biến của bệnh viêm khớp xương đầu gối. Giày cao gót cũng tạo áp lực lên hệ thống gân và dây chằng, từ đó xuất hiện những cơn đau ở đầu gối do giãn tĩnh mạch, gân cơ bị căng kéo lâu ngày. Đi bộ trên giày cao gót cũng sẽ khiến bước chân ngắn hơn và bắp chân khá lớn so với những người khác. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng khi sử dụng giày cao gót, gót chân sẽ nâng lên bằng mắt cá chân nên đôi chân lúc này không có điều kiện được kéo dài ra một cách tự nhiên.

NDN_sai nhung buoc vui (2)

Dù được mệnh danh là “vũ khí quyến rũ” của phái đẹp, việc đi giày cao gót sẽ gây ra nhiều hậu quả về giải phẫu cơ thể, xương khớp và thần kinh tọa. Tuy nhiên, làm đẹp đã trở thành một bản năng đặc trưng của phái nữ. Vậy làm thế nào để hạn chế tối đa những cảm giác khó chịu mà giày cao gót mang lại?

Chọn giày đúng cỡ chân

Đừng chủ quan vì tùy theo cơ địa mỗi người, chiều dài bàn chân có thể thay đổi mỗi năm, đặc biệt là sau khi sinh em bé. Một đôi giày đúng kích cỡ sẽ mang đến cảm giác vừa khít phần mũi, gót chân ở đúng vị trí, ngón chân không bị trượt về phía trước, trong khi một đôi giày không phù hợp sẽ gây tổn thương đôi chân và cột sống của bạn. Nên thử và chọn giày vào buổi tối vì đây là thời điểm bàn chân nở ra to nhất.

Chú ý đến kiểu giày

Dù có mê mẩn trước những đôi giày platform cao lênh khênh hay những đôi giày gót nhọn mảnh khảnh nhưng nếu phải chọn giày để đứng hoặc di chuyển trong thời gian lâu, hãy chọn giải pháp an toàn, chắc chắn hơn với giày đế xuồng hoặc các loại giày gót vuông để giúp giảm đau ở ngón chân và bàn chân. Bên cạnh đó, những người có tiền sử bệnh lý đau thắt lưng hay cột sống nên chọn những đôi giày có độ dốc vừa phải hoặc có hỗ trợ phần đế đằng trước để tránh trường hợp cơn đau tái phát hoặc bệnh trở nên nặng hơn. Nên chọn những đôi giày thoáng khí và được làm từ chất liệu co giãn tốt.

Choosing the perfect pair. Cropped image of young woman choosing shoes in a shoe store

Sử dụng miếng độn, lót

Nếu không quen đi những đôi giày quá cao, bạn có thể chọn những đôi giày có gót vừa phải, khoảng 3-5cm và sử dụng thêm miếng độn phía trong gót giày để tạo cảm giác cao hơn. Bên cạnh đó, những miếng lót đặt phần mũi giày còn giúp giảm tình trạng chúi người về phía trước, giảm độ ma sát và lực tác động của cả cơ thể lên xương khớp ngón chân. Đối với những trường hợp phải đứng quá lâu, các miếng lót silicon mềm còn giúp giảm áp lực lên đầu gối và đau khớp.

Giảm ma sát làm phồng rộp da chân

Cảm giác đau đớn, khó chịu khi chân bị phồng rộp là tình trạng mà các cô nàng thường gặp, nhất là tại các vùng chân thường xuyên tiếp xúc với giày như mắt cá chân, gót chân, gót achilles, ngón cái, ngón út… Hãy dùng lăn khử mùi dạng sáp bôi lên những vùng dễ tổn thương, lớp sáp này sẽ đóng vai trò như chất bôi trơn, giúp ngăn ngừa tình trạng phồng rộp. Ngoài ra, có thể xoa một lớp phấn rôm lên cả bàn chân để giảm độ ma sát, chân ít bị đau, đồng thời lớp phấn sẽ hút bớt mồ hôi và độ ẩm, giúp chân bạn thơm tho tới cuối ngày. Thay vì các đôi cao gót xỏ ngón, giày có quai cổ chân to bản sẽ là lựa chọn thích hợp, phần quai sẽ giữ bàn chân ở vị trí cố định, ít bị trượt và ma sát với mặt trong giày.

Tranh thủ nghỉ chân khi có thể

Các hành trình ngày xuân không đòi hỏi bạn phải đứng quá nhiều trên giày cao gót. Bạn có thể tháo hẳn giày ra, tranh thủ ngồi xuống để đôi chân được nghỉ ngơi. Nếu không có nơi để ngồi, hãy tìm một nơi để dựa vào, đung đưa nhẹ bàn chân và thay đổi tư thế đứng để giúp máu lưu thông và giảm áp lực lên chân. Bạn cũng có thể đem theo một đôi giày bệt bằng vải nhẹ mỏng để thay những lúc không cần phải mang giày cao gót.

logo 4

Thư giãn đôi chân sau khi đi giày cao gót:

  • Đi chân trần hoặc những đôi dép mềm có gai massage ở lòng bàn chân.
  • Ngâm chân ít nhất 20 phút trong nước nóng có thêm tinh dầu, túi trà hoặc muối khoáng. Nước ấm sẽ giúp giãn mạch máu và cho máu huyết lưu thông.
  • Xoa bóp giảm đau lòng bàn chân bằng cách lăn tròn một quả bóng tennis quanh chân.
  • Thả lỏng chân bằng cách đặt chân lên gối cao khi nằm nghỉ cho máu huyết được phân bố đều khắp chân và bàn chân.

NDN_sai nhung buoc vui

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Pháp đã chỉ ra rằng, nữ giới mang giày cao gót sẽ khiến thái độ của nam giới trở nên hòa nhã hơn và sẵn lòng giúp đỡ phái yếu.

st