Theo ông Tiến, genZ sống trong một xã hội nhiều thay đổi và biến động chưa từng có, vì vậy, để tồn tại và có được công việc mình yêu thích, các bạn cần một bộ kỹ năng khác biệt so với thế hệ trước.
Mới đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT vừa có chia sẻ với các bạn sinh viên Trường Cao đẳng FPT Polytechnic về chủ đề sự biến động của nghề nghiệp trong tương lai, các năng lực genZ cần có và những trải nghiệm riêng của ông trong hành trình hơn 30 năm không ngừng tự học, tự phát triển.
Ai học về máy tính lượng tử giờ này, người đó sẽ được trọng dụng trong tương lai
"5 năm trước khi quy hoạch chương trình đào tạo, FPT Polytechnic đã loại bỏ ngành Tài chính kế toán. Đó là một quyết định gây tranh cãi khi ấy. Năm 2020, thống kê cho thấy những người học ngành này là những người mất việc đầu tiên. Như vậy quyết định của trường khi ấy đã dự báo chính xác sự biến đổi của thị trường lao động." ông Tiến đã mở đầu chia sẻ của mình bằng ví dụ đó. Theo ông, sự thay đổi của công nghệ đang tác động đến thị trường lao động theo cách chưa từng thấy trong lịch sử.
Ông Tiến lấy ví dụ về sự có mặt và phát triển Máy tính lượng tử - quantum computing và cho biết đây rất có thể sẽ là từ khóa của tương lai gần. Vì sao? Vì nó có thể giải được những bài toán mà chúng ta mất đến 10.000 năm lịch sử để kiến tạo và giải được – mật khẩu của các phép tính khó, mã hóa mật khẩu thẻ chip của tài khoản ngân hàng... nhưng máy tính lượng tử chỉ mất tối đa 200 giây. Như vậy, thế giới sẽ đảo lộn vì nhiều bài toán lớn trong mọi ngành kinh tế sẽ thay đổi, đồng nghĩa với cơ cấu lao động sẽ thay đổi. Rất nhiều ngành sẽ mất đi. Tất cả được tạo nên bởi công nghệ và con người. "Chỉ khoảng 2025, những ai hiểu biết về máy tính lượng tử người đó sẽ được trọng dụng, vì ở Việt Nam chưa có trường nào đào tạo còn ở nước ngoài thì có rất ít trường bắt đầu triển khai môn này." ông cho biết.
Dựa trên Báo cáo mới nhất về thị trường lao động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) về xu hướng nghề nghiệp giai đoạn tới, ông chia sẻ rằng trường lao động đã thay đổi nhanh chưa từng có trong 10 năm nay. Sự thay đổi đó do nhiều yếu tố tác động, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ. Robotics, AI, RPA... những công nghệ mới đã, đang và sẽ tạo ra sự phân công lao động lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, thậm chí có nhiều việc hiện nay chưa xuất hiện nhưng rất có thể sẽ thịnh hành trong 10 – 20 năm sắp tới.
Sự thay đổi của thị trường kéo theo sự thay đổi về nhu cầu tuyển dụng cũng như tiêu chí lựa chọn lao động. Trước đây, các doanh nghiệp yêu thích những nhân viên chuyên cần, chăm chỉ, làm đúng việc và hòa nhã; hiện tại họ mong nhân viên của mình phải có chính kiến, có năng lực chất vấn lại quan điểm lãnh đạo, có khả năng sáng tạo; trước đây, nhân sự có bằng cấp chính quy từ các trường đại học lớn được coi trọng; hiện tại, các nhân sự học tập các khóa học trên Coursera với những kiến thức mới nhất từ những chuyên gia, giảng viên hàng đầu thế giới được đánh giá cao không kém…
Theo ông Tiến, tự học suốt đời (Life-long learning) là năng lực cần có để phát triển (Ảnh cắt từ clip)
Việc dự báo tác động của công nghệ đến thị trường lao động là một chủ đề được các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu chính sách và các học giả toàn thế giới quan tâm. Họ đã chia sẻ sự lo ngại công khai rằng, bên cạnh việc tạo ra nhiều công việc mới, công nghệ và tự động hóa sẽ cướp đi công việc của người lao động truyền thống trên quy mô lớn do họ không có những kỹ năng để thích ứng với thay đổi quá lớn này. Sử gia Israel Yuval Noah Harari, một trong những tác giả có ảnh hưởng tới thế giới trong những năm gần đây, trong tác phẩm "21 bài học cho thế kỷ 21" của mình cho rằng: đến năm 2050, một tầng lớp vô dụng rất có thể xuất hiện do thiếu việc làm và thiếu sự giáo dục hiệu quả.
Viễn cảnh này đặt ra bài toán cho người lao động phải trang bị một bộ năng lực để liên tục phát triển, thích nghi với thay đổi; đồng thời bắt buộc các đơn vị đào tạo phải có sự nhạy bén trong việc dự đoán tương lai và tư duy mới trong việc chọn lựa giảng dạy, trang bị cho người học kiến thức, năng lực gì.
Ông Tiến cho rằng, với việc đào tạo các ngành đang là xu hướng trong hiện tại cũng như tương lai, cộng với một chương trình giảng dạy chiếm đến 70% thời lượng là thực hành. "Tôi từng chia sẻ với một phụ huynh rằng, anh có thể không cho con đi học tại FPT Polytechnic, nhưng anh hãy nhìn xem trường đang đào tạo ngành gì thì tư vấn con chọn học ngành đó, con ra trường đi làm chắc chắn sẽ có tiền!" - ông khẳng định.
Cùng với việc lựa chọn các ngành học là xu hướng của tương lai, để có thể thích ứng với thị trường lao động hiện nay, theo ông Tiến, các nhân sự genZ phải có một bộ năng lực mới khác hoàn toàn so với giai đoạn trước.
Để không trở nên "tầm thường" trên thị trường lao động, đây là bộ năng lực genZ cần có
Năng lực quan trọng nhất các bạn genZ cần sở hữu trong giai đoạn tới, theo "giáo Tiến" là tự học suốt đời. Hiện nay cứ 6 tháng, 1 năm, kiến thức trên thế giới lại nhiều lên, công nghệ lại thay đổi, quan điểm về nghề nghiệp lại khác trước. Bất kỳ một kiến thức nào học trong nhà trường cũng là không đủ với xã hội luôn thay đổi.
Trong bối cảnh ấy, việc "nhảy việc" đã trở thành chuyện bình thường với các bạn genZ. Khác với các thế hệ trước tự hào có thể làm việc và cống hiến lâu dài cho một công ty, một tổ chức, ngày nay, các bạn genZ coi trọng trải nghiệm công việc đa dạng nhất có thể. Thông thường cứ 2 – 3 năm các bạn genZ lại nhảy việc một lần, trong đó, có những bạn đổi luôn nghề. "Nhiều bạn đang làm ngành này lại đổi ngành khác – không sao hết, chỉ cần bạn có năng lực tự học, phát triển thích ứng tốt, thì ngành nào bạn cũng có thể trải nghiệm."
Vì vậy việc quan trọng nhất của nhà trường không phải là truyền thụ kiến thức mà là năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển.
Theo ông Tiến, cùng với năng lực học tập suốt đời, tư duy độc lập và năng lực phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng nhất giúp sinh viên sớm thăng tiến trong sự nghiệp. "Thế hệ chúng tôi tự hào về chuyện mình là kẻ "ngoan cố" – ngoan ngoãn và cố gắng, bảo gì nghe nấy. Nhưng ngày nay, nếu muốn phát triển, bạn phải là những người biết cãi lại, chất vấn lại những quan điểm, kiến thức được học. Ngoan ngoãn và cố gắng là không đủ. Trong một xã hội luôn thay đổi, tư duy độc lập, khả năng phản biện và lối sống khác biệt sẽ là điều cần thiết. Không có nó, các em sẽ trở thành những cá thể bình thường, nhạt nhòa, rất có thể trở nên tầm thường và sớm bị đào thải khỏi thị trường lao động."
Theo ông Tiến, tự học suốt đời (Life-long learning) là năng lực cần có để phát triển.
Ngoài ra, ông Tiến cũng chia sẻ các năng lực thị trường lao động yêu cầu từ nay đến năm 2027, bao gồm các kỹ năng như: "làm việc với Big Data và AI", "Sử dụng tiếng Anh thành thạo", "tư duy hệ thống", "Quản trị nhân tài..." thế giới thay đổi rất nhanh, vì vậy các năng lực của genZ cũng cần thay đổi và chuyển động không ngừng cùng sự thay đổi của xã hội.
"Xuyên không" về ngày cuối cùng trong đời để hoạch định tương lai và ngày mai
Chia sẻ về phương pháp xác định lộ trình cho tương lai, ông Tiến ví von hóm hỉnh rằng, để hình dung cho rõ và hiểu rõ cần làm gì cho hiện tại, rất nhiều người thành công đã làm một bộ phim"xuyên không" đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Ở thời điểm đó, điều họ hối tiếc nhất là những việc chưa làm, chứ không ai hối tiếc việc đã làm rồi. Và vì vậy, họ có động lực sống cuộc sống của chính mình, chịu trách nhiệm với bản thân mình.
Còn cuộc "xuyên không" của các bạn genZ có thể ngắn hơn – 10 năm, 5 năm, 3 năm... tại từng thời điểm đó, các bạn hãy hình dung xem mình là ai, sẽ có được gì trong công việc, trong đời sống... Trong tương lai ấy, hãy nhìn lại hiện tại và hoạch định xem với mỗi mục tiêu đó, mình cần phải làm những gì. "Khi đặt câu hỏi 5 năm kể từ ngày hôm nay, mình sẽ là ai, các em sẽ định hình được mình cần làm gì trong 5 năm nữa, trong 3 năm nữa, trong 2 năm nữa, và vào ngày mai, để tương lai thành hiện thực." – ông Tiến cho biết.
Thực tế khi hoạch định tương lai, trong quá trình thực hiện chúng ta sẽ gặp khá nhiều biến số. Trước những biến cố tiêu cực làm cho cuộc đời rẽ lối, chính sự kiên định theo đuổi ước mơ sẽ làm chúng ta không đầu hàng thất bại. Trường hợp của Trung Nguyễn – nhà sáng lập Sky Mavis từng được định giá đến hàng tỷ USD là một trường hợp như vậy. Học hết năm 2 đại học, cậu đi khởi nghiệp nhưng thất bại, anh quay về học nốt theo mong muốn của cha mẹ. Khi tốt nghiệp, anh trả lại bằng cho gia đình, quay lại với giấc mơ làm game và sáng lập Sky Mavis là công ty sở hữu game blockchain đình đám Axie Infinity, từng được định giá đến 3,8 tỷ USD sau gần 3 năm 8 tháng phát triển. Tuy vậy, sự sụt giảm của thị trường Blockchain cộng với việc hacker xâm nhập đã khiến công ty và nhà đầu tư tổn thất không nhỏ. Những thời điểm khó khăn vậy, anh cố gắng vượt qua và kiên trì không bỏ cuộc, vì đó là ước mơ của bản thân.
"Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai của bản thân. Hãy mong muốn rõ mình ước mơ gì, sẽ đạt được điều gì, sau đó lùi lại từng bước một để thực hiện ước mơ đó bằng hành động mỗi ngày." - ông cho biết.
"Hãy là chính mình" là một mệnh đề nhảm nhí!
Khi trả lời câu hỏi của một bạn sinh viên về việc làm thế nào để ước mơ của mình thành hiện thực? "Giáo Tiến" thẳng thắn chia sẻ rằng hiện này nhiều bạn genZ hiện tại sống "trong ước mơ của người khác", mơ ước có vẻ rất nhiều nhưng không chịu nỗ lực bắt tay vào thực hiện. Nhiều bạn nói rằng mình sống "nội tâm" và "nhiều mơ ước" nhưng gia đình chưa có điều kiện nên chưa thực hiện được, nhưng kiểm tra điện thoại thì thời gian dùng đến hơn 10 tiếng/ ngày nhưng chủ yếu là lướt Facebook, Tiktok, chỉnh ảnh up lên trang cá nhân... "Điện thoại dùng cả ngày, cộng với thời gian ngủ 6 – 8 tiếng nữa thì đúng là em sống nội tâm thật." – ông hóm hỉnh.
Việc dùng mạng xã hội quá nhiều, theo thầy Tiến sẽ dẫn đến hệ quả nhiều bạn sa đà vào việc nhìn ngắm những "hiện thực" trên mạng xã hội và gán luôn đó là ước mơ của mình. Rất nhiều bạn chạy theo giấc mơ của người khác mà quên mất đời sống thực phải có nỗ lực thực. "Mỗi sáng dậy, các bạn có hai lựa chọn: Một là tiếp tục nằm ngủ và mơ giấc mơ đẹp; hai là dậy và hành động và có thể giấc mơ của em sẽ thành hiện thực."
Cũng theo ông Tiến, câu "nhảm nhí" nhất mà xã hội cài đặt vào cách nghĩ khá nhiều người hiện này là "Hãy là chính mình". Nếu chính mình là người rất lười biếng, tinh thần tự giác kém, hôm trước đặt mục tiêu học tiếng Anh 1 tiếng mỗi ngày, nhưng hôm sau đã từ bỏ, vậy là chính mình để làm gì?
"Hãy trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, mỗi ngày!" – ông Tiến chia sẻ khi kết thúc sự kiện.
Ông Tiến đúc kết cuối sự kiện