Wednesday, June 30, 2021

1. Chi phí Logistics là gì?

Chi phí logistics thấp sẽ góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại, tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu. Chỉ số chi phí logistics đánh giá trình độ phát triển của thương mại của một quốc gia. Ví dụ, tỷ lệ % chi phí logistics trong GDP của một số nước: Australia khoảng 9%, Brazii, Mexico 15-17%(1), Thái Lan 19% (2005)(2), châu Âu 12% (2006-2008) và Trung Quốc 21,3% (2004). Ước tính của Việt Nam là 20-25%(3).

1. Chi phí Logistics là gì?

Chi phí Logistics (logistics costs) là gì? Chi phí Logistics sẽ bao gồm: Chi phí vận tải – chiếm một phần ba cho đến hai phần ba chi phí lưu thông phân phối; Chi phí cơ hội vốn – suất sinh lời tối thiểu mà công ty kiếm được khi vốn không đầu tư cho hàng tồn trữ mà cho một hoạt động khác; và Chi phí bảo quản hàng hóa – gồm chi phí thuê kho bãi, bảo quản hàng hóa, đưa hàng hóa ra vào kho, hàng bị hư hỏng, bảo hiểm cho hàng hóa.

chi phí logistics

2. Công thức tính chi phí Logistics

Đối với mọi thị trường, giá bán của hàng hóa (G) đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo tối thiểu bù đắp các chi phí (C):

G ≥ C1 + C2 + C3 + C4 + C5 (1)

Trong đó :

C1: giá thành sản xuất ra hàng hóa. Đây là cơ sở cho việc xác định giá bán EXWORK

C2: chi phí hoạt động marketing

C3: chi phí vận tải

C4: chi phí cơ hội vốn cho hàng tồn trữ

C5: chi phí bảo quản hàng hóa.

Vậy, chi phí Logistics sẽ bao gồm: Clog = C3 + C4 + C5 

Chi phí vận tải C3

Chiếm một tỷ trọng khá lớn – một phần ba cho đến hai phần ba chi phí lưu thông phân phối. Mặc dù ngành vận tải đã có những cố gắng giảm chi phí vận tải bằng những giải pháp công nghệ như vận tải hàng hóa bằng container, đóng mới các phương tiện, thiết bị có sức chở lớn, tổ chức vận tải đa phương thức,… nhưng chi phí vận tải vẫn không ngừng tăng lên do giá nhiên liệu ngày một leo thang. Điều này buộc các nhà sản xuất áp dụng nhiều biện pháp góp phần giảm chi phí vận tải. Một trong những giải pháp đó là tăng khả năng sử dụng các trang thiết bị, công cụ và phương tiện vận tải bằng cách thiết kế các sản phẩm, đóng gói bao bì hàng hóa nhằm tăng tỷ trọng chất xếp của hàng hóa (cargo density).

Chi phí cơ hội vốn C4

Là suất sinh lời tối thiểu mà công ty kiếm được khi vốn không đầu tư cho hàng tồn trữ mà cho một hoạt động khác. Để đơn giản, ta giả thiết rằng mức sinh lời tối thiểu của vốn là mức lãi suất phải trả khi vay vốn của một tổ chức tài chính, cho nên C4 được xác định như sau:

C4 = (qikv)t [(1+r)t-1] (2)

Trong đó:
– qi: số lượng sản phẩm cho một lần gửi hàng đi
– kv: định mức vốn cho một đơn vị sản phẩm. Mức vốn này phụ thuộc vào công nghệ sản xuất
– t = 1 ÷ m: số đơn vị thời gian chịu lãi suất hàng năm của hàng tồn trữ (tháng hoặc năm)
– r: mức lãi suất phải trả cho vốn vay.

Qua công thức (2) ta thấy C4 phụ thuộc vào thị trường vốn (r), công nghệ sản xuất (kv), và khối lượng vật tư, sản phẩm tồn trữ. Nếu r cố định và kv cố định thì C4 tỷ lệ thuận với qi, tức là khi qi nhỏ bao nhiêu lần thì C4 nhỏ bấy nhiêu lần và ngược lại.

Trước đây, khi thị trường tiêu thụ còn bị hạn chế, số lượng sản phẩm sản xuất còn ít, mức lãi vay còn thấp, nên các nhà sản xuất ít quan tâm đến chi phi này. Ngày nay, khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, số lượng sản phẩm nhiều lên, mức lãi suất vay cao thì chi phí này chiếm một phần đáng kể trong tổng chí phí liên quan đến hàng tồn trữ. Điều này buộc các nhà sản xuất phải có giải pháp thích hợp để giảm chi phí này. Và giải pháp đó chính là giảm khối lượng cho một lượt sản xuất và giao hàng (qi) xuống.

Chi phí bảo quản hàng hóa C5

Bao gồm chi phí thuê kho bãi, bảo quản hàng hóa, đưa hàng hóa ra vào kho, hàng bị hư hỏng, bảo hiểm cho hàng hóa.

C5 = qi.Tbq.glk + qi.k.g + Cbh (3)

Trong đó:
– Tbq: thời gian bảo quản trong kho của lô hàng qi
– glk: chi phí trung bình cho một đơn vị hàng hóa lưu kho một ngày
– k: tỷ lệ tổn thất, hư hỏng hàng lưu kho
– g: giá trị của đơn vị hàng lưu kho
– Cbh: chi phí bảo hiểm cho lô hàng lưu kho

Theo công thức (3) ta thấy chi phí C5 có quan hệ với qi; nếu qi nhỏ, thời gian tồn trữ t nhỏ, dẫn đến chi phí này nhỏ, và ngược lại.

3. Thực trạng chi phí logistics của Việt Nam hiện nay

chi phí logistics

2.1 Chưa chú trọng vai trò

Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều Cty VN chưa phát huy hết những lợi thế do logistics đem lại, thậm chí có DN chưa nhìn thấy vai trò hết sức quan trọng của logistics trong việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Logistics có liên hệ chặt chẽ giữa marketing, sản xuất, tồn kho, vận tải và phân phối. Thế nhưng, nhiều DN bố trí chức năng vận tải nằm trong phòng hành chính, quản trị tồn kho thì lại nằm trong phòng kế toán – tài chính, còn chức năng thu mua thì lại trực thuộc phòng marketing hay bán hàng… Việc tổ chức rời rạc các phòng chức năng như thế khiến DN quản lý các chức năng này cũng rời rạc. Vì vậy, cần phải hình thành một bộ phận riêng biệt cho logistics/chuỗi cung ứng để các nhà quản trị bộ phận này có thể phối hợp chặt chẽ với các chức năng khác.

Tại VN, hàng hóa phải đi qua quá nhiều trung gian, từ khâu cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, đến khâu phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng, làm tăng chi phí giao dịch, tăng giá bán. Trong chuỗi này, các bên tham gia đều cố gắng trục lợi cho chính mình, và vì thiếu thông tin, nên các thành viên trong chuỗi chỉ biết có bên quan hệ trực tiếp với DN mình mà chẳng biết đến các thành viên khác và kết quả là thổi phồng chi phí logistics.

Mặt khác, hệ thống phân phối tập trung vào các đô thị là chủ yếu, mà lại bỏ ngõ phần nông thôn. Nhà phân phối chỉ đảm trách vận tải cự lý ngắn và các đại lý  phải tự lo vấn đề vận tải của mình. Hơn nữa, việc bố trí mạng lưới bán lẻ thì tương đối dày đặc ở các khu trung tâm đô thị, trong khi đó các kho bãi lớn thì ở quá xa, và vì phần lớn các DN cũng chưa ý thức được vai trò của mỗi loại kho hàng như sơ cấp, thứ cấp, và kho trung tâm nên kết quả hoặc là chi phí vận tải thấp nhưng chi phí nắm giữ tồn kho cao hay ngược lại, mà một trong hai điều này cũng làm tăng tổng phí logistics.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, DN chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ thuê ngoài như đại lý khai thuê hải quan, đại lý kế toán và các dịch vụ thuê ngoài 3PL – mà chủ yếu tự làm. Khi DN tự làm dịch vụ, tự đầu tư xây dựng hệ thống kệ kho hàng hay mua sắm phương tiện vận tải sẽ cần rất nhiều vốn đầu tư và khó đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Trong khi khả năng khai thác thấp, vì thế chậm thu hồi vốn, không hiệu quả và chi phí logistics tăng cao.

Ngành logistics nước ta đang phát triển rất mạnh và nhiều DN cung ứng dịch vụ logistics đang tiến đến mức độ chuyên nghiệp hóa rất cao. Càng chuyên nghiệp hóa trong việc cung ứng dịch vụ thì chi phí logistics càng giảm. Vấn đề là DN có chú trọng có đến vai trò của logistics để giảm chi phí sản xuất hay không ?

2.2 Hạ tầng cơ sở còn yếu kém

Nước ta hiện có trên 17.000 km đường nhựa, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thủy, 266 cảng biển và 20 sân bay. Tuy nhiên, chất lượng của mạng lưới giao thông không đồng bộ, nhiều nơi tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đảm bảo an toàn trong giao thông. Tuy có 266 cảng biển, nhưng chỉ có 20 cảng biển có thể tham gia vào việc xuất nhập hàng hóa quốc tế. Đa số các cảng này chưa thể tiếp nhận các tàu container thông thương vì chưa đủ thiết bị cũng như kinh nghiệm bốc dỡ container…

Về phương thức vận tải, vận tải bằng đường hàng không chưa được phổ biến, mà chủ yếu bằng phương tiện vận tải đường bộ. Tuy vậy, như đã nêu, hệ thống giao thông này không thể được sử dụng cho vận tải hàng hóa nặng bởi đường hẹp, chất lượng kỹ thuật chưa cao, và năng lực vận tải quá thấp, trình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra. Nhiều khu công nghiệp xây dựng xong, nhưng chưa có đường giao thông hoặc các khu công nghiệp bố trí quá xa hệ thống cảng biển, làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên.

Vận tải đường sắt hiện nay chỉ chở hành khách là chủ yếu. Với hệ thống hai khổ ray khác nhau (1 m và 1,43 m), phương tiện vận tải này không thể được dùng để vận tải hàng hóa trọng lượng cao và mất rất nhiều thời gian (chuyến đường sắt Bắc – Nam mất đến 32 tiếng đồng hồ).

Vận tải đường thủy chủ yếu bằng xà lan, chi phí thấp, an toàn, ít xảy ra tai nạn, nhưng thời gian vận chuyển lâu và khách hàng vẫn chưa mặn mà với hình thức vận chuyển này.

Ngoài ra, sự kết hợp các phương thức vận tài khác nhau (vận tải đa phương thức) để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phổ biến ở VN. Vì những lý do đó, tổng phí logistics (phần lớn là chi phí vận tải) rất cao là lẽ đương nhiên. Tình hình này dẫn đến giá bán lẻ trên toàn quốc rất khác nhau. Một xu hướng chung của các DN VN (và các DN xuất khẩu nói riêng) là không muốn lấy rủi ro, nên giá bán hàng hóa chỉ dựa trên giá bán FOB nguyên xứ (FOB origin), tức bán ra từ nhà máy, mà không bao gồm chi phí vận tải, trong khi đó, để cho giá bán lẻ đồng nhất trên toàn quốc, cần phải áp dụng giá bán FOB đáo xứ (FOB destination),  tức giá hàng hóa cộng thêm chi phí vận tải trung bình từ nơi bán cho đến kho của khách hàng, để chi phí cập bến (landed costs) giống nhau.

Vì thế để giảm chi phí sản xuất cho DN, hạ được giá thành sản phẩm, cần thiết phải giảm chi phí logistics. Chi phí logistics nước ta năm 2011, ước tính hơn 25 tỉ USD. Như vậy, nếu chỉ giảm được 1% chi phí đó sẽ làm lợi cho DN, cho đất nước một số tiền không nhỏ

 

Tài liệu tham khảo

1- Vietnam: Multimodal Transport Regulatory Review, Final Report, tr.3, 4.2006

2. Hoàng Anh Dũng, Chuyên gia cao cấp WB tại Việt Nam,- Thách thức và cơ hội của Logistics Việt Nam (12.2012)

3. Thailand’s Logistics Development Strategy (2007 -2011)

4. Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 175/QĐ-TTg, ngày 27/1/2011)

5Logistics Costs and U.S. Gross Domestic Product, Prepared for Federal Highway Administration Department of Transportation MacroSys Research and Technology, Washington, DC, August 25, 2005.

6. Nguyên Khôi – Báo cáo Logistics Liên bang Mỹ 2012, VietnamShipper, tháng 9/2012, Tr.32,33.

7. Kriensak Rabiwongse, Director, Transport Planning Division, Office of the Prime Minister, Thailand-Multimodal Transport as a mean to enhance national competitiveness, National Workshop on Multimodal Transport Operations, Hanoi 14-18/3/2011.

Tuesday, June 29, 2021

Chỉ...



Đàn ông nhìn rõ thế gian, chỉ yêu một người phụ nữ

Phụ nữ thấu rõ hồng trần, lại chỉ yêu bản thân mình thôi.

Đừng kiễng chân để yêu một người. Dù sao thì trọng tâm không vững, sẽ không trụ được lâu đâu…

_Tiểu Hạ


Làm sao để phân biệt cô độc và cô đơn

 



Có người hỏi tôi làm sao để phân biệt cô độc và cô đơn?

Có một ngày, bạn đang đi trên con phố lớn thì đột nhiên trời mưa, bạn trú dưới mái hiên rồi mở danh bạ cũng không biết tìm ai để nhờ mang ô đến. Thời khắc đó là cô độc.

Còn cô đơn, là bạn một mình trú dưới mái hiên, an tĩnh đợi mưa tạnh rồi về nhà…

Friday, June 25, 2021

Đam mê có phải là chìa khóa vàng dẫn đến thành công không

 



- Theo chị, đam mê có phải là chìa khóa vàng dẫn đến thành công không?

- Không em! Đam mê rồi sẽ lụi tàn, sẽ đổi hướng, sẽ biến thành một thứ khác làm mờ mắt chúng ta. 

Chỉ có kiên trì mới giúp em đi đến cùng. Dù là đến thiên đường hay địa ngục. 

Thursday, June 24, 2021

 NGUỒN GỐC HAI CHỮ "TẢO TẦN"



     “Tảo tần” là một từ để chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, thường là của phụ nữ. Nhưng nguồn gốc của từ này là như thế nào?


     "Tảo tần", chữ Hán viết là "藻蘋" (zǎo píng), trong đó:

     - TẢO 藻 là rong rêu, chỉ chung các thứ cỏ mọc ở dưới nước. Như “hải tảo” 海藻 là rong biển.

     - TẦN 蘋 còn đọc với âm "bình", là rau lục bình nổi trên mặt nước, ta  thường gọi là bèo.


     Như vậy, "tảo tần" là  rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Do đó người vì đạo hiếu với tổ tiên mà lặn lội đi tìm rau tảo rau tần là người đảm đang, đáng khen ngợi.


     Trong bài “Thái Tần” 采蘋 trong Kinh Thi cũng có viết rằng:


     于以采蘋?Vu dĩ Thái Tần,

     南澗之濱。Nam gián chi tân

     于以采藻?Vu bỉ Thái Tảo

     于彼行潦。Vu bỉ hàng lạo


      Dịch nghĩa:

     

     Đi hái rau Tần,

     bên bờ khe phía nam,

     đi hái rau Tảo,

     bên lạch nước kia.


     Dịch thơ:


     Để mà đi hái rau tần,

     Núi nam hay mọc ở gần bờ khe.

     Tảo kia ta hái luôn về,

     Bên đường nước chảy dầm dề sau mưa.

     

     Hai câu thơ trên ca ngợi người “vợ hiền dâu thảo”, chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, “Tảo Tần” tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay lam hay làm của người phụ nữ.


     Tóm lại, từ phong tục cổ về thờ cúng, “tảo tần” trở thành từ chỉ chung sự đảm đang, rồi theo thời gian nghiêng về nét nghĩa chịu thương chịu khó, lo toan việc nhà trong cảnh sống khó khăn của người phụ nữ.

Monday, June 21, 2021

Chuyện về chữ TỬU

 



Đây là câu chuyện về chữ TỬU 酒 (Rượu) cho tín đồ môn phái Lưu Linh.

.

Theo truyền thuyết và ghi chép lịch sử của Trung Quốc, Đỗ Khang hay còn gọi Thiếu Khang, là quốc vương thứ năm của triều nhà Hạ. Tương truyền, vào khoảng vương triều thứ tư, triều nhà Hạ xảy ra chính biến, tranh giành chém giết lẫn nhau. Khi đó hoàng hậu của quốc vương đương triều đang mang thai đã phải trốn chạy về quê mẹ đẻ và sinh hạ được một cậu con trai. Vì mong muốn cậu bé giỏi giang như ông nội Trọng Khang, nên bà đã đặt tên cho con là Tiểu Khang.


Tuy nhiên dân gian cũng có một câu chuyện vui về việc tìm ra rượu và thưởng thức rượu như sau:

Thứ nước uống do Đỗ Khang mới đầu tìm ra chỉ là một loại nước giải khát thông thường, như Coca Cola hay 7Up của chúng ta hiện nay, không có chất cồn gây cảm giác lâng lâng hay say sưa sau khi uống. Đỗ Khang ngày đêm suy nghĩ, mong muốn cải tiến. Một hôm trong lúc ngủ, có một vị thần hiện về bảo với Đỗ Khang rằng, trong ba ngày tới, mỗi ngày vào giờ Dậu (酉) hãy ra cổng thành phía Tây xin một giọt máu của người gặp đầu tiên, sau đó về pha vào thứ nước uống kia sẽ được hiệu quả như ý. Đỗ Khang bèn làm theo. Ngày đầu tiên ngay đầu giờ Dậu ông đã gặp được một thi sĩ, xin được một giọt máu của ông ta. Ngày hôm sau ra chỗ cũ ngồi đợi, quá nửa giờ Dậu mới gặp một tráng sĩ và anh ta cũng vui vẻ cho Đỗ Khang một giọt máu. Ngày thứ ba, đợi mãi đợi mãi, gần hết giờ Dậu vẫn không thấy bóng dáng một ai. Mãi đến cuối giờ Dậu xuất hiện một tên lưu manh, không còn cách nào khác, Đỗ Khang phải xin hắn một giọt máu.

Đã có đủ ba giọt máu xin đúng giờ Dậu, Đỗ Khang pha vào món nước kia uống thử, hiệu quả thật tuyệt vời. Đó cũng chính là thứ rượu mà chúng ta uống hiện nay. Vì vậy trong tiếng Hán, chữ “tửu - rượu” (酒) được cấu tạo gồm bộ chấm thuỷ (3 giọt máu) và chữ dậu (giờ Dậu 酉 ) đứng sau.


Thú vị hơn là chuyện uống rượu. Khi mới uống, vài ba chén ban đầu chính là chúng ta uống giọt máu của thi sĩ, vậy nên ai cũng ăn nói rất hoa mỹ, bay bướm, giàu ý thơ. Tiếp theo chúng ta uống giọt máu của tráng sĩ, đến lúc này sức khoẻ dường như vô biên, ai mời cũng uống, liên tục “dzô dzô” rồi “trăm phần trăm”. Cuối cùng là giọt máu của kẻ lưu manh, uống xong say xỉn phá phách, làm những điều bậy bạ, vi phạm thuần phong mỹ tục hay phạm pháp cũng là do uống đến giọt máu của kẻ lưu manh này.


Vậy nên uống rượu ngày nay, không được giống như các thi sĩ ngày xưa “bầu rượu túi thơ, uống xong “xuất khẩu thành chương”, nhưng cũng cố gắng giữ mình chỉ uống hết “giọt máu thứ nhất”. Quá lắm mới uống đến “giọt máu thứ hai” là cũng đã tốn tiền hại sức khoẻ rồi. Đừng uống đến “giọt máu thứ ba” mà không giữ được chính mình.


sưu tầm : Khamili Nguyen 中文学习者协会 (HỘI NHỮNG NGƯỜI HỌC TIẾNG TRUNG).

Friday, June 18, 2021

Tuổi trẻ bạn làm gì?

 




"Tuổi trẻ bạn làm gì?


Có người dốc hết lòng để yêu một người rồi được đáp trả bởi nụ cười hạnh phúc; cũng có người sống vật vã, đau khổ khi chỉ bước qua một mối tình.


Có người vùi đầu nơi công sở, ôm mộng quyền lực được phục tùng bởi kẻ khác; cũng có người than vãn, chán chường mãi nhưng chả bao giờ dứt ra được công việc họ nghĩ là vô vị.


Có người tiêu sạch tiền tiết kiệm để trải nghiệm, vì với họ đi để học; nhưng có người lại thích đọc để biết.


Những năm tháng thanh xuân, bạn đang muốn dùng hết chúng để tiêu vào việc gì?


Mình có những người bạn sống với những mục đích khác nhau, đến khi gặp nhau lại tạo nên những sắc màu đối lập. Cuộc sống này chẳng ai hoàn hảo trong mắt ai, cũng chẳng ai giỏi tất thảy và cũng chẳng dở toàn tập. Vậy nên, cứ mở mắt ra một ngày, thấy mình đang sống, ngại gì mà không thử sống cho từng mục đích ở từng thời điểm.


Quan trọng chẳng phải bạn đang làm gì, mà là bạn đang làm vì ai?"

洞房花燭-ĐỘNG PHÒNG HOA CHÚC

 

(Mấy nay học tiếng Hán lại, mỗi ngày một bài nhỏ nhỏ)



Động phòng hoa chúc phiên âm từ tiếng Hán 洞房花燭, là thành ngữ bắt nguồn từ một câu chuyện thời nhà Tần (221 TCN - 206 TCN) liên quan đến cung A Phòng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền sau khi xây dựng xong cung A Phòng, Tần Thủy Hoàng đã cho bức tuyển hàng vạn mỹ nữ trong thiên hạ để đưa vào đây. Tam Cô Nương là một cô gái xinh đẹp trong số hàng vạn mỹ nữ đó. Do không chịu nổi cảnh tù hãm, nhục nhã nên cô đã bỏ trốn khỏi cung, chạy đến núi Hoa Sơn. 


Tại đây, nàng đã gặp chàng trai nghèo tên là Thẩm Bác cũng chạy trốn đến đây. Sau đó, họ phải lòng nhau và kết tóc se duyên. Nhưng vì không có nhà cửa và chốn nương thân nên họ đã dùng hang động dưới ngọn núi làm nơi ở mới, sống bên nhau. Đêm đầu tiên ăn ở với nhau cũng ở cái hang động ấy. Về sau, người ta gọi chỗ ở mới của họ là Động phòng (洞房). 


Còn chữ chúc 燭 nghĩa là đuốc. Hoa chúc nghĩa là đuốc hoa. Trong văn hóa truyền thống Trung Nguyên, bó đuốc chưa đốt thì được gọi là “tiêu”. Đuốc châm lửa cầm tay gọi là “chúc”. Đuốc lớn đóng cọc xuống đất mà đốt thì gọi là “đình liệu”. Lệ xưa tại Trung Nguyên đời nhà Chu, khi đầu canh năm, vào lúc vua sắp ra thị triều, thì ở trước điện đình thường có cho bày hai hàng nến sáp, hoặc đuốc để thắp sáng đường cho bá quan văn võ vào triều.


Bước sang thời Lục triều và đời nhà Đường, nhà Tống dân gian có tục đốt hoa chúc trong lễ kết hôn. Bởi thế về sau này, để chỉ sự việc ai đó chính thức kết hôn, người ta thường dùng hình ảnh: “Hoa chúc”. Sang đến thời cận đại thì bởi vì khi đó công nghệ làm nến sáp (đèn cầy) đã rất phát triển rồi, nên người Trung Hoa đều hiểu “chúc” là nến, chứ không hiểu là đuốc như thời cổ nữa.


Động phòng hoa chúc” là thành ngữ thường được dùng để chỉ đêm động phòng đầu tiên của tân lang và tân nương. Trong căn phòng hạnh phúc ấy bao giờ cũng có đèn nến dùng để đốt vào đêm tân hôn. 


Nguồn: St

Thursday, June 17, 2021

 



“Mối quan hệ nào cũng có ý nghĩa cả. Bởi ngay cả khi nó không mang lại cho bạn thứ bạn muốn, nó cũng sẽ chỉ cho bạn thấy thứ mà bạn không muốn.”


(Phan Ý Yên)

Đừng tin vào những thứ có miệng, đừng đợi những thứ có chân và đừng mê mẩn những thứ lấp lánh

 


“Chân lý của cuộc đời là: Đừng tin vào những thứ có miệng, đừng đợi những thứ có chân và đừng mê mẩn những thứ lấp lánh.”


(Mộc Diệp Tử)



Con người ta có thể vượt qua mọi chuyện không phải bởi họ dũng cảm hay mạnh mẽ mà vì...

 



“Và rồi cô nhận ra rằng con người ta có thể vượt qua mọi chuyện không phải bởi họ dũng cảm hay mạnh mẽ mà vì họ không còn lựa chọn nào khác.”

 



"Trải qua nhiều chuyện như thế này rồi, cô của bây giờ thật sự không cần một ai bù đắp những tổn thương mà cô đã và đang phải chịu đựng, cô cũng không ngang ngược đến mức những tổn thương mà người trước gây ra thì lại bắt người đến sau bù đắp lại và xoa dịu lấy nó, cô đơn giản chỉ mong được đối xử tốt, đúng nghĩa của chữ tốt không hơn không kém, có thể điều này hơi xa xỉ trong mối quan hệ giữa con người và con người trong thời buổi bây giờ, nhưng đối với cô như vậy là đủ."

(quoted)


Tuesday, June 15, 2021

Tất cả mọi gặp gỡ trên đời, đều là...

 



“Nhân sinh tụ tan vô thường, có lẽ là vì có rất nhiều “tan vỡ”, nên sau này mới có rất nhiều “tụ họp”. Khi tụ họp vui vầy, khi tan vỡ cũng không đau buồn, tin rằng có duyên thì cuối cùng cũng sẽ trùng phùng với nhau bằng một phương thức khác. Nhưng những gì chúng ta có, rốt cuộc chỉ là cuộc đời của một kiếp này, kiếp sau xa xôi không nhắc tới được, không ai có thể chắc chắn, mình sẽ tiếp tục mối tiền duyên với ai.


Hãy sống hiện tại cho thật tốt, hãy trân trọng hết thảy những gì mình đang có, bởi vì một khi mất đi rồi, có thể sẽ là mất vĩnh viễn. Tất cả mọi gặp gỡ trên đời, đều là xa cách lâu ngày gặp lại, nhưng chúng ta cần gặp gỡ nhiều như thế để làm gì? Nếu như có thể, tôi nguyện xóa đi hết thảy gặp gỡ trong quá khứ, nguyện đời này chỉ có một mối duyên, chỉ yêu một người, chỉ có một trái tim, như thế kiếp sau gặp lại người ấy, chính là xa cách lâu ngày mà gặp lại.”


“Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi”/ Bạch Lạc Mai

Cái gọi là thành công, không phải là nhìn xem bạn thông minh bao nhiêu mà là...

 



Nếu bạn muốn một cuộc sống bình thường, vậy bạn sẽ gặp phải những ngăn trở bình thường. Nếu bạn muốn sống một cuộc sống tốt nhất, vậy bạn nhất định sẽ gặp phải những khó khăn lớn nhất. Thế giới này rất công bằng, bạn muốn thứ tốt nhất, vậy phải chấp nhận những vết thương đau nhất. Nếu có thể vượt qua, bạn thắng; nếu không thể, vậy hãy ngoan ngoãn lui về làm một người bình thường đi! Cái gọi là thành công, không phải là nhìn xem bạn thông minh bao nhiêu mà là bạn có thể mỉm cười vượt khó những cửa ải khó khăn hay không.

Sống đơn giản lại là cách sống vui vẻ và hạnh phúc nhất.

 



“Không giống thời tuổi trẻ thích xông xáo khắp nơi, chúng ta trưởng thành cùng với sự mài giũa của thực tế, những góc cạnh sắc bén cũng dần trở nên bằng phẳng, nhẵn nhụi hơn. Chúng ta không còn bất bình vì những điều nhỏ nhặt, không tức giận khi bị chơi xấu sau lưng mà học cách bình thản đối mặt với một thái độ ôn hòa. Đôi khi, thanh thản ổn định, tâm không nghĩ thì lòng không phiền, sống đơn giản lại là cách sống vui vẻ và hạnh phúc nhất.”




Friday, June 11, 2021

NHỎ VÀ LỚN




1. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng biết níu giữ là khôn ngoan. Nhưng khi lớn lên, ta mới nhận ra rằng biết buông bỏ mới là trí tuệ.

2. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng người giàu có là người lấy về rất nhiều. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng người giàu có là người cho đi rất lớn.

3. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng mạnh mẽ là vượt qua người khác. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng mạnh mẽ là vượt qua chính mình.

4. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng kẻ nói nhiều là kẻ thông minh. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng người biết lắng nghe mới là người thông thái.

5. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng nếu ta thắng phải có hơn người thua. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng đến nơi là mọi người cùng thắng.

6. Khi còn nhỏ, ta thường muốn sống thật lâu. Nhưng khi lớn lên, ta muốn sống sao cho có ý nghĩa với cuộc đời .

7. Khi còn nhỏ, ta thường muốn người khác chấp nhận mình. Nhưng khi lớn lên, ta nhận ra rằng chỉ cần mình chấp nhận mình là đủ.

8. Khi còn nhỏ, ta mong muốn thay đổi cả thế giới. Nhưng khi lớn lên, ta mong muốn thay đổi chỉ bản thân mình mà thôi.

9. Khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng khi trưởng thành, ta sẽ không còn bị tổn thương. Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng, trưởng thành là biết điều chỉnh tiếng khóc về chế độ im lặng.

10. Và khi còn nhỏ, ta thường nghĩ rằng có tiền sẽ có tình yêu, có vật chất người ta sẽ quý,….Nhưng khi lớn lên, ta mới biết rằng KHI LƯƠNG THIỆN BẠN SẼ CÓ MỌI TRÁI TIM. 


Nguồn : (Sưu tầm )

Thursday, June 10, 2021

SMILE



Trong tiếng Anh từ “smile” có nghĩa là nụ cười, thế bạn có biết nụ cười được tạo nên từ những thành tố nào không?
- Sweet: ngọt ngào.
- Marvellous: tuyệt diệu.
- Immensely likeable: vô cùng đáng yêu.
- Loving: đằm thắm.
- Extra special: thành phần phụ quan trọng.
Nụ cười tưởng chừng như rất bình thường nhưng lại là món quà vô giá mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho loài người. Chúng ta sẽ sống thế nào khi không biết cười? Chúng ta sẽ biểu lộ sự vui mừng bằng cách nào nếu không có nụ cười?
Nụ cười có thể xua tan mọi đau buồn, hàn gắn mọi vết thương, làm dịu đi nỗi cô đơn và quan trọng hơn hết là mang mọi người đến gần nhau hơn... Nụ cười là thứ tài sản quí giá mà không phải ai cũng dễ dàng có được nếu chẳng chịu mở rộng lòng mình để đón nhận nó... Hãy tạo cho mình nụ cười bằng những việc làm có ý nghĩa, bạn sẽ thấy cuộc đời này tuyệt diệu biết chừng nào!
Bạn có thể làm cho bản thân mình trở thành một con người mới: buổi sáng thức dậy mỉm cười, mỉm cười bước ra khỏi nhà, mỉm cười khi gặp gỡ người khác, khi làm việc mỉm cười, khi nghỉ ngơi cũng mỉm cười - tất cả điều này là một thói quen tốt. Mỉm cười là một niềm vui mà tự bạn có thể thực hiện được.
Khi bạn tặng nụ cười cho người khác, bạn có thể sẽ cảm nhận được niềm vui chân chính, người khác có được sự cổ vũ khích lệ của bạn, tâm tình của họ cũng có thể vì thế mà phấn chấn. Bạn hãy nhanh chóng tìm niềm vui đến cho người khác vì một thế giới thêm tươi đẹp, vì một trái tim muốn biểu lộ niềm vui, chúng ta mỉm cười!
10 lý do để mỉm cười:
- Mỉm cười đẹp hơn cái nhíu mày của chúng ta.
- Mỉm cười làm chúng ta vui vẻ thêm.
- Mỉm cười khiến ngày tháng chúng ta đã và sắp đi qua trở nên có ý nghĩa.
- Mỉm cười giúp ích đối với việc kết bạn.
- Mỉm cười biểu thị sự thân thiện, dễ gần.
- Mỉm cười tạo nên một ấn tượng tốt cho người khác.
- Mỉm cười với người khác, người khác cũng sẽ mỉm cười với bạn.
- Nếu bạn mỉm cười thì bạn càng trở nên tự tin và thu hút hơn.
- Nụ cười của bạn sẽ làm giảm bớt sự lo lắng của người khác.
- Một nụ cười có thể giúp bạn có tình yêu đích thực.

Friday, June 4, 2021

 Hôm nay trời thật đẹp nhưng ...




Đây là xe bán cơm cháy trước số nhà 196 đường Vạn Kiếp, Bình Thạnh( tp. HCM) của 2 cô chú. Điều đặc biệt là hai cô chú đều bị câm điếc đẩy xe bán cơm cháy.


Cơm được chú làm cháy và cán mỏng như bánh tráng nướng rất ngon và giòn. Kho quẹt có hành lá, tốp mỡ, tôm khô mặn vừa đủ chấm cơm, hoặc với rau luộc.Ngoài ra cô chú còn bán mấy món ăn vặt như bánh trứng cút nướng, bánh tráng nướng.


Lúc mình đang ăn cô mang khăn lạnh ra rồi đưa miếng giấy ghi 2 chữ "miễn phí" cho mình xem, thứ mà hầu hết quán ăn đều tính tiền dù giá món ăn đã 50-100k. Còn giá bán các món của cô chú chỉ từ 10-30k thôi.


Cô chú không nghe và nói được nên nếu đến ăn bạn nhớ chỉ lên menu hoặc ghi giấy nha. Ăn gì cũng tự tính tiền chứ đừng hỏi nhiêu tội cô chú 😛


Quán vắng khách, làm xong cho mình thấy hai cô chú đứng ngắm đường phố, quơ tay múa chân nói chuyện với nhau. Ngộ ghê. Rồi chú lấy tay lau mồ hôi trên trán cô như mấy đôi yêu nhau trên phim vậy. Ông trời đã không cho họ nghe và nói được nhưng đã cho hai con tim chung một nhịp đập đồng cảm với nhau.


Ăn xong tính tiền, mình đưa ngón cái ra dấu 👍 để khen món ăn ngon, cô chú cười gật đầu cảm ơn đáng yêu lắm.


“Hôm nay trời thật đẹp” và cô chú cũng vậy...


Nguồn: Nam+

#VIETNAMBUSINESSINSIDER

ĂN XIN Ở NHẬT



Bài: Hồng Tâm


Vì sao dù nghèo đói cỡ nào, Nhật Bản không bao giờ có người ăn xin?


Một điều kì lạ khi đến Nhật Bản đó là thật khó có thể gặp một người vô gia cư hay ăn xin nào đang ngửa tay ra xin tiền người qua đường trên phố. Tại sao vậy?


Một người Việt Nam trong lần đến thăm thành phố Ginza của Nhật Bản đã bắt gặp một cảnh tượng khiến anh vô cùng kinh ngạc. Anh kể rằng mình đã trông thấy một người đàn ông nhưng không biết có thể gọi là ăn xin hay không. Ông ấy mặc bộ Kimono màu vàng pha nâu được là ủi sạch sẽ tươm tất, chân đi giày trắng bóc như vừa mua từ cửa hiệu, tay cầm chuông, tay còn lại cầm chiếc bát gỗ, đầu đội chiếc nón che gần hết cả khuôn mặt. Ông ấy đứng im trên vẻ hè, ai đi ngang cho gì thì cho, nhưng ông không xin. Anh thắc mắc đến người hành khất cũng có lòng tự trọng đến nhường này sao?


Theo một số liệu thống kê thú vị, tại Tokyo có 2.000 người vô gia cư, nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp được bất kỳ người vô gia cư nào hay một cậu bé lấm lem nào trên đường phố Nhật Bản đang ngửa tay ra xin tiền một người qua đường hay một ai đó.


Chính phủ Nhật Bản đầu tư thực thi chính sách “trợ cấp nhân sinh”, có nghĩa là bất kỳ người nghèo hay người vô gia cư khi cảm thấy điều kiện vật chất quá khó khăn và cần được giúp đỡ thì họ có thể đến chính quyền địa phương xin nhận trợ cấp. Trung bình một người có thể nhận số tiền trợ cấp hàng tháng lên tới 120.000 Yên (khoảng hơn 22 triệu đồng) để trang trải cuộc sống tối thiểu. Tuy nhiên, rất nhiều người nghèo ở Nhật Bản từ chối nhận chính sách này.


Hầu hết những người vô gia cư ở Nhật Bản đều là những người già, trẻ em khuyết tật, chủ doanh nghiệp bị phá sản, nhân viên văn phòng, sinh viên tốt nghiệp ra trường vì một lý do nào đó mà phải rẽ ngang cuộc đời. Dù rơi vào bế tắc hay bi thương họ không hề ngửa tay ra xin tiền, đơn giản vì họ nghĩ rằng như vậy đang làm mất đi lòng tự tôn trong nhân cách của mình.


Lòng tự trọng của người Nhật rất cao, họ cho rằng mình có thể chết nhưng không được xin của bố thí. Tại Nhật Bản, những người ăn xin là những người bị coi thường nhất, vì họ cho rằng tinh thần võ sĩ đạo sẽ không cho phép họ làm vậy.


Cũng chính bởi vậy, từ đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến tranh khốc liệt, Nhật Bản đã tự vươn mình trở thành một siêu cường quốc kinh tế chỉ trong một thời gian ngắn, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.


Tự trọng – Tinh thần võ sĩ đạo trong tính cách người Nhật


Lòng tự trọng được xem là giá trị cốt lõi trong văn hóa của người Nhật. Không chỉ riêng đối với người giàu mà ngay cả người vô gia cư cũng hiểu rằng, sự tôn nghiêm làm nên một con người chứ không phải tiền bạc hay chức vị.


Giáo dục cho trẻ em về lòng tự trọng trong nhân cách được người Nhật chú trọng ngay từ những khi còn bé. Đến Nhật, bạn có thể trông thấy một cậu bé 2-3 tuổi đang lẫm chẫm tập đi theo mẹ, nhưng nếu chẳng may trượt ngã, không bao giờ người mẹ cuống quýt, vội vã đỡ con dậy. Thay vào đó, mẹ cậu bé sẽ quay lại và nói:


 Con hãy cố tự mình đứng dậy nhé! 


Không dựa dẫm, tự đứng dậy ngay tại chính nơi mình vấp ngã là bài học về lòng tự trọng đầu tiên mà mỗi người con Nhật Bản được học ngay từ khi bé.


Có thể bạn chưa biết, tại Nhật, khi một người cảnh sát khi bắt gặp một người lái xe vi phạm luật giao thông, anh ấy sẽ không bắt người tài xế xuống xe mà sẽ bước đến bên buồng lái hỏi chuyện với người tài xế chỉ vì muốn giữ lòng tự trọng cho người lái xe.


Tại một cửa hàng của Nhật Bản, người chủ tiệm đã quyết định lắp đặt camera để quản lý trông coi hàng hóa phòng trường hợp bị mất cắp. Ngay một thời gian sau, không có bất kỳ vị khách nào ghé đến cửa hàng mua đồ nữa, họ tẩy chay chủ tiệm vì ông ấy đã làm tổn thương lòng tự trọng của mình. Cũng từ đây, trong các siêu thị hay tiệm tạp hóa của Nhật đều không lắp camera như các nơi khác.


Và một điều kì lạ trong hàng tá những kì lạ về xứ sở này đó chính là chỉ trong vài ba năm, nước Nhật có tới từ 4-5 Thủ tướng, không phải người đứng đầu của đất nước bị cách chức mà họ xin từ chức. Từ chức vì lòng tự trọng.


Trong bất kể một lĩnh vực nào, dù chỉ là một sai phạm nhỏ, dù đó là do cấp dưới gây ra, người đứng đầu luôn nhìn nhận rằng nguyên nhân dẫn đến hậu quả này xuất phát từ chính họ, là lỗi của mình. Có câu chuyện kể về một vị giáo sư khi bị người khác đâm xe làm ngã, ông đứng dậy và nói với người làm ông ngã rằng: “Xin lỗi, vì tôi mà ông gây ra chuyện này!”


Người Nhật rất kiêng kị xúc phạm người khác. Trong giao tiếp, họ luôn cố gắng tìm cách nói giảm, nói tránh bằng những hành động ít mang tính đe dọa, không làm tổn thương người khác trước đám đông vì người Nhật muốn giữ lòng tôn nghiêm cho người khác.


Vậy tự trọng là gì mà từ một giáo sư học thức đến một người ăn xin ngoài đường coi trọng đến vậy?


Tự trọng là một phẩm chất cao quý, ước chế con người ta không phát sinh tham lam, tật đố; tự trọng hướng con người ta đi đúng đường, bước đúng bước không mưu cầu quá nhiều mà biết sống đúng mực. Tự trọng có thể được xem như thước đo của đạo đức mà con người có thể dùng để đối đãi với nhau. Không có tự trọng hay lòng tự tôn nhân cách con người dễ bị hoen ố, sống không cần biết quan tâm đến xung quanh và dần trở nên tha hóa. Cũng bởi vậy mà tự trọng đã trở thành bài học đầu tiên mà mỗi em nhỏ người Nhật được học ngay những bước vấp ngã đầu tiên của cuộc đời.


Người Nhật hiểu rằng, giữ lòng tự trọng không phải mục đích vì để thể hiện tôi là ai, tôi là người như thế nào với người khác; mà họ tin khi có tự trọng con người sẽ biết phân biệt đâu là đúng, đâu là sai; điều gì nên và không nên làm, từ đó mà gặt hái sự tôn nghiêm của chính bản thân mình. Tự trọng trong văn hóa người Nhật xuất phát từ tâm niệm sống tốt đẹp, dạy con người ta biết vươn lên sau những khó khăn; luôn cố gắng suy nghĩ và hạn chế tối đa thương tổn trong tâm người khác. Nhật Bản ngày nay có lẽ đã không chỉ là xứ sở của hoa anh đào hay những ngọn núi tuyết cao sừng sững, mà còn là đất nước của những giá trị nhân cách cao cả.


Từ fb Bùi Văn Phùng

Wednesday, June 2, 2021

Tiếc...






Ngủ đủ giấc, 6h sáng, thức sớm sau một giấc mơ đẹp.
Tiếc giấc mơ, cuộn mình ngủ tiếp để mơ lại thì thức dậy quên luôn giấc mơ.
Thấy chưa?! Đã nói đừng có tham mà!...Hix...


Dưỡng...Ủ...




"Tôi nói với em nhé, em cứ tiếp tục nghĩ về điều đó & người đó, ít nhất 1 năm nữa đi. Mỗi sáng thức dậy, mỗi tối trước khi ngủ... Nghĩ về nó như nghĩ về một cuộc hôn nhân chính thức. Em có thể bắt đầu với niềm háo hức nhưng phải gìn giữ bằng những giản dị thường ngày...Nó không giống như một đôi bông tai, một chiếc vòng, để khi chán không cần nữa em có thể tháo ra. Nó đã trở thành một phần bất biến trong cơ thể em rồi. Có trách nhiệm với nó cũng là có trách nhiệm với cuộc đời mình vậy...!
Nếu sau chừng đó thời gian mà em vẫn thấy mọi thứ trong tim mình ấm nồng...Người kia cũng vậy...Lúc đó, hãy nói cho tôi biết "Em nghĩ tình cảm đó là gì?"
(Nhược Lạc, edited)