Thursday, June 24, 2021

 NGUỒN GỐC HAI CHỮ "TẢO TẦN"



     “Tảo tần” là một từ để chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, thường là của phụ nữ. Nhưng nguồn gốc của từ này là như thế nào?


     "Tảo tần", chữ Hán viết là "藻蘋" (zǎo píng), trong đó:

     - TẢO 藻 là rong rêu, chỉ chung các thứ cỏ mọc ở dưới nước. Như “hải tảo” 海藻 là rong biển.

     - TẦN 蘋 còn đọc với âm "bình", là rau lục bình nổi trên mặt nước, ta  thường gọi là bèo.


     Như vậy, "tảo tần" là  rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Do đó người vì đạo hiếu với tổ tiên mà lặn lội đi tìm rau tảo rau tần là người đảm đang, đáng khen ngợi.


     Trong bài “Thái Tần” 采蘋 trong Kinh Thi cũng có viết rằng:


     于以采蘋?Vu dĩ Thái Tần,

     南澗之濱。Nam gián chi tân

     于以采藻?Vu bỉ Thái Tảo

     于彼行潦。Vu bỉ hàng lạo


      Dịch nghĩa:

     

     Đi hái rau Tần,

     bên bờ khe phía nam,

     đi hái rau Tảo,

     bên lạch nước kia.


     Dịch thơ:


     Để mà đi hái rau tần,

     Núi nam hay mọc ở gần bờ khe.

     Tảo kia ta hái luôn về,

     Bên đường nước chảy dầm dề sau mưa.

     

     Hai câu thơ trên ca ngợi người “vợ hiền dâu thảo”, chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, “Tảo Tần” tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay lam hay làm của người phụ nữ.


     Tóm lại, từ phong tục cổ về thờ cúng, “tảo tần” trở thành từ chỉ chung sự đảm đang, rồi theo thời gian nghiêng về nét nghĩa chịu thương chịu khó, lo toan việc nhà trong cảnh sống khó khăn của người phụ nữ.