Friday, June 18, 2021

洞房花燭-ĐỘNG PHÒNG HOA CHÚC

 

(Mấy nay học tiếng Hán lại, mỗi ngày một bài nhỏ nhỏ)



Động phòng hoa chúc phiên âm từ tiếng Hán 洞房花燭, là thành ngữ bắt nguồn từ một câu chuyện thời nhà Tần (221 TCN - 206 TCN) liên quan đến cung A Phòng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền sau khi xây dựng xong cung A Phòng, Tần Thủy Hoàng đã cho bức tuyển hàng vạn mỹ nữ trong thiên hạ để đưa vào đây. Tam Cô Nương là một cô gái xinh đẹp trong số hàng vạn mỹ nữ đó. Do không chịu nổi cảnh tù hãm, nhục nhã nên cô đã bỏ trốn khỏi cung, chạy đến núi Hoa Sơn. 


Tại đây, nàng đã gặp chàng trai nghèo tên là Thẩm Bác cũng chạy trốn đến đây. Sau đó, họ phải lòng nhau và kết tóc se duyên. Nhưng vì không có nhà cửa và chốn nương thân nên họ đã dùng hang động dưới ngọn núi làm nơi ở mới, sống bên nhau. Đêm đầu tiên ăn ở với nhau cũng ở cái hang động ấy. Về sau, người ta gọi chỗ ở mới của họ là Động phòng (洞房). 


Còn chữ chúc 燭 nghĩa là đuốc. Hoa chúc nghĩa là đuốc hoa. Trong văn hóa truyền thống Trung Nguyên, bó đuốc chưa đốt thì được gọi là “tiêu”. Đuốc châm lửa cầm tay gọi là “chúc”. Đuốc lớn đóng cọc xuống đất mà đốt thì gọi là “đình liệu”. Lệ xưa tại Trung Nguyên đời nhà Chu, khi đầu canh năm, vào lúc vua sắp ra thị triều, thì ở trước điện đình thường có cho bày hai hàng nến sáp, hoặc đuốc để thắp sáng đường cho bá quan văn võ vào triều.


Bước sang thời Lục triều và đời nhà Đường, nhà Tống dân gian có tục đốt hoa chúc trong lễ kết hôn. Bởi thế về sau này, để chỉ sự việc ai đó chính thức kết hôn, người ta thường dùng hình ảnh: “Hoa chúc”. Sang đến thời cận đại thì bởi vì khi đó công nghệ làm nến sáp (đèn cầy) đã rất phát triển rồi, nên người Trung Hoa đều hiểu “chúc” là nến, chứ không hiểu là đuốc như thời cổ nữa.


Động phòng hoa chúc” là thành ngữ thường được dùng để chỉ đêm động phòng đầu tiên của tân lang và tân nương. Trong căn phòng hạnh phúc ấy bao giờ cũng có đèn nến dùng để đốt vào đêm tân hôn. 


Nguồn: St