Hắn là một kẻ xấu xí. Nhưng mỉa mai thay, hắn không biết điều ấy. Hắn là một kẻ giết người. Nhưng tệ hơn, hắn tự hào về điều đó. Hắn tự cho mình là vị vua ở vương quốc của riêng hắn. Và thật khủng khiếp, hắn có rất nhiều thần dân, những kẻ sẵn sàng quỳ rạp, van xin, khóc lóc để thể hiện lòng sùng bái trước hắn.
Bởi vì hắn là bá chủ mùi hương.
Hắn, cái gã bệnh hoạn Jean-Baptiste Grenouille, là thiên tài sáng chế nước hoa bậc nhất thiên hạ đã gây cho tôi ám ảnh một thời gian dài sau khi gấp cuốn tiểu thuyết “Mùi hương” của nhà văn người Đức Patrick Süskind lại. Văn học siêu thực những tưởng sẽ là một thứ khó hiểu, không dễ gì cảm nhận thì với “Mùi hương”, tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ và quan niệm của mình về dòng văn học này. Nếu cho tôi được đánh giá cuốn tiểu thuyết này chỉ bằng một từ, tôi sẽ nói rằng nó thực sự “Điên”. Cái “điên” vừa kỳ dị, vừa mê hoặc. Cái “điên” được sáng tạo một cách đầy nghệ thuật, lãng mạn. Gạt bỏ lý trí, những định kiến, những rào cản tâm lý,sang một bên để tận hưởng cuốn tiểu thuyết này, nếu không, bạn sẽ rất dễ bị những cơn buồn nôn gây khó dễ. Và tôi dám khẳng định nếu trong chốc lát bạn có trách Patrick Süskind tại sao lại có thể nghĩ ra một cốt truyện như thế, bạn sẽ vẫn phải ngợi ca cuốn sách này bởi vẻ đẹp nghệ thuật ma mị của nó.
Grenouille , đã bị chính số phận khinh miệt mình với một cái họ xấu xí, tiếng Pháp có nghĩa là “Con cóc”. Nó được sinh ra ở thời điểm nước Pháp bị bao phủ bởi một thứ mùi hôi thối mà “con người văn minh ngày nay không thể hình dung nổi”. Những bãi phân la liệt ngoài đường, những bãi sân sau sặc sụa mùi nước tiểu, những bậc thang chật hẹp tăm tối khẳn lên mùi gỗ mủn, những căn bếp toàn bắp cải thối và mỡ cừu, ai ai cũng bốc lên những thứ mùi khó chịu kể cả tầng lớp hạ lưu đến thượng lưu. Đó là ngày 17 tháng 8 năm 1738, ngày nóng bức nhất trong năm. Khi trở dạ, mẹ của Grenouille, một cô bán cá khá xinh xắn tại sạp trên Rue aux Fers – nơi hôi thối nhất Paris, đang đánh vẩy cá. Bốn lần sinh nở trước, những đứa con của ả đều chết. Đứa thì chết ngay tức khắc, đứa thì bị kéo sang nghĩa trang hoặc tống xuống sông. Nhưng Grenouille thì lại sống, nó khóc ré lên trước sự khinh bỉ, ruồng rẫy của mọi người xung quanh và chính mẹ đẻ nó. Người ta bảo Grenouille bị quỷ ám, không có mùi.
Nhưng Grenouille – sau này được rửa tội và đặt tên là Thánh là Jean-Baptiste lại được trời phú cho một khứu giác cực nhạy. Thời gian rảnh, vì rất cô độc, Grenouille dành thời gian cho riêng mình đi hết mọi ngang cùng ngõ hẻm để khám phá toàn bộ mùi hương của Paris. Hắn cô độc, người ta ghét hắn, coi khinh, sợ hãi hắn. Hắn chỉ có những mùi hương ưa thích làm bạn. Hắn tìm được điều gì đẹp đẽ ở một Paris đang bốc mùi hôi thối như thế?
Vào một ngày nọ, khi đã nhớ được hết những mùi hương khắp các xó xỉnh Paris, hắn phát hiện ra rằng, thứ mùi tinh tế, thuần khiết, tuyệt diệu nhất phát ra từ những trinh nữ. Nhưng cái thứ mùi ấy, để lấy được, sẽ không đơn giản. Vậy hắn phải bắt đầu từ đâu?
Hắn bắt đầu tìm kiếm cách thức để bảo quản mùi hương. Grenouille đến học việc một nhà sáng chế nước hoa nổi tiếng tên là Baldini. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, hắn đã trở nên vượt trội người thầy và chính hắn đã giúp Baldini vươn lên trở thành nhà làm nước hoa nổi tiếng, đắt khách nhất Paris. Trước khi dứt áo ra đi, Grenouille đã truyền lại cho Baldini những công thức chế tạo nước hoa do chính hắn nghĩ ra. Còn hắn thì đi đến Grasse, miền đất hứa cho những nhà làm nước hoa vì hắn được chỉ rằng có rất nhiều cách khác để bảo quản mùi hương.
Bảy năm sau, hắn bắt đầu tỏ ra kinh hãi những “uế khí” của con người. Hắn không thể chịu đựng được mùi hôi thối phát ra từ họ. Lúc này, Grenouille tìm đến đỉnh núi Plomb du Cantal vùng Massif Central để sống tách biệt với loài người, tạo cho mình một vương quốc tưởng tượng. Hắn mỗi lúc càng bị thu hút bởi mùi hương đặc biệt khi xưa từ những trinh nữ. Rồi hắn may mắn có cơ hội được chứng tỏ tài năng chế tạo nước hoa của mình với giới quý tộc.
Và Grenouille bắt đầu giết người. Tại sao? Hành động sát nhân giúp ích gì cho việc sáng chế nước hoa? Grenouille giết ai? Giết như thế nào? Hắn có bị bắt không? Có bị trả giá không? Rốt cuộc thì đây là một gã quái quỷ gì?
Patrick Süskind nói hắn là kẻ kinh tởm nhất mọi thời đại. Hắn có bị trả giá, thậm chí cái kết của hắn còn vượt mọi sức tưởng tượng của độc giả, và có khi là chính tác giả. Bằng nghệ thuật ẩn dụ tinh tế, nhà văn người Đức vẫn khiến người đọc thở phào nhẹ nhõm sau hành trình đầy tội lỗi nhưng mê hoặc mà Grenouille đem lại, bởi một kẻ ghê tởm như vậy không thể nghiễm nhiên là một “nàng thơ”.
Cuộc đời của Grenouille là một hành trình mùi hương: sinh ra ở nơi hôi thối bậc nhất – cơ thể dị hợm không có mùi – trở thành thiên tài sáng chế nước hoa. Nỗi ám ảnh lớn nhất của tôi khi đọc “Mùi hương” chính là sự vô cảm tuyệt đối của Grenouille đối với thế giới và con người xunh quanh hắn. Với những gì viết ra trong trang sách, dường như Grenouille là kẻ không hề có trái tim. Hắn không có rung động, không vui, không buồn, không hỉ nộ ái ố, không có bất kỳ khái niệm nào về nhân sinh quan, cứ như thể hắn tuyệt nhiên chỉ là một hình nhân được định nghĩa bằng “Mùi hương”.
“Mùi hương” viết về xã hội thế kỷ 18, khoảng thời gian biến động tồn tại những kẻ thiên tài nhưng cũng đáng ghê tởm. 3 thế kỷ đã trôi qua nhưng bây giờ, tôi vẫn đang nhìn thấy một xã hội khác đầy rẫy những kẻ bệnh hoạn, những kẻ coi thường đạo lý, độc ác, mất nhân tính chẳng kém gì Grenouille. Thời gian có thể thay đổi nhưng chúng ta sẽ luôn phải đối mặt với những điều rác rưởi, tệ hại. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, nếu không phải đối diện với tòa án lương tâm thì những thứ đó cũng sẽ vẫn bị trừ khử bởi chính điều chúng gây ra.
Tôi nghĩ mình không nên viết nhiều về “Mùi hương”. Tôi cũng sẽ không viết cảm nhận của mình ở đây bởi cuốn tiểu thuyết này sẽ cho bạn mặc sức tưởng tượng và suy nghĩ theo lối của riêng bạn mà không cần tuân theo bất kỳ luân thường nào. Độc giả, tôi mong và khẩn thiết muốn các bạn đọc “Mùi hương” và tư duy theo cách riêng rồi sau đó, nếu có dịp, tôi sẽ rất hân hạnh được đàm đạo với các bạn về cuốn tiểu thuyết đặc sắc này.