Tuesday, January 26, 2021

NHỮNG QUYỀN LỰC NGẦM CHI PHỐI CHÍNH TRỊ MỸ (1): CHỦ NGHĨA NƯỚC MỸ XUẤT CHÚNG



Ghi chép ngắn từ “Nước Mỹ chuyện chưa kể” của Oliver Stone & Peter Kuznick

Chúng ta thường hình dung về nước Mỹ như một quốc gia lý tưởng mà ở đóng chính quyền phải tôn trọng các quyền tự do dân sự. Không ít người quan tâm tới tình hình thế giới đều đặt kỳ vọng rằng tổng thống Mỹ, chính quyền Mỹ sẽ mang lại tự do, dân chủ không phải chỉ cho người dân Mỹ mà còn cho cả thế giới. Niềm tin này chắc chắn sẽ bị thách thức khi họ đọc cuốn sử về nước Mỹ trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 có tên “Nước Mỹ chuyện chưa kể” (Tên tiếng Anh: “The Untold History of United State”) của Oliver Stone và Peter Kuznick.


Hai tác giả của “Nước Mỹ chuyện chưa kể” bằng những chứng cứ được thu thập từ báo chí, văn bản hành chính, hồ sơ được giải mật… đã phơi bày những thế lực ngầm đã chi phối nền chính trị Mỹ mà trong đó đa số các tổng thống Mỹ chỉ là quân cờ cho các thế lực này. Thế lực ngầm này có thể là vô hình, có thể là đang hiện diện,… tất cả đều luôn tìm cách để bóp nghẹt các quyền tự do dân sự của người dân Mỹ và chắc chắn sẽ không mang lại quyền tự do dân sự cho người dân của các quốc gia khác. Đọc từng trang sách, tôi có thể khẳng định một điều rằng: người dân Mỹ muốn có được các quyền tự do của mình, họ buộc phải tự nhận thức, tự đòi hỏi, tự đấu tranh một cách ôn hòa để giành lấy. Quyền tự do không bao giờ là thứ mà các chính quyền tự “ban” cho người dân, kể cả khi chính quyền ấy luôn tuyên ngôn về tự do.


Nỗi ám ảnh về một nước Mỹ xuất chúng

Năm 1941, tài phiệt tạp chí Henry Luce đã tuyên bố rằng thế kỷ 20 là “thế kỷ Hoa Kỳ”. Qủa vậy, trong suốt thế kỷ 20, nước Mỹ đã vươn lên trở thành quốc gia số 1 thế giới về mọi mặt, và đến năm 1977, xu hướng ủng hộ một nước Mỹ bá quyền với quyền lực rộng khắp thế giới đã trở nên phổ biến. Đó là một nước Mỹ “đã tham chiến ở ba nước Hồi giáo và tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, hay còn được gọi mĩ miều là ám sát có mục tiêu, tại ít nhất sáu quốc gia khác”; “có căn cứ quân sự ở tất cả các khu vực trên địa cầu này, mà đếm sơ qua tổng số cũng đã hơn một nghìn”; “chi phí quân sự của Mỹ lại nhiều bằng tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại”; “sở hữu hàng ngàn vũ khí hạt nhân, rất nhiều trong số đó được đặt trong tình trạng sẵn sàng tuyệt đối dù không có quốc gia nào gây ra mối đe dọa cận kề”; “khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ lớn hơn bất kì quốc gia nào trên thế giới”;  “một nhóm ít ỏi vài người – dù con số hiện nay là  300, 500 hay 2000 – lại kiểm soát của cải nhiều hơn 3 tỉ người nghèo nhất thế giới”; “một nhóm nhỏ vài người Mỹ giàu có lại có ảnh hưởng lớn đến thế đối với chính sách quốc nội, chính sách đối ngoại và truyền thông.” Nhưng đó cũng là một nước Mỹ “chưa hề có một chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân”; “phần lớn người dân đều thấy quyền lực thực sự và chất lượng cuộc sống của họ đi xuống”; người dân “chấp nhận, ở nhiều mức độ, sự giám sát, sự can thiệp của chính phủ, những quyền tự do của công dân bị lạm dụng, sự riêng tư bị xâm phạm”; “tỉ lệ người lao động tham gia công đoàn thấp nhất trong các nước dân chủ và công nghiệp phát triển”… Tất cả những vấn đề này, theo các tác giả của “Nước Mỹ chuyện chưa kể” “sẽ khiến các Tổ phụ Lập quốc và các thế hệ ông cha phải kinh hãi”. (trang 17-18)


Nếu như thời lập quốc, lý tưởng về sự tự do và bình đẳng được khẳng định trong Hiến pháp Mỹ, thì ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ, chính quyền Mỹ lại tôn sùng sự xuất chúng và để đạt được sự xuất chúng, họ sẵn sàng đạp bỏ lý tưởng về tự do và bình đẳng. Họ cười nhạo “bản thiết kế về một thế giới trù phú dựa trên khoa học và công nghệ, một thế giới nghiêm cấm thực dân và bóc lột kinh tế, một thế giới hòa bình và thịnh vượng được chia sẻ” do Cựu Phó Tổng thống Henry A. Wallace đề xướng là “mộng mơ” và “thiếu thực tế”. (trang 17).


“Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng” (American exceptionalism) là các dùng từ mang tính chỉ trích của Joseph Stalin dành cho chủ thuyết cho rằng nước Mỹ luôn vượt trội hơn so với các quốc gia khác. Lấy cảm hứng từ cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, nhà khoa học chính trị Seymour Martin Lipsen đã gọi Mỹ là “quốc gia mới đầu tiên”; tiếp sau đó, sử gia người Pháp Alexis de Tocqueville đã mô tả nước Mỹ như một đất nước “đặc biệt”. Mặc dù “Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng” là cách gọi mà “kẻ thù” của nước Mỹ đặt ra, nhưng nó vẫn phản ánh đúng thực trạng lịch sử về đức tin về một nước Mỹ vĩ đại hơn tất thảy các quốc gia khác trên thế giới.


Hai tác giả của “Nước Mỹ chuyện chưa kể” mở đầu cho những hình dung về một “nước Mỹ xuất chúng” bằng tuyên bố của tổng thống nổi tiếng Woodrow Wilson sau hòa ước Versailles: “Cuối cùng thế giới cũng biết được rằng nước Mỹ chính là cứu tinh của thế giới này”. Một thực tế được phơi bày: 58% người dân Mỹ đều tin rằng “Chúa trao cho nước Mỹ một vai trò đặc biệt trong lịch sử nhân loại”. Đây chính là trọng điểm mà Đảng Cộng Hòa luôn sử dụng để thuyết phục những cử tri của mình (trang 20-21). Không hề lạ khi tổng thống Barack Obama bị nhiều người coi là phản bội lại nước Mỹ khi ông từ chối lan truyền tư tưởng nước Mỹ là món quà của Chúa dành cho thế giới, và cũng không lạ khi Tổng thống Donald Trump sử dụng câu slogan “Make America great again!” cho chiến dịch vận động bầu cử của mình vào năm 2016.


Động lực về một nước Mỹ xuất chúng, một nước Mỹ vĩ đại đã luôn thôi thúc nước Mỹ phát triển thành một mô mình “đế quốc kiểu mới”, chưa từng có trong lịch sử. Mặc dù không chiếm lĩnh đất đai và kiểm soát dân số ở các quốc gia khác, nhưng nước Mỹ đã thúc đẩy sự kiểm soát kinh tế trên khắp thế giới và củng cố bằng quyền lực quân sự với vũ khí và trang thiết bị tối tân. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này ở phần sau về Quyền lực của tổ hợp công nghiệp quân sự.


Ngay từ cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng đã nuôi mầm cho tính thượng đẳng của quân đội Mỹ. Trong cuộc “giải phóng” Phillipine khỏi sự xâm chiếm của thực dân Tây Ban Nha, những người lính Mỹ đã tàn sát những người Phillipine “mọi rợ” mà họ giải phóng. Thậm chí, họ không giấu được cơn hưng phấn trong những bức thư gửi về cho người thân: “Chúng con hăng máu kinh khủng và ai cũng muốn giết mấy đứa đen thui đó… Kiểu săn người này hay hơn săn thỏ rất nhiều”. Lý giải cho cuộc giết chóc này, Thượng nghị sĩ Albert Beveridge không ngần ngại tuyên bố rằng Phillipine mãi mãi thuộc về nước Mỹ, Thái Bình Dương thuộc về nước Mỹ và “cường quốc nào kiểm soát được Thái Bình Dương sẽ kiểm soát được thế giới”, Chúa đã chọn nước Mỹ để “cai trị thế giới”. (trang 31) Và rồi, sau khi giết chết 20.000 quân du kích, hơn 200.000 dân thường, chính quyền Mỹ thời bấy giờ vẫn tự tin rằng họ đã đem nền văn minh đến với những người lạc hậu.  Bắt đầu từ đây, nước Mỹ bước vào con đường của chủ nghĩa đế quốc. Từ năm 1900 đến 1925, một loạt các quốc gia xung quanh Thái Bình Dương bao gồm Cuba, Panama, Haiti, Nicaragua, Cộng hòa Dominican, Mexico, Guatemala, Honduras… liên tục bị can thiệp bởi quân đội và các tập đoàn của Mỹ. (trang 35,36)


Nhưng một sự thật hiển nhiên ít người chấp nhận đó là thế lực được lợi lớn trong ước ao “vĩ đại” và “xuất chúng” này của nước Mỹ lại không phải chính quyền Mỹ hay người dân Mỹ, mà là các nhà tài phiệt. Tập đoàn United Fruit Company là tập đoàn đầu tiên hưởng lợi từ những cuộc chiến “giải phóng” các quốc gia bị coi là lạc hậu và mông muội tại Mỹ Latin. Ngay sau khi Mỹ xóa tan ảo tưởng độc lập của người Cuba thì các tập đoàn United Fruit Company đã thu mua 1,9 triêu arce đất trồng mía với giá 20 cent/arce; và tính đến năm 1901 thì tập đoàn Bethlehem Steel đã chiếm 80% các mỏ khoáng tại Cuba. Những tập đoàn này chỉ chấp nhận những nhà cầm quyền địa phương ngoan ngoãn có lợi cho chính sách kinh tế của họ. (trang 34) Trong suốt quá trình can thiệp vào các nước Mỹ Latin, những tập đoàn này liên tục mở rộng khối tài sản khổng lồ của mình, tới mức hai tác giả của “Nước Mỹ chuyện chưa kể” phải thốt lên: “chiến tranh vẫn là “một chiếc vợt” hữu ích khi các binh đoàn và các chiến dịch tình báo vẫn được triển khai rộng rãi trên khắp thế giới để bảo vệ các lợi ích kinh tế và địa chính trị của giới tư bản Mỹ”. (trang 38) Và chính tổng thống Woodrow Wilson – người đã tuyên bố hùng hồn cho sứ mệnh cứu thế của nước Mỹ, cũng khẳng định một cách mạnh mẽ không giấu diếm rằng: “Không có gì khiến tôi quan tâm hơn việc phát triển trọn vẹn nhất thương mại Mỹ và quyền chinh phục chính đáng của Mỹ ở thị trường nước ngoài”. (trang 42) Một loạt các thủ pháp can thiệp đã được chính quyền Wilson thực hiện tại Mexico, bao gồm: phản đối chính quyền sở tại, lấy cớ chọn người tài nhúng tay vào bầu cử, “kèm cặp” chính quyền mới được dựng lên, đưa quân đội áp sát lãnh thổ để đe dọa, tăng đầu tư tài chính của các tập đoàn Mỹ tại quốc gia này để tiếp tục khai thác… (trang 43). Một loạt các hoạt động song hành giữa quân đội và các tập đoàn Mỹ là minh chứng hiện hữu trong thế kỷ 20 cho kết luận nổi tiếng của nhà văn chống lại thể chế toàn trị George Orwell: “Chiến tranh với nước ngoài chỉ diễn ra khi tầng lớp giàu có nghĩ rằng họ sẽ thu lợi từ nó”.


Trong suốt Thế chiến I, Mỹ tuyên bố “trung lập” và sự trung lập này đã mang lại nguồn lợi khổng lồ cho nước Mỹ thông qua buôn bán vũ khí cho cả hai phe thuộc Thế chiến I. Không chỉ vậy, Mỹ còn thực hiện một cuộc “buôn người thắng trận” bằng cách ở những thời điểm quan trọng, Mỹ đã cho phe Hiệp Ước vay số tiền 2,5 tỉ USD trong khi chỉ cho phe Liên Minh Trung Tâm số tiền 27 triệu USD. Đế chế tài chính của gia tộc Morgan đã “can dự sâu vào cuộc chiến bằng cách trở thành đại diện mua hàng duy nhất của chính phủ Anh từ 1915 đến 1917” và đã cung cấp tới 84% đạn dược của phe Hiệp Ước (trang 46). Kết thúc chiến tranh, nước Đức cũng phải trả một cái giá không hề nhỏ để đổi lấy hòa bình, và đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến Thế chiến II. Một lần nữa, đế chế tài chính Morgan lại can thiệp vào Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 bằng cách ủng hộ Đức phải bồi thường 40 tỷ USD và đại diện tài chính của Wilson tại Hội nghị là  Thomas Lamont đã đảm bảo rằng quyền lợi của tập đoàn Morgan được đảm bảo. (trang 77).


Những năm 20s của thế kỷ XX, nước Mỹ đã thay thế vị trí của Anh – Pháp trên chính trường thế giới, các tập đoàn Mỹ vươn tay thao túng khắp thế giới, đặc biệt là các tập đoàn dầu mỏ. Khi “trung lập” và đứng ngoài quan sát cuộc chiến giữa Anh và Đức trong Thế chiến I, Mỹ đã nhận ra dầu mỏ là quyền lực kiểm soát thế giới khi thấy hai quốc gia này liên tục sử dụng chiến thuật cắt đứt nguồn cung dầu mỏ của nhau. Từ đó, Mỹ nhanh chóng cung cấp nguồn hàng dầu mỏ trong chiến tranh, chiếm tới 80% nhu cầu xăng dầu của phe Hiệp Ước trong thời chiến. Trước đó, công ty dầu Royal Dutch Shell của Anh đã chọn cách đầu tư chủ chốt tại Venezuela để khai thác dầu thay vì Mexico, và dung dưỡng nhà độc tài Juan Vincente Gómez biến đất nước này thành đồn điền riêng cho mình. Để soán ngôi Royal Dutch Shell, Standard Oil tại bang Indiana đã mua hai tập đoàn dầu của Mỹ tại Venezuela. (trang 79)


Chủ nghĩa nước Mỹ xuất chúng đã đi đến chiều hướng cực đoan khi tiệm cận với chủ nghĩa Phát Xít ở cuối thập niên  30s khi hiện thực hóa thuyết ưu sinh bằng các hoạt động triệt sản để thay đổi cơ cấu gen của dân Mỹ. Hai ông trùm Rockefeller và Carnegie đã cấp vốn nghiên cứu chương trình triệt sản để chọn lọc gen. Hitler đã ca ngợi sự đi đầu của nước Mỹ trong lĩnh vực ưu sinh như sau: “Tôi đã học hỏi một cách hào hứng các đạo luật của nhiều bang của Mỹ về việc ngăn chặn sự sinh nở của những người mà con cháu của họ chắc chắn không có giá trị hoặc sẽ gây hại tới chủng tộc.” (trang 126)


Tinh thần nước Mỹ xuất chúng, vượt trội với lý tưởng cứu thế trong suốt những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, một cách khôn khéo đã đưa nước Mỹ leo lên vị trí thống trị thế giới, và các tập đoàn Mỹ thì thao túng nền kinh tế toàn cầu với sự bành trướng không ngừng của các khối tài sản. Tinh thần này đến nay vẫn tiếp tục đang là ngọn cờ lý tưởng của chính phủ Mỹ mỗi khi can thiệp chính trị vào các quốc gia khác. Tinh thần ấy đã làm bùng dậy ngọn lửa giân dữ của thứ chủ nghĩa yêu nước cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại các nước không chấp nhân quyền lực tuyệt đối tại Mỹ. Tinh thần này cũng là thứ khiến nước Mỹ không thể chấp nhận được sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga trong thế kỷ 21, vốn đã thách thức vị trí số 1 của nước Mỹ, phá vỡ trật tự của một thế giới đơn cực mà Mỹ đã tạo ra trong suốt thế kỷ 20.


Hà Thủy Nguyên