Tuesday, April 25, 2023

Dạ khách



Nhớ lại, có một lần tôi bị hỏng xe trên xa lộ gần một bộ lạc da đỏ ở bang Oklahoma. Tôi nhìn quanh. Đường dài hun hút mà lại vắng hoe. Xa ngút tầm mắt cũng chỉ có sỏi với đá. Đây đó, những bụi cây thấp lè tè. Cỏ vàng khô như muốn cháy. Đứng giữa sự hoang vu, trong lòng tôi hơi sờ sợ, không biết phải đi bộ bao xa mới đến cây xăng. Có khi đi đến chết khát cũng không chừng.


Chả hiểu từ đâu, tự nhiên xuất hiện một chiếc xe pickup cũ kỹ, y như phim cowboy. Trong xe có hai anh da đỏ, một già một trẻ. Ông già hỏi mình có cần giúp không. Rồi ông nhìn chăm chăm, "Anh ở bộ lạc nào đến vậy?" Tôi phá cười, "Cháu ở bộ lạc Việt Nam lại". Ông già nhăn mặt, lẫn lộn, "Thật thế? Tôi chưa từng nghe qua..."


Nói về thổ dân, những người da đỏ mới là Mỹ chính cống. Họ đã sinh sống trên lục địa này từ hơn 10,000 năm trước. Tổ tiên của họ di cư từ châu Á, khi mà Á và Mỹ vẫn chưa bị tách rời bởi biển cả.


Bây giờ, ở Mỹ, Oklahoma là tiểu bang có đông thổ dân nhất. Cũng không lạ, bởi vì chữ Oklahoma được ghép từ hai chữ okla (da đỏ) và humma (người) của thổ ngữ Choctaw. Mấy năm gần đây, chữ "native American" được dùng nhiều hơn chữ "American Indian".


Sau mấy tiếng đồng hồ thì cuối cùng chiếc xe của tôi cũng được sửa lại. Lúc vào Tulsa thì trời đã chạng vạng, xem ra phải ở lại qua đêm. Ngày ấy, không có smart phone mà cũng chẳng có GPS, muốn tìm một nơi ngủ thật không dễ. May, tôi thấy có một biển hiệu nhà hàng Việt Nam ở đàng xa.


Sau khi ngồi vào bàn, cô bé phục vụ bẽn lẽn đến hỏi, "Chú muốn dùng gì ạ?" Tôi nhìn em, tưởng mình nghe nhầm. Tôi còn chưa được 21 tuổi mà đã có người phong lên chú. Mà nói, em cũng đã 16 tuổi, ít nhất, chứ đâu phải còn bé tý tẹo.



Tôi đang lúi húi ăn thì ông chủ đến hỏi chuyện, gọi nhau bằng anh em. Anh ấy trạc trung niên, tính tình cởi mở, chuyện trò huyên thuyên như pháo nổ. Hoá ra, cô bé vừa rồi là con gái của anh. Khi nghe tôi hỏi tìm khách sạn, anh không ngần ngại mời tôi về nhà. Anh bảo vừa tiết kiệm, vừa làm vui cho anh vì chỗ anh không có người Việt. Chủ yếu, tiệm anh bán cho những người bản xứ mà thôi.


Mãi đến bốn giờ sáng tôi mới được đi ngủ. Chắc từ ngày sang đây vào năm 1975 đến bây giờ anh không có ai để hàn huyên. Anh kể từ chuyện chiến tranh, đến chuyện bại trận, rồi sang qua chuyện bôn ba nơi xứ người. Tôi chỉ có mỗi một việc là vài phút thì "dạ" một lần, chứ chẳng có cơ hội nói cái gì cả. Trước khi đi ngủ, anh bảo sáng mai ăn điểm tâm với gia đình anh rồi hẳn chia tay.


Chiếc bàn nhà anh hình vuông. Tôi ngồi đối diện với em. Trong bữa ăn, em cứ cúi gầm mặt vì mắc cỡ. Tôi thì tiếp tục ngoan ngoãn làm "dạ" khách. Sau vài phút, tự nhiên tôi nổi máu đa tình, đá nhẹ vào chân em. Hai lần đầu em tránh chân tôi. Lần thứ ba thì em đá lại. Thế là hai chúng tôi vô tình trở thành cầu thủ. Một lát sau, tôi kẹp bàn chân em luôn. Trong lúc cơ thể đang rào rạt nóng, tôi nghĩ ra một mẹo vặt, đấy là làm rơi chiếc thìa xuống đất. Tôi vờ luồn xuống và nắm chân em. Thật là hết biết, từ khi khai thiên lập địa, lần đầu có người nắm chân tán gái dưới gầm bàn!


Trong bụng tôi rất ấm ức, nhưng mà miệng thì vẫn phải "dạ" liên hồi. Tôi không dám nói gì với em cả. Anh chủ này là lính Lôi Hổ ngày xưa. Không biết anh ấy có dám lôi con hổ thật không, chứ lôi tôi ra nện cho một trận thì anh ấy thừa gan. Mê gái thì mê, nhưng dầu sao tôi vẫn còn rất yêu đời, chưa cần phải cực kỳ mạo hiểm.


Lúc anh đi ra nhà xe, tôi và em lẹt đẹt theo sau. Lợi dụng cơ hội ngàn vàng, tôi hỏi nhỏ, "Em tên gì vậy?" Em đỏ dừ mặt, lí nhí trả lời, "Lâm Tố Huệ". Chưa kịp hỏi số điện thoại thì anh ấy đã mở cửa xe, và quay đầu nhìn lại chỗ hai đứa, ra hiệu cho em đi nhanh lên.

--

(đầu năm, kiếm 1 đoạn trích hay hay cho mọi người cùng đọc...)