US PRESIDENT DONALD J. TRUMP SPEECH IN VIETNAM AT THE APEC CEO SUMMIT
- Dưới đây là toàn văn bài diễn văn được Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước cử tọa dự APEC CEO Summit tại Đà Nẵng, ngày 10/11/2017.
📖
Xin cảm ơn mọi người!
Tôi rất vinh dự được có mặt tại Việt Nam- vùng trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để phát biểu trước người dân và các lãnh đạo doanh nghiệp nơi này.
Đây là một tuần lễ rất có ý nghĩa với nước Mỹ khi tôi được tới đất nước tuyệt vời của các bạn. Chuyến công du của tôi bắt đầu từ Hawaii, Manila, tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và điểm dừng chân hiện tại là Việt Nam, để có mặt tại đây với tất cả các bạn ngày hôm nay.
Trước khi chúng ta bắt đầu, tôi muốn tưởng nhớ đến tất cả những nạn nhân chịu thiệt hại do cơn bão Damrey gần đây gây ra. Người Mỹ luôn cầu nguyện cho các nạn nhân của cơn bão, hi vọng họ sớm khắc phục được hậu quả trong thời gian tới và trái tim chúng tôi luôn đồng cảm với những người Việt Nam chịu ảnh hưởng của cơn bão tồi tệ vừa qua.
Chuyến công du châu Á trùng với những mốc thời điểm quan trọng của đất nước chúng tôi.
Một niềm lạc quan đang tràn ngập khắp miền Nam nước Mỹ. Tăng trưởng kinh tế đạt 3,2% và sẽ còn tiếp tục tăng. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 17 năm qua. Thị trường chứng khoán luôn ở mức khởi sắc. Thế giới đã có thêm động lực thúc đẩy bởi quá trình đổi mới và tái sinh của nước Mỹ.
Tới bất kỳ nơi nào trong chuyến công du, tôi đều hài lòng khi được chia sẻ tin tức tốt lành từ Mỹ. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được chia sẻ tầm nhìn với một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở với các quốc gia độc lập và có chủ quyền, dù có nền văn hóa đa dạng và những giấc mơ khác biệt vẫn có thể phát triển bên nhau trong hòa bình và thịnh vượng.
Tôi rất xúc động khi tham dự APEC ngày hôm nay, tại đây, vì tổ chức này được thành lập để đạt được những mục tiêu cụ thể đó. Mỹ tự hào là thành viên của cộng đồng các quốc gia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Mỹ đã là một đối tác tích cực của khu vực này từ lần đầu tiên giành được độc lập. Năm 1784, từ một quốc gia non trẻ, con tàu đầu tiên của Mỹ đã rời bến đến Trung Quốc. Con tàu này chở đầy hàng hóa thương mại để đổi lấy chè và đồ gốm sứ.
Tổng thống đầu tiên của Mỹ, ông George Washington cũng sở hữu bộ đồ bàn ăn được chiếc tàu đó đem về.
Năm 1804, Tổng thống Thomas Jefferson cử hai nhà thám hiểm Lewis và Clark tới bờ biển Thái Bình Dương. Họ là những người đầu tiên trong hàng triệu người Mỹ đi về phía Tây để thực hiện sứ mệnh vĩ đại trên mảnh đất to lớn này.
Năm 1817, Quốc hội thông qua dự án đóng những chiếc tàu chiến đầu tiên mà sau này phát triển thành một hạm đội giúp đảm bảo tự do hàng hải cho nhiều tàu vượt biển, đến những thị trường ở Philippines, Singapore và Ấn Độ.
Năm 1818, chúng tôi bắt đầu thiết lập quan hệ với Vương quốc Thái Lan. 15 năm sau, hai nước ký kết hiệp định thương mại và hữu nghị. Đây cũng là hiệp định đầu tiên Mỹ ký với một quốc gia châu Á.
Thế kỷ tiếp theo, khi các nước đế quốc đe dọa khu vực, Mỹ đã đẩy lùi sự đe dọa dù cái giá phải trả không hề rẻ. Chúng tôi luôn hiểu rằng, an ninh và sự thịnh vượng phụ thuộc vào nỗ lực của chính chúng tôi. Đã từ lâu, Mỹ đã là người bạn, đối tác và đồng minh của khu vực. Và Mỹ sẽ tiếp tục là bạn, là đối tác và đồng minh của các quốc gia về lâu dài trong thời gian tới.
Là người bạn lâu năm của các nước APEC, không nước nào vui hơn Mỹ khi chứng kiến, giúp đỡ và chia sẻ những tiến bộ lớn lao mà các bạn đã đạt được trong vòng hơn 50 năm qua.
Những gì các nền kinh tế có mặt ở đây ngày hôm nay đã xây dựng đều là những điều kỳ diệu. Trong những năm qua, đây là câu chuyện về những điều có thể trở thành hiện thực khi con người làm chủ vận mệnh tương lai của mình. Chỉ vài thế hệ trước đây, ít ai có thể tưởng tượng rằng những nhà lãnh đạo trên thế giới có thể cùng đến Đà Nẵng để thắt chặt tình hữu nghị, mở rộng mối quan hệ đối tác và tán dương những thành quả tuyệt vời mà các nước đã đạt được.
Thành phố này từng là nơi đóng quân của một căn cứ quân sự Mỹ, nơi nhiều người Mỹ và người Việt Nam đã thiệt mạng trong chiến tranh.
Ngày nay, chúng ta không còn là kẻ thù, chúng ta là bạn bè. Thành phố cảng này đang phát triển nhộn nhịp với tàu thuyền cập bến từ khắp nơi trên thế giới. Các công trình kiến trúc như cầu Rồng chào đón hàng triệu người đến thăm quan các bãi biển chan hòa ánh nắng cùng vẻ đẹp duyên dáng cổ xưa của Đà Nẵng.
Đầu những năm 1990, gần một nửa dân số Việt Nam có mức thu nhập chỉ vài đô la Mỹ mỗi ngày, và cứ 4 hộ gia đình thì 1 hộ không có điện sử dụng. Ngày nay, với một nền kinh tế mở cửa, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 30 lần và sinh viên Việt Nam là những sinh viên thuộc top giỏi nhất trên thế giới. Điều này thực sự rất ấn tượng.
Đây là một trong nhiều những câu chuyện chuyển đổi thần kỳ mà chúng ta chứng kiến trên khắp khu vực này. Người dân Indonesia trong hàng chục năm qua cũng đã và đang xây dựng các thể chế dân chủ trong nước để quản lý chuỗi đảo to lớn gồm hơn 13.000 đảo của mình.
Kể từ những năm 1990, người dân Indonesia thoát khỏi đói nghèo để trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ngày nay, Indonesia trở thành nền dân chủ lớn thứ ba trên toàn cầu.
Philippines nổi lên là một quốc gia đầy tự hào của những người dân giàu lòng yêu nước và có sức sống mạnh mẽ. Trong 11 năm liền, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp Philippines là quốc gia dẫn đầu trong số các nước châu Á trong nỗ lực xóa nhòa khoảng cách giới và đưa phụ nữ trở thành những nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp và trong chính trị.
Vương quốc Thái Lan đã trở thành một nền kinh tế thu nhập trên trung bình trong chưa đầy một thế hệ. Thủ đô Bangkok hiện là thành phố thu hút khách du lịch đông nhất trên thế giới. Và đây cũng là điều rất ấn tượng. Tiếc là không có nhiều người Thái Lan có mặt tại đây.
Malaysia đã phát triển nhanh chóng trong hàng chục năm qua, và hiện đang được đánh giá là một trong những quốc gia tốt nhất để làm ăn kinh doanh trên toàn cầu.
Tại Singapore, người dân của những hộ gia đình sống với mức dưới 500 đô la mỗi năm, hiện đã nằm trong số những người có thu nhập cao trên thế giới – một sự chuyển đổi thần kì nhờ vào tầm nhìn của cố thủ tướng Lý Quang Diệu. Hiện tại, con trai ông ấy cũng đang thể hiện tài lãnh đạo hết sức tuyệt vời.
Như những gì tôi được chứng kiến ở Hàn Quốc, người dân nước này đã biến một đất nước nghèo đói sau chiến tranh thành một trong những quốc gia dân chủ giàu có nhất trên thế giới chỉ sau vài chục năm. Ngày nay, người dân Hàn Quốc thậm chí còn có mức thu nhập cao hơn người dân ở các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tôi cũng đã có khoảng thời gian rất hài lòng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ai cũng biết những thành tựu ấn tượng mà Trung Quốc đạt được trong hàng chục năm qua. Suốt thời kỳ này, thời kỳ của những cải cách thị trường lớn lao, các vùng rộng lớn ở Trung Quốc đã trải qua mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, số lượng việc làm bùng nổ, giúp hơn 800 triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tôi mới rời Trung Quốc sáng nay và đã có một cuộc trao đổi thực sự hiệu quả cùng khoảng thời gian tuyệt vời với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Và như tôi chứng kiến tại Nhật Bản - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á, tôi được tận mắt thấy một nền dân chủ năng động tại một đất nước của những kỳ tích về công nghệ và văn hóa. Chỉ chưa đầy 60 năm, đất nước này đã sản sinh ra 24 giải Nobel cho thành tích trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học và hòa bình.
Ở một khu vực rộng lớn hơn, các nước bên ngoài APEC cũng đang đạt được những bước tiến lớn trong một chương mới đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ấn Độ đang tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày độc lập. Đây là một quốc gia dân chủ độc lập và là nền dân chủ lớn nhất trên thế giới với dân số hơn 1 tỷ người.
Từ khi Ấn Độ mở cửa nền kinh tế, nước này đã đạt được mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên và một thế giới mới của cơ hội đã được mở rộng. Thủ tướng Narendra Modi đã và đang nỗ lực để gắn kết đất nước rộng lớn này cũng như đoàn kết người dân trong nước. Thực tế đã chứng minh ông ấy đang rất thành công.
Như chúng ta có thể thấy, tại nhiều nơi thuộc khu vực này, người dân các quốc gia có chủ quyền và độc lập đã nắm được quyền kiểm soát lớn hơn với số phận của mình, và nhờ đó, có thể phát huy hết tiềm năng của bản thân.
Họ theo đuổi những công bằng và trách nhiệm, thúc đẩy quyền sở hữu tư nhân và tuân theo pháp luật, đánh giá cao sự chăm chỉ cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân. Họ thành lập công ty, họ xây dựng thành phố, họ gây dựng toàn bộ đất nước từ bàn từ tay trắng.
Nhiều người trong số các bạn ngồi đây đã tham gia vào những dự án lớn lao để tái thiết đất nước. Đây là dự án của chính các bạn, các bạn đã đưa ý tưởng vào thực tiễn, biến giấc mơ thành hiện thực.
Bằng sự chung tay của mỗi người, cả khu vực đã vươn lên mạnh mẽ như những chòm sao ngân hà mà trong đó, tự mỗi quốc gia là một vì sao sáng, không phụ thuộc vào nhau, và mỗi nước, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa là một cách sống, là một mái nhà.
Những ai đã sống qua thời kỳ biến chuyển này đều hiểu hơn ai hết về giá trị của những gì các bạn đã đạt được. Các bạn cũng sẽ hiểu rằng quê hương là di sản mà bạn sẽ luôn phải bảo vệ.
Trong quá trình phát triển kinh tế, các bạn tìm kiếm mối quan hệ thương mại với các nước khác và thúc đẩy quan hệ đối tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.
Ngày hôm nay, tôi có mặt ở đây để gợi mở mối quan hệ đối tác, thương mại, kinh tế mới giữa Mỹ và tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, để cùng nhau thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh chung cho nơi đây.
Điều cốt lõi của mối quan hệ đối tác là nguyên tắc công bằng và “có đi có lại.” Khi Mỹ tham gia quan hệ thương mại với các nước hoặc những dân tộc khác, thì từ đó về sau, chúng tôi hy vọng các đối tác của mình sẽ nghiêm túc tuân thủ các quy tắc này như chúng tôi.
Chúng tôi hy vọng các thị trường sẽ cởi mở ở mức độ công bằng cho cả hai phía, và rằng nền công nghiệp tư nhân, không có sự can thiệp của chính phủ, sẽ chỉ đạo nguồn vốn đầu tư.
Rất tiếc, trong một thời gian dài và ở rất nhiều nơi, điều ngược lại xảy ra nhiều hơn. Qua nhiều năm, Mỹ đã mở cửa nền kinh tế mà không đòi hỏi nhiều. Chúng tôi cắt giảm hoặc loại bỏ thuế các mặt hàng, hạn chế hàng rào thuế quan, và cho phép hàng hóa nước ngoài tự do lưu thông vào Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ hạ thấp hàng rào thương mại thì các nước khác lại không mở cửa thị trường cho chúng tôi.
Các nước vẫn được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bảo vệ, ngay cả khi họ không tuân thủ các nguyên tắc đã nêu. Đơn giản là vì chúng tôi đã không được WTO đối xử công bằng. Các tổ chức như WTO chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi tất cả các thành viên thực hiện nguyên tắc và tuân thủ chủ quyền của những thành viên khác.
Chúng ta không thể đạt được vị thế là các thị trường mở nếu chúng ta không đảm bảo sự tiếp cận thị trường công bằng. Cuối cùng, thương mại không công bằng sẽ hủy hoại tất cả chúng ta.
Mỹ đã thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, sự đổi mới và cả nền công nghiệp. Các quốc gia khác có hình thức doanh nghiệp nhà nước và quá trình lên kế hoạch cho nền công nghiệp dưới sự điều hành của nhà nước.
Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc của WTO về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo tiếp cận thị trường công bằng và bình đẳng. Trong khi đó, họ [các nước khác] lại can thiệp vào việc bán phá giá, trợ giá hàng hóa, thao túng tiền tệ và có các chính sách công nghiệp không đàng hoàng.
Họ phớt lờ những quy tắc để chiếm ưu thế so với những nước tuân thủ, gây ra sự bất ổn cho hoạt động thương mại và đe dọa nền tảng của hệ thống thương mại quốc tế.
Những tiền lệ như vậy đã làm tổn thương người dân Mỹ cũng như công dân các quốc gia khác. Việc làm, nhà máy, nền công nghiệp, cơ hội đầu tư đã tuột khỏi tay nước Mỹ vì người dân không thể tin tưởng vào hệ thống thương mại quốc tế ở các nước này.
Chúng ta không thể tha thứ cho những hành vi lợi dụng thương mại như vậy. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng chúng tôi tin rằng sẽ sớm có một ngày tất cả mọi người đều hành xử công bằng và trách nhiệm. Người dân Mỹ và trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương luôn trông chờ vào ngày đó.
Tuy nhiên, cái đích này vẫn còn chưa đạt được và đó là lý do vì sao tôi có mặt ở đây hôm nay để thẳng thắn nói về những thách thức của chúng ta và cùng hợp tác để tiến tới một tương lai tươi sáng hơn cho toàn khu vực.
Gần đây, tôi đã có chuyến thăm tuyệt vời đến Trung Quốc, nơi tôi đã trao đổi cởi mở và thẳng thắn với Chủ tịch Tập Cận Bình về thương mại không công bằng và tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi đã bày tỏ mong muốn sâu sắc hợp tác với quốc gia này để có được mối quan hệ thương mại dựa trên bình đẳng và công bằng thực sự.
Cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc hiện nay là không thể chấp nhận được. Tôi không chỉ trích Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào khác, nhất là những nước từng lợi dụng Mỹ về vấn đề thương mại. Nếu các đại diện thương mại của họ không quan tâm đến điều này thì họ sẽ chỉ đơn thuần đang làm nhiệm vụ của mình. Tôi hy vọng chính quyền tiền nhiệm ở nước tôi đã có thể nhìn thấy điều gì đang diễn ra và đã cố gắng làm gì đó để sửa sai. Họ không buồn làm gì, nhưng tôi thì sẽ làm.
Từ ngày hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm 1 ngày nào nữa. Tôi sẽ luôn luôn thực hiện phương châm “Nước Mỹ trên hết” tương tự như cách mà tôi hy vọng tất cả các bạn ở đây cũng đặt nước mình lên trên hết.
Mỹ đã sẵn sàng hợp tác với từng lãnh đạo ở khán phòng này ngày hôm nay để đạt được mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi. Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn ở đây ngày hôm nay.
Tôi sẽ ký kết hiệp định thương mại song phương với bất kỳ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ các nguyên tắc về thương mại công bằng và bình đẳng. Điều mà chúng tôi sẽ không bao giờ làm là tham gia vào các hiệp định thương mại quy mô lớn nhằm “trói tay” chúng tôi, hy sinh chủ quyền của chúng tôi và khiến việc thực thi có ý nghĩa trở nên bất khả thi.
Thay vào đó, chúng tôi sẽ hành xử trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Chúng tôi sẽ tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của các bạn. Chúng tôi muốn các bạn phát triển lớn mạnh, thịnh vượng và tự chủ, bắt nguồn từ lịch sử của các bạn và hướng tới tương lai. Đó là cách mà chúng ta sẽ phát triển và lớn mạnh cùng nhau, trong những mối quan hệ đối tác có giá trị thực tiễn và bền vững.
Tôi đặt tên viễn cảnh này là “Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương.” Nếu nó được thực hiện, thì chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia cuộc chơi đều tuân thủ các nguyên tắc, không bên nào là ngoại lệ. Những nước nào nghiêm túc chấp hành các quy định sẽ trở thành đối tác kinh tế gần gũi nhất của Mỹ. Những nước không thực hiện thì chắc chắn Mỹ sẽ không “nhắm mắt làm ngơ” trước những hành vi vi phạm hoặc cưỡng ép về kinh tế. Những ngày như thế đã qua rồi.
Chúng tôi sẽ không dung thứ hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ đối đầu với hành vi ép doanh nghiệp tư nhân phải trao công nghệ của mình cho nhà nước, hay ép buộc họ tham gia vào các hình thức liên doanh để đổi lại cơ hội được tiếp cận thị trường. Chúng tôi sẽ xử lý hoạt động trợ cấp công nghiệp quy mô lớn thông qua các doanh nghiệp nhà nước - vốn lúc nào cũng muốn đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra khỏi hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi sẽ không im lặng mãi khi các công ty Mỹ trở thành mục tiêu của các doanh nghiệp lien kết với nhà nước để đạt được lợi ích kinh tế từ Mỹ, cho dù thông qua các vụ tấn công mạng, gài gián điệp trong các tập đoàn hay thông qua các điều luật chống cạnh tranh. Chúng tôi sẽ khuyến khích mọi quốc gia lên tiếng khi các quy tắc về công bằng và tương trợ lẫn nhau bị vi phạm.
Chúng tôi biết rằng việc thiết lập đối tác ở khu vực vốn đang phát triển, thịnh vượng và không phụ thuộc vào nhau này đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Chúng tôi sẽ không đưa ra quyết định nhằm đạt được quyền lực hay sự bảo trợ nào đó. Chúng tôi sẽ không bao giờ yêu cầu đối tác của chúng tôi trao chủ quyền, bí mật và sở hữu trí tuệ hoặc giới hạn hợp đồng chỉ với các doanh nghiệp nhà nước.
Chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội cho ngành tư nhân để hợp tác với các bạn và tạo ra công ăn việc làm và thịnh vượng cho tất cả chúng ta. Chúng tôi tìm kiếm những đối tác mạnh mẽ chứ không phải những đối tác yếu kém. Chúng tôi tìm kiếm những láng giềng mạnh mẽ chứ không phải những láng giềng yếu kém. Trên hết, chúng tôi tìm kiếm tình hữu nghị và chúng tôi không mơ giấc mơ thống trị.
Vì lẽ đó, chúng tôi hiện đang tái tập trung vào những nỗ lực phát triển hiện có của mình. Chúng tôi đang kêu gọi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mỹ cũng sẽ thực hiện phần việc của mình. Chúng tôi cam kết cải cách các thể chế tài chính để các thể chế này thúc đẩy lĩnh vực tư nhân đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế của các bạn, và đưa ra những giải pháp thay thế hữu hiệu đối với những sáng kiến do nhà nước chỉ đạo - vốn đi kèm với nhiều điều kiện ràng buộc.
Trong những năm gần đây, Mỹ đã tái khẳng định rằng an ninh kinh tế không chỉ liên quan đến an ninh quốc gia. An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia. Nó đóng vai trò thiết yếu đối với sức mạnh quốc gia.
Chúng ta đều biết rằng sẽ không bao giờ có được một nền thịnh vượng lâu dài nếu né tránh những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, chủ quyền và sự ổn định quốc gia.
Hồi đầu tuần này, tôi đã có bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc ở Seoul để kêu gọi mọi quốc gia có trách nhiệm cùng đoàn kết nhằm đưa ra tuyên bố chung rằng mọi động thái phát triển vũ khí của Triều Tiên đều từng bước khiến Bình Nhưỡng gặp nhiều nguy hiểm hơn. Tương lai của khu vực cũng như của những con người tuyệt vời không thể bị chi phối bởi một chế độ với ảo tưởng chinh phục thế giới bằng bạo lực và đe dọa hạt nhân.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đề cao các nguyên tắc có lợi cho tất cả, ví dụ như việc tuân thủ pháp luật, quyền cá nhân, tự do hàng hải và tự do hàng không, bao gồm cả lưu thông vận tải biển. Những nguyên tắc này tạo ra sự ổn định và giúp xây dựng niềm tin, an ninh và thịnh vượng đối với những quốc gia có cùng chung lý tưởng.
Chúng ta cũng cần phải xử lý quyết đoán những mối đe dọa khác đối với an ninh và tương lai của con cháu chúng ta, như các băng đảng tội phạm, nạn buôn người, buôn bán ma túy, tham nhũng, tội phạm mạng và bành trướng lãnh thổ.
Như tôi đã đề cập nhiều lần trước đây: Tất cả những người dân của xã hội văn minh phải hợp tác với nhau để đẩy lùi những kẻ khủng bố và cực đoan ra khỏi đất nước, chặn đứng việc các lực lượng này tiếp cận các khoản hỗ trợ tài chính, chiếm giữ địa bàn hoạt động và truyền bá tư tưởng cực đoan. Chúng ta phải chặn đứng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Vì vậy, chúng ta hãy chung tay vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và tự do. Tôi tin tưởng rằng, khi cùng hợp tác, mọi vấn đề mà chúng ta đề cập hôm nay có thể được giải quyết và mọi thách thức chúng ta đối mặt sẽ qua đi.
Nếu chúng ta thành công trong nỗ lực này, nếu chúng ta nắm bắt được những cơ hội ở phía trước và thắt chặt mối quan hệ đối tác vì lợi ích của chính người dân, thì chúng ta sẽ đều đạt được những điều mình hằng mong muốn cho dân tộc và con cháu mình.
Chúng ta sẽ được ban tặng một thế giới với các quốc gia hùng mạnh, có chủ quyền độc lập, phát triển thịnh vượng trong hòa bình và hợp tác thương mại lẫn nhau. Trên nền tảng của những quốc gia ấy, chúng ta có thể an cư lạc nghiệp, nơi gia đình, doanh nghiệp, và người dân có thể phát triển thịnh vượng.
Nếu chúng ta làm điều này và nhìn vào thế giới trong vòng 50 năm sau, thì chúng ta sẽ bất ngờ trước sự phát triển kỳ diệu của “chòm ngân hà” các quốc gia. Mỗi nước mang những đặc điểm riêng biệt, độc đáo, tỏa sáng chói lọi và đầy tự hào. Như khi chúng ta chiêm ngưỡng các vì sao trên bầu trời đêm, khoảng cách đong đếm bằng thời gian sẽ dần biết những thách thức chúng ta gặp hiện tại trở nên nhỏ bé.
Điều không nhỏ bé sẽ là những lựa chọn lớn lao mà tất cả các quốc gia sẽ phải thực hiện để giúp các ngôi sao của chúng ta tỏa sáng ngày một mãnh liệt hơn.
Đối với Mỹ, cũng như các quốc gia đã chiến thắng và bảo vệ được nền chủ quyền của mình, Mỹ hiểu rằng không có gì quý hơn độc lập tự do. Tư tưởng này đã soi đường chỉ lối chúng tôi xuyên suốt các thời kỳ lịch sử của Mỹ.
Nó đã khuyến khích chúng tôi hy sinh và sáng tạo không ngừng. Và đó là lý do vì sao hôm nay, hàng trăm năm sau chiến thắng cuộc Cách mạng Mỹ, chúng tôi vẫn ghi nhớ những lời căn dặn của một người sáng lập nước Mỹ và vị Tổng thống thứ hai của Mỹ, John Adams.
Trước khi qua đời, người con yêu nước của Mỹ này được yêu cầu nói ra suy nghĩ của mình đối với dịp kỷ niệm 50 năm Mỹ giành độc lập huy hoàng, ông đáp lại: Độc lập mãi mãi.
Có một thứ tình cảm bừng cháy trong tâm trí của tất cả những người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam ở đây đã biết đến thứ tình cảm này không chỉ trong vòng 200 năm mà gần 2.000 năm.
Đó là vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là những vị anh hùng đầu tiên đánh thức tinh thần yêu nước trong lòng người dân Việt. Chính nhờ chiến công này mà sau đó, lần đầu tiên, người dân Việt nam đã đứng lên để giành lại độc lập của mình với niềm tự hào dân tộc.
Ngày nay, những người con yêu nước và những anh hùng lịch sử đã cầm chắc trong tay câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta.
Họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai và chúng ta được đất nước hiệu triệu để làm gì.
Chúng ta ghi tạc lời nhắc nhở này trong sức mạnh của chúng ta để đưa người dân và thế giới của chúng ta lên một tầm cao mới – một tầm cao mà chưa từng được với tới.
Vì vậy, hãy để chúng ta lựa chọn tương lai của chủ nghĩa yêu nước, thịnh vượng và tự hào. Hãy để chúng ta lựa chọn sự giàu có và tự do chứ không phải đói nghèo và nô lệ. Hãy để chúng ta lựa chọn một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Cuối cùng, hãy để chúng ta không bao giờ được quên rằng dù thế giới có nhiều nơi chốn, nhiều giấc mơ và nhiều con đường nhưng không đâu bằng nhà.
Vì gia đình, vì đất nước, vì tự do và vì lịch sử, hãy bảo vệ mái nhà bạn, và yêu quý mái nhà của mình ngày hôm nay và mãi mãi sau này.
Xin cảm ơn rất nhiều.
(Kết thúc bài phát biểu)
https://youtu.be/l3vYAFSuSgw
https://youtu.be/l3vYAFSuSgw