Friday, June 23, 2017

Thiện vs. Ác



Những chuyện triết lý như thế này có thể làm nhiều người chán. Tôi viết ra chủ yếu để khỏi quên những điều ghi nhận được trong cuộc trò chuyện với Nhà sư, Tiến sĩ thần học Thanh Minh.
Trong câu chuyện này, tất nhiên tôi là người học hỏi.
Hỏi: Rất nhiều người nói về dự định hành thiện, chẳng mấy người nói về ý đồ hành ác; vậy tại sao có câu “Thiện Ác cân bằng”?

Trả lời: Trong những lời nói tốt đẹp, có không ít điều dối trá và khi mưu đồ việc xấu người ta không nói ra miệng. Vì thế Thiện Ác cân bằng.

Hỏi: Dù sao, số người muốn hành thiện vẫn đông hơn số người muốn hành ác? Vậy tại sao Thiện Ác cân bằng?

Trả lời: Đúng vậy, số người muốn hành thiện đông hơn. Nhưng làm việc thiện thì bản thân phải chịu vất vả thiệt thòi, nên số người thực sự hành thiện cũng không nhiều hơn. Vì thế Thiện Ác cân bằng.
Hỏi: Các câu chuyện lịch sử luôn khảng định một đạo lý: cuối cùng cái Thiện cũng thắng cái Ác. Vậy tại sao bây giờ Thiện Ác vẫn cân bằng?
Trả lời: Cái Thiện đã nhiều lần thắng cái Ác. Nhưng cái ác lại hồi sinh ngay trong những kẻ chiến thắng. Vì thế Thiện Ác cân bằng.

Nhà sư giảng giải rất nhiều điều về Thiện - Ác. Trong các chùa cổ Việt Nam, người ta thờ cả hai Ông Thiện và Ông Ác. Thiện Ác có trong mỗi con người. Nhà sư cho rằng, theo bản năng, con người bắt chước các thói hư tật xấu nhanh hơn học theo những phẩm chất tốt đẹp. Và ma lực của cái xấu cũng mạnh hơn. Một cậu bé ngoan chơi với một cậu bé nghiện ma túy; khả năng hai đứa cùng trở thành con nghiện cao hơn là khả năng cậu bé ngoan sẽ giúp bạn mình dời bỏ con đường nghiện ngập. Một Shop trốn thuế mà không bị trừng phạt sẽ được các Shop khác bắt chước, chứ không phải các Shop đang trốn thuế tự nguyện noi gương một Shop nào đó luôn nộp thuế đầy đủ.
Hỏi: Như vậy ma lực của cái Ác mạnh hơn cái Thiện, tại sao Ác không thắng Thiện?

Trả lời: Một người rơi xuống hố, tự nhiên sẽ tìm cách trèo lên. Một kẻ đi ăn cướp, không bao giờ định ăn cướp suốt đời. Họ đều mong muốn ngày nào đó có chút của ăn của để rồi giải nghệ. Không có cô gái bán hoa nào muốn con gái mình sau này phải làm nghề của mẹ nó. Những người đã lún quá sâu vào chuyện xấu đều có mong ước hoàn lương. Vì thế Thiện Ác cân bằng.

Nhà sư cho rằng, kẻ ác hoàn lương lẽ ra đáng được tin cậy! Nhưng thực tế không ai tin một kẻ hành ác (mới ra tù) có thể trở thành một người hành thiện. Chính định kiến của xã hội đã đẩy họ quay lại con đường cũ. Bằng định kiến sai lầm này, những người lương thiện đã vô tình cùng nhau hành ác.
Hỏi: Nên hiểu như thế nào về sự cân bằng Thiện Ác, Tốt Xấu?

Trả lời: Con người muốn làm việc tốt, nhưng làm việc tốt khó hơn. Con người không muốn làm việc xấu, nhưng làm việc xấu dễ hơn. Con người muốn làm việc thiện, nhưng làm việc thiện thường phải chịu thiệt. Con người không muốn làm điều ác, nhưng làm điều ác thường được hưởng lợi.

Hỏi: Thiện Ác cân bằng. Vậy, cho dù ta có cố gắng bao nhiêu thì cũng không thay đổi được thực tế này sao?

Trả lời: Đúng vậy. Thiện Ác là hai mặt của một vấn đề. Nó cùng tồn tại. Cái này không đủ sức tiêu diệt cái kia.

Hỏi: Vậy tại sao ta phải cố gắng làm điều Thiện?

Trả lời: Ta làm việc thiện thì lòng ta thanh thản. Người làm việc xấu, lòng sẽ luôn bất an. Vì thế, làm việc thiện là cho chính ta, chứ không phải vì một ai khác.
Tôi không chắc mình đã hiểu hết những ý tứ cao siêu trong câu chuyện này.
Nhưng có một điều mà tôi đã học được: Ta làm việc tốt là vì chính ta, làm việc tốt là để lòng ta thanh thản.
.
.
.
~ ~ HOANG MINH CHÂU ~~