Friday, June 16, 2017

NIỀM TIN ĐÁNH MẤT, CHI PHÍ GIA TĂNG





📖

Nếu bạn đã từng nghe đến cuốn sách “7 thói quen của bạn trẻ thành đạt” thì cái tên Stepphen R. Covey chắc không còn xa lạ. Ông cũng là tác giả của bestseller “Tốc độ của niềm tin”. Với những ai quan tâm đến cách để xây dựng niềm tin, vai trò của niềm tin trong cuộc sống, thì hẳn đây là cuốn sách cực kì đáng để đọc.


Vì sao niềm tin lại quan trọng? Stepphen R. Covey, một cách hoàn toàn hợp lí, đã chứng minh được rằng, niềm tin không chỉ có giá trị tinh thần, mà nó còn mang lại giá trị vật chất mạnh mẽ. Vai trò của niềm tin rất quan trọng, nhưng điều tôi muốn nói đến bài viết này là những nền tảng cốt lõi để xây dựng niềm tin.

Niềm tin gồm có: Tin vào bản thân mình, tin người khác, và để người khác tin tưởng mình. Mọi người thường nghĩ nhiều đến làm sao để người khác tin tưởng mình, hoặc làm sao để tin tưởng đúng người, nhưng tin tôi đi, điều đầu tiên đặc biệt quan trọng. Hãy chú ý liên hệ các yếu tố xây dựng niềm tin vào ba loại niềm tin này. Đó là cách tốt nhất để bạn nắm được nội dung bài viết này.

Có 4 yếu tố cốt lõi đóng vai trò nền tảng của niềm tin.

YẾU TỐ THỨ NHẤT: SỰ CHÍNH TRỰC

Chính trực bao hàm cả sự trung thực. Trung thực là nói đúng sự thực, và làm người khác hiểu đúng sự thật đó. Nhưng một người được xem là chính trực khi còn có 3 đặc điểm sau: Sự đồng nhất, sự khiêm tốn và tính can đảm.

Người đồng nhất luôn hành động theo những giá trị đạo đức và niềm tin của họ, họ nhất quán trong mọi việc và không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Một tấm gương sáng cho tính chính trực là Mahatma Gandhi, ông nói về cuộc đời mình thế này: “Cuộc đời tôi là một tổng thể không thể chia cắt, và mọi hoạt động của tôi đều có mối quan hệ đan xen với nhau…vì thế cuộc đời tôi chính là thông điệp mà tôi muốn gửi đến mọi người”.

Người chính trực cũng phải có đức khiêm tốn. Một người hay khoe khoang thành tích của mình thì được coi là người trái với khiêm tốn- chính là sự kiêu căng, tự mãn. Người khiêm tốn thường chỉ quan tâm đến hành động đúng hơn muốn chứng tỏ mình đúng. Họ xem sự thể hiện cá nhân chỉ là phù phiếm, điều quan trọng chính là họ hành động theo đúng những giá trị họ theo đuổi.

Tại sao cần tính can đảm. Có một câu chuyện được nhắc tới trong cuốn sách. Trong một giải quần vợt, Andy Roddick đấu với Fernando Verdasco. Bước vào lượt giao bóng kết thúc trận đấu với lợi thế đang thuộc về Roddick, khi Verdasco phát quả giao bóng lần thứ 2, trọng tài biên hô “out” và phần thắng thuộc về Roddick. Tuy nhiên, Andy Roddick cho rằng bóng “in” và đề nghị trọng tài xem lại vết bóng nằm ngay trên vạch. Trọng tài đã đồng ý với Roddick và ghi điểm cho Verdasco. Trận đấu đó Andy Roddick đã thua. Nhưng chắn chắn rồi, Andy Roddick đã hành động cao thượng, thể hiện tính chính trực. Và chúng ta thấy rõ rằng, để có thể giữ được tính chính trực thực sự cần cả lòng cam đảm.

Người chính trực dễ được tin tưởng

Hãy nhớ lời tôi đã nói ở trên, yếu tố chính trực có sự ảnh hưởng thế nào đến 3 loại niềm tin (tin vào bản thân, tin vào người khác, để người khác tin tưởng).

Người chính trực luôn dễ làm người khác tin tưởng, sẽ không ai không sẵn sàng tin vào Andy Roddick cả. Và dĩ nhiên, chúng ta nên dành niềm tin nhiều hơn vào những người chính trực.

Vậy còn tại sao tính chính trực lại làm chúng ta tin bản thân mình hơn. Hãy để ý đặc điểm của người chính trực, họ hành động theo những gì họ theo đuổi, không bao giờ phản bội lại hệ giá trị của bản thân. Nếu bạn luôn giữ được điều này, niềm tin đối với bản thân bạn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Với những yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng niềm tin còn lại, tôi sẽ để bạn tự liên hệ vì sao nó lại tác động lớn đến ba loại niềm tin.

YẾU TỐ THỨ 2: Ý ĐỊNH

Ý định là trạng thái tinh thần trước khi thực hiện một hành động. Có thể hành động của bạn không vi phạm phát luật, nhưng ý định của bạn xấu, tức là bạn đã vi phạm đạo đức. Động cơ và hành động cấu thành ý định.

Động cơ tức là lí do khiến bạn hành động. Một động cơ tốt và hướng tới lợi ích của tập thể đều luôn tạo được sự tin tưởng hơn một động cơ hướng tới lợi ích cá nhân.
Nếu như động cơ là yếu tố cốt lõi bên trong thì hành động là sự biểu hiện bên ngoài của nó. Tất nhiên một ý định tốt trước tiên phải xuất phát từ một động cơ tốt, nhưng động cơ đó phải được thể hiện khéo léo bằng những hành động phù hợp. Bạn phải biết hành động để không bị người khác hiểu lầm động cơ của bạn, điều này đặc biệt quan trọng để xây dựng niềm tin người khác với bạn.
YẾU TỐ THỨ 3: NĂNG LỰC

Một người có năng lực rõ ràng sẽ đáng tin tưởng hơn. Tuy nhiên, năng lực không chỉ bao gồm kĩ năng, kiến thức chuyên môn, mà còn có cả thái độ và phong cách cá nhân nữa. Các yếu tố cấu nên năng lực đủ mạnh để tạo được niềm tin là: Đủ kiến thức chuyên môn trong công việc, bạn có đủ sự thông thạo lẫn nhạy bén trong công việc-đấy là kĩ năng, đi kèm đó là một thái độ làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm và được thể hiện bởi một phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn. Tất cả tạo nên một cơ sở vững chắc về niềm tin nơi người khác đối với bản thân bạn.

YẾU TỐ THỨ 4: KẾT QUẢ
Dù bạn có đầy đủ cả 3 yếu tố trên, nhưng bạn chưa có thành tích gì đáng kể chứng minh thì sẽ không ai thực sự tin tưởng bạn cả. Thành tích như tờ giấy chứng nhận rằng bạn “thực sự đáng tin cậy” vậy. Vì vậy, nỗ lực để tạo nên thành tích cá nhân đặc biết quan trọng để tạo sự tín nhiệm. Không ai tin bạn vì bạn không làm được việc cả.
Cả 4 yếu tố cốt lõi để xây dựng niềm tin đều rất quan trọng. Thiếu một trong 4 yếu tố đó, bạn sẽ không có sự tín nhiệm lâu dài và vững chắc được. Đó là 4 yếu tố thống nhất để xây dựng niềm tin. Trong cuốn sách còn có rất nhiều nội dung khác nữa, ví dụ như các hành vi để xây dựng niềm tin, xây dựng niềm tin trong tổ chức, niềm tin xã hội, nhưng điều quan trọng nhất, tôi cho rằng đó là những gì tôi nói ở trên-nó là các giá trị nền tảng để bạn có thể xây dựng mọi loại niềm tin. Hành vi chỉ là sự biểu hiện các giá trị nền tảng bên trong bản thân con người. Bạn có một nền tảng tốt rồi thì sự biểu hiện bên ngoài sao cho có kết quả tốt chỉ còn là vấn đề thời gian nữa thôi.
📖

 © NGUYỄN TẤT CÔNG