Thursday, June 28, 2018

Đôi dép của bạn đang ở đâu?

YK6W0022.jpg

Trong lớp Ki-Aikido dành cho trẻ em, một trong những bài học đầu tiên tụi nhỏ được dạy, là xếp dép ngay ngắn trước khi bước lên thảm tập.
Khi được sensei hỏi rằng có biết vì sao phải xếp dép như vậy hay không, lũ nhóc, bằng tất cả sự thông minh vốn có của chúng, đã nghĩ ra đủ thứ lý do. Nào là, để không bị mất dép, không bị quên dép (?). Nào là, để khi bị đuổi thì chạy cho kịp. Để đi vệ sinh hay uống nước thì xỏ vào cho dễ. Hoặc là, xếp như thế để cho đẹp.
Tất nhiên, mọi lý do đều đúng. Nhưng có một ý khiến mình nhớ nhất về chuyện xếp dép này. Đó là, để nhanh chóng nhận biết đôi dép của mình đang ở đâu, khi mình cần đến nó. Mình biết rằng nó ở góc trái của lề thảm, nằm cạnh một đôi màu xanh lá và một đôi màu da cam. Mình biết nó đã được quay sẵn ra ngoài, và nếu cần chỉ việc chạy ngay ra xỏ chân vào. Mình biết nó ở đó, từ trước khi mình bước chân lên thảm tập. Và nếu tất cả những đôi dép đều được xếp ngay ngắn, thì khi mình rời thảm tập, đôi dép vẫn ở đó, chờ mình.
Đôi dép đó với mình là một ẩn dụ. Mình gọi là “ẩn dụ đôi dép”. Đôi dép đó có thể là một đôi dép, có thể là một chiếc balo, có thể là một ngôi nhà, một người thân, người bạn đời.
Khi ta rèn cho mình thói quen luôn xếp đôi dép ấy ngay ngắn dưới bậc thềm, trước thảm tập, trên giá gỗ; nghĩa là ta đang rèn cho mình sự tôn trọng với những món đồ của mình. Chúng, bằng cách này hay cách khác, đang giúp đỡ và nâng niu đời sống của ta. Thì ta, ở cương vị một người đang hưởng thụ, đang song hành, cũng nên đáp trả lại bằng một thái độ gìn giữ và trân trọng.
Việc đó không chỉ có ích cho đôi dép, mà người xếp dép mới chính là kẻ hưởng lợi. Người xếp dép biết đôi dép đang ở đó, nên dù tập tành say sưa trên thảm, vẫn có nguyên sự an tâm trong lòng. Mỗi khi cần phải chạy ra ngoài, dù uống một cốc nước hay đi vệ sinh, đã có ngay “một đôi dép ngay ngắn được xếp quay ra ngoài” chỉ chờ ta xỏ chân vào là được.
Cũng thế, nếu ta giữ cho mình cái thói quen để đồ đạc đúng chỗ mà ta định sẵn từ trước, giữ thói quen để ý từng việc nhỏ ta làm, để ý cả những trật tự, nội quy mà môi trường ta đang sống đã tạo dựng. Thì, ta sẽ dễ thích nghi, hòa hợp và bớt hoang mang hơn trước những đổi thay. Nói một cách dễ hiểu, thì khi mọi thứ luôn ở đúng vị trí của nó, thì một sự thay đổi nhỏ cũng dễ dàng nhận ra.
Tuy nhiên, sẽ hơi vô nghĩa nếu trong cả một lớp tập, chỉ có một người xếp dép. Đôi dép đó dầu ngay ngắn, nhưng vẫn sẽ im thin thít và lặn mất tăm giữa đám dép láo nháo tứ tung. Thế nên, bài học đầu tiên của những em nhỏ, trước khi tập Ki-Aikido, trước khi được dạy về đòn thế, đơn giản chỉ là biết xếp ngay ngắn cho mình một đôi dép. Tất cả đều xếp ngay ngắn cho mình một đôi dép.
Điều đó cũng giống như khi một người trong lớp đang nói, tất cả sẽ im lặng để tôn trọng lắng nghe người đang nói. Khi thầy cúi chào các bạn đầu và cuối buổi tập, các bạn cũng sẽ cúi chào thầy.
Chúng ta sống chung và hòa hợp với nhau trong một môi trường. Mỗi điều ta đang làm không chỉ ảnh hưởng đến ta, mà còn những người khác nữa. Một đôi dép được xếp ngay ngắn, sẽ kéo theo một đôi dép khác cũng được xếp ngay ngắn. Rồi một đôi dép khác, và một đôi dép khác nữa.
Nếu nghĩ như thế, sẽ thấy những việc nhỏ ta đang làm, hóa ra thật nhỏ, mà cũng không nhỏ lắm. Hoá ra bình thường, nhưng cũng thật quan trọng. Nghĩ như thế, thì sẽ không có tham vọng thay đổi thế giới nữa. Chỉ còn muốn thay đổi chính mình, cái thế giới bé mọn trong lòng mình. Từ những việc bé nhỏ trong đời mình. Như là xếp ngay ngắn một đôi dép trước khi bước vào thảm tập, như là biết uống vừa đủ phần nước của mình, biết chào hay lắng nghe một người với toàn sự chú tâm.
Bởi vì thật ra ai trong chúng ta chẳng mong được đối xử trân trọng và tử tế. Được “xếp” thật ngay ngắn, như một dép đang cần nghỉ ngơi. Được gìn giữ trong một mối quan hệ thân gần và bền vững. Được đi cùng nhau, lâu dài và thoải mái. Được biết nhau đang ở đâu, mỗi lúc ta cần nhau.