Tuesday, August 29, 2017

Ký sự Mông Cổ





image


Mông Cổ có diện tích gấp hơn sáu lần Việt Nam, dân số hơn ba triệu người (bằng nửa dân số Hà Nội) mà một nửa dân số cả nước sống ở thành phố thủ đô Ulan Bato. Với biên giới với Nga và Trung Quốc, Mông Cổ bị kẹp giữa hai nước lớn, nên phải chọn một, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để tránh nước Tàu kẻ thù - từ việc chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch phải khuất phục trước ý chí sắt thép Stalin, mà công nhận Mông Cổ độc lập. Vì việc này mà Mao Trạch Đông cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (TQ vẫn nhận đó là nước họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt Nam. Người TQ chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, và chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.
Có chuyện tiếu lâm rằng một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông Cổ, vì bài học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm TQ nữa. Nếu chiếm TQ, có lẽ nước Nhật đã thành TQ rồi. Đó là một câu chuyện tiếu lâm cay đắng mà không thể cười. Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Các công ty xây dựng ở Mông Cổ cần nhân công, thì đều thuê nhân công TQ, vì Mông Cổ thiếu nhân lực. Nên các công ty có quy định, chỉ được thuê dưới sáu tháng, mà trong một năm không được thuê quá một lần. Nên người Tàu được thuê làm phải đi về TQ ngay sau khi hết hạn visa. Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô (có khoảng bảy ngàn người Việt đang sinh sống làm ăn ở đây) nhưng đối với người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn Mông Cổ kể: “Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn cư trú”. Mông Cổ thừa hiểu hậu quả nếu để lọt “cái trứng tu hú”.
Thảo nguyên Mông Cổ có hàng trăm hàng nghìn loài cỏ rậm khác nhau, hình lá cỏ cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng. Thực sự đó là một thế giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường. Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó. Người Mông Cổ ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt, mà rất khỏe mạnh - không bị các chứng bệnh do ăn nhiều thịt gây ra. Có lẽ vì gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm lừng cả ngàn năm nay vẫn vậy, không bị nuôi công nghiệp.
Mông Cổ là xứ du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục truyền thống. Ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông - Việt nói tiếng Việt sõi kể rằng Mông Cổ cũng từng trải qua thảm họa làm hợp tác xã, bắt người ta định canh định cư, nhưng rồi vụ đó tan rã rất nhanh, rồi thảo nguyên hồi sinh trở lại nếp xưa. Nếu ai đã đọc Tô-tem sói, của một nhà văn TQ (quyển này vang dội một thời trên văn đàn) thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào. TQ dồn hết dân du mục vào các hợp tác xã, triệt phá sinh hoạt truyền thống, đưa người Hán tới sinh sống và đưa cả sư đoàn quân đội tới bắn sói - sói là con vật thiêng của người Nội Mông. Sói bị diệt thế là thỏ làm giặc, lại phải giết thỏ, lạc vào cái vòng quẩn triền miên làm cho thảo nguyên Nội Mông gần như bị tiêu diệt. Tác giả cuốn sách cũng than nhìn sang Ngoại Mông xanh tươi mà tiếc.
Thảo nguyên nơi đây mênh mông, hoang dã với hàng trăm loài thú hoang vẫn sinh sống, tuân thủ cân bằng sinh thái tự nhiên. Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải, có điện thoại di động, kéo theo cái nhà và đàn gia súc đi lang bạt trên thảo nguyên theo nhu cầu của gia súc và các hộ gia đình được chăn thả không giới hạn. Người Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa. Các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người, thì thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu - phải chăng đó là nguồn gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người họ thật cao lớn. Ngựa là gia súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ chia nhau. Không có cừu thì dê chết rét, không có dê thì cừu chết đói. Kiểu chăn thả thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người MC tôn thờ ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp.
Gia súc nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông làm len và da làm hàng hóa nên hàng lông da là chủ lực xuất khẩu. Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị. Cứ nói “lều” thì khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Trong cái lều, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng tròn. Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Người nông dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là việc nuôi dạy trẻ. Du mục xa trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi, phải cho nó đi học, thì nhà mất một người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên thị trấn làm một cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở các thị trấn cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con đi học. Hình như chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo cộng đồng du mục có lệ, khách quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm!
Người MC rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Mọi người rời đi là ngay lập tức thu dọn rác tống lên xe đem về bãi rác ngoại ô mới vứt. Họ nói tivi có nhiệm vụ quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Dù xe chật, tài xế vẫn kiên quyết mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô. Ở Ulan Bator, nếu là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối tuần, chiều thứ sáu, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô. Thứ bảy, chủ nhật thủ đô vắng thênh thang. Tối chủ nhật lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Mông Cổ là xứ không có đường ra biển, thảo nguyên của họ cũng ví như rừng như biển và họ biết giữ để thảo nguyên mãi là nơi cho họ sự sống.
📖
 ký sự  Mông Cổ của   Nguyễn Xuân Hưng - Kim Chi biên tập