Thursday, August 31, 2017

GIẢI NGỐ THUỐC GIẢ, THUỐC MẠO DANH

💊💊 …GIẢI NGỐ THUỐC GIẢ, THUỐC MẠO DANH : TẠI SAO HAI LOẠI THUỐC CÓ THÀNH PHẦN HOÁ CHẤT GIỐNG HỆT NHAU NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC MẠO TÊN NHAU, KHÔNG ĐƯỢC LẤY NHÃN CỦA NHAU
.
Thời sự VTV1 vừa đưa tin hôm nay, vị Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vẫn khẳng định lô...



💊💊 …GIẢI NGỐ THUỐC GIẢ, THUỐC MẠO DANH : TẠI SAO HAI LOẠI THUỐC CÓ THÀNH PHẦN HOÁ CHẤT GIỐNG HỆT NHAU NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC MẠO TÊN NHAU, KHÔNG ĐƯỢC LẤY NHÃN CỦA NHAU
.
  Thời sự VTV1 vừa đưa tin hôm nay, vị Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến vẫn khẳng định lô thuốc   H-Capita chữa ung thư  KHÔNG PHẢI là thuốc giả.
Lập luận rằng lô thuốc VN Pharma nhập có chứa 97% hoạt chất capecitabine, và như vậy nó là thuốc có đúng thành phần hoá dược chữa ung thư. Như vậy lỗi là làm giả mạo giấy tờ, nhưng thuốc không phải là giả. Hàm ý là nó vẫn chữa được bệnh, tuy là mạo danh.
Lập luận dựa trên thành phần thuốc, nói gì thì nói, sẽ làm không ít người tin vào điều: Do hám lợi nên người ta mạo danh thuốc chính hãng, nhưng không định đưa vào tay những bệnh nhân đang giành giật từng ngày sống từ tử thần thuốc giả, mà vẫn là thuốc có tác dụng giống thế.
Tôi cũng như phần tuyệt đại đa số người bình thường, không có chuyên môn về dược học, rất dễ bị thuyết phục bởi lập luận này.
Nhưng xin kể câu chuyện xảy ra với riêng tôi.
Cách đây nửa năm, tôi bị viêm răng lợi. Trước đây tôi thường mua uống Rodogyl, một loại thuốc mà chỉ uống vài viên đã thấy đỡ hẳn đau và sau hai ngày là hoàn toàn khỏi. Lần đó bác sỹ không kê Rodogyl, nói rằng hiện Rodogyl (của Pháp) không nhập nữa do đã sản xuất nội địa được, và thuốc được kê là thuốc nội, là thuốc tương tự, chỉ khác tên.
Tôi đã uống thuốc đó ba tuần và không thể dứt khỏi đau răng lợi. Kể cả khi đã tự tiện uống đến gấp đôi liều chỉ định. Cho đến khi một người bạn làm dược khi biết đã cười nói với tôi: Anh sẽ không thể khỏi nếu uống thuốc như thế . Bằng nguồn nào đó, người bạn mua được cho tôi hộp Rodogyl của Pháp, và tôi chưa sử dụng hết ½ hộp thuốc (vẫn còn hộp dở giữ lại) thì đã hoàn toàn khỏi đau răng.  Khi đọc kỹ vỏ hai loại thuốc, tôi thấy thành phần giống hệt nhau , đều bao gồm hai thành phần Spiramycin và Metronidazole , liều lượng uống cũng giống nhau. Tôi thắc mắc làm sao giống nhau về thành phần thuốc mà khác nhau về tác dụng đến thế.
Tôi đã nhận được bài giảng sơ lược về chuyện này như sau:
Khi thời hạn độc quyền của thuốc gốc hết, người ta có thể sản xuất thuốc tương tự với các nguyên liệu giống thế. Nhưng thuốc tương tự này nếu muốn giống thuốc gốc phải qua 4 cấp độ khác nhau:
  • - Cấp độ sơ giản nhất là TƯƠNG ĐƯƠNG HOÁ HỌC, tức là thành phần nguyên liệu cơ bản giống với thuốc gốc. Như là trường hợp hai loại thuốc chữa đau răng kia có thành phần hoá học tương đương nhau. Hoặc nếu đúng thuốc H-Capita kia nếu thật sự chiếm 97% capecitabine cũng chỉ là tương đương hoá học với thuốc gốc.
  • - Cấp độ thứ hai là TƯƠNG ĐƯƠNG BÀO CHẾ, tức là về nguyên liệu và tá dược được bào chế quy trình giống nhau. 
  • - Cấp độ thứ ba là TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC. Có nghĩa là khi vào cơ thể người, thuốc được bào chế đúng nên độ rã, độ hấp thụ tương đương với thuốc gốc. Nói ví dụ đơn giản: Dù thành phần hoá chất giống nhau nhưng chế viên thuốc trong các điều kiện sản xuất không giống nhau, tức không có cùng GMP (Good Manufacturing Practice ), cho nên loại thì tan và thẩm thấu vào cơ thể và phát huy tác dụng; Loại khác lại vẫn chưa rã hết và rồi thải ra theo đường khác nên cơ thể không nhận được hỗ trợ của thuốc. Hoặc có loại thuốc chữa đường ruột được bào chế tính toán sao cho giữ nguyên dạng khi trên đường đi, xuống đúng ruột mới rã, thì sẽ có tác dụng cao hơn loại rã ngay ở dạ dày. Để xác định tương đương sinh học, người ta phải thử nghiệm dùng thuốc trên người tình nguyện thuốc gốc và thuốc tương tự, sau đó đo nồng độ thuốc lưu trong máu hoặc các xét nghiệm khác.
  • - Cấp độ thứ tư, cao nhất, là TƯƠNG ĐƯƠNG ĐIỀU TRỊ. Có nghĩa là thuốc được sản xuất, thuốc gốc được xoá nhãn để không phân biệt được và điều trị cho các bệnh nhân (điều trị mù), kết quả thu được giống nhau. Phải có Hội đồng gồm các chuyên gia thẩm định qua thực tế điều trị thử nghiệm để xác định độ tương đương này.
Điều đó giải thích tại sao hai loại thuốc có thành phần hoá chất giống hệt nhau nhưng không được mạo tên nhau, không được lấy nhãn của nhau. Bởi thực tế nó có thể quá khác nhau về công dụng. Nếu mạo tên nhãn của nhau, thì nó là thuốc giả. Và điều đó được quy định qua Luật (Xem mục 24 điều 2 Luật Dược 2005 và mục 33 điều 2 Luật Dược 2016).
Và điều đó cũng giải thích tại sao có thể đến hàng năm, thậm chí vài năm một nhãn hiệu thuốc được đề nghị nhập khẩu vào Việt Nam mới được chấp nhận. Bỏ qua yếu tố quan liêu câu giờ thì có lý do: Để xác định chính xác công dụng của nó người ta phải qua quá trình thẩm định phức tạp. Dĩ nhiên, các trường hợp khẩn cấp hoặc thuốc gốc thì có thể khác. Lô H-Capita của VN Pharma, như báo chí viết, được cấp phép sau hai tháng - một tốc độ trong mơ.
Và điều đó cũng giải thích tại sao lô thuốc H- Capita này có giá rẻ bất ngờ (nếu không tính chuyện để có tiền trả cho hoa hồng bác sỹ, người ta nâng thuốc lên gấp ba lần, như báo chí viết).
Thưa ông Thứ trưởng Bộ Y tế, tôi không tin ông và những người nào đó cùng ông ở Bộ y tế lại có thể không biết những điều sơ đẳng trên về dược học. Các vị nói lấy được như vậy chẳng qua là các vị biết dân đen chúng tôi tất nhiên mù tịt vì mọi khái niệm “tương đương” giữa thuốc gốc và thuốc tương tự, các quy chuẩn để chấp nhận thuốc tương tự. Mà chúng tôi mù tịt thật, có điều chính những kẻ mù tịt về dược và y này đã bằng tiền thuế mình đóng nuôi bộ máy giám sát và quản lý là các vị, với niềm tin là được bảo vệ bởi sự giỏi giang của các vị. Hoá ra chúng tôi vừa mù tịt, vừa ngây thơ.
Nếu các vị quả thật là bị VN Pharma lừa, sao các vị phải ngồi xổm cả lên luật , lẫn kiến thức dược học mà các vị hẳn đầy trong đầu, để bảo vệ kỳ được VN Pharma bằng cái lập luận “không phải là thuốc giả”?
Tôi đã uống thuốc có thành phần tương đương và ba tuần không dứt khỏi các cơn đau răng. Chẳng chết người gì. Còn ung thư? Ung thư đâu phải là đau răng, thưa các vị?
Đừng làm ra vẻ vô tư lương thiện nữa. Hãy nhìn thẳng vào mắt những bệnh nhân ung thư. Lừa dối thế đủ rồi, thưa các vị.
Thêm: 
  • 1- Đọc một số cmt, tôi thấy cần nói thêm để tránh hiểu lầm về thuốc tương tự. Thuốc tương tự không có nghĩa là không tốt, nếu nó được qua kiểm nghiệm nghiêm túc, và không phải nhất thiết cứ thuốc gốc là mới tốt. Nhưng trường hợp H-Capita thì là thuốc vờ nhãn, xuất xứ, hồ sơ giả mạo, không hề có hồ sơ thật để chứng minh tính tương đương với thuốc gốc, thì nó là giả, và không thể lấy lý do thành phần thuốc mà bào chữa được.
  • 2- Trước thời điểm VN Pharma nhập lô hàng này nhà nước đã có những văn bản pháp luật quy định về hàng giả. Ví dụ như theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 08/2013/NĐ-CP ngày 10-1-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thì hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa gồm những loại sau: a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác; b) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Cũng theo Nghị định này nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh sẽ xử lý nặng gấp đôi. Trường hợp làm hàng giả thu lợi lớn bị xử lý hình sự.
📖
TRAN DANG TUAN 
📖
capecitabine là hoạt chất điều trị ung thư, nhưng công ty dược phẩm đầu tiên nghiên cứu sử dụng hoạt chất này làm thuốc, Roche, đặt cho nó cái tên thương mại là Xeloda - và đây là thuốc gốc. Sau khi công ty Roche hết hạn bảo hộ độc quyền, các công ty khác có quyền sản xuất những thuốc chứa cùng hoạt chất này nhưng đặt các tên thương mại khác nhau, đây là các thuốc generic hay tiếng việt gọi nôm na là thuốc sao chép. Các thuốc sao chép phải có chứa cùng hoạt chất, nồng độ hàm lượng phải tương đương với thuốc phát minh, nhưng thường là giá rẻ hơn do không mất chi phí hàng triệu đến hàng chục, trăm triệu đô nghiên cứu phát triển

Tuesday, August 29, 2017

Ký sự Mông Cổ





image


Mông Cổ có diện tích gấp hơn sáu lần Việt Nam, dân số hơn ba triệu người (bằng nửa dân số Hà Nội) mà một nửa dân số cả nước sống ở thành phố thủ đô Ulan Bato. Với biên giới với Nga và Trung Quốc, Mông Cổ bị kẹp giữa hai nước lớn, nên phải chọn một, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để tránh nước Tàu kẻ thù - từ việc chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch phải khuất phục trước ý chí sắt thép Stalin, mà công nhận Mông Cổ độc lập. Vì việc này mà Mao Trạch Đông cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (TQ vẫn nhận đó là nước họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt Nam. Người TQ chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, và chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.
Có chuyện tiếu lâm rằng một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông Cổ, vì bài học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm TQ nữa. Nếu chiếm TQ, có lẽ nước Nhật đã thành TQ rồi. Đó là một câu chuyện tiếu lâm cay đắng mà không thể cười. Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Các công ty xây dựng ở Mông Cổ cần nhân công, thì đều thuê nhân công TQ, vì Mông Cổ thiếu nhân lực. Nên các công ty có quy định, chỉ được thuê dưới sáu tháng, mà trong một năm không được thuê quá một lần. Nên người Tàu được thuê làm phải đi về TQ ngay sau khi hết hạn visa. Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô (có khoảng bảy ngàn người Việt đang sinh sống làm ăn ở đây) nhưng đối với người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn Mông Cổ kể: “Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn cư trú”. Mông Cổ thừa hiểu hậu quả nếu để lọt “cái trứng tu hú”.
Thảo nguyên Mông Cổ có hàng trăm hàng nghìn loài cỏ rậm khác nhau, hình lá cỏ cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng. Thực sự đó là một thế giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường. Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó. Người Mông Cổ ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt, mà rất khỏe mạnh - không bị các chứng bệnh do ăn nhiều thịt gây ra. Có lẽ vì gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm lừng cả ngàn năm nay vẫn vậy, không bị nuôi công nghiệp.
Mông Cổ là xứ du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục truyền thống. Ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông - Việt nói tiếng Việt sõi kể rằng Mông Cổ cũng từng trải qua thảm họa làm hợp tác xã, bắt người ta định canh định cư, nhưng rồi vụ đó tan rã rất nhanh, rồi thảo nguyên hồi sinh trở lại nếp xưa. Nếu ai đã đọc Tô-tem sói, của một nhà văn TQ (quyển này vang dội một thời trên văn đàn) thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào. TQ dồn hết dân du mục vào các hợp tác xã, triệt phá sinh hoạt truyền thống, đưa người Hán tới sinh sống và đưa cả sư đoàn quân đội tới bắn sói - sói là con vật thiêng của người Nội Mông. Sói bị diệt thế là thỏ làm giặc, lại phải giết thỏ, lạc vào cái vòng quẩn triền miên làm cho thảo nguyên Nội Mông gần như bị tiêu diệt. Tác giả cuốn sách cũng than nhìn sang Ngoại Mông xanh tươi mà tiếc.
Thảo nguyên nơi đây mênh mông, hoang dã với hàng trăm loài thú hoang vẫn sinh sống, tuân thủ cân bằng sinh thái tự nhiên. Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải, có điện thoại di động, kéo theo cái nhà và đàn gia súc đi lang bạt trên thảo nguyên theo nhu cầu của gia súc và các hộ gia đình được chăn thả không giới hạn. Người Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa. Các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người, thì thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu - phải chăng đó là nguồn gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người họ thật cao lớn. Ngựa là gia súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ chia nhau. Không có cừu thì dê chết rét, không có dê thì cừu chết đói. Kiểu chăn thả thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người MC tôn thờ ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp.
Gia súc nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông làm len và da làm hàng hóa nên hàng lông da là chủ lực xuất khẩu. Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị. Cứ nói “lều” thì khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Trong cái lều, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng tròn. Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Người nông dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là việc nuôi dạy trẻ. Du mục xa trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi, phải cho nó đi học, thì nhà mất một người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên thị trấn làm một cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở các thị trấn cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con đi học. Hình như chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo cộng đồng du mục có lệ, khách quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm!
Người MC rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Mọi người rời đi là ngay lập tức thu dọn rác tống lên xe đem về bãi rác ngoại ô mới vứt. Họ nói tivi có nhiệm vụ quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Dù xe chật, tài xế vẫn kiên quyết mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô. Ở Ulan Bator, nếu là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối tuần, chiều thứ sáu, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô. Thứ bảy, chủ nhật thủ đô vắng thênh thang. Tối chủ nhật lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Mông Cổ là xứ không có đường ra biển, thảo nguyên của họ cũng ví như rừng như biển và họ biết giữ để thảo nguyên mãi là nơi cho họ sự sống.
📖
 ký sự  Mông Cổ của   Nguyễn Xuân Hưng - Kim Chi biên tập  

KHOA HỌC LÀ NỀN TẢNG CỦA CÔNG NGHỆ. TÔN GIÁO LÀ NỀN TẢNG CỦA LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ .







Thành ngữ phương tây có câu “Man proposes, God disposes”, vốn được dịch từ chữ latin “Homo proponit, sed Deus disponit”, hay được dịch qua tiếng ta là “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
Năm 1927, có một hội nghị về cơ học lượng tử ở Solvay. Đây là hội nghị vật lý có thể nói là quan trọng nhất cho đến nay, nó tụ họp các bộ óc lớn nhất mọi thời đại, từ Marie Curie, Einstein … đến nhóm các nhà vật lý trẻ đang ở độ tuổi hai mươi, và nhiều người trong nhóm trẻ này đoạt giải Nobel chỉ vài năm sau đó.
Bên lề hội nghị, các chàng trai trẻ này thảo luận với nhau về nhiều chuyện. Và đột nhiên họ rơi vào đề tài tôn giáo và khoa học.
Heisenberg, lúc này đã trở thành cha đẻ của cơ học lượng tử hiện đại, dù mới hăm sáu tuổi, nằm ở phe bảo vệ quan điểm bất-mâu-thuẫn của Max Planck và Einstein về tôn giáo và khoa học. Các diễn giải và lập luận của Heisenberg rất thuyết phục, dù rằng sau đó anh bị Dirac phản đối khá gay gắt. Một vài ý tóm tắt như sau.
Khoa học làm việc [deal] với thế giới vật chất và khách quan. Tôn giáo làm việc với thế giới của các giá trị [world of values].
Tôn giáo xem xét cái gì [what] cần phải tồn tại [to be], hay cái mà chúng ta cần phải làm, chứ không xem xét (về khách quan) cái gì đó (thực sự) là gì [what is].
Trong khoa học chúng ta quan tâm đến việc phát hiện [discover] cái gì là đúng [true], cái gì là sai [false]; còn trong tôn giáo chúng ta quan tâm đến cái gì là thiện [good] cái gì là ác [evil], cái gì là cao quý [noble] và cái gì là tầm thường [base].
Khoa học là nền tảng của công nghệ. Tôn giáo là nền tảng của luân thường đạo lý [ethics].
Xung đột giữa khoa học và tôn giáo, bắt đầu từ thế kỷ mười tám, dẫn đến những hiểu biết sai lầm, kết quả (của xung đột ấy) là vô nghĩa.
Khoa học và tôn giáo liên quan đến hai địa hạt với hai khía cạnh khách quan và chủ quan của thế giới.
Khoa học, là một phương cách [manner], mà trong đó chúng ta đối đầu và tranh luận về khía cạnh khách quan của hiện thực [reality]. Đồng thời, đức tin tôn giáo, là cách thể hiện các quyết định chủ quan vốn giúp chúng ta chọn ra được các tiêu chuẩn mà dựa vào các tiêu chuẩn ấy chúng ta mưu sự, trù tính để hành động và sống [standards by which we propose to act and live].
Nói chung chúng ta ra các quyết định này chiểu theo thái độ, quan điểm [attitude] của nhóm người mà chúng ta đang sống cùng, nhóm người đó có thể là gia đình, dân tộc, hay những người có chung nền văn hóa.
*
Dirac là một thanh niên người Anh lặng lẽ và hơi lập dị kiểu thông minh hơn người. Có lần anh đang giảng bài ở hội thảo, có một nhà khoa học nói “Tôi không hiểu cái công thức kia”. Dirac ngưng một chút rồi giảng tiếp. Người điều khiển phiên hội thảo nhắc Dirac: “Anh có định trả lời câu hỏi của anh kia không”. Dirac thản nhiên: “Ô, anh ta có hỏi đâu, anh ta khẳng định đấy chứ”.
*
Trong bài diễn từ đọc tại lễ nhận giải Nobel, Heisenberg lúc này mới hơn ba mươi tuổi có nhắc đến nguyên lý bất định nổi tiếng mang tên mình. Anh nói hệ thức bất định của mình, riêng mình nó đã cho thấy sự hiểu biết chính xác về một biến số này đồng thời loại trừ sự hiểu biết chính xác về một biến số khác.
*
Bertrand Russell viết rằng khoa học lý thuyết là để hiểu biết thế giới, còn khoa học thực hành là để thay đổi thế giới. Russell viết điều này khoảng năm 1943. Lúc đó thế giới khoa học đã có các thuyết tương đối của Einstein, đã có cơ học lượng tử hiện đại, và Mỹ đang hoàn thiện quả bom nguyên tử đầu tiên của loài người.
📖
5 XU BLOG

NHẬN DIỆN CHIẾN LƯỢC MARKETING B-PHONE 2017 THEO MÔ HÌNH 7P MARKETING

image

Đúc kết từ những phỏng vấn gần đây cùng với những ý kiến của các chuyên gia đồng nghiệp, có thể áp dụng mô hình 7P Marketing cho việc phân tích khả thi một sản phẩm – thương hiệu mới đó là B-Phone.
Bối cảnh B-Phone
Ngày 08/08 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, ông Nguyễn Tử Quảng CEO BKAV đã tổ chức lễ ra mắt Bphone thế hệ thứ 2. Theo chính sách bán hàng của BKAV, những người muốn mua Bphone 2017 phải đăng ký, ngày 19/08 Bphone 2017 mới chính thức được phân phối qua hệ thống bán hàng của Thế giới Di động. Giá bán lẻ một chiếc Bphone 2 là 9.789.000 đồng.
Sau thất bại của Bphone đầu tiên cách đây hai năm, nhiều người nhận xét cách thể hiện của người đứng đầu BKAV đã thay đổi. Người ta không còn thấy những thông điệp như “nhất thế giới” trong buổi lễ giới thiệu Bphone năm 2015, mà ông Nguyễn Tử Quảng chỉ giới thiệu những tính năng “vượt trội” và đưa ra những so sánh trực quan với những sản phẩm của một số đối thủ.
Bphone 2017 có bán chạy hay không, có trụ vững trên thị trường hay không trên thị trường điện thoại di dộng đa dạng hiện nay, trong đó có những thương hiệu nổi trội như Iphone, Samsung…hay sẽ tàn lụi vẫn là một câu hỏi.
Bài phân tích này của chuyên gia nằm trong bối cảnh tham luận trên diễn đàn chuyên gia Leader.vn và nhân dịp giới thiệu Bài giảng điện tử Mô hình Marketing 7P trên BrandCamp.asia của Brands Vietnam.
PHÂN TÍCH B-PHONE THEO MÔ HÌNH 7P

P1. Product
  • (+) Dưạ trên kinh nghiệm là năng lực sản xuất phần mềm BKAV và Smarthome. Điện thoại BPhone có nhiều tính năng đạt chuẩn và phần mềm; Có lợi thế gia công. Chưa có cấu trúc đa-sản-phẩm.Camera AI lần đầu tiên trên thế giới xuất hiện, vừa chạy vừa chụp ko out nét
  • (-) Có bị ảnh hưởng bởi Iphone và Samsung về tư duy phát triển sản phẩm; Nhà máy sản xuất và Quy trình đồng hoá chất lượng chưa hoàn chỉnh.
P2. Price
  • (+) Giá cao so với một thương hiệu mới và trình độ hoàn chỉnh chưa top (perfectionism); Giá so với Giá trị.
  • (-) Người tiêu dùng chưa có dư luận tôn vinh giá trị của B-phone, cần có thời gian hay một chứng minh sự vượt trội
P3. Place
  • (+) 2017 bước đầu hợp tác với hệ thống phân phối Thế Giới Di Động là một bước đột phá quan trọng đối với B-phone
  • (-) Hệ thống phân phối chưa chủ động; chiến lược phân phối còn thua kém; Chiến lược ‘tạo khan hiếm’ là một sai lầm khi chưa có thương hiệu.
P4. Promotion
  • (+) Thông tin Tung sản phẩm đa dạng và đã có lên sóng bằng TVC giờ vàng; Hoạch định Media vẫn còn cảm tính và thiếu chuyên nghiệp, vẫn còn Me-too ngay cả tên thương hiệu và các thức ra mắt sản phẩm
  • (-) Chưa kiểm soát được dư luận bằng một chiến lược đa kênh và theo dõi thấu hiểu khách hàng và truyền thông; Chưa có quy trình hoạch định marketing plan chuyên nghiệp.
P5. People
  • (+) Năng lực công nghệ; Tinh thần khởi nghiệm và trình độ lãnh đạo; Kinh nghiệm tri thức ngành AI được đánh giá cao.
  • (-) Chưa xây dựng được đội ngũ Sales & Marketing chuyên nghiệp; Chiến lược mang tinh thần cá nhân lãnh đạo, thiếu team-work và ý kiến đa chiều.
P6. Process
  • (+) Chất lượng cơ bản (thiếu chất lượng hệ thống) để bảo đảm tính đồng bộ; Tích lũy kinh nghiện quản trị từ BKAV và Smarthome; Có thể còn thiếu những App và Content chưa sáng tạo
  • (-) B-Phone cũng như rất nhều công ty VN mắc một sai lầm là mất cân đối giữa các Quy trình Sản xuất (+) so với các Quy trình cần thiết trong Sales & Marketing (-) tức P3 và P4.
P7. Philosophy
  • (+) Tinh thần và Ý chí khởi nghiệp là điểm mạnh Philosophy; Dù vẫn còn mang tính Single-minded. Tầm nhìn và sứ mệnh đậm chất Cá nhân.
  • (-) Từ Good đến Great mang đậm chất Tôi, tính chủ quan và thiếu Insight đối với Consumer và Competitor.
  • (*) Chi tiết về Mô hình Phân tích 7P được chuyên gia giới thiệu trong hệ bài giảng điện tử Mô hình Chiến lược 7P Marketing.
Một số đánh giá ban đầu từ chuyên gia
  • (1) Bphone nhận thức sai về ‘chiến lược tạo khan hiếm’. Sai lầm này có vẻ đang lặp lại dù là bài học cơ bản. Trong đó (1) Thương hiệu hình thành bởi Khách hàng chứ không phải bởi Mr Nguyễn Tử Quảng hay Bphone, (2) Chiến thuật khan hiếm chỉ có hiệu quả đối với với những Thương hiệu mạnh (dã được công nhận) Ví dụ như Apple Iphone hay Bia Sài Gòn 333 vào dịp Tết. Với thế mạnh 1000 điểm bán của đối tác Phân phối Thế Giới Di Động thì ‘kiểu đăng ký, sếp hàng chờ’ giống như ở bên Apple Store ở Đại Lộ 5 (New York) là một điều khôi hài…
  • (2) Thông điệp ‘Chất đến từng Đồng’ nó là chiến thuật định vị ‘Value for Money’ mà ở đây anh Nguyễn Tử Quảng áp dụng cho mặt hàng Giá cao thì không đúng lắm. Khi định vị gaí cao người ta quảng bá những giá trị vượt trội, mà không đề cập đến giá trị đồng tiền. Cần lưu ý ‘một chữ’ trong thông điệp chính (core message, hay claim) sẽ ghi sâu vào tâm trí khách hàng. Bài thuyết trình cá nhân của CEO này gần như không có trọng tâm, chỉ là copy phong cách của ngài Steve Job, ngay từ cái tên theo mô thức Bphone cũng đã copy rồi, cho nên không thể nói là ‘nhất thế giới’ khi mà dùng ý tưởng thương hiệu Me-too.
Như vậy B-Phone 2017 có thành công hay không?
Khả năng thành công của B-phone 2017 là 70% so với 30% của Bphone đầu tiên (nghĩa là vẫn chưa hoàn hảo theo phân tích 4P và 7P của mình), nổi bật nhất trong status này đó là hệ thống 1000 cửa hàng của Thế Giới Di Động (so với ‘chiến lược’ tạo sự khan hiếm lần trước). Có lẽ điểm yếu (-) của B.02 nằm ở P2. và P4. so với điểm (+) nằm ở P1. và P3. Tuy nhiên ngay cả P4. cũng đã nâng cấp bằng Mass Media giờ vàng trên VTV.
Marketing Chiến lược có đến 7P yếu tố then chốt, không thể phân tích phiến diện để đánh giá, càn không thể phân tích dựa trên Cảm tính Yêu Nó hay Ghét Nó (để tránh đơn phương single-minded).
Câu chuyện B-Phone vẫn còn ở phía trước. Về mặt Emotional (cảm tính) cá nhân tác giả, cũng như nhiều người Việt Nam vẫn thầm mong ủng độ những thương hiệu Việt thành công từ trong nước và vươn ra thế giới; Tuy nhiên về mặt Lý trí (Rational) thì việc đánh giá hay khẳng định sự thành công cần phải có những quy trình và phương pháp phân tích toàn diện, mà trong bối cảnh kinh tế thương hiệu thế kỷ 21 thì các công cụ phân tích marketing tỏ ra toàn diện và nổi bật hơn cả về tính khả thi lẫn tính khách quan. 
📖
VO VAN QUANG 

TẬN THU và THAM NHŨNG










“Không chỉ đóng thuế, chúng em còn đóng CHO thuế nữa” 
.
Rảnh bỏ 30 phút uống café thử xem số liệu về thuế của Việt Nam. Xem các bảng 1 và 2 để biết chi tiết. Qua các số liệu có thể có mấy nhận định
1. Tỷ lệ thu thuế của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới.
  •  Bảng 1 trích số liệu World Bank cho thấy, tỷ lệ thu thuế của VN là 19% trên GDP. So với trung bình thế giới là 14.31%, các nước kinh tế phát triển cao OECD là 15.2%, các nước thu nhập trung bình là 12.4%, các nước thu nhập thấp là 12.3%, các nước Châu Âu là 18.8%.
2. 19% trên GDP là con số cao khủng khiếp.
  •  Bảng 2, cột 8, cho thấy tỷ lệ tận thu thuế của Việt Nam chỉ thua 2 nước Úc và Pháp (nhưng chắc chắn dịch vụ công và chất lượng sống ở 2 quốc gia này cao hơn chúng ta rất xa), còn lại cao hơn tất cả các nước khác trong bảng từ Mỹ, Nhật, Thụy sĩ, đến Thái Lan, Singapore, Malaysia, Cambodia.
3. Thuế/thu nhập 
  • Nói nôm na mỗi người dân đang đóng thuế bằng 1/5 thu nhập hàng năm.
4. Thuế VAT cao hay thấp?
  • Bảng 2, cho thấy mức thuế VAT/ Sales/ GST của 20 quốc gia, trong đó 9 quốc gia có biểu thuế dưới 10%, 5 quốc gia có biểu thuế 10%, 1 quốc gia thuế trên 10%, và 5 quốc gia còn lại có biểu thuế dao động từ dưới 10 đến trên 10% cho từng loại mặt hàng khác nhau. Trong các nước ASEAN, chỉ có Philipine có VAT là 12%, các nước khác đều 10 hay dưới 10%. Nên VAT hiện tại của VN 10% là mức cao chứ ko phải thấp như đang công bố.
5. Tham nhũng 
  • Bảng 2, cột 7, xếp hạng mức độ tham nhũng của các quốc gia, Việt Nam xếp 113 chỉ trên Camdobia, và Bắc Hàn (đội bảng 176).
6. Với dữ liệu này có thể tạm kết luận: 
  • không có chuyện thuế của Việt Nam đang thấp, mà thực ra tổng thu thuế từ dân thuộc hàng cao nhất thế giới và mức độ tham nhũng cũng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
7. Thuế không thấp, vậy thử xem chất lượng sống của VN thế nào?
Movehub.com: xếp VN thuộc nhóm 10 quốc gia có chất lượng sống thấp nhất. (Hình 3)
USnews.com: xếp VN hạng 40/80 quốc gia về chất lượng sống.
  • PS 1. Lâu lâu nói chuyện số liệu cho vui, mà thấy hổng vui nổi. Mà giờ thấy không thể tin nổi các bác. Bác nói gì cũng phải kiểm tra cho kỹ. Toàn nói điêu.
  • PS 2. trích 1 câu comment của 1 bạn doanh nghiệp “Không chỉ đóng thuế, chúng em còn đóng CHO thuế nữa”
  • PS 3. Các số liệu trong bảng 1 lấy năm 2013 là năm cuối có số liệu cập nhật của VN trong data base của World Bank. Số liệu bảng 2 là số liệu 2016, ngoại trừ cột số 8 (2013, như bảng 1)
  • PS 4. Bài này là quan điểm riêng của người viết, dựa trên các nguồn dữ liệu có được. Bạn đọc cần cẩn trọng xem xét trước khi rút ra kết luận cho riêng mình.
  • PS 5. Số liệu của các nguồn khác nhau có thể khá khác nhau, do cách tính và định nghĩa. Số liệu về Tổng số thu thuế trên GDP có sự khác biệt giữa các nguồn World Bank, Wiki, và CIA. Tuy nhiên sau khi cân nhắc mình vẫn chọn World Bank. Lý do: Wiki thu thập số liệu từ nguồn thứ ba nên kém tin cậy hơn World Bank. CIA không thực sự trùng khái niệm Tax revenue mà là Taxes and other Revenues. Để đảm bảo tính khách quan mình vẫn dẫn các nguồn đó ở đây.
  • PS 6. (edit 21/8/2017): đã tìm ra lý do tại sao có sự khác biệt khá lớn giữa số liệu Tax revenue của World bank và các nguồn như CIA, Wiki, và OECD. Cụ thể World bank: không tính social security contribution (các khoản bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp và người lao động đóng?) còn các nguồn kia đều tính cả social security. Kết luận: nếu chỉ nhìn câu chuyện thuế thì nguồn World bank nói đúng bản chất câu chuyện đang tranh luận. OECD nếu bỏ social security contribution thì đúng như số liệu world bank dẫn. Kết luận bảng 1 giữ nguyên giá trị.
📖
VŨ THẾ DŨNG 

Friday, August 11, 2017

2 SAI LẦM LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI


🍀…Thành vợ chồng rồi thì không yêu nữa…
🍀🍀…Tốt nghiệp xong thì không học nữa….
2 SAI LẦM LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI:
🍀…Thành vợ chồng rồi thì không yêu nữa…
🍀🍀…Tốt nghiệp xong thì không học nữa….
.
Người học tập giống như một cây cao lớn, tự nhiên sẽ có những bụi cây cao mọc xung quanh. Một người không học sẽ tách rời với xã hội, không...

Thằng bạn rên rỉ: Vậy cần có hai mảnh đất, một mảnh để ban ngày no bụng, một mảnh để buổi tối trồng trọt cho tương lai!


GRAVITATIONAL WAVES : VÌ SAO SÓNG HẤP DẪN QUAN TRỌNG VỚI CHÚNG TA?

GRAVITATIONAL  WAVES: VÌ SAO SÓNG HẤP DẪN QUAN TRỌNG VỚI CHÚNG TA?
Hôm 11/02/2016, các nhà khoa học đã xác nhận về sự tồn tại của sóng hấp dẫn (gravitational wave). Một phát kiến được coi là vĩ đại nhất trong giới khoa học 50 năm qua. Vậy thì vì sao sóng hấp dẫn lại quan trọng đối với chúng ta đến vậy?
1. Sóng hấp dẫn là gì?
Theo thuyết tương đối rộng của Einstein, chúng ta đều biết rằng không gian và thời gian tương tác được với nhau. Những vật có khối lượng lớn sẽ bẻ cong không gian. Những vật có khối lượng cực lớn trong một khoảng không gian nhất định sẽ càng làm bẻ cong viền của khối không gian chứa vật đó.
Ví dụ khi ánh sáng từ các ngôi sao truyền đến trái đất chúng ta mà trên đường đi gặp phải một ngôi sao lớn (mà ko bị hấp thụ) thì ánh sáng đó sẽ bị bẻ cong tại viền ngoài ngôi sao và đi quãng đường dài hơn để tới mắt chúng ta.
Trước kia con người chỉ biết đến lực hấp dẫn ở dạng tĩnh - trường hấp dẫn phát ra quanh các vt thể có khối lượng. Nhưng nay chúng ta còn biết thêm được rằng lực hấp dẫn có thể được lan truyền dưới dạng sóng giống như ánh sáng nói riêng hay sóng điện từ nói chung.

image


2. Sóng hấp dẫn được tạo ra như thế nào?
Hiểu nôm na, giống như khi có một vật thể dao động trên mặt nước sẽ tạo ra sóng, sóng hấp dẫn chỉ được tạo ra khi có một số kiểu chuyển động nhất định trong không gian của các vật thể có khối lượng cực lớn tạo ra. Thường là một hệ sao đôi của các thiên thể như: sao lùn trắng, sao neutron hoặc lỗ đen. Sự kiện phát hiện sóng hấp dẫn lần này được phát hiện do hai lỗ đen sáp nhập xảy ra cách đây khoảng 1,3 tỷ năm.
Chính vì điều kiện khá ngặt ngoèo này mà các nguồn tạo ra sóng hấp dẫn khá ít. Các nhà khoa học còn xây dựng hẳn một dự án chuyên để tìm ra các hệ sao đôi này phục vụ việc tìm hiểu trường hấp dẫn.
3. Người ta đo đạc sóng hấp dẫn như thế nào?
Để giải thích điều này chúng ta cần biết rằng nếu 1 tia sáng tách ra thành 2 tia đi theo 2 đường khác nhau trong đó 1 đường có độ dài hơn đường kia ½ bước sóng thì khi hợp nhất chúng ta sẽ thu được hiện tượng ánh sáng bị triệt tiêu.
Tuy nhiên nếu hiện tượng không diễn ra đúng như thế thì tức là đã có 1 tia đi quãng đường ko đúng như ban đầu. Có thể là dài hơn hoặc ngắn hơn. Điều đó xác nhận rằng không gian đã bị bóp méo.
image
4. Vì sao sóng hấp dẫn quan trọng?
Từ trước đến nay các nhà khoa học của chúng ta chỉ có thể sử dụng sóng điện từ (anh sáng, tia gama, tia X, sóng radio,…) để nhìn vào vũ trụ qua các kính thiên văn. Tuy nhiên nhìn vào hình minh họa bên dưới chúng ta có thể thấy quay ngược thời gian, thời điểm xa nhất của vũ trụ mà chúng ta có thể dùng ánh sáng để quan sát được là 380 nghìn năm sau vụ nổ Bigbang. Trong khi sóng hấp dẫn có thể đưa chúng ta về tận thời điểm 10^-32 giây ngay sau vụ nổ Bigbang. Điều đó thật kì diệu!
image
Ngoài ra chúng ta biết rằng các hố đen có thể hút được cả ánh sáng. Điều đó gây ra một điểm hạn chế rất lớn là không thể dùng ánh sáng để nghiên cứu bên trong hố đen! Tuy nhiên với sóng hấp dẫn điều này là hoàn toàn có thể.
5. Viễn tưởng
Việc sóng hấp dẫn được lan truyền đi khiến cho các hiện tượng không gian, thời gian trong vụ trụ trở nên sinh động hơn rất nhiều. Khi có sóng hấp dẫn lan truyền qua, không gian tại đó sẽ bị co dãn, dao động cùng với tần số lan truyền của sóng hấp hẫn. Hẳn là sẽ có người nghĩ rằng như vậy cơ thể chúng ta hoặc tất cả các vật thể sẽ bị méo mó biến dạng? Tuy nhiên sự thật là dù chúng ta to lên 1000 lần hay bé lại 1000 lần thì chúng ta vẫn thấy tất cả mọi thứ không có gì thay đổi vì cùng một lúc tất cả bị to ra bé lại thì lấy gì mà so sánh! Chỉ có những người quan sát đứng trong hệ tọa độ khác, không bị ảnh hưởng bởi sóng hấp dẫn mới có thể thấy được điều đó.
Sự tồn tại của trường hấp dẫn khiễn không gian bị bóp méo trong khoảnh khắc làm cho giấc mơ của con người sẽ càng ngày càng lớn. Trong đó có khả năng di chuyển xuyên không gian ở các khoảng cách cực lớn, cỡ triệu năm ánh sáng như trong các phim khoa học viễn tưởng. Ngoài ra việc không gian bị bóp méo hiển nhiên cũng làm cho thời gian bị tác động. Điều đó liệu có mở ra khả năng du hành xuyên thời gian dành cho loài người không thật khó mà nói trước được.
Tuy nhiên ngày hôm nay sau đúng 100 năm Albert Einstein đặt ra giả thuyết về sóng hấp dẫn, chúng ta nên vui mừng vì nỗ lực của nhiều thế hệ biết bao nhà khoa học, cuối cùng cũng đã được đền đáp.

Vì sao sóng thường có tính tuần hòan:
 Nói nôm na là do năng lượng và vật chất có hạn, phải bù trừ cho nhau chỗ này lồi ra thì chỗ kia phải lõm vào để bù lại, rồi chỗ lõm vào lại sinh ra chỗ lồi ra để bù lại, và cứ thế (sao cho tổng bù trừ cho nhau chỉ còn một số nhỏ, chứ nếu không năng lượng cần thiết sẽ quá lớn)
Một khi tuần hoàn thì người ta nói đến các tần số, có thể là từ 10 mũ âm bao nhiêu đó hertz cho đến 10 mũ bao nhiêu đó hertz.
Sóng “gravitational” cũng vậy thôi.
Gọi là “gravitational” (hấp dẫn?) là vì nó ứng với không-thời gian space-time có độ cong (không phẳng) theo lý thuyết tương đối của Einstein (vật chất làm cong không-thời gian, mật độ vật chất càng cao thì càng cong, làm bẻ cong ánh sáng v.v). Khi mà nó cong một cánh “mềm mại” (chỗ nào cũng bằng nhau, hoặc thay đổi mội cách đều đặn như kiểu giảm dần hay tăng dần) thì ta không cảm thấy có sóng. Ta (tức là các máy đo) thấy có sóng khi độ cong của không-thời gian thay đổi nhấp nhô lên xuống, tương tự như là các gợn sóng trên mặt nước vậy.
Khi hai “lỗ đen” “đâm vào nhau”, thì chúng làm méo mó cái không thời gian tại khu vực của chúng một cách khủng khiếp, và sự méo mó đó nó lan toả dần ra xung quanh dưới dạng sóng gravitational, cũng tương tự như là hòn đá ném xuống nước thì tạo sóng thôi.
Hiện tượng sóng gravitational từ hai lỗ đen đâm nhau dễ “bắt sóng” được vì nó rất lớn, năng lượng tỏa ra kinh khủng. (Có đến 1/20 toàn bộ khối lượng của hai lỗ đen bị tỏa ra ngoài?) Chứ thực ra rất nhiều hiện tượng hết sức bình thường trong vũ trụ cũng đều tỏa sóng gravitational, chỉ có điều chũng dễ bị lẫn, khó bắt và khó xác định là từ đâu. Ví dụ là bản thân việc trái đất quay quanh mặt trời cũng tạo sóng hấp dẫn, nhưng sóng đó rất nhỏ, mức năng lượng tỏa ra đâu có mỗi 200 wat (bằng một cáu máy tính để bàn?)
image
image

bài của  Dép Lốp 

KỸ NĂNG ĐẶT CÂU HỎI


KỸ NĂNG ĐẶT CÂU HỎI
📖
Giáo sĩ nói với 1 thanh niên: Đây là cuốn sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái, tôi sẽ ra một thử nghiệm để kiểm tra và nếu anh vượt qua, tôi sẽ giúp anh nghiên cứu nó.
Người thanh niên đồng ý và giáo sĩ tiếp tục:
- Có...


Giáo sĩ nói với 1 thanh niên: Đây là cuốn sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái, tôi sẽ ra một thử nghiệm để kiểm tra và nếu anh vượt qua, tôi sẽ giúp anh nghiên cứu nó.
Người thanh niên đồng ý và giáo sĩ tiếp tục:
- Có hai người đàn ông leo ra khỏi một ống khói, một người khuôn mặt còn sạch sẽ, người kia thì nhem nhuốc đen đúa. Vậy ai sẽ là người đi rửa mặt?
Chàng trai tròn mắt ngạc nhiên: “Đây là câu hỏi mang tính logic ư?”
- Rõ ràng người đàn ông mặt bị lấm bẩn sẽ đi rửa mặt.
“Sai rồi! Người đàn ông “mặt bẩn” sẽ nhìn sang người đàn ông “mặt sạch” và cho rằng khuôn mặt mình cũng sạch. Trong khi đó, người đàn ông mặt sạch nhìn người mặt bẩn và nghĩ rằng mặt mình cũng bẩn. Nói cách khác, người mặt sạch sẽ đi rửa mặt.
- Thật là một câu hỏi khó! Chàng trai năn nỉ một câu hỏi khác
Giáo sĩ tiếp tục ra câu đố y hệt lần trước. Và chàng trai liền thắc mắc:
- Chẳng phải người đàn ông mặt sạch đã đi rửa hay sao?
“Sai rồi, cả hai người sẽ đều rửa mặt. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn sẽ nghĩ mặt mình cũng bẩn. Vì thế, người mặt sạch sẽ đi rửa đầu tiên. Sau đó, người mặt bẩn thấy rằng người mặt sạch cũng đã đi rửa mặt, do đó người mặt bẩn cũng đi rửa theo.
- Ồ, tôi không nghĩ là mình đã mắc một sai lầm khác! Giáo sĩ hãy cho tôi thêm một cơ hội.
Giáo sĩ tiếp tục lặp lại câu hỏi như các lần trên, chàng trai nhíu mày: “ Kết quả là hai người đàn ông đều đi rửa mặt rồi mà?”
“Anh lại sai thêm lần nữa! Không ai trong số họ sẽ đi rửa mặt cả. Người đàn ông mặt bẩn thấy người mặt sạch và nghĩ mình cũng sạch sẽ và không đi rửa. Còn người mặt sạch sẽ thấy rằng người mặt bẩn không đi rửa thì anh ta cũng sẽ không cần đi rửa.
Chàng trai trẻ buồn rầu nhưng vẫn cố trấn an giáo sĩ: “Xin thầy hãy tin tưởng vào con thêm lần nữa, con biết con đủ thông minh để học Talmud và hãy hỏi con câu khác nữa”
Giáo sĩ lại đặt câu hỏi y như các lần trước.
Chàng trai tuyệt vọng gào lên: Chẳng ai trong số họ sẽ đi rửa mặt như thầy từng nói ở trên!
“Anh sai nữa rồi! Anh hãy giải thích cho tôi: Tại sao hai người cùng chui ra khỏi một ống khói mà lại có người bẩn có người sạch?
📖
BÀI HỌC:
Câu hỏi này hoàn toàn phi lý và vô nghĩa! Nếu anh dành toàn bộ cuộc sống của anh để tìm hiểu những câu hỏi sai, câu trả lời sẽ chẳng dẫn anh đến đâu cả!

Chữ "Ngộ"- Trước và Sau

























SỰ RA ĐỜI CỦA VNEXPRESS




SỰ RA ĐỜI CỦA VNEXPRESS - tác giả: TIẾN SỸ BÁO CHÍ THANG ĐỨC THẮNG
Ý tưởng
Vào một ngày tháng 3 năm 2000, tôi đến dự cuộc họp báo do FPT tổ chức tại 89 Láng Hạ với tư cách phóng viên báo Lao Động. Ngồi cạnh tôi, tình cờ, là Trương Đình Anh, Giám đốc FOX. Chúng tôi quen biết nhau từ cuối năm 1995, khi tôi đến làm cộng tác viên cho FPT. Rồi tôi, đại diện cho báo Lao Động, là một trong những khách thuê bao đầu tiên của FOX, sau đó đưa nội dung hàng ngày của Lao Động sang mạng TTVN.
Trong lúc họp, Đình Anh nói nhỏ:
- Anh xem có thể tìm giúp em một nhà báo chuyên nghiệp có thể về làm nội dung Internet cho FOX?
- Làm cái website của công ty thì cần gì nhà báo chuyên nghiệp? – tôi hỏi lại.
- Không phải website công ty, mà là một portal của Việt Nam.
- Anh sẽ tìm người nào đó xứng đáng trong số đàn em. Nhưng cho biết sơ qua, Đình Anh cần một người như thế nào?
- Cần một người, tốt nhất là… như anh!
Tôi nhìn Đình Anh và thấy anh ta nói hoàn toàn nghiêm túc.
Từ lâu tôi đã có mong muốn làm một tờ báo thực sự có ích cho mọi người. Từ khi làm quen với Internet (năm 1998), tôi nhận ra rằng đây sẽ là mảnh đất chưa khai phá cho báo chí.
Mình có thể là người đầu tiên làm điều đó? Nhưng tôi hoàn toàn đơn độc. Những người nghe nói về ý định của tôi đều cười, cho rằng, qua rất nhiều năm nữa người Việt Nam vẫn thích mua một tờ báo in giá 1-2 nghìn đồng đọc “vừa tiện vừa rẻ”, hơn là nhìn vào màn hình tù mù, chạy ậm ạch, phải trả vừa cước điện thoại, vừa cước Internet.
Hồi đó, vào đầu năm 2000, cả Việt Nam có chưa đến 50.000 thuê bao Internet. Báo chí thường xuyên kêu la về tình trạng giá cước cao và băng thông hẹp, bao giờ mới tăng được số người dùng Internet.
Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau. Đình Anh hay hỏi về công việc làm báo trong toà soạn và tỏ ra hứng thú khi nghe tôi nói.
Lịch sử báo chí cho thấy, những mốc phát triển quan trọng của nó gắn với các phát minh công nghệ, tạo ra các phương tiện phát hành mới. Johann Gutenberg (1400-1468), người đầu tiên in bằng khuôn đúc, đã tạo tiền đề cho báo in ra đời vào đầu thế kỷ 17. Phát kiến về sóng radio đã dẫn đến sự ra đời của đài phát thanh những năm 1920. Ứng dụng truyền hình đã tạo ra các “báo hình” đầu tiên từ thập niên 1940. Và Internet sẽ phải là một phương tiện thông tin đại chúng hoàn toàn mới trong hệ thống báo chí Việt Nam.
“Anh muốn làm cho một ngày nào đó cả nước Việt Nam vào Internet để đọc báo!”, tôi nói. Và có lẽ Đình Anh là người duy nhất ngày ấy đã đồng tình với tôi.
“Nhưng không thể với Laodong.com” – Đình Anh nói – “Chỉ với cơ chế như ở FPT, anh mới làm được điều đó…”
Tôi xin cơ quan cho chuyển công tác. Mọi người ở báo Lao Động rất ngạc nhiên. Khi đó tôi là Trưởng ban Thời sự kiêm Trưởng ban Báo Điện tử. Ông Tổng biên tập đề nghị tôi suy nghĩ lại. Cuối cùng, ông đành đồng ý, nhưng với yêu cầu tôi thực hiện nốt phần việc của báo trong công tác tổ chức cuộc thi phần mềm “Trí tuệ Việt Nam”, đến tháng 9 mới xong.
Từ tháng 7 năm 2000, tôi và Đình Anh bắt đầu bàn bạc, nghiên cứu tình hình, lập dự án xây dựng báo trực tuyến. Nó phải có nhiều độc giả, phải tự cân đối tài chính, hay nói cách khác nó phải làm ra tiền bạc. Hai nguồn thu phải là quảng cáo và thời lượng của khách hàng thuê bao vào mạng gia tăng.
Đầu tháng 8/2000, chúng tôi đăng quảng cáo tuyển dụng biên tập viên, phóng viên để “xây dựng một tờ báo trực tuyến lớn nhất VN”. Sau đó mới nghĩ tên cho nó: phải là một cái tên có nghĩa liên quan đến báo chí, liên tưởng đến sự tầm cỡ, tính tích cực. Vài tên đầu tiên chọn đăng ký domain đều đã bị sử dụng. Cuối cùng, đến “VnExpress.net” thì được. Nó cũng hợp với những yêu cầu đặt ra.
Kế hoạch kinh doanh
Từ những phân tích của mỗi người, chúng tôi chuẩn bị làm kế hoạch kinh doanh. Ngày 20/9/2000, chúng tôi bảo vệ kế hoạch đó trước ban TGĐ. Trong bài trình bày, điểm mấu chốt nhất là sẽ thu tiền về bằng cách nào? Dễ thấy rằng đó phải là quảng cáo. Nhưng lấy gì làm căn cứ để xác định doanh số (quảng cáo trên mạng còn là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ)?
Tôi thầm khâm phục Đình Anh đã đưa được ra con số cụ thể dựa vào căn cứ sau: Lấy giá quảng cáo trung bình trên một số tờ báo in thông dụng trong nước chia cho diện tích trang báo quảng cáo để ra giá quảng cáo trung bình của một centimét vuông trên báo chí Việt Nam. Từ đó nhân lên diện tích tương ứng của banner và logo để tính ra giá quảng cáo của chúng trên trang báo trực tuyến. Rồi nhân tiếp với số folders (sẽ có) của VnExpress để ra doanh thu dự tính sau 18 tháng. Cộng tiếp với số cước thời gian truy cập gia tăng của khách thuê bao FPT vào xem VnExpress trong tương lai, với tốc độ tăng ước tính là 10% mỗi tháng. Tất cả được trình bày chi tiết theo từng tháng, con số cuối cùng thật ấn tượng và thuyết phục. Phó TGĐ Lê Quang Tiến nói: “Rất được!”.
Khi biết nội dung tin trong nước của VnExpress thời kỳ đầu sẽ là biên tập từ các báo đài, anh Trương Gia Bình hỏi:
- Cái gì sẽ là khác biệt của các vị?
- Đó là tốc độ cập nhật và phong cách đưa tin. – Tôi đáp, và thấy ngay trong mắt Ban TGĐ một sự nghi ngờ.
Biên tập lại từ báo in thì làm sao có “tốc độ cập nhật” được? Còn “phong cách đưa tin” thì thật mơ hồ. Tôi giải trình, nếu tin tức đưa lên vào buổi sáng, song song với thời gian các báo phát hành đến độc giả, nếu nó được lựa chọn (biên tập) tốt từ tất cả những báo hay nhất, thì nó không những nhanh tương đương thông tin của các báo mà còn đầy đủ hơn so với mỗi tờ báo riêng lẻ. Đó chính là tốc độ cập nhật. Hơn nữa chúng tôi không có lựa chọn khác. Nếu ngay từ đầu thành lập một toà soạn báo với các phóng viên lành nghề, hoạt động săn tin trên cả nước, sẽ cần một khoản đầu tư khổng lồ. Mà rất lãng phí. Vì những ngày đầu đã có độc giả đâu. Báo chí trực tuyến là con số không. VnExpress hoàn toàn là số không. Chẳng khác nào xây ngay một nhà máy điện vĩ đại, rồi chờ dân số phát triển. Cũng chưa có cơ sở pháp lý nào cho VnExpress hoạt động phóng viên: ở Việt Nam chưa có tiền lệ cấp phép hoạt động báo chí cho một công ty, và chưa biết đến bao giờ mới có, các quan chức kiên quyết lắc đầu. Chúng tôi thấy, con đường để một ngày nào đó VnExpress có diễm phúc được cấp phép là: trước tiên phải làm sao được xã hội dần dần thừa nhận, coi như một chủ thể báo chí đã tồn tại, không thể phớt lờ.
Do đó, mục tiêu là làm sao có độc giả. Mà phải bằng cách ít tốn kém nhất. Vậy tại sao không lấy những tờ báo đã phát hành – một nguồn nguyên liệu sẵn có – chế biến nó thành tin tức hữu ích? Chiến lược ban đầu của chúng tôi là: lấy nguồn tài nguyên miễn phí – chế biến thành hàng hoá! Chế biến bằng hai nguyên tắc: lựa chọn tin tức theo giá trị của nó, và đưa tin một cách khách quan. Điều đó có nghĩa là tin phải được độc giả chờ đón, khi đưa thì chỉ có sự kiện, không có ý kiến áp đặt của phóng viên. Độc giả sẽ tự phán xét sự việc được nêu là tốt hay xấu, ai đúng ai sai. Vì vậy trong các tin bài sẽ không có những câu kiểu như: “Thiết nghĩ phải…”, “Các cơ quan hữu quan cần…”, “Chúng ta nhiệt liệt ủng hộ…”, “Dư luận căm phẫn trước việc làm sai trái như vậy…”, “Công chúng cảm thấy bị xúc phạm bởi…”, “Hỡi những người có lương tri…” v.v…
Khi độc giả đọc tờ báo không có sự áp đặt, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy thoải mái tự do trong tiếp nhận thông tin. Sự tự do đó sẽ gây “nghiện” . Và chúng tôi sẽ có độc giả thường xuyên, trung thành. Hai nguyên tắc trên chính là “phong cách đưa tin” của chúng tôi. Trên thế giới, nó không có gì mới lạ. Nhưng ở Việt Nam, có thể nói là chưa có tờ báo nào làm thế. Họ không lựa chọn tin chỉ theo giá trị của chúng vì, chủ quan hoặc khách quan, họ thường rơi vào hai cám dỗ sau đây: Một là, đưa những tin chỉ có lợi cho số ít những người lãnh đạo toà soạn (thường là lợi về vật chất). Hai là, đưa những tin tuyên truyền làm vừa lòng các cấp chủ quản (cũng là lợi cho lãnh đạo toà soạn, về chính trị), nhưng không có giá trị cho độc giả.
Ban TGĐ, cuối cùng, đã tin vào chúng tôi. Kế hoạch kinh doanh được thông qua. Cũng tối hôm đó, 20/9/2000, diễn ra lễ bế mạc trao giải thưởng cuộc thi phần mềm Trí tuệ Việt Nam lần thứ nhất. Tôi có mặt để tham gia nhiệm vụ tổ chức và viết bài phóng sự về buổi lễ đầy cảm xúc ấy. Đó là bài phóng sự cuối cùng của tôi cho báo Lao Động.
Xây dựng
Hồ sơ xin dự tuyển biên tập viên gửi đến chất đầy phòng làm việc của Đình Anh, hơn 900 người. Tôi lần lượt đọc kỹ từng tập, chọn ra 240 người để gọi thi viết, chia thành ba buổi vào các ngày 3-4/10. Tôi nghĩ, cách làm báo sẽ khác nhiều so với các báo trong nước, do đó không nhất thiết phải tuyển những người có kinh nghiệm phóng viên.
Cần những người thông minh – để tiếp thu mọi việc nhanh chóng và có nhiều ý tưởng; cần tiếng Anh – ngoài những ích lợi thông thường, những người có ngoại ngữ còn có văn phạm chuẩn hơn; và cần văn phong tiếng Việt tốt. Do đó tôi rất mừng khi thấy quy trình thi tuyển của FPT cũng đúng như thế: IQ, GMAT, English, còn thi chuyên môn – là bài luận bằng tiếng Việt. Sau này, qua những lần tuyển dụng tiếp theo, tôi thấy những người điểm cao nhất thường chính là những những nhân viên có năng lực nhất. Vì thế tôi rất tín nhiệm quy trình thi của công ty và chân thành biết ơn các cán bộ của Phòng nhân sự đã giúp tôi tiến hành tất cả các cuộc thi và chấm thi. Có hôm, trong phòng thi viết, tôi cầm một đề IQ thử giải, thấy nhiều câu chẳng biết làm thế nào. Nghĩ thầm, “thằng nào ra đề vớ vẩn thật”. Sau này, có lần một em phóng viên VnExpress thật thà hỏi tôi: “Hồi anh vào FPT có phải thi IQ không ạ?”. Tôi bảo: “Nếu anh mà phải thi IQ thì bây giờ chắc không có bọn em ở đây”. Tôi chấm tất cả hơn 900 bài luận văn, hết gần một tuần. Tôi đọc từng dòng, cố gắng tìm được nhiều thông tin nhất về khả năng, và có thể là cả tính cách nữa, của người viết.
Trong khi đó Đình Anh ráo riết thúc đẩy thi công thêm 200 m2 diện tích văn phòng trong khu nhà 75 Trần Hưng Đạo. 120 m2 sẽ dành cho VnExpress. Nói “xây dựng VnExpress từ số không” quả là đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Từ 12/10, tôi và Đình Anh phỏng vấn 90 ứng viên được mời sau vòng thi viết. Ba ngày liền chúng tôi hầu như ngồi lỳ trong phòng phỏng vấn từ sáng đến chiều… Hơn 20 người được tuyển dụng tập trung lần đầu tiên vào ngày 30/10. Tại phòng họp tầng 2 ở 89 Láng Hạ, tôi mời họ ngồi thành vòng tròn. Mỗi người lần lượt giới thiệu về mình – quá trình học tập, công tác trước đây, năng lực sở trường… Nhờ đó họ nhanh chóng trở nên thân thiện, gần gũi nhau. Phần lớn là những người vừa tốt nghiệp đại học, rất trẻ, chưa làm báo bao giờ. Đó là những người thông minh nhất mà tôi có thể có được vào thời điểm đó. Tôi cũng đứng lên tự giới thiệu, nói về kế hoạch xây dựng VnExpress. “Tôi sẽ làm cho các bạn trở thành các nhà báo. Đến ngày nào đó, những gì các bạn viết ra sẽ có hàng nghìn người đọc. Rồi nhiều hơn thế, và có thể ở nhiều nước trên khắp thế giới. Đến ngày nào đó, trên các màn hình máy tính ở mọi nơi sẽ thường xuyên hiện lên cái tên VnExpress…”. Tôi nhìn vào mắt họ, và nghĩ, có lẽ họ tin tôi.
Tiếp đó là hai tuần đào tạo nghiệp vụ báo chí.Diện tích xây thêm ở 75 Trần Hưng Đạo đang định hình từng ngày.Đình Anh bắt tay vào viết phần mềm biên tập VnExpress. Trong đó có một số yếu tố sẽ mang tính cách mạng đối với báo chí Việt Nam. Trước hết, đó là cách thức phát hành mỗi bài báo theo con đường độc lập của nó. Tức là các bài báo sẽ không chờ đợi trang báo của nó (ví dụ bài về văn hoá thì phải chờ các bài khác để lên layout trang Văn hoá hoàn chỉnh), và các trang sẽ không chờ đợi số báo của nó.
Trước đó, khi nói đến báo chí, nhất thiết người ta phải nói đến tính định kỳ của nó: “Báo của anh là ra hàng tháng, hay bán nguyệt san, hay tuần báo, hay ra hàng ngày?…”. Định nghĩa báo, tạp chí trong giáo trình khoa Báo chí Đại học QG Hà Nội viết: “Báo, tạp chí là một loại hình thông tin đại chúng thực hiện các chức năng cơ bản như thông tin, định hướng dư luận, giải trí…, và được phát hành định kỳ”. Thậm chí các báo điện tử tồn tại trước đó cũng lên mạng theo “số báo”. Ví dụ, người ta còn viết: “báo Nhân Dân Điện tử số ra ngày…”(!).
Cách thức xuất bản VnExpress sẽ thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến, và đó chính là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin. Thứ hai, phần mềm này phải cho phép thực hiện một loại hình gọi là “bài báo mở” – tức là bài báo sau khi đã phát hành vẫn còn tiếp tục được cập nhật. Với khả năng đó, VnExpress sau này đã có các hình thức bài “Tường thuật trực tiếp” và “Phỏng vấn trực tuyến”. Thứ ba, cấu trúc website phải giúp giải quyết “bài toán trang nhất”. Ngay từ ngày báo in ra đời đến nay, các biên tập viên luôn luôn đương đầu với mâu thuẫn là: làm sao đưa được hết những cái hay nhất của số báo ra trang nhất để mời chào độc giả. Tờ báo càng hay thì càng không thể đưa được hết nội dung ra ngoài. Nhiều tờ báo hiện nay tìm mọi cách cắt xén các bài gần như chỉ còn lại headlines để đưa ra manh mún trên trang nhất. Với báo trực tuyến, trang nhất còn tệ hại hơn, nhỏ hơn: chỉ còn bằng màn hình. Nhiều websites đã cố đưa ra trang home hàng chục, thậm chí cả trăm tít bài, nhưng vẫn không hấp dẫn được độc giả.
Chúng tôi chọn nguyên tắc “Nắm cỏ thơm cho con lừa”. Nghĩa là chỉ bằng một nắm cỏ nhỏ bé, nhưng thơm ngon nhất, để dụ con lừa vào kho cỏ mênh mông, trù phú bên trong. Hình tượng “con lừa” ở đây hoàn toàn không có ý coi thường độc giả, mà chỉ là thuật ngữ nói lên tính thụ động của người đọc: họ không có nhiệm vụ phải đọc báo của bạn, họ thụ động và lười đọc báo của bạn vì còn có nhiều thứ hấp dẫn khác. Do đó mỗi trang chuyên đề bên trong VnExpress chỉ được giới thiệu ra trang nhất một headline với đoạn đầu bài mà chúng tôi gọi là “lead”. Việc lựa chọn tin nào, đặt cho nó tựa đề gì, và lead viết ra sao sẽ có thể quyết định số phận của cả trang trong. Tất cả phụ thuộc vào trình độ của biên tập viên.
Tiếp nữa, font chữ trước đó luôn là vấn đề đau đầu của các websites tiếng Việt. Giải pháp của Đình Anh là mạnh dạn chọn Unicode, và VnExpress là website Việt Nam đầu tiên dùng font này. Ngày 22/11, chúng tôi tiếp quản Newsroom của mình – cả tầng ba vừa xây xong ở 75 Trần Hưng Đạo. Hàng ngày thực tập làm tin, nhưng không đăng đi đâu – chờ chương trình. Mấy tháng liền Đình Anh ngồi một mình viết chương trình. Ngày nào cũng đến 7-8 giờ tối. Có lần đổ ốm, sốt cao mấy ngày.
Ngày 4/12, chúng tôi bắt đầu tập làm tin bằng phần mềm chạy thử mới viết xong. Thỉnh thoảng lại “chết”. Có người bối rối: “Tốc độ chạy thử thế này, đến Noel lên mạng được là may”. Quả thật – đã không may, đến tận ra Tết, 15/2/2001 VnExpress Editor mới được hoàn chỉnh, nhưng vẫn phải chạy thử.
Ra mắt
Cuối cùng, ngày 26/2, mặc dù còn khiếm khuyết, chúng tôi quyết định “phóng” VnExpress lên Internet. Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác. Không quảng cáo trên báo chí, không có lễ khai trương, diễn văn và champagne. Chỉ có một thông báo qua e-mail cho các khách hàng của FPT Internet. Nhưng đó là một ngày trọng đại của VnExpress. Chúng tôi bắt đầu theo dõi từng ngày xem có bao nhiêu hits. Liệu những nắm cỏ thơm của chúng tôi có mời chào được ai không? Liệu người ta có hiểu ý chúng tôi để click vào xem tiếp những trang trong? Liệu những tính toán của chúng tôi có đúng không? Hay mọi công sức đều đổ đi hết?… Một trăm, rồi hai trăm máy tính truy cập trong một ngày… Tôi ngồi trước máy tính của mình, muốn nói: “Hãy vào xem đi các vị. Sẽ có nhiều thông tin hữu ích đấy. Hãy xem đi, các vị sẽ hiểu chúng tôi và yêu mến chúng tôi”. Sau tuần đầu, số máy tính truy cập trong một ngày đạt mức 1.000. Các biên tập viên trẻ của tôi ngỡ ngàng vui mừng. Tin họ vừa biên dịch xong có những 1.000 người đọc.
Một tuần sau, số độc giả hằng ngày đã tăng gấp đôi… Sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả… Phần lớn thư bạn đọc kể rằng họ biết đến VnExpress là nhờ bạn bè giới thiệu. Đó là những ngày đầu tiên trên con đường tiến tới được xã hội chấp nhận, rồi đến chính quyền phải xem xét lại các quy chế về quản lý báo chí, rồi mở ra những hành lang mới để thừa nhận VnExpress về mặt pháp lý.
Qua những ngày đó mới hiểu, tại sao ngày 25/11/2002, khi cầm trên tay tờ giấy màu vàng giản đơn ghi dòng chữ “Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP – BVHTT”, Đình Anh đã nói: “Tôi thực sự xúc động”. Sau đó, VnExpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của năm 2002 “do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam”.
Những người viết sử thường nhấn mạnh những gian truân lúc sơ khai để đề cao sự việc. Nhìn lại sự ra đời của VnExpress, tôi thấy hầu như không có gian truân gì. Mọi việc nói chung đã diễn ra đúng hoạch định, nhẹ nhàng và thuận lợi. Phần lớn những thuận lợi có được là do cơ chế của FPT. Tôi thấy mình đã may mắn đến với FPT, đã may mắn có những người cộng sự và đồng nghiệp như hiện nay. (Trong trang sử ký này tôi không nêu nhiều tên người, vì như vậy sẽ rất nhiều: để làm tờ báo, cần có một tập thể lớn).
Tôi không hề nghĩ VnExpress là to tát. Ngược lại, tôi thực lòng mong rằng, sau này nhìn lại thấy VnExpress chỉ là một mầm non ban đầu, qua năm tháng biến thành cây đại thụ nhiều cành nhánh sum suê. Cây đại thụ đó chính là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng mạnh dưới sự điều khiển của tập đoàn FPT.