.
Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến,
nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, tôm
khô chấy, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng rồi mới
cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Tùy
theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua,
mực… Nhưng nhất thiết phải có thịt bằm.
Hủ tiếu khi du nhập vào miền Nam đã biến đổi ít nhiều để phù hợp với
khẩu vị của người dân ở đây. Đặc biệt Hủ tiếu Nam Vang do người Hoa chế
biến sẽ có vị béo của nước béo và thơm thơm của xì dầu theo phong cách
của người Hoa.
Cái tinh túy nhất của hủ tiếu là nước lèo, cũng giống như nước dùng
của bún bò, phở… Nước lèo được nấu từ xương heo, phải là xương ống có
tủy để khi hầm nước có vị ngọt đậm đà, nước lèo cũng sẽ trong hơn. Gia
vị nêm nước lèo ngoài những gia vị phổ biến còn có một gia vị đặc biệt
là tăng xại (hay còn gọi là cải nặm).
Nước dung hủ tiếu không thể thiếu thành phần tối quan trọng là thịt
heo băm nhỏ. Thiếu đi thịt heo bằm sẽ không còn là hủ tiếu Nam Vang nữa.
Cọng hủ tiếu thì mỏng và dẹp cỡ cọng bún gạo khô, ăn nghe dai, mịn mà
không đổ nhựa. Khi ăn hủ tiếu cũng có hai cách ăn là hủ tiếu khô và hủ
tiếu nước. Nếu ăn khô hủ tiếu được rưới thêm nước xì dầu cùng tỏi phi
thơm. Mùi thơm của tỏi phi vàng rộm cùng vị mặn có hậu ngọt thanh của xì
dầu càng làm tăng sức hấp dẫn của món ăn.