Vừa qua, tại Kyushu, Nhật Bản đã xảy ra liên tục hai trận động đất, trong đó trận động đất vào ngày 16 lên đến cấp 7,3.
Theo
truyền thông Nhật Bản, có 41 người tử nạn, hơn 1000 người bị thương.
Theo số liệu của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, trận động đất ở Kyushu vào
ngày 16 vừa qua có tâm chấn ở độ sâu 12km, thuộc địa chấn nông. Tâm chấn
ở đất liền, có cường độ mạnh và nông nhưng số người gặp nạn lại tương
đối ít. Trong vài năm trở lại đây, tại Nhật xảy ra nhiều trận động đất
từ cấp 6 trở lên, nhưng số người thương vong rất thấp so với những trận
động đất tương tự trên thế giới. Là một đất nước thường xuyên có động
đất, vì thế người Nhật đã xây dựng được hệ thống ứng phó giúp hạn chế
tối đa số người thương vong mỗi khi có động đất.
Xây dựng công trình kiến trúc chống động đất
Theo
thống kê, gần 90% số người chết trong động đất là do công trình kiến
trúc đổ gây ra, vì thế nâng cao khả năng chống động đất của công trình
kiến trúc là một trong những biện pháp để bảo vệ an toàn cho con người
trong động đất.
1. Kế thừa kiến trúc Trung Quốc cổ đại
- Công
trình kiến trúc bằng gỗ có sức chịu dư chấn cao, đây là phương pháp
“lấy nhu khắc cương” để hạn chế đối đa thiệt hại khi động đất xảy ra. Ở
Trung Quốc, nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ có từ thời cổ đại đã đứng
vững sau những trận động đất, ví dụ như Độc Lạc tự ở huyện Kế, Thiên
Tân (Dulesi, Jixian, Tianjin), Mộc tháp ở huyện Ứng tỉnh Sơn Tây… Trong
hàng ngàn năm qua chúng vẫn “ung dung tự tại” mà không bị hủy hoại vì
những trận động đất.
- Nhiều công trình kiến trúc của Nhật
ngày nay đã mô phỏng kiến trúc bằng gỗ của Trung Quốc ngày xưa. Đa số
người dân Nhật xây dựng nhà bằng gỗ để tăng cường khả năng chống sốc khi
có động đất. Về phương diện này, có thể nói người Nhật đang làm tốt
nhất thế giới.
2. Xây dựng bộ tiêu chuẩn cho công trình kiến trúc
- Sau
đại địa chấn ở Hanshin năm 1995, người Nhật đã rút ra nhiều bài học và
buộc phải thực hiện tiêu chuẩn về tính đàn hồi trong xây dựng công trình
kiến trúc. Trong “Tiêu chuẩn về công trình kiến trúc”, người Nhật quy
định công trình kiến trúc phải có khả năng chịu được chấn động từ cấp 7
trở lên, không cho phép tồn tại những công trình không đạt chuẩn.
- Sau
năm 1995, tất cả những công trình kiến trúc của Nhật khi xây dựng phải
nghiêm túc tuân thủ quy định mới này, những công trình cũ phải sửa chữa
lại cho đạt tiêu chuẩn. Qua hơn 10 năm nỗ lực, nhà ở của người Nhật hiện
nay trở nên “mạnh mẽ” khác thường. Vào ngày 11/3/2011, vùng Đông Bắc
của Nhật Bản xảy ra trận động đất mạnh cấp 9.0, nhưng số nhà cửa bị hủy
hoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê của Bộ Đất đai Hạ tầng và
Giao thông Vận tải Nhật Bản (Ministry of Land, Infrastructure, Transport
and Tourism – MLIT), trong tổng số 13.000 ngôi nhà bị phá hủy ở Nhật
thì trên 95% vì sóng thần, nguyên nhân vì động đất rất ít.
- Thời
gian gần đây người Nhật còn nghiên cứu làm ra cấu trúc máng nước cho
móng nhà dựa trên cơ sở chuyển động trượt, móng nhà lò xo… cho thấy
trình độ làm nhà chống động đất của người Nhật liên tục được nâng cao.
Dĩ nhiên, theo thời gian, năng lực chống động đất của công trình kiến
trúc sẽ giảm dần, vì thế người Nhật cũng phải chú ý “kiểm tra sức khỏe”
cho công trình theo định kỳ.
Hệ thống giám sát động đất hoàn thiện
- Với
trình độ kỹ thuật hiện nay, cho dù khó dự báo động đất chính xác, nhưng
nếu có hệ thống dự báo tốt khi xảy ra động đất sẽ hạn chế đáng kể thiệt
hại và cứu mạng được nhiều người. Động đất nếu ở vùng ven biển thường
kèm theo sóng thần, vì thế dự báo của hệ thống giám sát động đất cũng
giúp hạn chế tổn thất do sóng thần gây ra.
- Cơ quan Khí tượng
Nhật Bản xây dựng khoảng 200 trạm giám sát động đất trên toàn quốc, còn
Viện Nghiên cứu Chống thảm họa Nhật Bản đặt 800 trạm giám sát động đất
trên toàn quốc, con số cả ngàn trạm giám sát hình thành một mạng lưới
nắm bắt sóng địa chấn khổng lồ. Một khi xảy ra rung chấn, cơ quan chức
năng sẽ tiến hành phân tích số liệu do trạm quan sát gửi về để xác định
quy mô động đất, tính toán thời gian sóng động đất đến các nơi, và văn
phòng khí tượng lập tức đưa ra thông báo khẩn cấp.
- Ngoài ra,
Cơ quan Khí tượng Nhật bản cũng có hệ thống dự báo sóng thần khá hoàn
thiện để báo trước cho người dân ở những vùng duyên hải. Mỗi địa phương
đều có hệ thống dự báo sóng thần cùng Trung tâm Cứu nạn khu vực luôn sẵn
sàng hỗ trợ để hạn chế tối đa thiệt hại có thể.
Khả năng cứu nạn hoàn hảo khiến thế giới kính nể
- Trong
hệ thống pháp luật về cứu nạn, người Nhật có “Luật cơ bản về ứng phó
thảm họa” ra đời năm 1961. Luật này bao gồm: tổ chức chống thảm họa, kế
hoạch chống thảm họa, dự phòng thảm họa, đối sách ứng cứu và những vấn
đề xây dựng lại sau thảm họa, trách nhiệm của các cơ quan trung ương và
địa phương trong dự báo thảm họa…. Nhìn chung hệ thống luật khá toàn
diện, giúp hệ thống hành chính chống thảm họa ở Nhật Bản vận hành mạnh
mẽ.
- Năm 2011, Nhật Bản gặp siêu động đất gây thảm họa kép là
sóng thần và rò rỉ hạt nhân. Hệ thống chống thảm họa khi đó đã có phản
ứng đặc biệt chuyên nghiệp, được tổ chức rất trật tự, được phối hợp với
năng lực tự ứng phó đặc biệt tốt của người Nhật. Hệ thống cứu nạn của
Nhật Bản làm cả thế giới khâm phục: họ huy động 100 ngàn bảo vệ, 6500
quân nhân và 1128 nhân viên phòng chữa cháy, nội trong 3 ngày tìm cứu
nạn cho 15000 người không may mắn, đưa 55000 người trong khu vực thảm
họa đến 2100 cơ sở tị nạn.
- Người Nhật có hệ thống dự trữ và
vận chuyển vật tư cứu nạn, đảm bảo vật tư ứng cứu được cung cấp kịp thời
sau khi thảm họa xảy ra. Trước tiên họ khuyến khích mỗi gia đình tự
chuẩn bị vật tư cứu nạn, đặc biệt là lương thực và nước uống phải đảm
bảo cho gia đình sống từ 3 – 7 ngày. Tiếp đến, mỗi khu vực cũng phải tự
xây dựng trung tâm vật tư dự trữ, đảm bảo những vật dụng cần thiết như:
lều bạt, chăn nệm, máy phát điện và nhiên liệu, điện thoại và lương
thực… Mọi thứ phải được cung cấp kịp thời khi thảm họa xảy ra.
Nâng cao ý thức tự ứng phó cho mọi người
- Văn
hóa phản ứng với thảm họa là rất quan trọng. Trong nhiều thảm họa động
đất, do khả năng tự ứng phó của người dân kém nên thường dẫn đến những
hành vi không bình thường, làm tăng thêm thiệt hại cũng như thương vong.
- Người
Nhật có hệ thống giáo dục chống thảm họa rộng khắp với trình độ tiên
tiến hàng đầu thế giới. Trong hệ thống này, giáo dục trong nhà trường
đóng vai trò trung tâm. Nhờ có văn hóa ứng phó với thảm họa nên trong
trận siêu động đất ngày 11/3/2011 ở phía đông Nhật Bản, mọi người có thể
triển khai công tác tự ứng cứu có trật tự, không xảy ra hỗn loạn.
- Người
Nhật Bản được dạy về ý thức ứng phó với động đất ngay từ nhỏ, có sự
phối hợp giữa nhà trường và xã hội. Những học sinh tiểu học thường xuyên
được diễn tập ứng phó khi có động đất để các em ý thức không hoảng loạn
khi có động đất, cách bảo vệ tốt phần đầu và lánh nạn một cách có trật
tự.
- Các gia đình người Nhật đều có bản đồ hiển thị chi tiết
nơi lánh nạn và hướng dẫn con đường nhanh nhất đến nơi lánh nạn. Những
nơi lánh nạn chủ yếu ở công viên và trường học. Tại Nhật, gần khu dân cư
thường có một công viên rộng rãi, đường trong công viên không dưới 4
mét để xe cộ ra vào thuận tiện, trong công viên có hồ nước và trung tâm
cứu nạn.
- Với người Nhật, công việc nội trợ trong gia đình
thường do phụ nữ làm, họ cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong công
tác ứng phó với động đất ở trong nhà. Do động đất có thể làm bể ống khí
đốt gây hỏa hoạn, vì thế mỗi khi cảm nhận có dư chấn là họ phải nhanh
chóng tắt bếp, mở cửa sổ để có thể thoát hiểm. Mỗi gia đình thường chuẩn
bị sẵn “túi chống cháy”, bên trong có nhiều thứ như lương thực, nước
uống, thuốc, điện thoại, khăn, khẩu trang, dây thừng… Các bà chủ cũng
tiến hành kiểm tra và thay đổi những vật phẩm ứng cứu này theo định kỳ.
- Trong
thảm họa siêu động đất năm 2011, dù cảnh tượng khu vực thảm họa trông
không khác gì địa ngục, nhưng dường như không thấy nạn nhân nào than
khóc, mọi người chỉ lặng lẽ dùng khăn lau những vết bẩn trên mặt và xếp
thành hàng dài ngay ngắn để nhận nước uống, lương thực. Khung cảnh làm
cả thế giới phải ngã mũ khâm phục!
Theo
Đại Kỷ Nguyên tiếng TrungTinh Vệ biên dịch