Thursday, January 16, 2025

Những câu chuyện nhỏ

 


1. Nghỉ việc trước Tết

Tui đi ăn sáng, mới dừng xe trước quán chưa kịp gọi thì em phục vụ đã chạy ra dắt xe vào.

Vừa dắt vừa khóc.

Không quen biết gì nhiều, cả hai lại đều là con trai nên tui cũng không dám hỏi gì, sợ cậu ta ngượng.

Tui chỉ bưng cốc trà chạy ra ghế ngoài ngồi xem có hóng được gì không. 

Trời không phụ lòng người chịu lạnh, lúc sau, bác chủ quán đi ra nói chuyện. Bác ấy mở đầu bằng một câu kinh điển: sắp Tết đến nơi rồi mày nghỉ ngang đột ngột thế này thì chếch bác. 

Ối giồi ôi nghe mới giống câu tủ của tui hồi xưa làm sao.

Thằng nhóc quệt nước mắt. Cháu cũng biết thế. Nhưng giờ bố cháu đi viện rồi cháu phải về coi nhà. Bác thông cảm cho cháu.

Nhưng mà nghỉ sát nút thế này thì không có thưởng Tết gì đâu đấy. Bác giải quyết cho mày lương tháng này không bị phạt thôi.

Vâng. 

Chuyện cậu ta nước mắt ngắn dài, bác chủ quán chắc cũng như tui, ngượng. Chẳng nói gì. Thế là suốt trong lúc tui ăn sáng, cậu ta vẫn vừa khóc vừa dắt xe cho khách.

Có cái vừa buồn cười, cũng vừa đáng khâm phục đấy là khóc thế nhưng không dắt trượt cái xe nào, lau không thiếu cái bàn nào. 

Việc của mình vẫn làm tốt lắm.

Lúc tui định đi về thì thấy bạn đứng bếp và có vẻ là quản lý ở đó chạy ra đàm phán với bác chủ.

Bác cho nó thêm 500 tiền đi lại được không ạ. Nó làm ở đây cả năm, cũng chăm chỉ. Nãy giờ nhận điện thoại của nhà xong nó vẫn lo bàn ghế xe cộ đàng hoàng cho khách.

Tao nhìn thấy rồi. Tao cũng định cho. 

Thế sao nãy bác bảo nó không có thưởng Tết?

Thì đây là lì xì. 

Tui chợt hiểu tại sao tới ăn ở đây đến mấy năm, mà tui vẫn gặp được vài gương mặt nhân viên quen thuộc. Dù công việc ở đây có vẻ cũng không hấp dẫn lắm. 

Hơi xấu tính, nhưng tui đã nghĩ nếu mình là bác chủ và nếu cậu nhóc kia hôm nay chểnh mảng thì không dễ để có kết cục tốt đẹp như vậy. 

Tui ôn lại được từ cậu nhóc phục vụ nhỏ hơn mình cả đống tuổi về bài học “làm tốt việc của mình ngay cả trong tình cảnh khó khăn”. 

Cũng học được từ bác chủ bài học “quy định không phải là tất cả những gì mình cần làm”.


2. Cạnh tranh bằng một nhánh gừng

Tui bảo thèm ăn bò sốt vang. Thằng em tui thấy thế thì gạ mai dậy sớm đi mua bò về nấu không, em sẽ giới thiệu với anh quầy bò ruột thịt của em. 

Tui ừ. Thế là hai tụi tui ăn tối xong leo lên giường cố ngủ từ trước 12h, đặt báo thức dậy sáng sớm hôm sau đi mua bò, vì quán bò này chừng 8h gì đấy là hết sạch đồ rồi. 

Nói chung chuẩn bị trịnh trọng lắm.

Chúng tui đứng giữa một đám đông khách mua hàng chục cân để mua lẻ năm lạng thịt. 

Tui thấy mình mua ít nên ngại, không dám hỏi han gì nhiều vì sợ người ta tốn thời gian. Chị bán hàng thì vẫn niềm nở bình thường. 

Thấy tui chỉ chỉ miếng mình muốn mua, chị ấy rất bình tĩnh dừng lại hỏi thế em mua về nấu gì?

Tui bảo nấu sốt vang. Chị ấy xúi, thế em mua bớt thịt đi, thêm ít nạm ăn cho ngon. 

Đúng chuẩn công thức rồi, thằng em tui nghe thế thì gật đầu rối rít mua thêm nạm như lời đề nghị. 

Xách túi thịt chen ra khỏi quầy, tui thấy trong túi có mấy nhánh gừng. Tui thắc mắc, sao bả bỏ gừng vào lúc nào nhanh thế nhỉ?

Em tui đáp, úi giời, nhà đấy hai vợ chồng bán mà. Anh chồng lúi húi ngồi phía sau đấy chắc anh không để ý. Ông ấy gói thịt với thêm ớt gừng. 

Lần nào cũng thêm như vậy hả?

Đúng rồi. Bà ý bảo là để cạnh tranh. Hồi trước em hỏi, bả bảo giờ này thiếu gì người bán bò, mình phải thêm ít này nọ để nịnh khách một tí thì mới dễ cạnh tranh. 

Tui học được từ một người bán hàng ngoài chợ bài học “tận tụy trong từng chi tiết nhỏ”.

Thú thực, bài này tui học mãi chưa thấm. 

Mỗi khi đi ra đường, luôn có một ai đó khiến tui thấy rằng những gì mình làm vẫn hời hợt lắm. Còn có thể tận tâm hơn nữa.


3. Con nhà nòi

Dạo gần đây tui mê dừa tắc. Nói chung món này làm dễ, tự mua dừa về làm cũng được nhưng tui cứ thích chạy ra ngoài mua đồ pha sẵn. 

Mỗi tội, tính tui hơi lắm chuyện, đi uống trà không thích thêm sirup, uống dừa tắc thì ghét thêm đường. Có quán chiều được có quán không.

Hôm trước tui vào quán quen, thấy thằng nhóc con chủ quán đứng trông quầy. Ngó thấy menu mới cập nhật món dừa tắc nhưng tui tần ngần không dám gọi, vì sợ cốt pha sẵn toàn đường thì mình không uống được, mà thằng nhóc này bé quá trông không có vẻ sẽ làm được cốt riêng. 

Thế mà vừa thấy tui, nó gạ liền, chú uống món mới không?

Tui hỏi món gì.

Nó bảo dừa tắc á.

Tui kể lể, cốt có đường sẵn đúng không, chú hay thấy người ta làm thế, nhưng chú không uống được đường nên đang không tính gọi.

Thằng nhóc gạ, chú uống đi, con làm không đường cho.

Tui gật. Xong tui hỏi nó tính làm như nào. 

Nó đáp, dễ ẹc, lấy nước dừa bình thường mẹ con trữ trong tủ ra, lấy tắc ra pha vô, cho thêm chú mấy cục cơm dừa là xong. 

Chú thích nhiều cơm hay ít cơm?

Ít đi, chú uống nước thôi. 

Thằng nhóc gật gù, quay vào quầy đeo găng tay pha pha lắc lắc. 

Trong lúc đợi, tui chợt nhớ đến một bài viết gần đây trên thrớt city của một bạn pha chế. 

Câu chuyện đại khái là khách uống không đường nhưng món của nhà bạn trong công thức vốn không có đường, chỉ có sữa đặc thôi. Bạn giảm còn 10% sữa đặc, khách vẫn phàn nàn bung beng vì quá ngọt. 

Lúc ấy, tui lướt thấy bạn lý giải là mình không được đổi công thức. Nên khách sai, bạn đúng. Đại khái vậy.

Tui mới tò mò hỏi thằng nhóc đang pha nước này, ê nhóc, nếu mẹ con không cho tự ý pha chế như vậy thì khi chú order “dừa tắc không đường”, con tính sao?

Thì con bảo cốt dừa tắc nhà con sẵn đường rồi, giờ con thêm nhiều đá cho bớt ngọt được không. Nếu chú không đồng ý thì con gạ chú uống dừa nguyên quả. Đơn giản.

Sao con nghĩ ra hay vậy?

Thằng nhóc lườm tui. Vì mẹ con cũng làm vậy chứ sao. Mẹ con bảo bán hàng nước mỗi khách một khẩu vị, gì mình theo được thì theo, không theo được thì nói rõ rồi gạ món khác là xong.

Tui phục lăn. 

Tui học được từ đứa nhóc còn làm bài tập trên vở ô ly bài học làm ăn, “không đáp ứng được chính xác yêu cầu của khách cũng không phải là chấm hết”.


#st.

Wednesday, January 15, 2025

Hãy nhớ ai đã đi với mình từ buổi đầu

 


Hãy nhớ ai đã đi với mình từ buổi đầu – cái thuở mà tay còn ngắn, giấc mộng còn xa. Cái thuở mà lòng mình nông cạn như con kinh mùa nắng hạn, bước chân tập tễnh bước vào đời, hông vững chãi, hổng biết sẽ vấp té hồi nào. Nhớ cái tay ai từng chìa ra giữa lúc mình hụt hơi, ai đỡ mình đứng lên khi đời xô nghiệt ngã.


Người hồi xưa dạy: Ơn ai cất bước cho mình, thì chân đi trăm nẻo cũng phải nhớ quay về. Ơn nghĩa, như hạt phù sa lặng lẽ bồi đắp bến bờ, hổng cần lời cảm tạ mà lòng mình tự khắc phải biết. Như chén nước mát má rót lúc nắng chang chang ngoài đồng, uống vô dịu cơn khát mà có mấy ai nhớ lại cái tay gầy guộc từng bưng. Người giúp mình lúc lận đận, họ là cái bóng sau lưng, có mấy ai ngoái đầu mà nhìn, chỉ thấy khi cái bóng mất tiêu.


Chữ “nghĩa” là cây bồ đề, rễ sâu mấy tầng đất, cành lá che mấy mùa đời. Tình nghĩa, cũng như dây khoai níu đất, bám sâu hổng dứt. Ấy vậy mà đời bây giờ ai còn nhớ những ngày từng nhờ một cánh tay người nắm lấy mình kéo lên. Bao người đi qua đời, mà mấy ai ở lại từ thuở nghèo hàn, từ lúc mình còn lội ruộng cấy từng bước mộng mỏng manh.


Nhớ làm chi lời hứa vàng son của ai đi tới nửa đường đã quên, mà hãy nhớ bóng người đứng đầu ngõ chờ mình buổi hoàng hôn trời xuống. Nhớ ánh mắt người từng kiên nhẫn nhìn mình thất bại, cái môi trề nửa thương nửa giận khi thấy mình cố chấp. Nhớ để mà giữ lòng, để mà đừng quên rằng bước chân ngày hôm nay đã có người lót đường từ buổi xa xưa.


Như chiếc chiếu cũ trải cho ấm nền đất, ai nhớ cái êm ái dưới lưng từng thấm từng sợi nhớ, từng nếp nghĩa? Nhớ cho đậm, giữ cho chắc, vì ơn nghĩa cũ là khói bếp ấm một đời – tắt đi rồi, cái lạnh ngấm vô tim mới thấm thía.


Ơn nghĩa cũ… đâu có cần ai nhắc, mà lòng mình tự nhớ hay quên thôi hà!


____________________

©️ Copyright by Thoòng Dành Kể Chuyện

Tết Trùng Cửu là gì?

Tết Trùng Cửu ngày 9 tháng 9 âm lịch năm 2021 là vào ngày mấy dương lịch? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết truyền thống này là gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Có lẽ giờ ít người còn nhớ trong số 12 Tết cổ truyền của Việt Nam, tháng 9 âm lịch cũng có một ngày Tết như vậy. Cũng ít người còn biết ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày gì. Theo truyền thống, đây là ngày Tết Trùng Cửu, là ngày tết có nguồn gốc từ rất lâu đời.



Tuy ngày nay, Tết Trùng Cửu không còn sức ảnh hưởng rộng khắp trong văn hóa Việt Nam, song đó vẫn được coi là một ngày lễ quan trọng của Nho giáo. Hãy cùng tuvingaynay.com đi tìm về nguồn gốc ra đời và ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền này nhé.


1. Nguồn gốc của Tết Trùng Cửu

Có nhiều điển tích về ngày Tết này:


+ Phong tục tập quán này bắt nguồn từ đời Hán. Ngô Quân thời Nam Triều trong “Tục Tề hài ký ” có chép một câu chuyện: “Đời Hậu Hán (25-250) có Hoàng Cảnh, người huyện Nhữ Nam, theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: ” Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du (một loại tiêu), uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9 ÂL theo lịch âm dương, người ta bỏ nhà tạm lên núi, lánh nạn… Lâu đời thành tục gọi là Tết Trùng Cửu. Sau dần thay đổi tính chất, Tết Trùng Cửu lại dành riêng cho tao nhân mặc khách lên núi uống rượu làm thơ.


+ Sách “Phong Thổ Ký” lại chép: Cuối đời nhà Hạ (2205 – 1818 TCN.), vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng Đế muốn răn nhà vua nên giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn… Tục ấy thành lệ.


+ Đến đời Hán Văn Đế (176 – 156 TCN.), vua cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy. Sau đến đời nhà Đường (618-907) xem ngày mồng 9 tháng 9 thành ngày lễ tết gọi là Trùng Cửu. Các văn nhân thi sĩ mang bầu rượu túi thơ cùng nhau lên núi cao say sưa ngâm vịnh.


Quan niệm xưa cho rằng số lẻ là số dương, tượng trưng cho sự phát triển, thịnh vượng. Ngày 9 tháng 9 là ngày thịnh dương, thể hiện mong muốn của con người về cuộc sống sung túc, đủ đầy nên ngày Tết này còn được gọi là Tết Trùng Dương.


2. Ý nghĩa Tết Trùng Cửu trong văn hóa

Thời Đường có lẽ cũng chính là thời điểm mà Tết Trùng Cửu du nhập vào Việt Nam, bởi đó là thời kì mà nước ta bị nhà Đường đô hộ, phải chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa nhà Đường. Tuy nhiên, ông cha ta không để bị hòa nhập hoàn toàn mà vẫn có những sự cải biến khác nhau nhất định trong ngày Tết này ở Việt Nam so với bản nguyên gốc của Trung Quốc.


Thời nhà Lý, nhà Trần, các nho sĩ cũng tổ chức leo núi, uống rượu, tự gọi đó là thưởng Tết Trùng Dương.


“Năm ngoái giữa rừng không có lịch

Nhìn hoa cúc nở biết trùng dương”


Đây là câu thơ được Huyền Quang Thiền sư, một vị thiền tăng nổi tiếng của Việt Nam sáng tác. Tên tuổi ông gắn liền với núi thiêng Yên Tử, nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm nổi tiếng với tứ quý “tùng – cúc – trúc – mai” trong Phật giáo Việt Nam.


Ở Trung Quốc xưa kia ngày 9 tháng 9 âm lịch là thời điểm hoa cúc nở rộ, báo hiệu mùa đông giá buốt sắp tới. Chính vì thế mà ngày Tết này còn có tên gọi khác là “Từ thanh”, tức là tạm biệt thảm cỏ xanh, tạm biệt những ngày thời tiết mát mẻ, bởi mùa đông đến cây cối không có sức sống, cảnh sắc nhạt nhòa trong tuyết giá.


Nuối tiếc những ngày ấm áp, người dân tranh thủ thời tiết đẹp để lên núi ngắm cảnh thu, cùng người tri kỉ uống rượu ngâm thơ. Người ta mang theo rượu hoa cúc để uống, mà hoa cúc lại nở bền nên dần trở thành biểu tượng cho tình bạn thắm thiết cũng như sự cao thượng, nho nhã của nho sĩ thời xưa.


Song khi tới Việt Nam, truyền thống này có vài sự đổi khác để phù hợp với văn hóa Việt. Đồng bằng sông Hồng là nơi dân ta sinh sống chủ yếu, mà đồng bằng ít đồi núi nên chỉ có những nhà văn nhà thơ, những người yêu văn chương, có tâm hồn nghệ sĩ mới rời xa đô thành tấp nập, về những vùng quê, nơi có những ngọn núi đẹp để ngắm cảnh, bình thơ cùng bạn hiền. Vì lẽ đó, Tết Trùng Cửu cũng ít phổ biến trong dân gian hơn những ngày Tết cổ truyền khác.


Đây là một ngày Tết cổ truyền trong văn hóa với mục đích phòng trừ bệnh tật, côn trùng. Có nhiều điểm tương tự với Tết Đoan Ngọ, Tết Trùng Cửu người ta uống rượu hoa cúc, đeo cành thù du để tránh bị đau ốm do thời tiết thay đổi.


Trong khoảng thời gian trước Tết này, trời mùa thu mưa lất phất, trời âm u, cái nóng chưa hết mà hơi lạnh đã đến, thời điểm chuyển mùa trời đất sinh độc, con người dễ sinh bệnh tật. Chính vì thế mà vào thời gian này cần hết sức chú ý phòng côn trùng, phòng nóng lạnh. Rượu cúc hoa có tác dụng mát gan, giải nhiệt, tiêu độc, sáng mắt, giải cảm… Cây thù du có tính cay nóng, hương thơm từ cây có thể đuổi muỗi, côn trùng, cũng có thể trị hàn, khử độc.


Tết Trùng Cửu 2021 là ngày nào? Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trùng Cửu


3. Các phong tục tập quán trong ngày Tết Trùng Cửu

Lên vùng cao


Người ta rủ nhau lên núi cao hay tháp cao, chỗ cao, tùy điều kiện sẵn có từng nơi để thưởng ngoạn phong cảnh , nhớ lại thời cổ đại đã từng phải “lên cao lánh nạn”. Ăn bánh “cao 糕” cũng để nhắc nhớ thời phải lánh lên cao, do lấy chữ đồng âm là “cao”. Bánh cao làm bằng bột gạo xay nước ngào đường đỏ hấp chín đổ thành 9 tầng như bảo tháp, tượng trưng cho đỉnh cao và số 9, bên trên còn nặn hình hai con dê nhỏ tượng trưng trùng dương, lại cắm trên đó một ngọn đèn nến tượng trưng đăng cao là trèo lên cao, và cắm một ngọn cờ giấy nhỏ màu đỏ tượng trưng cho cài lá châu du 茱 萸. Đó là cách làm thời cận đại ở vùng Phúc Kiến.


Ngắm hoa cúc và uống rượu hoa cúc


Theo danh y đời nhà Minh tên Lý Thời Trân, hoa cúc có công dụng chữa trị nhiều bệnh như đau mắt, chóng mặt, nhức đầu, giải phong nhiệt. Rượu hoa cúc có thể giúp tránh bị trúng gió, khử nhiệt, bổ gan sáng mắt, tiêu viêm giải độc. Rượu hoa cúc có vị đắng, người xưa cho rằng, uống loại rượu này sẽ thêm tuổi thọ nên họ gọi đây là “rượu trường thọ”.


Ngoài uống rượu hoa cúc, ngắm nhìn hoa cúc là một trong những phong tục của tết Trùng Cửu. Hoa cúc được xem là loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng, đại diện cho tình bạn và nét nho nhã của danh sĩ. Cúc được xem là một trong bốn loài hoa quân tử: Mai – Lan – Cúc – Trúc.


Cài lá châu du


Phong tục này rất phổ biến thời Đường, hoặc giắt vào người hoặc bỏ vào túi vải đeo theo người để trừ tà, nhất là phụ nữ và trẻ em. Trái cây châu du là một vị thuốc, chất lượng tốt nhất là vùng đất Ngô tức vùng Giang, Triết ngày nay nên còn gọi là Ngô châu du, lại cũng còn gọi là cây dầu Việt , là loại cây nhỏ, cao hơn một trượng, lá như cái lông vũ, mùa hè nở hoa trắng, quả đặc có cơm béo ngậy màu vàng, quả sau thu thì chín màu tím đỏ, sách “ Bản thảo cương mục” nói cơm quả vị đắng cay mà thơm, tính ôn nhiệt, có thể trị hàn khu độc, người xưa quan niệm giắt lá nó vào người để trừ tà. Phong tục này học giả Chu Sở đầu thời Tấn viết trong “Phong thổ ký” là một phong tục của người Giang Nam.


Thời kỳ Lý – Trần, nho sĩ Việt Nam cũng tổ chức leo núi, uống rượu hoa cúc gọi là thưởng tết Trùng Dương. Bây giờ ít có nơi tổ chức tết trùng cửu.


“Năm ngoái giữa rừng không có lịch

Nhìn hoa cúc nở biết trùng dương”


Câu thơ trên là của một Vị thiền tăng nổi tiếng của Việt Nam, gắn liền với một ngọn núi – núi Yên Tử – nơi phát tích một dòng thiền của Việt Nam – dòng thiền Trúc Lâm nổi tiếng với tứ quý ” Tùng, Cúc, Trúc, Mai “.


4. Tết Trùng Cửu năm 2021 là ngày nào?

Tết Trùng Cửu năm 2021 là ngày 14/10/2021, cũng là ngày 9/9 âm lịch. Ngày này thuộc Thu (Thu hoạch tốt. Kỵ khởi công, xuất hành, an táng). Ngày Tết Trùng Cửu 2021 là ngày Ất Mùi; tức Can khắc Chi (Mộc, Thổ), là ngày cát trung bình (chế nhật).


Trong ngày này, những người tuổi Kỷ Sửu, Quý Sửu, Tân Mão, Tân Dậu bị xung ngày, cũng nên lưu ý cân nhắc công việc trong ngày để không gặp chuyện ngoài ý muốn.


Nếu có ý định tiến hành chuyện lớn thì nên chọn các khung giờ hoàng đạo sau để đón lành tránh dữ:


Mậu Dần (3h-5h): Kim Quỹ

Kỷ Mão (5h-7h): Bảo Quang

Tân Tị (9h-11h): Ngọc Đường

Giáp Thân (15h-17h): Tư Mệnh

Bính Tuất (19h-21h): Thanh Long

Đinh Hợi (21h-23h): Minh Đường


Hướng xuất hành tốt trong ngày: hướng Tây Bắc là hướng của Hỷ thần (hướng thần may mắn), trong khi Tài thần lại nằm ở hướng Đông Nam, gia chủ nếu trong ngày Tết Trùng Cửu 2021 có ý định cầu tài cầu hỷ có thể xem xét thêm yếu tố này.


Theo tuvingaynay.com

NHÃN RƯỢU VANG

 



Tất cả các nhãn rượu đều thể hiện tên nhà sản xuất, tên thương hiệu, nhà làm rượu hoặc tên vùng xuất xứ. Ở mỗi vùng sẽ có quy định riêng về nhãn rượu. Nhãn rượu vang của khu vực châu Mỹ và vùng nam bán cầu có xu hướng dễ hiểu hơn. 


Vậy có gì trên nhãn chai của khu vực này?


1. Tên rượu vang hoặc vùng xuất xứ - bắt buộc


Việc thể hiện vùng xuất xứ trên nhãn rượu là bắt buộc đối với tất cả các loại rượu vang, cho biết nơi trồng nho chứ không phải nơi sản xuất rượu vang.


2. Tên thương hiệu hoặc nhà làm rượu  - bắt buộc


Rượu vang thường được bán thông dụng nhất dưới tên của nhà sản xuất rượu nhưng cũng có thể bán dưới thương hiệu của điền trang.


3. Niên vụ nho - tùy chọn


Mục này xác định năm thu hoặc nho


4. Giống nho - tùy chọn


Rượu vang thường được đặt tên theo giống nho được sử dụng, trong trường hợp này, chúng phải chứa ít nhất 75% giống nho đó.


5. Nhãn phụ 


Tùy vào quốc gia sẽ có những quy định khác nhau, nhưng tất cả các chai rượu phải chỉ rõ (trên nhãn trước hoặc sau): thể tích chai, nồng độ cồn và quốc gia xuất xứ. Tên và địa chỉ của cơ sở sản xuất cũng phải được thể hiện.

....


Nguồn: Thưởng thức rượu vang như một chuyên gia của Marnie Old.

Những lưu ý trong giao tiếp, mà trường học không dạy bạn

 Những lưu ý trong giao tiếp, mà trường học không dạy bạn:



1. Đừng chê bai thứ mà ai đó thích ngay trước mặt họ. Đặc biệt là idol.


2. Có thể cười nhạo bạn bè, nhưng đừng cười nhạo thứ mà người ấy thích.


3. Mình có thể bao cậu chầu coffee 100 nghìn, bữa ăn vài trăm nghìn, nhưng 10 nghìn cậu nợ mình nhất định phải trả lại đấy.


4. Mượn đồ của người khác, nhất định phải chủ động trả lại.


5. Mình không thích ăn gì đó cũng đừng nói gớm, sẽ có người ăn thứ bạn không thích. Tôn trọng đến từ cả hai phía.


6. Khi nói chuyện với ai đó, nếu có nhắc tới cha mẹ của họ, dùng “cô, chú” tốt hơn nhiều so với “mẹ mày, bố mày”.


7. Cả hai bên cùng vui vẻ mới gọi là đùa, ngược lại thì là bắt nạt.


8. Sau khi bạn bè chia tay đừng bao giờ chê trách nói xấu người yêu của họ, bởi có thể ngày mai lại làm lành ấy mà.


9. Tam quan đã không hợp rồi thì không cần phải thuyết phục nhau làm gì.


10. Lúc bạn cùng phòng nghỉ ngơi đừng lớn tiếng làm ồn. Đây chỉ là gia giáo cơ bản thôi, thế mà đầy người không làm được.


11. Người ta có thể tự chê bản thân, nhưng bạn đừng bao giờ hùa theo.


12. Đừng lúc nào cũng cố tỏ ra ngầu lòi, bạn mãi chẳng hiểu được người đối diện lợi hại nhường nào đâu.


13. Lúc người khác kể một chuyện gì đó với bạn, cho dù không có hứng thú cũng nên hỏi mấy câu. Nhưng đừng hỏi kiểu ghê vậy, thế cơ à, hay nhỉ, ừ hứ.


14. Học cách chối từ. Có nhiều lúc, làm người tốt mãi lại chẳng được hoan nghênh.


15. Có thân thế nào đi nữa, lúc đưa ra yêu cầu với đối phương cũng phải tôn trọng họ.


16. Một khi đã nói ra bí mật với người thứ hai, bạn phải nghĩ đến có ngày nó sẽ đến tai mọi người.


17. Lúc tán gẫu, đừng chỉ nói chuyện của mình, nghe vài câu của người khác nữa đi.


18. Bạn cùng phòng, bạn cùng lớp, đồng nghiệp, bạn bè là bốn kiểu người khác nhau.


19. Lúc trèo lên cao hãy đối xử tốt với mọi người một chút, bởi lúc bạn xuống dốc cũng gặp lại bọn họ mà.


20. Khi bạn cảm thấy người khác có được thứ mà bạn không có, đừng ghen tị, bởi một là người ta cố gắng mới đạt được, hai là bởi trời sinh. Cũng cố gắng đi.


21. Đừng bao giờ nói xấu sau lưng ai đó, bởi bạn sẽ chẳng biết cuối cùng nó sẽ thành phiên bản nào khi đến tai họ.


22. Đừng lúc nào cũng kể với người khác bạn khổ ra sao, cũng chẳng nhiều người thích nghe đâu.


23. Đừng nói quá nhiều, đừng thân quá nhanh.


24. Nhân lúc bạn còn đang thích một ai thì đi tỏ tình đi, không thì có khi sau này bạn lại thích tiền đấy.


25. Một chuyến du lịch có thể khiến bạn nhận ra ai mới là bạn bè thực sự.


26. Đừng tùy tiện chạy đi nhờ vả người khác, cho dù đối với bạn chẳng nhỏ chút nào.


27. Quan hệ rộng cũng là một loại của cải, phải quản lý tốt nó.


28. Nên nhớ, công việc là do bạn làm, nhưng thành tích nhất định là của lãnh đạo. Lúc bạn làm việc, một khi có thành tựu, nhất định phải đem thành tựu của công việc này dán nhãn lên lãnh đạo. Lãnh đạo không phải người ngốc, danh tiếng thuộc về lãnh đạo, thì lợi ích sẽ thuộc về bạn. Giờ người trẻ tuổi cứ cố gắng làm việc đi, đừng tranh công với lãnh đạo.


29. Đi ăn uống đừng nói: “Tùy, gì cũng được.” Không biết nên chọn gì thì có thể nói: “Tôi nghe theo bạn hết đó.”


30. Nên! Giữ! Khoảng! Cách! Với! Người! Khác! Giới! Khi! Họ! Có! Người! Yêu!


31. Biết người nhưng đừng bình phẩm. Biết chuyện nhưng đừng bô bô.


32. Khi cần đến sự giúp đỡ của người khác, cho dù họ không giúp được bạn, đều nên nói một tiếng cám ơn.


33. Lúc cậu chê tôi, tôi sẽ tự chê mình, điều này chứng minh tôi tốt tính. Nhưng đừng coi tôi như đứa ngốc mà hết chê này lại chê kia chứ.


34. Nhất định phải lễ phép với cha mẹ của bạn bè, bởi khi họ có ấn tượng tốt về bạn thì mới yên tâm để bạn chơi với con của họ.


35. Khi ai đó hỏi bạn, trả lời “Mình không biết hoặc mình không hiểu lắm” nghe hay hơn là “Sao mà biết được” nhiều đó.


36. Đừng có tự khiến mình cảm động, rồi ép người khác phải cảm động theo.


37. Đa số mọi người đều thích những người tươi vui hoạt bát hơn những kẻ suốt ngày mặt ủ mày ê.


38. Sự nhiệt tình không được đáp lại, phải biết tự ngừng lại lúc thích hợp.


39. Bạn không vui, cũng đừng đem cái không vui này đẩy cho bạn bè.


40. Những lời không thể nói trước mặt cũng đừng nói sau lưng.


41. Lạnh lùng và không lịch sự là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn.


42. Khi con trai nói con gái xấu nghĩa là bạn nhìn không đến nỗi, nói bạn xinh là xinh thật luôn, bởi khi gặp xấu thật ý, là sẽ không nói chuyện với bạn đâu. Khi con gái nói con trai xấu nghĩa là xấu thật, nói bạn đẹp trai là tạm được, bởi khi gặp người đẹp trai thật ý, là sẽ không dám nói chuyện cùng bạn đâu.


Nguồn: Weibo

Dịch: Linh Lung Tháp