Saturday, October 31, 2020

Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween

 Lịch sử bí ngô vào ngày lễ Halloween🎃🎃🎃



Truyền thống đục các loại củ quả theo hình mặt người xuất phát từ người Xen-tơ (Celts). Đây là một bộ tộc cổ, sinh sống chủ yếu ở vùng Tây Âu, bao gồm Brittany, Cornwall, Wales, Scotland, Ireland, và Đảo Man.


Bản thân từ “Halloween” có xuất xứ từ Thiên Chúa Giáo, đó là từ kết hợp của hai từ Hallows Eve (ngày lễ thánh hóa hay còn gọi là ngày lễ các thánh) diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 11, tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng ngay từ thế kỷ 5 trước công nguyên người Celtic ở Ai-len đã kỷ niệm ngày này vào ngày 31/10, tức là ngày cuối cùng của mùa hè như là một nghi lễ mừng năm mới.

Trong văn hóa tâm linh người Xen-tơ, từ ngày 31 tháng 10 cho đến ngày 1 tháng 11 chính là lúc linh hồn của những người đã chết năm đó sẽ biến mất. Vì thế, thời điểm này ma quỷ sẽ xuất hiện rất nhiều. Chúng quẩn quanh các đống lửa mà người Xen-tơ dựng lên giữa cánh đồng để ăn mừng vụ mùa và chào đón mùa đông sắp đến. Họ tin rằng chỉ có ánh sáng mới bảo vệ được họ trên đường ra cánh đồng, nên họ bắt đầu đục lỗ củ cải theo hình mặt người, khoét bỏ ruột và đặt một cây nến bên trong để làm đèn dẫn đường. Ánh sáng chiếu qua “mắt”, “mũi”, “miệng” của củ cải sẽ khiến ma quỷ sợ hãi và bỏ đi. Chiếc đèn này cũng là thứ giúp cho những người đi đường và linh hồn của những người tốt biết phương hướng trở về nhà.


Chiếc đèn lồng bằng củ cải đó về sau được đặt tên theo Stingy Jack — một người nông dân hà tiện sống ở vùng đất Ireland. Một hôm, Jack mời quỷ cùng đi uống rượu và đến khi phải trả tiền, Jack gạ quỷ tự biến thành tiền để trả cho người bán hàng. Vì bản tính láu cá, Jack liền bỏ ngay đồng tiền vào túi có chiếc thánh giá nên quỷ không thể trở lại nguyên hình được nữa.


Khi quyết định bỏ cây thánh giá ra khỏi túi để quỷ trở về hình dạng ban đầu, Jack đã đưa ra điều kiện rằng quỷ không được quấy nhiễu mình trong suốt 1 năm. Và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu hồi linh hồn của mình. Hết một năm giao kèo, vì sợ quỷ trở mặt, Jack lừa quỷ leo lên cây táo hải quả. Trong lúc quỷ loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay hình thánh giá vào gốc khiến quỷ hoảng hốt không dám leo xuống. Lần này, Jack lại đưa ra thỏa thuận là quỷ không được trêu chọc anh trong thêm 10 năm nữa thì anh mới giải thoát cho quỷ.


Một thời gian sau đó, Jack chết. Hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng Thượng đế không cho vào vì Jack đã nhiều lần lừa đảo với cả quỷ dữ. Jack bèn tìm xuống địa ngục nhưng vì giữ lời hứa, quỷ không bắt hồn Jack và đuổi anh đi. Thấy Jack đáng thương, quỷ đã cho Jack một cục than hồng để dò đường trong đêm tối. Jack bỏ cục than vào trong một củ cải rỗng ruột và từ đấy mãi lởn vởn khắp dương gian.


Người Ireland lan truyền câu chuyện thần thoại đó và bắt đầu đặt các củ cải được đục lỗ ở cửa sổ của họ để ngăn Jack hà tiện và những con quỷ khác vào nhà. Sau này, khi người Ireland nhập cư vào Mỹ, họ nhận thấy ở Mỹ có rất nhiều quả bí ngô to, tiện lợi để đục hình mặt người nên họ đã coi bí ngô là loại quả lý tưởng để làm đèn Jack O’Lantern.


Đến nay, có rất nhiều biến thể khác nhau về câu chuyện quả bí ngô trong ngày lễ Halloween. Tuy nhiên, tất cả đều xoay quanh một ý nghĩa rằng chiếc đèn này sẽ giúp con người tránh khỏi tà ma và sự xâm nhập của quỷ dữ.


(Sưu tầm trên mạng.)

Wednesday, October 28, 2020

THƯ GỬI HỌC SINH CỦA THẦY HIỆU TRƯỞNG MỘT TRƯỜNG HỌC VÙNG LŨ HUYỆN QUẢNG NINH - QUẢNG BÌNH (nên đọc)

 





Thân gửi các em học sinh!
Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở - dù không còn nhiều để xếp - chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng "dở chứng", mình có thể làm một cuốc "bộ hành" giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn "hốt-dùm-tui-đi", và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường QuảngNinh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để "learn by heart" mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt, và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!
Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như học trò của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được "mốt" hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé!
Ngày mai và nhiều ngày tới nữa, các nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã "hứa" với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được, nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các Bác, các O, các Chú, các Anh Chị Em, và đặc biệt từ các bạn Học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10k, 20k... Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và Trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho-nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ!
Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!
Chào mừng các em Học sinh trở lại
Yêu và thương các em thật nhiều!
💗💗💗
Thầy giáo làng của các em.
27.10.2020
Facebook: Hà Quý
Ảnh sưu tầm: thầy cô và phụ huynh đang dọn dẹp bùn, chuẩn bị học lại.

Monday, October 19, 2020

Máu sam biển – nguồn lợi sẵn có tại Việt Nam có giá ngàn đô

 



Máu sam biển – nguồn lợi sẵn có tại Việt Nam có giá ngàn đô


Nhắc đến Sam biển, nhiều người chỉ biết đó là một trong những món hải sản độc đáo và khá kỳ công trong việc chế biến. Nếu để thưởng thức thì giá của loại hải sản này không đắt đỏ, thế nhưng máu Sam lại có giá trị rất lớn, nhất là trong lĩnh vực y tế với những công dụng tuyệt vời.


Sam biển (Cua móng ngựa) là một loài động vật chân đốt thuộc họ Limilidae. Tồn tại trên Trái Đất từ cách đây 450 triệu năm, loài cua này còn được mệnh danh là những hóa thạch sống. Máu của chúng có màu xanh da trời. 


Và có thể bạn chưa biết, thứ chất lỏng đó là một trong những nguồn tài nguyên đắt nhất thế giới. Mỗi lít máu cua móng ngựa có giá khoảng 16.000 USD, tương đương 370 triệu VNĐ. Nhưng tại sao nó lại đắt đến vậy?


Thứ làm nên màu xanh trong máu cua móng ngựa chính là đồng. Nhưng bạn không thể khai thác đồng trong một lít máu mà lãi tới hơn 370 triệu được.


Hợp chất đắt giá nhất mà những con cua móng ngựa nắm giữ trong máu mình là Limulus amebocyte lysate (LAL), chất đông máu duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ bắt buộc sử dụng cho các thử nghiệm độ an toàn của vắc-xin.


Trước khi biết đến LAL, các nhà khoa học không hề có cách nào để biết vắc-xin họ sản xuất ra, hoặc các dụng cụ y tế mà họ đang sử dụng, có bị nhiễm khuẩn hay không. Để kiểm tra điều đó, họ phải tiêm trước vắc-xin vào những con thỏ, và chờ đợi xem chúng sống chết ra sao, có xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng hay không.


Cho đến năm 1970, phát hiện về LAL đã thay đổi toàn bộ quy trình thử nghiệm đó. Một nhà khoa học bây giờ chỉ cần nhỏ một lượng cực nhỏ LAL vào vắc-xin hoặc dụng cụ y tế. Nếu vi khuẩn gram âm xuất hiện trong đó, LAL sẽ bao chúng lại bằng một cái kén thạch nhìn thấy được.


Mặc dù kén thạch này không tiêu diệt vi khuẩn, nhưng nó là hoạt động như một chiếc chuông báo cháy. LAL thông báo cho chúng ta biết về sự hiện diện của mầm bệnh, về khả năng nhiễm trùng có thể gây tử vong nếu vẫn sử dụng vắc-xin hoặc dụng cụ y tế nhiễm khuẩn.


Với tính chất đặc biệt ấy, FDA yêu cầu mọi công ty dược phẩm phải kiểm tra vắc-xin của mình với LAL trước khi đưa ra thị trường. Để có được lượng LAL cần thiết, mỗi năm Hoa Kỳ phải bắt tới 600.000 con cua móng ngựa.


Chúng được đưa vào nhà máy, trích 30% máu sau đó thả trở lại tự nhiên. Chuyến ghé thăm hiến máu cho con người kéo dài từ 24-72 tiếng đồng hồ. Và không phải con cua nào cũng có thể sống sót sau thủ thuật khắc nghiệt ấy.


Có khoảng 30% số lượng cua sẽ chết ngay trong quá trình rút máu. Trong khoảng vài ngày sau đó, sẽ lại có từ 10-25% cua móng ngựa tiếp tục chết vì thiếu máu. Ngay cả khi sống sót, những con cua này nhiều khả năng cũng gặp vấn đề trong việc xác định phương hướng hoặc sinh sản.


Chỉ có những con cua móng ngựa sống trên 2 tuần sau khi mất máu mới có thể hồi phục và tiếp tục sống khỏe mạnh sau đó.


Các nhà khoa học biết nguồn tài nguyên từ máu cua móng ngựa rất quan trọng đối với ngành dược phẩm. Bởi vậy, hoạt động bảo tồn loài cua này rất được chú trọng.


Con người cần bảo tồn cua móng ngựa, nếu không muốn mất đi một nguồn tài nguyên quan trọng


Khai thác máu cua móng ngựa trong hàng thập kỷ đã khiến quần thể loài sinh vật này giảm sút. Trong 40 năm tới, các nhà khoa học ước tính một lượng 30% cua móng ngựa sẽ biến mất.


Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã buộc Mỹ đưa loài cua này vào sách đỏ. Nhiều nhóm vận động bảo đang kêu gọi ngành dược phẩm đối xử nhân đạo với những con cua, trong khi đó, cấm hoàn toàn việc sử dụng loài cua này làm mồi câu cá.


Với những động thái này, quần thể cua móng ngựa ở Nam Carolina đang có dấu hiệu hồi phục trở lại. Bảo vệ loài cua cổ xưa chính là bảo vệ sự an toàn cho những liều vắc-xin của chúng ta.


Từ fb Chau Nguyen Thi

Wednesday, October 14, 2020

CON NUÔI



Cô giáo dạy lớp một Debbie Moon đang thảo luận với các em học sinh về bức tranh vẽ một gia đình. Trong tranh, một cậu bé có màu tóc khác hẳn với màu tóc của các thành viên còn lại trong gia đình.


Một học sinh nhận xét cậu bé đó là con nuôi và cô bé Jocelynn Jay lên tiếng phát biểu:


“Mình biết rất rõ về con nuôi vì mình cũng là con nuôi mà.”


“Thế con nuôi có nghĩa là gì?” một học sinh khác hỏi.


“Con nuôi có nghĩa là thay vì bạn được sinh ra từ trong bụng mẹ, thì bạn được nuôi dưỡng và lớn lên từ trong trái tim của mẹ.” Jocelynn kiêu hãnh trả lời.