Wednesday, August 12, 2020

CHUYỆN HỒNG KÔNG, QUA NAY

(Nguồn: nhà báo Vũ Kim Hạnh)

Theo Bloomberg, giờ đây, những người ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông không còn chiếm đóng các trung tâm thương mại và diễu hành hàng trăm nghìn người khắp đường phố mà có vẻ là họ đã có một vũ khí phản đối mới...

VŨ KHÍ CHỨNG KHOÁN ?
Thực tế là hai hôm nay, họ đã sử dụng tài khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán của họ.
Mức tăng kỷ lục các giao dịch chứng khoán hầu hết có qui mô siêu nhỏ, được tổ chức thông qua các diễn đàn trực tuyến.
Hiện nay ông Lai nắm giữ 71% của công ty Next Digital và chỉ một ngày sau khi ông bị bắt, giá thị trường của công ty đã tăng hơn 2,6 tỷ đô la Hồng Kông (335 triệu USD). Báo cáo của công ty gửi lên sàn giao dịch chứng khoán HK vào cuối giờ chiều nay, thứ ba 11/8, là họ “không biết vì bất kỳ lý do nào” khiến khối lượng và giá tăng đột biến. Cổ phiếu của CT này được giao dịch nhiều thứ ba tại Hồng Kông vào sáng thứ Ba sau các công ty internet Tencent Holdings Ltd. và Meituan Dianping.
Những người ủng hộ ông Lai cũng đang tìm những cách khác để thể hiện sự đoàn kết. Người dân xếp hàng dài để mua tờ báo hàng đầu Apple Daily của ông mà lương in đột xuất tăng từ 70.000 lên 550.000.
Trên các diễn đàn trực tuyến lớn như LIHKG, nhiều áp phích kêu gọi mọi người tiếp tục mua cổ phiếu cũng như mua báo Apple Daily. Một bài đăng trên báo điện tử Next Digital đã có hơn 15 trang bình luận của độc giả, tính đến sáng thứ Ba. Công ty Next Digital cho biết, dự kiến là các sự cố bắt bớ lãnh đạo sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực nghiêm trọng nào đến hoạt động hàng ngày của tập đoàn
Theo Stevan Tam, giám đốc nghiên cứu tại Fulbright Securities Ltd thì tin đồn là ông Lai sẽ phải bán công ty cũng đang giúp tăng lượng mua và giá cổ phiếu. Ông này khuyên: “Các nhà đầu tư nên tránh cổ phiếu này vì có nhiều rủi ro đảo chiều. “Tôi dự đoán sự gia tăng sẽ kết thúc sau một hoặc hai ngày. Đây chỉ là một trường hợp cá nhân và tôi không thấy thị trường chứng khoán của Hồng Kông ngày càng bị chính trị hóa. "
Dù sao, có vẻ cư dân HK đã sử dụng đúng “năng lực cốt lõi” của mình, thành viên của một trung tâm tài chính. Điều đó đã khiến một số người không hài lòng. Mei Xinyu, một bỉnh bút và blogger chuyên về tài chính, kinh doanh với 1,3 triệu người theo dõi trên Weibo, bình luận: việc mua cổ phiếu có thể nhằm "dàn dựng một cuộc biểu tình" chống lại chính phủ. Ông kêu gọi nhà điều hành thị trường chứng khoán của Hồng Kông hành động, ngăn chận những kẻ thao túng, đặc biệt là những kẻ có động cơ chính trị!”
Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông từ chối bình luận.

CÙNG LÀ JOSHUA ...
Nhà báo Ricky Hồ, chuyên bình luận "Thông tin thị trường" trên BSAonline hàng ngày và "Đi chợ thế giới" trên youtube, vùa có một phát hiện tinh nghịch về hai thanh niên Hồng Kông cùng tên Joshua. Anh kể:
Tung tích của Joshua Lam (林約希) – con trai của đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (林鄭月娥) – đang được cả Hong Kong theo dõi, với sự hiếu kỳ và cả chế nhạo.
Sau khi bà Carrie Lam đứng đầu danh sách bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt, thì Joshua Lam, cậu sinh viên khoa Toán Đại học danh giá Harvard con trai bà ra sao?
Joshua biến mất khỏi căn hộ của cậu ta ở Boston, Massachusetts hồi cuối tháng 7/2020. Bạn cùng nhà đã liên lạc hỏi bà chủ nhà vào ngày 25/7 thì bà này cho biết: “không liên lạc được do máy cài đặt chế độ hạn chế”. Hai ngày sau, người bạn cùng nhà nói với bà chủ nhà rằng Joshua cũng đã rời Hong Kong. Bà chủ liền email cho Joshua lần nữa thì Joshua trả lời rằng: “Tôi sẽ thuê nguyên căn hộ từ 1/9/2020 đến 31/8/2021. Vui lòng gửi hợp đồng để tôi ký”. Thì gửi. Nhưng cho đến ngày 7/8/2020, Joshua vẫn chưa ký và không gửi thêm email nào.
Một App hẹn hò đã tiết lộ tung tích của Joshua: Hôm 30/7, một người thấy Joshua ở cách khu Vượng Giác (Mong Kok) 81 cây số, có nghĩa, Joshua đang ở Hong Kong hoặc Macao, hoặc Thẩm Quyến hay Chu Hải – tờ Apple Daily phán đoán.
Còn một Joshua khác, trớ trêu thay cũng trùng tên Joshua, là chàng trai nổi tiếng của phong trào dân chủ, Joshua Wong thì ngay sau khi Chu Đình, cô bạn thân cùng tranh đấu vừa bị bắt, anh đã xuất hiện trong một video với lời lẽ ôn hòa mà kiên định: “tình hình Hồng Kông lúc này là cấp bách nhất. Tôi hi vọng đây không phải là video cuối cùng của tôi trước khi bị bắt. Nhưng dù có điều gì xảy ra, là một người Hồng Kông, tôi yêu quí Hồng Kông vô cùng, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu theo cam kết của mình cho nền dân chủ của Hồng Kông”. Anh không cài chế độ hạn chế liên lạc và biến mất bí ẩn như thiếu gia đẻ bọc điều Joshua Lam...


Image may contain: one or more people

Monday, August 10, 2020

Lạy, không phải cong lưng nằm sấp, mà là buông xả ngạo mạn

"1. Lạy, không phải cong lưng nằm sấp, mà là buông xả ngạo mạn. 
2. Niệm, không phải tính toán số lần, mà là thanh tịnh thân tâm. 
3. Xá, không chỉ chấp tay vái chào, mà là cung kính đối phương. 
4. Định, không phải ngồi yên bất động, mà là ngoài tâm vô vật. 
5. Hỷ, không chỉ nét mặt vui tươi, mà là thân tâm thư thái. 
6. Tu, không chỉ buông bỏ dục vọng, mà là tâm không ích kỷ. 
7. Thí, không phải từ bỏ tất cả, mà là chia sẻ từ bi. 
8. Học Phật, không phải tích lũy tri thức, mà là thực hành vô ngã". 






Mổ xẻ nguy cơ “xung đột ủy nhiệm” ở châu Á từ sức nóng cạnh tranh Mỹ-Trung

VOV.VN - Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc dần chuyển hướng sự cạnh tranh địa chính trị sang châu Á, giới phân tích lo ngại nguy cơ về một cuộc "xung đột ủy nhiệm".
Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào thời kỳ đối đầu trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề thương mại, dịch Covid-19, tình hình Hong Kong và mới đây nhất là hành động đóng cửa các lãnh sự quán của nhau. Theo giới phân tích những diễn biến này mới chỉ là màn khởi đầu của một cuộc xung đột nhiều khả năng sẽ còn trở nên tồi tệ hơn, ít nhất cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2020. Nhiều ý kiến lo ngại, cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tác động đến tình hình địa chính trị châu Á, làm dấy lên nguy cơ nổ ra một cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực.
mo xe nguy co "xung dot uy nhiem" o chau a tu suc nong canh tranh my-trung hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AP).
Đã 3 thập kỷ trôi qua kể từ khi chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân, kết thúc. Chúng ta có xu hướng nhìn lại với sự lạc quan rằng một cuộc xung đột hạt nhân cuối cùng đã không xảy ra, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc quan hệ giữa Mỹ và các nước được coi là đối thủ của Washington có chiều hướng giảm căng thẳng. 
Sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, đặc biệt trong thời đại hiện nay, có xu hướng thể hiện trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Trong thế kỷ 21, chiến tranh ủy nhiệm được cho là công cụ thực hiện tham vọng của các nước mong muốn mở rộng ảnh hưởng. Đây là điều thấy rõ trong các cuộc xung đột tại Libya, Syria và Yemen ở Trung Đông và Bắc Phi.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang dần chuyển hướng sự cạnh tranh địa chính trị sang châu Á, câu hỏi đặt ra là liệu có xảy ra nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực? Và nếu đó không phải là một cuộc chiến tranh trực tiếp thì “điểm nóng” nào tại châu Á có thể biến thành xung đột ủy nhiệm giữa hai cường quốc.
Biển Đông - khu vực đáng lo ngại
Giới phân tích cho rằng, địa điểm có nguy cơ cao nhất xảy ra đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia là Biển Đông, nơi Mỹ đang kêu gọi đồng minh và các nước ở Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền phản đối quyết liệt hơn các yêu sách hàng hải phi pháp cũng như hành động gây hấn của Trung Quốc.
Kể từ đầu năm đến nay, hải quân Mỹ đã tiến hành 6 hoạt động “tự do hàng hải” ở Biển Đông. Các hoạt động này ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ, với sự góp mặt của các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 2 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Chưa hết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông cho rằng chúng không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, một động thái mà các nhà phân tích quốc phòng coi là khúc dạo đầu cho những hoạt động quân sự quyết đoán hơn trong khu vực.
Xung đột có chủ ý nhiều khả năng không diễn ra, nhưng điều khiến các chuyên gia và giới chức hai nước lo ngại là nguy cơ xảy ra sự cố ngoài ý muốn xuất phát từ một vụ va chạm tình cờ.
Có hai rủi ro liên quan: thứ nhất, sức ép từ hai cường quốc đối với các nước trong khu vực để hình thành một liên minh gắn kết hơn, sẽ khiến cho các hành vi trở nên khó dự đoán hơn trong bối cảnh các bên không muốn để lộ ý định thực sự của họ; thứ hai, sự xấu đi trong quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như việc thiếu các kênh đối thoại để giảm căng thẳng sẽ khiến các bên không thể hiểu nhau. Do đó, nếu một trong hai bên tính toán sai lầm, hậu quả sẽ khó lường.
Với việc hệ thống liên lạc giữa các cơ sở quân sự của Mỹ và Trung Quốc rất ít khi được sử dụng, các chuyên gia lo ngại nếu một sự cố xảy ra trên biển liên quan tàu hải quân hoặc máy bay chiến đấu, tình hình sẽ nhanh chóng leo thang và dẫn đến một cuộc xung đột khó có thể ngăn chặn, khi xét đến các động lực chính trị của cả Bắc Kinh và Washington.
Sức nóng trên lĩnh vực kinh tế
Nhưng ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc tìm cách tránh đụng độ trực tiếp trên Biển Đông, hai bên vẫn có thể rơi vào cuộc xung đột ủy nhiệm trên các lĩnh vực khác, trong đó có kinh tế.
Ngoài Biển Đông, sông Mekong cũng đang trở thành điểm nóng mới trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Con sông này dài 4.880 km, đứng thứ 7 châu Á, cung cấp nước và phù sa cho các vựa lúa lớn trong khu vực, cung cấp kế sinh nhai cho hơn 100 triệu dân.
Vào năm 2015, Trung Quốc thành lập Diễn đàn hợp tác Mekong-Lan Thương. Sử dụng vốn viện trợ, đầu tư và ngoài giao, Bắc Kinh đã thúc đẩy các nước dọc sông Mekong tham gia vào các dự án phát triển chung.
Trước đó vào năm 2009, Mỹ khởi xướng Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI), sử dụng nguồn vốn từ Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ để tài trợ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật và phát triển cơ sở hạ tầng. Vào năm 2019, Mỹ đã tăng cường vốn ủng hộ cho LMI, kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản cung cấp  hỗ trợ về tài chính.
Khi mâu thuẫn ngày càng gia tăng, các đại sứ quán của Mỹ và Trung Quốc đã trở thành “tiền đồn” cho cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước. Đại sứ quán Mỹ ở Yangon cho rằng các dự án của Bắc Kinh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và đặc khu kinh tế tại Myanmar là “bẫy nợ” và “mang lại lợi ích cho Trung Quốc nhiều hơn Myanmar”. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Yangon cáo buộc Mỹ “bôi nhọ” Trung Quốc, cho rằng Washington đang “thực hiện những điều xấu xa” để kiềm chế Bắc Kinh.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có hồi kết, Mỹ đang gây sức ép để nhiều quốc gia từ chối đầu tư và công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có cơ hội thúc đẩy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển khác khi chính phủ nhiều nước mong muốn phục hồi kinh tế và tìm kiếm sự hợp tác sau đại dịch Covid-19.
Châu Á đảm nhiệm vai trò “trung gian hòa giải”
Trung Quốc không chỉ là một nhân tố chính trong nền kinh tế toàn cầu mà còn là đối tác thương mại và thị trường chính của hầu hết châu Á. Trong khi Mỹ cũng có nhiều lợi ích chiến lược trong khu vực. Theo giới phân tích, thời gian tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tìm cách gia tăng ảnh hưởng khi nhiều quốc gia đang phải gồng mình đối phó dịch bệnh.
Vẫn chưa rõ chiến tranh hoặc xung đột ủy nhiệm sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho Mỹ và Trung Quốc, song nếu xảy ra chắc chắn sẽ đe dọa sự ổn định của châu Á.
Các nước trong khu vực có thể ngăn chặn nguy cơ này bằng cách chống lại những áp lực buộc phải chọn phe trong tranh chấp, cũng như tạo ra một cơ chế cân bằng có hiệu quả giữa hai cường quốc.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên hoạt động như một tổ chức “trung gian hòa giải”. Kế hoạch này có thể thực hiện được nếu như các nước khác như Canada, Australia và Nhật Bản đứng sau những nỗ lực đưa Washington và Bắc Kinh vào một diễn đàn đa phương để ngăn chặn đà leo thang xung đột./.


Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo SCMP

Vì sao streamer Ninja từ chối lời đề nghị ‘béo bở’ 60 triệu USD của Facebook?

Hôm nay, Mixer của Microsoft đã chính thức đóng cửa , theo sau là sự ra đi của những cái tên đình đám như Ninja hay Shroud. Đây là những streamer làm việc độc quyền cho nền tảng livestream này theo thỏa thuận trị giá tới hàng chục triệu đô la, với Ninja là 30 triệu USD còn Shroud là 10 triệu USD.

Ngay lập tức, Ninja đã nhận được lời đề nghị béo bở từ Facebook với giá trị hợp đồng gấp đôi con số cũ mà Mixer trả cho streamer 29 tuổi này. Cơ sở nào để anh chàng game thủ người Mỹ này từ chối con số mơ ước của rất nhiều streamer trên toàn thế giới này?

Vì sao streamer Ninja từ chối lời đề nghị ‘béo bở’ 60 triệu USD của Facebook? - Ảnh 1.

Ninja là streamer nổi tiếng nhất thế giới

PewDiePie vẫn đang là YouTuber nổi tiếng nhất thế giới với 105 triệu người đăng ký theo dõi kênh YouTube, ở sân chơi livestream, Ninja đang là ông vua không ngai. Trong khi PewDiePie chủ yếu chơi các video game gây cười thì Ninja lại phô diễn kỹ năng đỉnh cao ở những game mang tính eSports như Halo, H1Z1, Fortnite, PUBG hay Valorant…

Ninja đã có 14 triệu người theo dõi trên Twitch, con số lớn nhất trên nền tảng livestream này, trước khi đầu quân cho Mixer theo một bản hợp đồng độc quyền trị giá 30 triệu USD. Trước đó, năm 2018, Ninja từng tiết lộ với trang CNN rằng mình kiếm được 10 triệu USD bằng việc hợp tác với game sinh tồn Fortnite. Đến năm 2019, tạp chí Forbes ước tính thu nhập của Ninja là 17 triệu USD, cao hơn PewDiePie người kiếm được chỉ 15 triệu USD trong cùng thời điểm.

Điều đó có nghĩa là giá trị thương hiệu của Ninja khi được quy đổi từ lượng người xem đang cao hơn PewDiePie. Con số 60 triệu USD mà Facebook đưa ra là hoàn toàn có cơ sở, nhưng nó không đủ hấp dẫn đến thế, trong bối cảnh các nhãn hàng ngày càng chi nhiều cho quảng cáo online của các KOLs thay vì các hình thức quảng cáo offline truyền thống.

Từ chối lời đề nghị của Facebook cũng đồng nghĩa với việc Ninja sẽ để ngỏ cơ hội hợp tác với những nền tảng khác hay thậm chí là tái hợp với Twitch.

Nhưng ngay cả khi không có hợp đồng livestream nào, Ninja vẫn đang quảng bá cho các thương hiệu như Red Bull hay Adidas và vận hành thương hiệu Team Ninja của riêng mình, song song với việc streaming tự do trên YouTube.

Facebook Gaming không phải ưu tiên số 1

Facebook đã có chiến lược chóng vánh với những bước đi khôn ngoan ở khu vực Đông Nam Á, thu hút được lượng người xem gia tăng mạnh mẽ nhờ sự ra đời của nền tảng Facebook Gaming. Nhưng ở Bắc Mỹ, câu chuyện của Facebook Gaming khó khăn hơn rất nhiều.

Bản thân Facebook vẫn còn đang phải vất vả cạnh tranh với Twitter. Đối với thị trường livestream, không cái tên nào qua mặt được Twitch của Amazon, nếu như lựa chọn video giải trí đã có YouTube của Google.

Vì sao streamer Ninja từ chối lời đề nghị ‘béo bở’ 60 triệu USD của Facebook? - Ảnh 2.

Việc Facebook đối mặt làn sóng tẩy chay ở Mỹ là rào cản lớn với các streamer muốn phát triển thương hiệu dựa trên nền tảng này

Chống lưng cho những cái tên kể trên đều là những ông lớn trong lĩnh vực công nghệ, điều khiến cho Facebook Gaming gặp rất nhiều khó khăn để chiếm lĩnh thị phần như ở khu vực Đông Nam Á. Chưa kể, Facebook cũng đang gặp vấn đề nghiêm trọng khi đối diện làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ những nhãn hàng, thương hiệu lớn ở Mỹ như Unilever, Cocacola, Verizon trong một chiến dịch có tên gọi #StopHateForProfit.

Việc Facebook bị tẩy chay và Facebook Gaming chưa đủ lớn mạnh ở Bắc Mỹ khiến cho Ninja thừa khôn ngoan để hiểu rằng hợp tác độc quyền có thể là một bước lùi nghiêm trọng.

Ninja không muốn sự ràng buộc

Các streamer khi lựa chọn một nền tảng hợp tác thường rất thích một bản hợp đồng có thời hạn nhiều năm, để có thể đảm bảo một tương lai lâu dài cho họ. Ninja cũng từng có suy nghĩ như vậy khi mới bước chân vào nghề, nhưng khi trở nên nổi tiếng, cách nghĩ này đã thay đổi.

Hợp đồng độc quyền nhiều năm như một sự trói chân khiến Ninja không thể và không có thời gian phát triển thương hiệu riêng. Trường hợp của Facebook, lời đề nghị 60 triệu USD cũng đồng nghĩa với việc nền tảng này tin rằng có thể tạo ra giá trị lớn gấp nhiều lần số tiền sẽ bỏ ra cho Ninja.

Vì sao streamer Ninja từ chối lời đề nghị ‘béo bở’ 60 triệu USD của Facebook? - Ảnh 3.

Ninja đang vận hành một thương hiệu quần áo phụ kiện của riêng mình.

Cái lắc đầu từ chối của Ninja không chỉ có ý nghĩa giúp nâng giá trị thương hiệu bản thân, nó còn giúp anh thu về một khoản ‘tiền tươi thóc thật’ ngay lập tức. Theo thỏa thuận giữa Microsoft và Facebook, Facebook Gaming sẽ tiếp nhận và chi trả toàn bộ số tiền dựa trên thỏa thuận cũ giữa Mixer và các nhà sáng tạo nội dung, tức các streamer. Nếu các streamer này đồng ý chuyển sang Facebook Gaming, Mixer sẽ phải trả toàn bộ nếu điều ngược lại xảy ra.

Trong trường hợp này, Ninja đã nhận được đầy đủ số tiền 30 triệu USD từ Mixer ngay khi nền tảng này chấm dứt hoạt động, mà không phải chờ ký một bản hợp đồng mới và tiền ràng buộc từ Facebook. Dòng tiền dương 30 triệu USD lúc này là một số vốn quan trọng nếu Ninja muốn tranh thủ khoảng thời gian người Mỹ ở nhà chơi game nhiều hơn vì cách ly xã hội thời covid-19 để mở rộng thương hiệu.

Source: kenhtingame


Ý nghĩa ngày Rằm tháng Bảy,


Rằm tháng bảy, nhân gian Việt Nam vẫn thường gọi là ngày xá tội vong nhân. Ngày Rằm tháng bảy có nhiều ý nghĩa:
Thứ nhất, ngày Phật hoan hỷ
Ngày Rằm tháng bảy gọi là ngày đức Phật hoan hỷ, bởi lẽ trong thất chúng đệ tử của Phật, chúng tỷ-kheo là chúng đệ tử gần gũi nhất, thừa đương phật pháp để truyền bá giáo hóa chúng sanh, mang hình dáng của Phật làm gương mẫu ở thế gian; ba tháng an cư kiết hạ của chư tăng kết thúc vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch. Thông thường, khi chư tăng thọ giới pháp xong là tu niệm, nhưng vì phật sự đa đoan nên sự tu niệm ấy không được chuyên cần bằng ba tháng an cư.
Theo luật Phật chế, trong ba tháng an cư, chúng tỷ-kheo phải cấm túc ở yên, hạn chế tối đa sự đi lại. Một là vì phong thổ Ấn Độ lúc bấy giờ mùa hạ là mùa mưa, , có các loài côn trùng sinh sản ra rất nhiều, mà chúng tăng đi khất thực sẽ dẫm đạp lên nhiều loại côn trùng, làm tổn thương đến lòng từ bi tế vật.
Thứ hai là, chúng tăng đi khất thực thì y, áo, bình bát bị thấm ướt, mất trang nghiêm, thế gian có phần chê trách.
Thứ ba, đức Phật dạy chúng Tỷ-kheo trong ba tháng mùa mưa, phải cấm túc an cư hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống chung, thanh tịnh, hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trên con đường đạo hạnh. Cho nên, một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên mãn, thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư, đức Phật vui mừng lắm, cho nên ngày kết thúc này được gọi là ngày Phật vui mừng.
Thứ hai, ngày Tăng tự tứ
Ngày Tự tứ là ngày chúng tăng sau ba tháng an cư tu tập, nghĩ rằng: “Tuy mình đã gắng tu như thế, nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên khi tròn ba tháng (Rằm tháng Bảy), cùng nhau tập trung lại, cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó phải phát lộ sám hối”. Đó là một việc hết sức đặc biệt trong ngày tự tứ.
Thông thường, mỗi khi một người có lỗi lầm là tìm cách né tránh, tìm cách che dấu kẻo sợ người khác biết thì xấu hổ, hoặc sợ nếu họ biết lỗi của mình thì lần sau mình không làm lại được nữa, cho nên thường thường là che dấu, không được bộc lộ; trừ khi có ai hỏi đến, kẹt lắm mới nói tới có phạm, có vấp lỗi nọ lỗi kia; hoặc giả, có phát lộ sám hối chăng thì cũng phát lộ âm thầm trước ngôi Tam Bảo, chớ ít khi công khai nhờ người khác chỉ lỗi cho mình ra giữa đại chúng.
Nhưng theo đạo Phật, ba tháng hạ an cư xong, đức Phật dạy hàng Tỷ kheo phải cầu người khác chỉ lỗi cho mình, nghĩa là không phải để người khác chỉ mà phải tự mình phải cầu người khác tự do chỉ cho, mình phải đối trước họ mà thưa: “Thưa Đại đức, ngày nay chúng Tăng tự tứ, tôi cũng tự tứ.
Tôi có điều gì sai phạm mà Đại đức thấy, nghe, hoặc nghi,xin Đại đức thương xót chỉ cho, nếu tôi thấy có phạm thì xin như pháp sám hối. Tôi không phàn nàn, không thắc mắc, và tôi không có oán trách chi Đại đức hết!”.
Đó chính là ý nghĩa mà mình phát tâm cầu mong được thanh tịnh, chứ không chút nào che dấu, thành tâm cầu xin người khác tự do nói lỗi cho mình, không e dè chi hết, nếu thấy có lỗi thì cứ chỉ cho. Đó là một thái độ rất cao thượng, cởi mở để làm cho mình sạch tội lỗi. Vì vậy, ngày đó gọi là ngày Tăng tự tứ. Tự tứ nghĩa là cầu người khác chỉ lỗi của mình ra, để cho mình biết mà sám hối.
Thứ ba, ngày Tăng thọ tuế
Thọ tuế nghĩa là nhận được tuổi. Theo thế gian, nếu cha mẹ sinh con ra đủ một năm (mười hai tháng) thì gọi là tròn một tuổi.
Nhưng theo luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật, không tính tuổi theo năm, tháng kiểu thế gian trên, mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiêt hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi.
Thí dụ: Vị nào an cư kiết hạ từ 15.4 đến 15.7 Âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ. Ai đã thọ cụ túc giới nhưng không an cư thì không tính tuổi hạ, còn ai kiết hạ an cư liên tục thì được tính nhiều tuổi hạ. Như chúng ta thường nghe ở các chùa khi đọc tiểu sử của một vị tăng nào viên tịch, thường nhắc đến tuổi đời và hạ lạp.
Thí dụ vị đó 80 tuổi đời và 60 hạ lạp, nghĩa là vị đó có tuổi cha mẹ sinh là 80 năm, còn tuổi đạo là 60 hạ lạp. Hạ lạp được tính vào ngày Rằm tự tứ sau khi đã tu hành tròn ba tháng hạ.
Thứ tư, ngày Xá tội vong nhân
Vu-lan là ngày cầu siêu độ cho tiền nhân quá cố của người con Phật. Tích Vu-lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của tôn giả Mục-kiền-liên. Tích này được chép trong kinh Vu-lan-bồn. Chữ Vu-lan phiên âm từ chữ Sanskrit (Phạn) là Ullambana. Người Trung Hoa dịch là Vu-lan-bồn và có nghĩa là giải đảo huyền, giải cái tội bị treo ngược. Câu trên ý nói rằng, những người nào tạo tội ác thì sẽ bị đọa vào nơi cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu sự thống khổ cùng cực giống như người bị treo ngược. Nghĩ đến công ơn cha mẹ, khi ngày Vu-lan đến, phật tử thường đem tâm chí thành, chí hiếu sắm sửa vật dụng cúng dường Tam bảo để cầu nguyện cùng với chư tăng sau ba tháng an cư chú nguyện cho tiền nhân, tiên vong của mình thoát khỏi cảnh khổ đau cùng cực y như giải tội bị treo ngược.
Như vậy, ngày Vu-lan là ngày mà phật tử chúng ta đền ơn đáp nghĩa bằng cách đến chùa cầu thỉnh chư tăng sau ba tháng an cư thanh tịnh, chú nguyện cho vong nhân của mình đang đọa đày trong cảnh tối tăm như cõi địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh được giải thoát khỏi đau khổ, đồng thời cầu nguyện cho tất cả tiền nhân của người khác cũng thoát khỏi tội khổ đau cùng cực như tôn giả Mục-kiền-liên đã làm khi cứu mẹ.
Như vậy, ở đây chúng ta báo hiếu cha mẹ bằng cách biết công ơn cha mẹ sâu dày như non cao bể cả, mà tiền nhân của chúng ta đã nhắc tới:
“Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông,
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”.
Tiền nhân chúng ta nói thiết tha lắm; “Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”, cốt ghi chín chữ cù lao là chúng ta có hiếu rồi. Nhưng báo hiếu cha mẹ bằng hình thức chưa đủ, mà còn phải báo hiếu bằng tinh thần.
Trong kinh, đức Phật dạy rằng: Cha mẹ chưa an trú trong chánh pháp thì làm sao giúp đỡ, dắt dẫn cha mẹ an trú trong Chánh pháp; cha mẹ chưa an trú trong điều Lành thì làm sao cho cha mẹ an trú trong điều Lành; cha mẹ chưa quy y Tam Bảo, thì nên đưa cha mẹ an trú trong quy y Tam Bảo.
Như vậy, cha mẹ không những hưởng được những phúc lạc vật chất bên ngoài mà còn hưởng được phúc lạc trong tâm hồn, giải thoát bớt phiền trược, xa lánh được thế gian chấp trước, vọng tưởng luân hồi sanh tử mà đức Phật đã nhắc nhở. Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu. Nên cổ đức có câu: “Phụ mẫu đắc ly trần, hiếu đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được giải thoát, lìa khỏi trần ai thì người con mới tròn hiếu đạo).
Là người phật tử, hãy ghi nhớ lời Phật dạy như vậy để hàng ngày tu niệm, hàng ngày hồi hướng công đức về cho tiên nhân của mình; nhất là trong ngày lễ Vu-lan, thành tâm chí kính, niệm Phật, tụng kinh, lạy Phât, cúng dường Tam bảo, cúng dường chư Tăng tự tứ, để cầu mong sự chú nguyện của chư Tăng cho tiên vong của mình thoát khỏi u đồ mà siêu sanh lạc quốc. Đó mới tạm gọi là con hiếu, là người phật tử thuần thành trong mùa báo hiếu vây.
.
Hòa thượng Thích Thiện Siêu