Friday, February 23, 2018

Kinh nghiệm khi đi chơi xuân

(Đọc ngẫm :) 


---
1. Khi đi chơi núi, hãy biết chờ vợ mình, hãy biết chờ người già yếu để cùng đi. Đừng cố chứng tỏ mình khỏe, mình có thể leo lên cao hơn mọi người. Mà hãy chứng tỏ mình biết hòa hợp và có lòng quan tâm đến người khác.
2. Khi nói chuyện với mọi người, đừng nghĩ người ta không hiểu nỗi mà cố giải thích. Mình hiểu thì thiên hạ cũng hiểu, họ còn thông minh và giỏi hơn mình gấp nhiều lần.
3. Nếu không có người hỏi thành thật thì đừng giảng pháp. Vì chánh pháp thì không cần tuyên truyền.
4. Đừng ham chụp hình mà hãy nhìn bằng mắt và rung động với cảnh với người. Đừng ham ghi âm mà hãy biết lắng nghe bằng tai và bằng tâm. Khi sử dụng âm nhạc thì nên biết rằng âm thanh tự nhiên của thiên nhiên hay hơn bất kỳ loại nhạc nào.
5. Khi học đạo thì hãy để vị thần linh trong người ông thầy dạy vị thần linh trong người người học trò. Đừng để phàm phu dạy phàm phu, nếu không sẽ bị thô bị trọc.
6. Đừng nghĩ xấu về bất kỳ ai và bất kỳ sự việc gì. Hãy tìm cho nó một nguyên nhân tốt, nếu mình muốn là người tu học. Để việc phán xét cho chính quyền và các cơ quan có chức năng. Nếu không sẽ mất vui đi mà cũng không giải quyết được việc gì.
7. Khi dùng thiền thì như nghệ thuật. Khi dùng tâm linh thì như chơi đùa. Đừng cường điệu mà yên lặng hòa vào cái trạng thái chung của tình huống.
8. Đừng qua mạng xã hội mà bình luận về chính trị tôn giáo và các việc khác. Vì các thông tin bạn đọc được đều không phản ảnh được khách quan sự thật. Đừng bình phẩm về môn tập khác, ông thầy khác và khả năng cao thấp của bạn mình.
9. Đừng vì giới mà mất trải nghiệm. Đừng ham đi nhiều nơi để chụp hình đưa lên mạng mà hãy dành thời gian cho sự trải nghiệm và cho sự rung động khi tương tác với sự vật. Đừng ham học pháp mà bỏ qua sự thú vị khi đi du lịch. Cũng đừng ham du lịch mà đánh mất niềm vui khi hành thiền tại các nơi linh địa. Vì như vậy thì sẽ bỏ phí các cảm nhận và trải nghiệm tâm linh độc đáo.
10. Khi hôn nhau bạn thường nhắm mắt. Vậy khi hợp nhất với thượng đế phi nhân cách ẩn tàng trong từng sự vật, bạn hãy dùng cái đằng sau các giác quan máu thịt.
>>>>
11.
Ta chơi ta ngủ trong rừng
Gió chơi nhưng lá ngập ngừng chưa rơi
Xuân chơi xuân tới la cà
Nấu trà, xuân đợi ông già tỉnh say
Hề hề. . . .

(FB Ba Gàn)

Saturday, February 3, 2018

Mấy chữ cho 2017

Những ngày giáp Tết, họp hành không nhiều, nhưng những việc linh tinh không tên và họp mặt/tổng kết/tất niên cứ như làm bốc hơi 7 ngày một cách nhanh chóng. Mới thấy thứ Hai, quay đầu nhìn lại, đã là thứ Sáu. Chiều qua lúc ra về, nghe "Tuần sau nữa là Tết rồi đó!".


Một năm, mọi thứ trôi qua, ngỡ chậm mà nhanh, cuốn đi tất cả buồn-vui-thương-giận; nhanh đến mức cái trí nhớ vanh vách ngày nào của bạn giờ bỗng thành ra thiếu sót, nhầm lẫn. Có bữa, ngồi lật quyển số tay hoặc nhắm mắt tua lại lịch công việc trong đầu, bạn cứ giật mình, nghĩ "có sót gì hông ta?!".


Mà làm sao đúng đủ được hết chứ! Vẫn luôn biết bên cạnh những gì tâm đắc, là những gì còn đau đáu. Bạn cho phép mình trải nghiệm nhiều hơn, bạn dấn thân hơn (đương nhiên bằng tất cả hiểu biết và kinh nghiệm sống mà mình có cho tới giờ). Bạn học từ sai lầm người khác và học từ sai lầm bản thân. Không ảo tưởng và cũng chẳng bi quan. Bạn tự nói với mình "Cuộc sống là như thế!…" Bạn dạy bạn rằng "Không biết với biết mà không nói rất khác xa nhau. Có những cái biết trong im lặng là những cái biết chết người!" và  “Có những điều người ta chỉ có thể hiểu được khi ở vào một độ tuổi nào đó thôi, trẻ hơn thì không thể.”


Trải qua những bi hài, lên xuống của cuộc sống đôi lúc bạn cũng dỗ mình rằng chính nỗi buồn chứ không phải niềm vui, mới là quan trọng. Nhờ nó mà người ta sống tốt hơn, Bạn hiểu được rằng sống là một bài học vô tận. Và cho dù ở chương nào của cuộc đời, người ta cũng phải học bằng cái tâm. 


Sáng nay, ngồi thư thản khuấy ly cafe, nhìn ra ngoài vườn, "dạ" một tiếng với Má là lát con sẽ tháo rèm đi giặt, lau nhà, rồi đi dọn dẹp lại hết mấy cái tủ trên phòng,  với tay lấy quyển sách mới mua, lật trang bìa, bạn viết lại "Không có con đường đưa đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường."

...

Gấp sách lại! Giờ thì đi lau nhà hoy!


:)


Thursday, February 1, 2018

Bốn nhà sư và ngọn nến

Ít nói chưa chắc đã thông minh nhưng thông minh thường ít nói.


Bốn nhà sư ngồi thiền với nhau một cách lặng lẽ, họ quyết định sẽ không mở lời trong vòng 2 tuần. Họ đốt một ngọn nến như một biểu tượng cho việc tu hành và bắt đầu. Vào đêm đầu tiên, ngọn nến chập chờn rồi phụt tắt.

Nhà sư đầu tiên: "Ôi không! Nến tắt rồi".

Nhà sư thứ hai: "Chúng ta không được phép trò chuyện!"

Nhà sư thứ ba: "Tại sao hai vị lại phá vỡ sự im lặng?"

Nhà sư thứ tư bật cười và nói: "Haha! Tôi là người duy nhất không mở miệng."

Một câu chuyện hết sức đơn giản, trong đó 95% nội dung hội thoại gói gọn trong 2 chủ đề:

1. Người nào đã mở miệng

2. Những thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bốn nhà sư

Nhà sư thứ nhất bị phân tâm bởi một biến cố bên ngoài (nến tắt) và cảm thấy mình buộc phải chỉ ra, trong khi chỉ việc lặng lẽ châm lại cây nến mà thôi.

Nhà sư thứ hai nhắc nhở mọi người về quy tắc đã bị phá vỡ, trong khi có thể tiếp tục giữ im lặng và thiền định.

Nhà sư thứ ba không thể kiềm chế và để cơn nóng giận bùng phát, trong khi có thể tiếp tục giữ bình tĩnh.

Nhà sư thứ tư đã bị cái tôi làm cho xao động, trong khi có thể ung dung tận hưởng sự chiến thắng trong yên lặng.


Điểm chung của cả bốn nhà sư chính là, họ chia sẻ suy nghĩ của bản thân mà không sàng lọc chúng. Không ai trong số họ bổ sung bất cứ điều gì để cải thiện tình hình. Nếu ở đó có nhà sư thứ năm khôn ngoan hơn chẳng hạn, anh ta sẽ giữ im lặng và tiếp tục thiền định.

Khi làm như vậy, mỗi người trong số bốn nhà sư kia sẽ tự nhận thấy thiếu sót của bản thân dù chưa lời nào phải thốt ra. Nói dài, nói dai dễ thành ra nói dại.

Bạn nói càng ít, bạn càng nghe được nhiều. Lắng nghe cũng chính là học tập.

Hơn nữa, khi không mở miệng nói chuyện, bạn có thời gian để quan sát, nhận định tình hình, đến khi phát hiện ra đúng thời điểm quan trọng cần phải cất lời. Chỉ nên nói gì đó khi lời nói của bạn đem lại ảnh hưởng tích cực, vì sự khôn ngoan được nuôi dưỡng trong im lặng.

Ít nói chưa chắc đã thông minh nhưng thông minh thường ít nói.

Dù câu chuyện này không thể giúp một kẻ khù khờ ngay lập tức trở nên thông minh xuất chúng, hy vọng bạn có thể học được điều gì đó có ích cho bản thân.

Theo Niklas Göke/Quora